Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: “Đối phó” gian lận thi cử ra sao khi kỳ thi do địa phương tổ chức?
Theo Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Năm nay, có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, thanh tra địa phương.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, các khâu tổ chức chủ yếu là do các địa phương đảm nhận. – Ảnh minh họa: Q.A
Đề thi, bài thi được bảo quản nghiêm ngặt
Bộ GD&ĐT vừa tổ chức cuộc họp về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin, thực hiện Luật Giáo dục 2019 và trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ đã thống nhất tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Phương án tổ chức kỳ thi không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, nhưng nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Với tầm quan trọng và sự tác động lớn của kỳ thi, Bộ đã yêu cầu công tác tổ chức phải bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém.
Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT đang công bố xin ý kiến đóng góp có nêu rõ: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ tập trung vào một số việc: Chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Cũng theo Dự thảo Quy chế thi, đối với đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật”. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày và phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày. Có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày, có một Phó Trưởng điểm thi là người của trường phổ thông không có thí sinh dự thi tại điểm thi trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.
Bên cạnh đó, việc mở túi đựng đề thi, phát đề thi cho thí sinh phải được thực hiện tại phòng thi đúng thời gian và đúng bài thi/môn thi theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GD&ĐT. Các thành viên tham gia làm đề thi đều phải cách ly triệt để với bên ngoài.
Video đang HOT
Không làm nghiêm dễ coi lỏng, chấm lỏng
Đối với công tác thanh tra kỳ thi, theo Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi và công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại các địa phương; trường hợp cần thiết, do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại địa phương. Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT của sở GD&ĐT; trường hợp cần thiết, do Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định.
Đối với việc phát hiện gian lận trong chấm thi, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số hội đồng thi. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo thi các cấp cũng sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm quy chế thi, xác minh và xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có).
Chia sẻ về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển vũ bão như hiện nay, rất khó có thể kiểm soát và phát hiện được tất cả các thiết bị hiện đại mà thí sinh được phép mang vào phòng thi. Bên cạnh đó, kỳ thi được tổ chức nhẹ nhàng, chỉ mang tính xét tốt nghiệp là chủ yếu cũng có thể dẫn đến tâm lý chủ quan, thí sinh chia sẻ bài cho nhau, giám thị vì muốn học sinh của địa phương mình thi đỗ sẽ coi dễ, chấm lỏng… điều này đã từng xảy ra ở những kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây.
“Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 Bộ GD&ĐT cũng đã giao cho các trường đại học tham gia công tác coi thi, chấm thi ở các địa phương, tuy nhiên tiêu cực vẫn xảy ra và đến nay đã đưa ra xét xử nhiều cán bộ tham gia công tác kỳ thi tại Hòa Bình, Sơn La. Dù các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nào đó được áp dụng cũng là yếu tố con người, nếu muốn vẫn có thể can thiệp để gian lận. Vì thế, công tác thanh tra, quản lý kỳ thi phải thực sự nghiêm túc, minh bạch ở mọi khâu, chặt chẽ hơn và gắn trách nhiệm tới từng cá nhân và xử lý, kỷ luật nghiêm nếu vi phạm. Nhân dân cũng được quyền giám sát, phát hiện những điểm bất thường trong quá trình thi, kết quả thi”, GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ thêm.
Liên quan đến công tác thanh tra kỳ thi, Bộ GD&ĐT cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, thanh tra của các địa phương. Trong tháng 6, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo các địa phương để thống nhất các công việc liên quan trong tổ chức kỳ thi. Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm mầm non năm 2020 dự kiến từ 15 – 30/6.
Giám sát chặt kỳ thi tốt nghiệp THPT
Nhiều lo ngại về việc khi giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương sẽ khó tránh khỏi gian lận thi cử và kết quả dùng để xét tuyển ĐH có khách quan, chính xác?
Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lấy ý kiến, năm nay, giáo viên các địa phương sẽ đảm nhận khâu coi thi của địa phương mình (đổi chéo giữa các trường trong cùng một tỉnh), thay vì có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH với tỉ lệ 50%-50% như năm trước.
Gian lận thi cử có tái diễn?
