‘Lá lành đùm lá rách’
Để trường vùng khó đủ đầy hơn trong năm học mới, thầy cô khu vực thuận lợi kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, sẻ chia sách giáo khoa, vở viết…
Những phần quà sẽ giúp học sinh vùng sâu, vùng xa bớt khó khăn hơn.
5 giờ sáng, đoàn chúng tôi xuất phát từ TP Kon Tum vượt hơn 120km lên xã Pờ Ê (huyện Kon Plông, Kon Tum) để đem sách giáo khoa, vở và những phần quà ý nghĩa đến với học sinh vùng khó.
Cô Trần Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Kon Tum), chia sẻ: Xã Pờ Ê là một trong những khu vực xa xôi và khó khăn. Bên cạnh đó, nơi đây vừa đạt chuẩn Nông thôn mới nên nhiều chế độ của học sinh bị cắt giảm. Thấu hiểu sự thiếu thốn của các em nên dịp hè, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết cho học sinh khi bước vào năm học mới. Còn hiện tại, chúng tôi chủ yếu kêu gọi hỗ trợ nhu yếu phẩm để giữ chân các em ở trường.
Chuyến đi này, cô Thủy cùng cô Bùi Thị Ngọc Thảo – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Kon Tum) đã gửi tặng 265 thùng mì tôm, 110 lít nước mắm, 50 lít dầu ăn, 60 túi bột ngọt. Bên cạnh đó, còn có 10 bộ sách giáo khoa lớp 3 và 650 cuốn vở cùng 110 cái mũ cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS xã Pờ Ê.
“Trong những chuyến công tác bản thân tôi đã chứng kiến nhiều khu vực, trường học vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Tôi hy vọng những phần quà này sẽ động viên, giúp các em bớt đi phần nào khó khăn trên hành trình đến trường. Đồng thời giúp nhà trường duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục. Tôi cũng mong sẽ có nhiều tấm lòng thiện nguyện đến với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số để các em vững bước đến trường”, cô Thủy chia sẻ.
Video đang HOT
Nhận được những phần quà thiết thực, ý nghĩa – thầy Lê Tấn Trường Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Pờ Ê rất vui mừng và xúc động. Thầy Trường Anh chia sẻ, học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn. Năm học vừa qua xã đạt chuẩn Nông thôn mới, kéo theo học sinh mất nhiều chế độ nên lại càng thiếu thốn. Do đó, những phần quà sẽ tiếp thêm động lực và giúp bữa ăn của học sinh đủ đầy hơn.
Dịp hè năm nay, cô Nguyễn Thị Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum) đã kêu gọi, hỗ trợ hơn 1.000 cuốn sách giáo khoa lớp 1, 2, 4, 5, 8 và 9 cùng quần áo cho học sinh dân tộc thiểu số.
“Không chỉ ở các huyện vùng sâu, vùng xa ngay tại TP Kon Tum cũng có nhiều trường khó khăn, đông học sinh dân tộc thiểu số. Do đó, tôi đã kêu gọi bạn bè chung tay hỗ trợ để học sinh có đủ sách giáo khoa và phấn khởi hơn khi bước vào năm học mới. Điều này cũng giúp phụ huynh bớt khó khăn trong việc mua sắm sách vở, quần áo cho con em vào đầu năm học”, cô Hoàn bộc bạch.
Cô Trần Thị Thu Thủy (thứ 2 từ trái qua), Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cùng mạnh thường quân tặng sách giáo khoa cho học sinh xã Pờ Ê.
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái
Vào dịp hè, thầy Phạm Văn Tung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Đăk Ui (xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, Kon Tum) chủ động kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh. Đồng thời kết nối với các trường vùng thuận lợi ở trong và ngoài tỉnh sẻ chia, đảm bảo đủ sách cho học sinh khi đến trường.
“Nhận được sách giáo khoa từ những trường vùng thuận lợi hỗ trợ đơn vị thấy rất ấm lòng. Những cuốn sách này sẽ tiếp bước, khích lệ và mang lại niềm vui cho học sinh khi đến trường. Nhà trường rất cảm ơn các mạnh thường quân, trường học vùng thuận lợi đã quan tâm hỗ trợ, giúp các em bớt khó khăn. Sau này nếu học sinh của trường có điều kiện hơn thì đơn vị sẽ huy động để hỗ trợ, giúp đỡ lại những khu vực khó khăn”, thầy Tung tâm sự.
Những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích các trường thuận lợi sẻ chia sách giáo khoa cho trường khu vực khó khăn. Theo cô Y Sương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà vừa qua, một số trường ở trung tâm đã vận động học sinh, phụ huynh tập hợp sách giáo khoa cũ hỗ trợ cho trường khó khăn tại địa phương. Ngoài ra, các trường cũng chủ động kết nối với những đơn vị ở thành phố để nhận hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết… Nhờ vậy, học sinh đủ sách, dụng cụ học tập khi đến trường.
“Tôi rất mừng khi nhà trường, gia đình và xã hội quan tâm, đảm bảo sách vở cho học sinh. Thông qua đây, các trường cũng giáo dục học sinh phải biết sẻ chia với những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Qua việc san sẻ thì các em sẽ cùng nhau học tập, vươn lên trong cuộc sống”, cô Y Sương nói.
Để đảm bảo đủ sách giáo khoa, ngay từ khi kết thúc năm học 2021 – 2022, Phòng GD&ĐT TP Kon Tum đã tuyên truyền đến các trường tiếp tục duy trì, bổ sung tủ sách dùng chung tạo điều kiện cho học sinh khó khăn mượn học tập. Bên cạnh đó, các trường phối hợp cùng ban, ngành, đoàn thể địa phương, tăng cường thực hiện vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ, quyên góp sách. Đồng thời vận dụng nguồn kinh phí tiết kiệm từ ngân sách để bảo đảm đủ sách giáo khoa, vở và đồ dùng học tập cho học sinh trong năm học mới.
