‘Kỳ vọng của xã hội với người thầy không chỉ là kiến thức mà còn là đạo đức’
“Đòi hỏi, kỳ vọng của xã hội đối với người thầy không chỉ là kiến thức, trình độ mà còn là đạo đức, phong cách, tấm gương mô phạm, tấm gương văn hóa”.
Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với hơn 4.300 tân sinh viên K70 – Đại học Sư phạm Hà Nội trong buổi lễ khai giảng năm học mới diễn ra sáng 23/10.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng gửi tới các thầy giáo, cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giáo đang ngày đêm vất vả gùi con chữ lên núi cao, chở con chữ ra hải đảo và lúc này đây nhất là các thầy cô giáo đang ở trong vùng lũ lụt miền Trung những tình cảm kính trọng và tri ân tự đáy lòng.
Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, tôn sư, trọng đạo. Ở bất kỳ thời đại nào, thầy giáo, cô giáo cũng luôn được kính trọng. Ngay từ thuở còn nằm nôi đã nghe lời mẹ ru “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng là nghề luôn được đặt kỳ vọng rất cao. Từ xa xưa người thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách.
Ngày nay sự kỳ vọng đó vẫn còn nguyên cho dù nghề giáo, người thầy không tách ra khỏi được những lo toan cuộc sống thường nhật. Ngành giáo dục luôn được kỳ vọng, được đòi hỏi phải như các nước phát triển nhất cho dù không thể tách rời ra khỏi điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai giảng Đại học Sư phạm Hà Nội năm học 2020-2021. (Ảnh: Hà Cường)
“ Đòi hỏi, kỳ vọng của xã hội đối với người thầy không chỉ là kiến thức, là trình độ mà còn là đạo đức, phong cách, là tấm gương mô phạm, tấm gương văn hóa. Tôi thật sự trân trọng, ngưỡng mộ các thầy cô giáo và các bạn sinh viên chọn nghề giáo, chọn học trường sư phạm.
Tôi hết sức cảm phục nỗ lực phấn đấu của các thế hệ thầy và trò Đại học Sư phạm Hà Nội. Rất mong trường tiếp tục có nhiều hoạt động có tính tiên phong, mạnh mẽ hơn nữa để góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng nêu một số vấn đề các thầy cô giáo và sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội cần lưu ý, tập trung đổi mới mô hình quản trị nhà trường theo đúng tinh thần nghị quyết trung ương và quy định của pháp luật về giáo dục đại học…Mô hình của Đại học Sư phạm Hà Nội phải là hình mẫu cho các trường sư phạm trong cả nước tham khảo, noi theo.
Nhà trường cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ đội ngũ giáo viên của riêng trường, trường còn trách nhiệm tham gia công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho cả nước.
Đổi mới phương pháp dạy và học mà trước hết là nhắm vào những điểm yếu, bất cập nhất trong dạy và học của hệ thống giáo dục mà chúng ta đa nhận diện. Đó là chuyển từ truyền đạt một chiều, tiếp thu thụ động, thiếu phản biện sang cách học có tương tác và khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ và sự tham gia của người học.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta không chỉ khơi dậy sáng tạo của người học, cao hơn nữa còn phải làm cho việc học là niềm vui để “học sinh mỗi ngày tới trường là một ngày vui” như Albert Einstein từng nói: “Nghệ thuật tuyệt đỉnh của giáo dục là khơi dậy niềm hạnh phúc được học tập và sáng tạo”. Muốn vậy thì các thầy cô giáo tương lai, các bạn sinh viên sư phạm phải tự đổi mới trước và chắc chắn phải đổi mới rất nhiều.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành việc quy hoạch, sắp xếp có kế hoạch đầu tư hệ thống các trường sư phạm trong cả nước; cần tập trung đầu tư cho các trường trọng điểm như Đại học Sư phạm Hà Nội đủ điều kiện, đủ năng lực để hoàn thành vai trò nòng cốt của nòng cốt trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫy tay chào sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Hà Cường)
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa, quan tâm thực sự tới việc chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Trước mắt và trực tiếp nhất là thực hiện tốt Nghị định 116/NĐ-CP2020 của Chính phủ vừa ban hành quy định về chính sách đối với sinh viên sư phạm.
Nếu các địa phương chú trọng việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu đào tạo giáo viên phù hợp với yêu cầu của địa phương mình như quy định tại Nghị định mới này thì chắc chắn sinh viên sư phạm sẽ an tâm hơn rất nhiều về điều kiện học tập và công việc sau khi tốt nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết thêm chúng ta phải phấn đấu đảm bảo học sinh có đủ trường, lớp và thầy cô giáo để học thuận lợi ngày 2 buổi.
