Lạ mà quen canh củ sen khô mực
Ở Huế, củ sen có thể chế biến hàng chục món ăn từ bình dân đến “sang chảnh”.
Canh củ sen khô mực – món ngon, lạ miệng
Là vì (hay cũng có thể là nhờ) đi về Vinh Thanh (Phú Vang), thấy thấp thoáng những gương mặt nhễ nhãi mồ hôi, những đôi chân lấm lem bùn đất đang lúi húi sục sạo trên những cánh đồng sen đã cháy.
Là vì trưa trời đứng bóng, tấp đại vô quán cóc ven đường kiếm chút gì bỏ bụng, ngồi chưa ấm chỗ đã nghe tiếng xèo xèo, bất chợt một mùi hương vừa quen vừa lạ lần khần nơi cánh mũi. Tò mò xuống bếp, vài ba củ sen da màu đất bằng cổ tay trẻ con ngai ngái mùi bùn, mấy con mực khô xếp lẫn dăm miếng giò heo trắng hồng còn tong tỏng nước nơi góc bếp.
Video đang HOT
Chị chủ quán đậm người, miệng tươi roi rói: “Cái ni định để chiều nấu ăn cả nhà. Chừ tui làm một phần canh củ sen khô mực trước chú ăn cho nhanh. Trưa nắng, húp miếng canh là hạ hỏa liền”.
Canh mà có mực khô kể cũng lạ, ít nhất là với lữ khách quá bữa lỡ đường. Thì đây, củ sen chọn lấy củ thẳng, đừng quá to, rửa sạch, gọt vỏ, cắt thành từng khoanh dày độ nửa lóng tay; giò heo nhất thiết lấy phần chân trước, thịt chắc, thơm, đem cạo rửa sạch, chần qua nước sôi, ngâm qua nước lạnh, để ráo nước; mực khô không nhất thiết phải to, bề ngang chừng 3 ngón tay cũng được, nhưng phải dày, phải còn lớp phấn trắng phủ trên thân mực; đường phèn cứ lấy 1 cục, khi nấu nhớ lấy sợi chỉ ra.
Bắc nồi, phi hành, cho giò heo cùng ít bột nêm vào rồi đảo cho săn. Mực khô thích thì để nguyên con, không thì xé hai, xé ba, hoặc khứa hình ca rô khắp thân mực bỏ chung củ sen vào đảo tiếp. Lúc chờ nguyên liệu thấm gia vị, với lấy miếng gừng, nhỏ thôi, nhanh tay rửa, nhanh tay cạo bỏ lớp đất bám bên ngoài rồi trở ngang thân dao đập bẹp phát cho vào nồi. Đợi dầu sôi thêm lần nữa cho nước ngập nguyên liệu, vặn to lửa. Nước sôi, gia giảm gia vị vừa ăn, vặn nhỏ lửa rồi đậy nắp nồi, nhưng trước đó, đừng quên cục đường phèn lấp lóa đang chực chờ tận hiến cùng củ sen, cùng giò heo, khô mực.
Lúc chờ củ sen chín mềm mà không nát, giò heo rục mà không ngán, mực khô tiết hết những gì tinh túy sao bao ngày lặn hụp giữa biển khơi, thong thả ra vườn bứt nắm ngò gai – cái thứ rau mùi trồng ở đất màu mỡ lá to bằng 2 ngón tay, xanh mướt, dài gần chiếc đũa, ăn… chán òm, còn trồng ở đất cằn, lá dài lắm bằng ngón tay út nhưng chỉ cần hơi dập lá đã thấy thơm – rửa sạch, vò nhẹ rồi cắt đôi. Đợi nồi canh chín tới, múc ra tô, thả vài cọng ngò gai lên trên, bên cạnh là nồi cơm nghi ngút khói cùng chén nước mắm cốt sóng sánh ớt đỏ, xanh, là xong.
Khi đó, chỉ riêng việc người ăn vừa hít hà vừa sì sụp trước vị ngọt lành của canh, của sen, béo mà không ngậy của giò heo, thỉnh thoảng nghe tiếng nhóc nhách của mực khô thì người nấu cũng đã gật đầu mãn nguyện.
Thời điểm này củ sen ngoài chợ giá 30 ngàn đồng/kg, gia đình bốn người có thể nấu 3, 4 bữa. Giò heo không nói, mực khô thì quanh năm. Vấn đề là sen đã cuối mùa, những người đạp củ sen ở Vinh Thanh, Phú Lộc, Phong Điền năm thì mười họa mới được một vài giỏ để theo xe hàng ra chợ. Vậy nên tranh thủ mà mua, mà nấu, mà ăn. Bằng không ít ngày nữa thôi, có ra chợ lùng sục cũng chỉ nhận được cái lắc đầu cùng câu mùa sau/sang năm mới có.