Theo thầy Thái Khắc Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT TP Kon Tum, trong dịp hè 2022, toàn ngành vận động được 3.811 bộ sách giáo khoa. Trong đó, cấp tiểu học 2.736 bộ, cấp THCS 1.075 bộ. Do đó, tất cả các trường học trực thuộc đều đảm bảo đủ sách giáo khoa, vở và đồ dùng học tập cho học sinh trước khi bước vào năm học mới. Thầy Hòa cho hay, sau khi ngành Giáo dục thành phố đảm bảo đủ sách giáo khoa, đơn vị đã sẻ chia cho các trường, học sinh ở vùng khó khăn.
Y Niêng, học sinh lớp 9 – Trường THCS xã Pờ Ê, cho biết, nhà em có 4 anh chị em. Tuy nhiên, do không có điều kiện nên anh chị phải nghỉ học để đỡ đần cha mẹ. “Nhận được những món quà, sách giáo khoa em thấy rất vui và xúc động. Em sẽ cố gắng học giỏi, trở thành giáo viên để quay về quê nhà giúp đỡ cho những em nhỏ khó khăn”, Y Niêng bộc bạch.
Việc kêu gọi, huy động sách giáo khoa được đơn vị tổ chức thường niên để đảm bảo tất cả học sinh đều có sách, vở và đồ dùng học tập khi đến trường. Đặc biệt là những em khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số. Qua đó, phát huy tinh thần tương thân, tương ái và giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như cuộc sống. Nhờ vậy, học sinh vùng thuận lợi có điều kiện giúp đỡ các bạn khó khăn, vùng ven đủ đầy hơn khi bước vào năm học mới. - Thầy Thái Khắc Hòa
Bao giờ hết 'nóng' chuyện lo lớp, lo trường?
Năm học mới 2022 - 2023 đã bắt đầu được 2 tuần, nhưng câu chuyện về những vất vả lo trường, tìm lớp cho con em dường như vẫn còn rất nóng trong câu chuyện của những người có con đang tuổi học sinh mầm non, phổ thông.
Người cảm thấy may mắn vì con đã có được chỗ học ở một trường mầm non, tiểu học, THCS công lập, người lại ở tâm trạng ngược lại.
Bởi thực tế, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để chọn trường dân lập (mà thực tế cũng không phải dễ dàng tìm chỗ học phù hợp). Rồi tình trạng lớp năm nào cũng có thêm học sinh mới, sĩ số cứ tăng dần theo từng năm học khiến mỗi người không khỏi thở dài.
Bởi nhìn ở các quận hiện nay, tình trạng các trường tiểu học sĩ số hơn 50 học sinh/lớp, thậm chí có nơi trên 60 em/lớp không còn là chuyện hiếm. Bàn kê san sát lên gần bục giảng, học sinh ngồi san sát bên nhau. Rồi cũng bởi thiếu phòng học 2 buổi/ngày, nên nhiều trường đang phải tổ chức cho học sinh học luân phiên cả vào ngày nghỉ cuối tuần.
Nhiều trường phải liên tục sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, tìm mọi không gian để có thêm những phòng học mới cho học sinh; đến cả các phòng vốn dĩ là phòng chức năng cũng đã thành phòng học, vẫn không thể tải hết lượng học sinh.
Thực tế, vẫn biết rằng, các cấp, các ngành đã rất cố gắng; năm nào cũng có những ngôi trường mới được khánh thành, đưa vào sử dụng. Như tại quận Hoàng Mai, nơi đang được nhắc đến nhiều như một điển hình của sự quá tải học sinh so với trường lớp, rồi cũng có thêm các trường học. Riêng tại phường Hoàng Liệt, quận sẽ xây dựng mới 2 trường mầm non và đưa vào sử dụng năm học 2022 - 2023.
Do tăng dân số cơ học quá đông, năm sau cao hơn năm trước nên ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt ở các nơi tập trung nhiều công ty, DN như Bình Dương, Đồng Nai... dù có thêm nhiều trường mới cũng không thể đáp ứng được nhu cầu liên tục tăng.
Cũng bởi chuyện gia tăng số lượng học sinh nhanh chóng này đã kéo theo sĩ số học sinh một lớp học trên địa bàn khá cao, nên câu chuyện thiếu trường, thiếu lớp năm nào cũng vậy.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để giải quyết vấn đề quá tải học sinh, để không còn xảy ra những câu chuyện có được chỗ học cho con dựa vào may rủi hay một lớp học quá đông so với quy định, một trường học không còn phòng chức năng, nhiều giải pháp rất cần các ngành, các cấp thực thi hiệu quả hơn.
Trong đó, điều cấp thiết nhất là các địa phương phải khai thác đất đã quy hoạch cho trường học và có kế hoạch dài hạn, dành quỹ đất cho trường học trong những năm tiếp theo; đồng thời đề xuất và kiến nghị các đơn vị, DN được giao đất xây dựng trường học, khẩn trương xây dựng theo quy định.
Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa trường học, có thêm nhiều hơn nữa các trường học mới mỗi năm, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, để câu chuyện trường lớp không còn "nóng".
Mang niềm vui Trung thu tới trẻ em xã Suối Bu Ngày 9-9, tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Suối Bu, xã Suối Bu - một xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái cùng Nhóm các Nhà báo Hà Nội đã tổ chức chương trình Trung thu mang tên 'Điều ước cho con' 2022 với chủ đề:...