Kỹ năng nghề sẽ là một loại “tiền tệ quốc tế”
Kỹ năng nghề sẽ là một loại “tiền tệ quốc tế” có thể giao dịch trong thế giới ngày nay. Các doanh nghiệp lớn luôn phải tìm mọi cách để thắng trong “cuộc chiến” giành nhân tài giỏi nghề.
Đó là một trong bảy xu hướng phát triển Giáo dục nghề nghiệp trên thế giới hiện nay.
Cần phải có một hệ thống Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiệu quả để tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động trong việc giúp các công ty phát triển các công nghệ mới và tăng năng suất của nền kinh tế.
Cisco và Optus/Alphawest đã tiến hành các nghiên cứu về các xu hướng toàn cầu đang nổi lên trong GDNN nhằm chia sẻ thông tin cho các cơ sở cơ sở GDNN và các nhà hoạch định chính sách, hướng đến giải quyết các thách thức mang tính thời đại của giáo dục nghề.
Việc đánh giá các xu hướng toàn cầu chủ yếu dựa vào các nghiên cứu điển hình ở nước ngoài và các nghiên cứu, tư duy chính sách mới nhất.
Dưới đây là 7 xu hướng phát triển Giáo dục nghề nghiệp trên thế giới:
Các doanh nghiệp lớn luôn phải tìm mọi cách để thắng trong “cuộc chiến” giành nhân tài giỏi nghề (Ảnh minh họa).
Xu hướng thứ nhất: Học sinh sinh viên tham gia học nghề ở độ tuổi sớm hơn hoặc muộn hơn
Khi nhu cầu về kỹ năng mới và trình độ cao hơn tăng lên và dân số ở các nước phát triển già đi, yêu cầu đào tạo lại lao động lớn tuổi sẽ cao hơn. Các nước châu Âu đã đặc biệt tích cực trong việc giải quyết thách thức này thông qua các chính sách học tập suốt đời. Số lượng công dân EU từ 50 đến 64 tuổi tham gia đào tạo đã tăng từ 1% đến 26% ở các nước EU trong giai đoạn 2005-2009.
Cùng với đó, do yêu cầu nghề nghiệp, một số quốc gia có xu hướng học sinh, sinh viên tham gia học nghề sớm hơn.
Xu hướng thứ hai: Thị trường đào tạo nghề trên thế giới có xu hướng dịch chuyển ra nước ngoài
Những người có kỹ năng đang ngày càng di chuyển nhiều giữa các quốc gia để đáp ứng với sự thay đổi của nhu cầu. Năm 2010, ước tính có khoảng 193 triệu lao động di cư trên toàn cầu đã chuyển đến các quốc gia khác nhau để tìm việc làm. Theo đó, nhu cầu về đào tạo, đào tạo lại kỹ năng và công nhận lao động di cư sẽ ngày càng gia tăng. Có thể cho rằng tốc độ di chuyển của người dân giữa các quốc gia đi học nghề cũng sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Xu hướng thứ ba: “Giữ chân” học sinh
Lập luận kinh tế cho việc giữ chân sinh viên học nghề là không thể bác bỏ: Việc có được một khách hàng mới tốn kém hơn đáng kể so với việc duy trì một khách hàng hiện có. Các cơ sở GDNN trên thế giới đang nhận ra rằng, thiệt hại kinh tế của việc mất học sinh giữa chừng là đáng kể.
Xu hướng thứ tư: Học nghề qua nhiều hình thức
Sự xuất hiện của học trực tuyến và học tập kết hợp hầu như không phải là một xu hướng mới. Tuy nhiên, các xu hướng gần đây về mô hình học tập kết hợp và học trực tuyến có xu hướng tập trung vào hai lĩnh vực. Một là, chuyển từ việc nhân rộng phương pháp sư phạm trực diện sang phát triển các phương pháp sư phạm mới. Hai là, hướng tới học tập trên thiết bị di động.
Xu hướng thứ năm: Giải pháp sáng tạo để giảm thiểu đầu tư cơ sở hạ tầng
Sự không chắc chắn về doanh thu, áp lực chi phí và lợi nhuận và những khó khăn trong việc dự báo nhu cầu kỹ năng trong tương lai đang buộc các cơ sở GDNN phải suy nghĩ về các yêu cầu cơ sở hạ tầng. Các tổ chức đang xem xét các cách thức sáng tạo để giảm thiểu đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới thông qua việc sử dụng công nghệ mới (chẳng hạn như trình mô phỏng hoặc các công cụ cộng tác trực tuyến) để tránh đầu tư tốn kém. Các mô hình chia sẻ chi phí, các dịch vụ dựa trên đám mây giảm chi phí hành chính được áp dụng rộng rãi.
