Kỳ lạ ở nơi 90% học sinh không có thiết bị học online: Đến trường nghe giảng… trên tivi
Trong điều kiện học sinh tại các trường ở các xã vùng cao trong tỉnh Bình Thuận thiếu thiết bị để học online, đường truyền chất lượng thấp, nhưng thầy cô tại đây vẫn cố gắng dùng các thiết bị sẵn có để các em học sinh được học trực tuyến theo đúng tiến độ.
Dưới cái nắng gay gắt ban trưa ngày cuối tháng 9 tại xã miền núi La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, những em nhỏ trong trang phục quần tây xanh, áo trắng cầm vở đi bộ trên đường. Dừng xe vào hỏi thì các em cho biết, đi học về, thầy cô chiếu lên “tivi” trên trường cho học.
Học sinh THCS tại xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc) về nhà sau khi đến trường học online. Ảnh: Phạm Duy
Xã vùng cao La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc nơi có hơn 90% học sinh THCS không có các thiết bị cá nhân phục vụ việc học online. Vấn đề khó khăn ở đây là nhiều gia đình không có điều kiện để mua sắm máy tính, điện thoại thông minh cho con học online. Không chỉ khó khăn về thiết bị, vấn đề hạ tầng mạng internet không phải nhà nào cũng có.
Với tinh thần không để học sinh gián đoạn việc học, thầy cô trường tiểu học, THCS La Dạ (Trường TH&THCS La Dạ) đã có nhiều cách giúp các em học trực tuyến được tốt nhất.
Chia học sinh thành các nhóm nhỏ để đến lớp học online
Trước đó, từ ngày 6.9, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức học sinh khối lớp 9 và lớp 12 học trên truyền hình. Trường TH&THCS La Dạ có 34 học sinh lớp 9 nên đã chia làm 3 điểm học để đảm bảo phòng chống dịch.
Tại đây, các em được nhà trường mở tivi cho học. Bên cạnh việc học qua truyền hình, thầy cô tại mỗi điểm còn trực tiếp củng cố kiến thức cho các em học sinh.
Video đang HOT
Các thiết bị để các em học sinh học online tại lớp. Ảnh: Phạm Duy
Đến nay đã là tuần thứ 2, nhà trường chuyển qua dạy online cho tất cả học sinh khối Trung học cơ sở. Các môn được dạy online là toán, văn, anh. Tuy nhiên, song song với việc cho học sinh đến trường để học online thì còn phải đảm bảo phòng chống dịch.
Thầy Nguyễn Ngọc Thiên An, Hiệu trưởng trường TH&THCS La Dạ cho biết, nhà trường đã chia mỗi khối thành các nhóm nhỏ và bố trí học tại 4 phân hiệu của trường nên đảm bảo không có nhiều học sinh trong một lớp. Khối 6 được chia thành 5 nhóm, khối 7 chia 3 nhóm, khối 8 chia 4 nhóm và khối 9 chia 3 nhóm.
Phát 4G từ điện thoại để kết nối các thiết bị
Về hình thức học, thầy cô bộ môn sẽ dùng laptop dạy tại nhà và truyền tín hiệu qua các phần mềm. Tại các phòng học sẽ có thầy giáo kết nối máy tính nhận tín hiệu với máy chiếu hoặc tivi. Do chất lượng đường truyền internet trên vùng cao không được tốt nên giáo viên đã dùng điện thoại phát tín hiệu 4G để các thiết bị như máy tính, laptop kết nối 4G và nhận tín hiệu bài giảng.
Điện thoại phát 4G để các thiết bị kết nối. Ảnh: Đặng Luận
Thiết bị thu sóng wifi giúp CPU máy tính bàn nhận kết nối từ mạng 4G của điện thoại phát ra. Ảnh: Phạm Duy
Thầy hiệu trưởng đã dẫn chúng tôi đến phòng học để tận mắt quan sát thiết bị phục vụ việc học online của các em học sinh. Thầy giáo tại phòng học dùng laptop cá nhân kết nối với màn hình tivi qua dây HDMI. Hoặc từ máy tính bàn kết nối sang máy chiếu và chiếu lên màn chiếu. Phần âm thanh sẽ được kết nối ra loa di động để đảm bảo cho các em nghe rõ bài giảng.
“Mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em học sinh được học đúng tiến độ”, thầy Nguyễn Ngọc Thiên An, Hiệu trưởng trường TH&THCS La Dạ cho biết thêm.
Từng nhóm học sinh học online tại trường TH&THCS La Dạ. Ảnh: Đặng Luận
Bằng cách dạy online như vậy nhưng để các em học sinh nắm vững kiến thức, sau 2 buổi học online thì sẽ có 1 buổi giáo viên củng cố kiến thức cho học sinh.
Từ xã La Dạ, những con đèo ngoằn ngoèo để ngược về hướng QL28, đến xã miền núi Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc, em Đồng Minh Duyệt, học sinh lớp 9 trường TH&THCS Đông Tiến đang đạp xe đi học về. Em Duyệt cho biết, sáng nay đến trường học online trên tivi, cô giáo “gọi điện” (dạy online qua phần mềm-PV) để dạy.
Về những giải pháp thời gian tới, phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết, sẽ phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” để vận động các nguồn lực hỗ trợ máy tính cho học sinh không có điều kiện trang bị thiết bị để học trực tuyến, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tại các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi.
Trường TH&THCS La Dạ là một trong những trường trên vùng cao của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Phạm Duy
Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến đảm bảo hiệu quả.
Chỉ thị mới nhất của TP.HCM về việc học của học sinh sau ngày 1.10
Sáng ngày 30.9, UBND TP.HCM đã ban hành chỉ thị về các biện pháp thích ứng an toàn và phục hồi kinh tế sau ngày 1.10, trong đó có quy định về việc học của học sinh.
Học sinh TP.HCM tiếp tục học trực tuyến sau ngày 1.10 - PHAN HÀ
Theo đó, đối với hoạt động giáo dục, Chỉ thị của UBND TP.HCM nêu rõ, tiếp tục tổ chức dạy, học gián tiếp, trên môi trường internet, qua truyền hình. Từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy - học trực tiếp đối với giáo viên, học sinh.
Các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vắc xin, có thể dạy - học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.
Bố trí các hoạt động lệch ca, lệch giờ, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người tập trung theo quy định.
Được biết, từ ngày 1.9, khoảng 1,5 triệu học sinh học sinh tiểu học, THCS, THPT của TP.HCM đã bước vào năm học mới theo hình thức học trực tuyến.
Theo thống kê, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến ở các bậc học tiểu học, THCS, THPT lần lượt là 95,43%; 97,12%; 99,07%. Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, giai đoạn đầu, toàn thành phố có khoảng 75.000 học sinh phổ thông không đủ thiết bị, thiếu đường truyền học tập trên interet.
Tuy nhiên, qua các cuộc vận động, bằng nhiều sáng tạo của các nhà trường, con số đã giảm dần theo từng tuần, hiện còn khoảng 30.000 học sinh thiếu thiết bị học tập. Sở GD-ĐT đang có kế hoạch tiếp nhận từ nhiều nguồn hỗ trợ cho học sinh. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP cũng cam kết hỗ trợ kêu gọi 100.000 thiết bị học tập cho học sinh. Nếu đúng tiến độ, đến giữa tháng 10, học sinh toàn TP sẽ có đủ thiết bị học tập trên môi trường internet.
Bên cạnh đó, GD-ĐT đã xây dựng hệ thống tình nguyện viên, điều phối viên là cán bộ chuyên trách phổ cập tại các phường, xã, phụ trách giao tài liệu, phiếu học tập cho học sinh chưa có điều kiện học trực tuyến, học sinh ở khu vực cách ly, phong toả.
Giấc mơ được học online "Giờ không lo nổi, chắc phải cho con tạm nghỉ học". Đây là câu trả lời của hầu hết cha mẹ tại phường Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ khi được hỏi về năm học mới của các con mình. Đến nay, đã gần 1 tháng dạy học trực tuyến, nhưng nhiều học sinh trên địa bàn vẫn chưa được đến lớp...