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie - Hà Nội, bày tỏ sự lo lắng về tính khách quan, công bằng của kỳ thi vì ở góc độ quyền lợi, các địa phương có xu hướng thích thành tích cho mình. Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm này chỉ để xét tốt nghiệp THPT thì nỗi lo không nhiều bởi mọi năm, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của các địa phương đều rất cao.
Tuy nhiên, năm nay nhiều trường ĐH, trong đó có rất nhiều trường tốp đầu, đều công bố sẽ lấy kết quả kỳ thi này để tuyển sinh ĐH. Điều đó đã dẫn đến nỗi lo là giao kỳ thi cho các tỉnh, lại không có sự tham gia của các trường ĐH, thì kết quả có thể sẽ không phản ánh chính xác học lực của học sinh.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: NGÔ NHUNG
"Điều gì sẽ xảy ra khi các trường ĐH sử dụng kết quả thi để tuyển sinh nhưng lại đứng ngoài cuộc? Liệu Bộ GD-ĐT có thể cam kết sẽ không để tái diễn tình trạng gian lận thi cử khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao về các địa phương? Bài học tiêu cực thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia không bao giờ là cũ" - trưởng phòng đào tạo một trường ĐH lớn ở Hà Nội đặt vấn đề.
Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho rằng dù kỳ thi năm nay mang tên là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các trường ĐH đều vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, thậm chí chỉ tiêu tuyển sinh dành cho phương thức xét điểm thi THPT năm nay ở các trường có thể cao hơn năm trước do phần lớn các kỳ thi tuyển riêng đều đã bị hủy bỏ. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT phải tăng cường vai trò giám sát kỳ thi của các trường ĐH, tăng cường đội ngũ thanh tra ủy quyền của bộ.
Phủ kín thanh tra, kiểm tra
Trước những lo lắng này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Tuyệt đối phải bảo đảm an toàn cho kỳ thi". Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay phải bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cán bộ, giảng viên ĐH không tham gia công tác coi thi, chấm thi nhưng Bộ GD-ĐT sẽ huy động lực lượng này để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Dự kiến bộ sẽ huy động gần 5.000 cán bộ, giảng viên ĐH có đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác coi thi tham gia hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương. Cụ thể, sẽ chia làm 2 nhóm, nhóm thứ nhất thanh tra, kiểm tra ở cấp bộ (đoàn của bộ đi thanh tra, kiểm tra tại 63 địa phương). Nhóm thứ 2, huy động cán bộ, giảng viên để bổ sung, hỗ trợ các sở GD-ĐT thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác coi thi tại địa phương.
"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và đang chờ được phê duyệt ban hành. Sau đó, chúng tôi thông tin chi tiết hơn về nhiệm vụ của các thành viên đoàn thanh tra, trong đó có vai trò của lực lượng cán bộ, giảng viên ĐH được huy động tham gia hoạt động này" - ông Cường thông tin.
Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng cho biết năm nay, bên cạnh thanh tra cấp bộ, thanh tra cấp sở như các năm trước sẽ có sự tham gia của thanh tra cấp tỉnh để bảo đảm phủ kín công tác thanh - kiểm tra tại các điểm thi. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của 3 cấp bộ, tỉnh và sở được thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc tổ chức các đoàn thanh tra nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.
Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức thanh tra các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT tại 63 địa phương trong suốt thời gian coi thi, chấm thi. "Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc cụ thể với các địa phương, trường ĐH để thống nhất cách thức phối hợp và xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên tham gia trong công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Đặc biệt là trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, giảng viên tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra..." - ông Nguyễn Đức Cường nói.
Thanh tra Chính phủ vào cuộc
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ bên cạnh thanh tra của các địa phương. Năm nay, ngành giáo dục nhận được sự hỗ trợ tích cực của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an. Tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT ngày 27-5, 2 cơ quan này thống nhất sẽ tích cực phối hợp với ngành giáo dục trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh cho kỳ thi.
Thi tốt nghiệp năm 2020: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì cuộc họp về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến việc đảm bảo anh ninh, an toàn cho kỳ thi. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện Luật Giáo dục 2019 và trước tình hình...