Xu hướng thứ sáu: Hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp
Mô hình nhà cung cấp – người tiêu dùng đã nổi lên trong lĩnh vực GDNN. Khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, bao gồm cả những đối thủ mới từ bên ngoài lĩnh vực GDNN, ngành đòi hỏi những mô hình hợp tác mới. Các mô hình này tập trung vào việc thiết lập sự hợp tác sâu hơn và mở rộng hơn nhằm đáp ứng cung và cầu.
Xu hướng thứ 7: Kỹ năng nghề là một loại “tiền tệ quốc tế”
Kỹ năng nghề là một loại tiền tệ quốc tế: Chúng là một nguồn lợi thế kinh tế và ngày càng có thể giao dịch trong thế giới ngày nay. Các doanh nghiệp lớn luôn phải tìm mọi cách để thắng trong “cuộc chiến giành nhân tài” – một thuật ngữ đã được đặt ra vào cuối những năm 1980 và vẫn đúng cho đến ngày nay.
Có thể nói, các xu hướng toàn cầu đặt ra cả thách thức và cơ hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của mỗi quốc gia trên toàn thế giới. Các cơ sở đào tạo nghề sẽ cần phải linh hoạt thích ứng, cải tiến nhiều mặt, cả về công cụ quản trị và phương pháp đào tạo, hợp tác để mang tới những trải nghiệm mới trên tất cả khía cạnh trong quá trình học nghề của học sinh, sinh viên.
Thay vì bám nương rẫy, "có chữ, có nghề, đời con bớt khổ"
Ước mơ kiếm cái chữ, cái nghề để thoát nghèo, ngày càng nhiều các bạn trẻ dân tộc thiểu số ở miền núi Lào Cai hăng hái rời bản xuống thành phố đi học nghề.
Thay vì ở nhà bám nương bám rẫy, những năm gần đây tỉ lệ các thanh niên dân tộc thiểu số đi học nghề đã tăng đều qua hàng năm. Việc học nghề gắn với đầu ra, cam kết có việc làm ngay khi ra trường đã khiến nhiều gia đình ở vùng rẻo cao tin tưởng gửi con đi học ở các trường nghề với mong muốn thoát nghèo, bớt khổ.
Gia đình 7 người nhà anh Lý Giúc Tiến (xã Nậm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) quanh năm trông chờ vào nương ngô, nương sắn với thu nhập ít ỏi. Vợ chồng anh Tiến làm lụng vất vả chỉ mong con có cái chữ, cái nghề để con không vất cả như bố mẹ. Con gái đầu lòng của anh Tiến là Lý Thị Trúc hiện là sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai (TP. Lào Cai).
Anh Lý Giúc Tiến và con gái Lý Thị Trúc đang bê bao tải gừng đi bán.
Mẹ (áo xanh), bà (áo đen) và 3 em của Trúc.
Anh Tiến tâm sự: "Muốn nuôi con đi học. Nhà không có điều kiện, cứ hết tiền tôi lại đi làm thuê để nuôi con. Lúc nào cũng vội vội vàng vàng, đưa con xuống trường rồi lại quay về. Có lúc thì gửi gạo xuống cho con ăn rồi lại vội quay về vì ở nhà con nhiều anh em. Mong con kiếm được nhiều tiền hơn, tôi sẽ cố gắng đi làm thuê để con được học đến nơi đến chốn".
Không quản ngại xa xôi, Trúc đã vượt chặng đường gần 100 cây số để xuống trường Cao đẳng Lào Cai học nghề với ước mơ trở thành tấm gương cho các em của mình.
Lý Thị Trúc đang chăm các em nhỏ của mình.
Em Lý Thị Trúc chia sẻ: "Em xuống thành phố học nghề. Là con cả, em muốn các em sau này lớn lên có động lực đi học như em. Bố mẹ em ở nhà vất vả đi làm thuê, bán ngô sắn khoai... để gửi tiền xuống hàng tháng cho em chi tiêu.
Nhà trường vẫn trợ cấp cho em hộ nghèo, hộ cận nghèo mỗi tháng 1,5 triệu (Một kỳ lấy tiền một lần). Khoản tiền này đã tiếp thêm động lực và hỗ trợ cho em theo đuổi học nghề. Em đi học muốn được đổi đời, không còn mãi ở dưới quê nữa. Em muốn lên thành phố làm việc".
Trúc vượt qua gần 100 cây số xuống thành phố học nghề.
Em Vàng Thị Thơ, bạn thân của Lý Thị Trúc cũng rời bản xuống thành phố học nghề tại Khoa Du lịch, trường Cao đẳng Lào Cai. Thơ tâm sự: "Em có chị và em. Chị em học nghề xong đã có công việc ổn định. Em bây giờ cũng đang học. Học nghề không mất chi phí nhiều, em được nhà trường cung cấp tiền trợ cấp cho hàng tháng".