Gửi gắn sự kỳ vọng tới các tân sinh viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “ Tuổi trẻ có thể là dại khờ. Cũng có khi là thất bại. Nhưng hãy cứ hoài bão, cứ dấn thân để được cho và nhận, được trải nghiệm và trưởng thành”.
Theo Phó Thủ tướng, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đón các bạn như việc làm, thu nhập tới đòi hỏi ngày càng cao của học sinh, của phụ huynh học sinh, của xã hội và cả sức ép của dư luận trước những hiện tượng, những hành vi không mang tính đại diện cho đội ngũ nhà giáo.
Chưa cần đến lúc ra trường, trừ những bạn sinh viên năm thứ nhất được nhà nước hỗ trợ học phí, chi phí để học, để sống trong thời gian học, còn nhiều bạn đang là sinh viên nhưng đã phải rất nỗ lực, vất vả mưu sinh.
Phó Thủ tướng cho rằng, tuổi trẻ là hoài bão, là dấn thân. Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên. Có thể là dại khờ. Cũng có khi là thất bại. Nhưng hãy cứ hoài bão, cứ dấn thân để được cho và nhận, được trải nghiệm và trưởng thành. Miễn là trong tim, trong suy nghĩ của các bạn luôn hướng tới những điều tốt đẹp và luôn nỗ lực, quyết tâm để vươn tới những điều tốt đẹp đó.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, dưới mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các bạn sẽ có đầy đủ cơ hội để phấn đấu, để tu dưỡng, để hoàn thiện mình. Để mai này khi trở thành thầy giáo, cô giáo, từng lứa học trò sẽ nhớ về các bạn như những tấm gương khát khao học tập và cống hiến cho quê hương, đất nước; như những tấm gương về lòng nhân ái và những giá trị cao quý.
“Tôi nhớ một nhà thơ, nhà biên kịch người Ailen từng nói: “Giáo dục không phải là việc đổ đầy một bình nước mà là thắp sáng một ngọn lửa”.
Ngay từ bây giờ, hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa. Để ngọn lửa ấy được thắp lên, được bừng sáng và cháy mãi trong các thế hệ học sinh, các thế hệ người Việt Nam. Ngọn lửa trí tuệ. Ngọn lửa nhân văn. Ngọn lửa yêu nước, thương nòi. Ngọn lửa trách nhiệm, khát vọng vươn lên xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam giàu đẹp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lễ khai giảng rạng ngời và bài học lòng yêu thương dành cho tân sinh viên sư phạm
"Thầy cam kết rằng, các em sẽ được tôn trọng, sẽ được hướng dẫn, sẽ được tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng của Nhà trường để có môi trường học, tập, nghiên cứu, rèn luyện để trưởng thành".
GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã mở đầu lời dặn dò với tân sinh trong lễ khai giảng được trường tổ chức sáng nay, 23/10.
Trong cái nắng hanh hao giữa Thu và trước hàng nghìn tân sinh viên khóa 70, GS. Nguyễn Văn Minh đã nói:
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội
"Các em đã mang những luồng gió mới, mang sức sống tươi trẻ đến với Nhà trường, và vì vậy, chúng ta có đủ niềm tin về một tương lai giáo dục tiến bộ của đất nước.
Thầy cam kết rằng, các em sẽ đươc tôn trọng, sẽ được hướng dẫn, sẽ được tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng của Nhà trường để có môi trường học, tập, nghiên cứu, rèn luyện để trưởng thành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đến chia vui với thầy và trò trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng đã nhắc lại truyền thống vẻ vang của trường trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Ông cũng khẳng định, đòi hỏi, kỳ vọng của xã hội đối với người Thầy không chỉ là kiến thức, là trình độ mà còn là đạo đức, phong cách, là tấm gương mô phạm, tấm gương văn hóa.
Thầy cam kết rằng, nơi đây sẽ tạo ra sự bình đẳng, tạo ra không gian thoáng đãng, không gian sáng tạo và phục vụ tốt nhất cho các em.
Nơi đây không có chỗ cho sự sợ hãi, chỉ có yêu thương và trách nhiệm, chỉ có lòng tin và giá trị - Các em là chủ nhân của mái trường này.