Dị bản bún bò Huế
Tôi lại nhớ đến quán bún bò Huế "Sông Hương" ở đường Chiến Thắng ở Hà Nội, giữa thủ đô mà có quán bún bò Huế, của người Huế chính gốc ra bán, đầy đủ hương vị, cũng cay xè, đậm vị ruốc.
Bún bò được dán nhãn "Bún bò Huế" ở Quán Cẩm (TP.Huế)
Hôm rồi cùng bạn ra một tỉnh ở miền Bắc, đang lúc bụng đói, giữa cái mưa rét này thế mà kiếm thức ăn nhanh, ấm dạ xem ra cũng khó. Anh taxi dường như đoán được nỗi lòng của khách, giọng Nghệ sang sảng: "Hai bác lên em chở đi ăn bún bò Huế!". Nghe bún bò Huế, hai gã sáng mắt lên, thì đi coi có đúng "chất Huế khôn".
Hồ hởi, hai ông khách "trọ trẹ" gọi ngay hai tô bún bò Huế đặc biệt, không quên nhắc nhở cho nhiều ớt với rau sống. Nhân viên bưng ra hai tô bún to bự chảng. Nhìn tô bún càng thất vọng hơn, giữa bao la nước dùng trong vắt nổi lên một nắm bún trắng thêm khoanh giò heo và vài lát thịt bò nguội ngắt, chẳng màu mè, rau sống, chanh tỏi chi cả. Húp muỗng nước bún ông bạn lắc đầu bảo như nước luộc thịt. Chủ quán nhỏ nhẹ bày tỏ, xứ nhà em thì nổi với con lươn rồi, nhưng nhan nhản ra đây nên phải kiếm cái chi nỏ giống ai mà bán, ngó bộ chỉ có bún bò Huế nhà bác mà thiên hạ vô trong ăn ra đều khen nức nở...
Bạn tôi đổi giọng, "Chị cho mượn bếp với gia vị nghe. Tui nấu lại, cho chị coi nấu như răng!" Bà chủ quán như mở cờ trong bụng. Bạn tôi là một tay sành ăn nhưng đây là lần đầu thấy trổ tài bếp núc. Tay thì nấu và miệng ông cứ "thế này, thế này!...". Hắn gắp hết mấy miếng giò heo, mấy lát thịt bò nguội ngắt trong tô đem đi luộc lại, tay kia thì xắt hành lia lịa, đoạn đem bắt chảo phi hành, ớt bột, bún thì hắn chụng lại qua nước sôi "bún chi mà chua lòm ri!". Rồi bắc nồi nước, nêm nếm gia vị, "nấu bún bò Huế mà không có ruốc, có sả thì nấu làm chi!". Cũng bài bản, hắn xếp bún, giò heo, thịt bò vào tô, cũng múc nước dùng mới sôi nổi đầy váng dầu đỏ, thơm nức mũi, cũng rắc ít hành lá, ớt tươi lên! Tô bún chưa ăn, mới nhìn cũng ra dáng bún bò Huế ghê! Bà chủ chăm chú từ đầu đến cuối như để ghi nhớ mấy bước "ra oai" của ông khách khó tính. Cuối cùng cũng được ăn. "Chà! Cũng được hè! Nhưng thiêu thiếu cái gì đó?". "Đúng thôi!", hắn nói, "thiếu vị đậm đà của ruốc, vị chua của chanh, mùi thơm của sả, cái mát của rau sống đó! Tạm đã, có còn hơn không!". Hắn cười tít mắt: "Thiếu mấy khoản nớ, đố mụ chủ nấu được hàng "chính hiệu"!.
Ăn xong, tất nhiên khách cũng trả tiền như người khác, bà chủ đăm chiêu. Trên xe về khách sạn, bạn tôi bảo rằng các quán ăn như vậy nên chỉ để bảng hiệu "bún bò" thôi, chứ đừng tự ý điền thêm chữ"Huế" vô mà ốt dột. Ăn thứ "dị bản" như vậy, lỡ không vừa lòng đâm ra người sành ăn họ chê bai, đồ hiệu chính gốc lại mang tiếng.
Tôi lại nhớ đến quán bún bò Huế "Sông Hương" ở đường Chiến Thắng ở Hà Nội, giữa thủ đô mà có quán bún bò Huế, của người Huế chính gốc ra bán, đầy đủ hương vị, cũng cay xè, đậm vị ruốc. Chủ quán không sợ mất khách vì món Huế vốn ít hợp người Bắc, nhưng trái lại, vì quá chất Huế nên "Sông Hương" ăn nên làm ra, cứ vậy "hữu xạ tự nhiên hương!".
Ẩm thực Huế: Nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô Cố đô Huế chứa đựng trong mình nhiều di sản văn hóa đặc trưng nổi bật, đặc biệt tiêu biểu là văn hóa ẩm thực Huế với trên 1.700 món ăn, bao gồm ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian, ẩm thực chay. Không gian ẩm thực chay tại Lễ hội ẩm thực chay Huế 2019. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN) Đất Huế thơ...