Em Vàng Thị Thơ - Sinh viên Khoa Du lịch, trường Cao đẳng Lào Cai.
Ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc công ty và Giám đốc đại lý Toyota Lào Cai chia sẻ: "Chúng tôi muốn tìm nguồn lao động có nguồn gốc từ tỉnh Lào Cai. Do đó, chúng tôi đã liên kết với các trường đào tạo trong tỉnh như trường Cao đẳng Lào Cai, Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề. Công ty cũng liên kết với các cơ sở đào tạo nghề ở Hà Nội để đào tạo kỹ thuật viên về làm kỹ thuật ô tô một cách bài bản chính quy.
Trong giai đoạn vừa rồi, chúng tôi đã ký kết hợp tác với Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề, trường Cao đẳng nghề Lào Cai cam kết nhận bất kỳ một sinh viên nào có học lực từ khá trở lên - nhận ngay từ lúc các em đang học.
Ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc công ty và Giám đốc đại lý Toyota Lào Cai.
Vừa qua, Toyota Lào Cai cũng nhận từ Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề 10 người, từ trường Cao đẳng Lào Cai hơn 30 người.
"Về kết quả, chúng tôi phải công nhận các bạn sinh viên mới ra trường có kỷ luật lao động, tinh thần học hỏi cao hơn rất nhiều so với các lao động khác. Về chuyên môn, các bạn mới ra trường tay nghề còn thấp thì vào đây chúng tôi sẽ hỗ trợ sau khi các bạn tốt nghiệp thì chúng tôi sẽ gửi về Trung tâm đào tạo của Toyota Lào Cai ở Lai Xá, Hoài Đức (Hà Nội) đi đào tạo nâng cao. Về cơ chế chính sách, tiền lương và chế độ ăn ở, chúng tôi cũng dành cho các bạn chính sách tốt nhất", ông Tuyên cho hay.
Thanh niên dân tộc thiểu số ở Lào Cai rời bản đi học nghề.
Anh Thào Seo Vư, người dân tộc Mông ở huyện Si Ma Cai, vốn là cựu học sinh trường Cao đẳng Lào Cai đang làm việc tại đại lý Toyota Lào Cai chia sẻ: "Ngành này rất tốt, vào ngày này nói chung mình phải cố gắng và chịu khó thì sẽ làm được. Tôi mong muốn sẽ làm ở những vị trí cao hơn và có một mức thu nhập cao hơn".
Anh Thào Seo Vư, người dân tộc Mông ở huyện Si Ma Cai đã tốt nghiệp trường nghề và đang làm kỹ thuật viên sửa chữa ô tô với thu nhập khá.
Theo ông Hoàng Quang Đạt - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lào Cai: "Hầu hết sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai sau khi ra trường đều có doanh nghiệp đặt hàng, cơ bản được nhận ngay. Và ngay từ khi thực tập các em đã được doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ, nhận vào làm nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ nguồn để tuyển dụng.
Vị Hiệu trưởng trường nghề nhấn mạnh: "Rất nhiều các chính sách trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích sản xuất phát triển. Tuy nhiên, xóa đói giảm nghèo tốt nhất bền vững nhất là đào tạo nghề cho người lao động ở nông thôn".
Và thực tế đã chứng minh có những xã đã thoát nghèo, làm giàu được bởi vì ở khu vực đó có một nhà máy. Người lao động được đào tạo ở trường nghề rồi ra làm việc tại đó. Đây không chỉ là giải pháp xóa đói giảm nghèo mà còn giúp tăng cường công tác đảm bảo an ninh nông thôn. Cứ địa phương nào có nhiều người được đi đào tạo nghề, làm việc tại các doanh nghiệp, có nguồn thu nhập mang về thì an ninh của nơi đó được tốt hơn và xóa đói giảm nghèo được bền vững.
Thay vì ở nhà bám nương bám rẫy, những năm gần đây tỉ lệ các thanh niên dân tộc thiểu số tại Lào Cai đi học nghề đã tăng đều qua hàng năm.
Bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho hay: "Tỉnh định hướng dạy nghề phải theo đáp ứng nhu cầu của thị trường. "Cung" của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng "cầu" của doanh nghiệp đặt hàng. Do vậy, việc đào tạo này có chất lượng ngày nâng lên và thu hút số lượng con em Lào Cai vào học rất đông. Khi học xong ở những trường này các em đều có cơ hội tìm việc làm và nâng cao mức sống của mình".
Cơ hội làm việc tại Đức lương tháng hơn 80 triệu đồng cho 200 bạn trẻ Đây là chương trình học và làm việc tại Đức dành cho sinh viên đang học năm cuối hoặc đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, trung cấp ngành điều dưỡng. Bạn trẻ tìm hiểu ngành điều dưỡng trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên - MỸ QUYÊN Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH thông báo tuyển chọn...