Nét đẹp của nữ sinh sư phạm
Thầy cảm ơn các em đã chọn mái trường này. Các em đã chọn và dành ý nghĩa cuộc đời của mình cho những ước mơ cao đẹp nhất. Vì rằng, ý nghĩa cao cả của giáo dục nói chung và nhà giáo nói riêng là nuôi dưỡng tâm hồn để bồi đắp giá trị, khơi dậy ước mơ; cảm hóa con người để mỗi người yêu quý nhau hơn; sẻ chia, đồng cảm và tha thứ, bao dung; hành động chân chính vì cuộc đời tốt đẹp.
Mỗi sự kiện trong cuộc đời sẽ là một cung bậc của tình cảm, là thôi thúc để trỗi dậy lòng trắc ẩn, để có nền cho những khát khao chính đáng. Cuộc đời này không thể giá như, mà hãy làm vì những gì có thể".
Với các tân sinh viên, thầy không ngừng hối thúc các em chuẩn bị đầy đủ hành trang Đức - Văn - Thể - Mỹ để bước vào đời.
Thầy khẳng định:
"Hãy bắt đầu từ những lúc ban đầu.
Những ước mơ chân chính chỉ nảy mầm từ những con người chân chính; những khát vọng cao cả chỉ được nuôi dưỡng trong những tâm hồn cao cả, trong tâm hồn chan chứa yêu thương. Tình yêu thương cao cả là chiếc nôi cho những ước mơ chân chính. Thầy mong các em hãy bắt đầu từ tình yêu thương và lan tỏa yêu thương, trước khi làm những điều hơn thế.
18 tuổi, sức dài vai rộng, hãy bắt đầu nghĩ đến những việc lớn cho đời, hãy nghĩ những điều tươi mới, những điều ta chưa nghĩ đến bao giờ và cả những điều ta trăn trở bấy lâu mà cuộc đời mong đợi.
Hãy một lần đến với biển để ngắm bình minh, để thấy rằng đất nước này hướng về phía mặt trời; hãy một lần lên với núi, để thấy đất nước này tựa vào núi muôn đời, và những dòng sông qua những cánh đồng, tươi đẹp lắm như trong lời ru của mẹ.
Đi để biết, để thấy bà con mình còn nhọc nhằn, gian khó; vẫn còn nghèo và thiếu thốn trăm bề. Đi để nuôi khát vọng đổi đời cho những người mà mình yêu quý.
Đừng bắt đầu đi từ ảo vọng, muốn đi cần có hành trang: đó là tình yêu thương, đó là tri thức và lan tỏa chúng cho đời.
Hãy bắt đầu khai thông tầm nhìn về những điều rộng mở. Hãy là những người độc lập trong tư duy và cộng đồng trong công việc. Hãy xây ước mơ cao đẹp và trách nhiệm với đời".
Thầy cũng cho rằng, trong thời đại ngày nay, thiếu đi học vấn, thiếu đi tri thức và thiếu đi khả năng làm việc sáng tạo thì khó có thể vươn lên. Giáo dục là cách thức duy nhất để đem lại bình đẳng cho mọi người, để họ được thụ hưởng những tiến bộ xã hội và có khả năng đóng góp phát triển đất nước.
"Chúng ta không thể bằng lòng trước những gì đang có, muốn thay đổi và phát triển bền vững phải bắt đầu từ giáo dục và phải bằng giáo dục. Giáo dục đất nước đang đổi mới, đừng đứng nhìn, hãy vào cuộc từ bây giờ, hãy đi vào tâm bão", GS. Nguyễn Văn Minh căn dặn.
Trước đó, ông cũng chia sẻ về những mất mát của đồng bào miền Trung để giáo dục sinh viên.
"Cũng chính hôm nay, nơi miền Trung, bà con thân yêu của chúng ta đang trong bão lụt; và có những bậc cha, bậc chú và cả những người cùng trang lứa của các em đang oằn mình chống lũ, có người ra đi và mãi mãi không về, và đang có ngàn vạn bà con đang thiếu thốn trăm bề, các em ở nơi này phải biết nghĩ đến nơi xa. Hãy biết sẻ chia để bồi đắp tử tế", thầy Minh nói.
Trường Đại học Nguyễn Trãi tặng hơn 10 tỷ học bổng tại lễ khai giảng Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận đã trao tặng 300 suất học bổng thu hút nhân tài tổng giá trị 10 tỷ 120 triệu đồng dành cho sinh viên K20. Ngày 22/10 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra lễ khai giảng Trường Đại học Nguyễn Trãi năm học 2020 - 2021. Đây là...