Kinh tế sụt giảm, 23 triệu người Nga sống dưới mức nghèo
Sau vài năm khấm khá, hàng triệu người Nga đang trượt lại vào cảnh đói nghèo khi nền kinh tế nước này sụt giảm. Cả nước Nga có 23 triệu người sống dưới mức 169 USD/tháng.
Nga đang gặp khó khăn với các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây – Ảnh: Reuters
CNN hôm 22.7 đưa tin có gần 23 triệu người Nga đang sống dưới mức chuẩn nghèo là 9.662 rúp, tương đương 169 USD, mỗi tháng tính đến cuối tháng 3 năm nay. Đây là số liệu chính thức vừa được công bố.
Con số trên cho thấy số người nghèo ở nước Nga đã tăng 3 triệu người so với năm ngoái, khi các biện pháp trừng phạt từ phương Tây kết hợp với giá dầu sụt giảm gây ra một cuộc suy thoái mạnh ở nước này.
Phó thủ tướng Nga Olga Golodets nói với truyền hình nước này rằng tình hình đang trở nên nghiêm trọng. Giá trị RUB sụt giảm kéo theo lạm phát cao, đẩy giá cả hàng hóa tăng với tốc độ hằng năm là 16% trong quý 1/2015. Điều này đồng nghĩa với việc tiền lương mà người Nga cầm trên tay mua được ít hơn những gì chúng có thể cách đây một năm.
Mức sống giảm khiến người dân Nga phải tiết kiệm chi tiêu. Doanh số bán lẻ giảm 9,4% trong tháng 6, sau khi đã giảm liên tiếp kể từ đầu năm nay.
Video đang HOT
Nhìn chung, kinh tế Nga giảm 2,2% trong quý đầu năm. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nước này sẽ suy giảm 3,8% trong năm nay và 1% trong năm sau.
Trong suốt 15 năm lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, nước Nga có tỷ lệ nghèo chính thức giảm dần dần, xuống 11% vào năm 2014.
Tuy nhiên, tình hình đang đảo ngược. 16% dân số Nga hiện sống trong cảnh nghèo. CNN cho hay nếu cuộc khủng hoảng ở Ukraine không có dấu hiệu kết thúc, tình trạng này khó có thể sớm giảm đi.
Tháng trước, lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga vì việc sáp nhập bán đảo Crimea và cáo buộc hỗ trợ quân ly khai ở miền đông Ukraine đã được mở rộng đến năm 2016.
Ngân hàng và doanh nghiệp Nga đã bị cắt nguồn tài trợ tài chính từ châu Âu, và vũ khí xuất khẩu của nước này đang bị cấm ở phía tây. Cấm đi lại, đóng băng tài sản cũng là những biện pháp được áp dụng với hàng chục quan chức Nga và một số công ty.
Đáp trả, Nga cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây. Song động thái này phản tác dụng: giá cả đã bị đẩy lên 21% trong tháng 6.
Thương mại song phương Nga – Liên minh châu Âu (EU), đối tác lớn nhất của xứ sở Bạch Dương, đã giảm hơn 1/3 trong 2 tháng đầu năm 2015. Thủ tướng Dmitry Medvedev ước tính lệnh trừng phạt sẽ khiến đất nước mất 106 tỉ USD trong năm nay.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Tổng thống Putin: "Nga - Trung có thể cùng vượt qua nhiều khó khăn"
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng hai nước có thể vượt qua các khó khăn riêng bằng cách hợp tác với nhau. Trong khi đó, báo chí phương Tây có nhiều bình luận trái chiều về mối quan hệ đang ấm lên giữa Bắc Kinh và Mátxcơva.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tại Thượng Hải hồi năm ngoái. (Ảnh: Guardian)
"Khi kết hợp các nỗ lực, chúng ta sẽ cùng giải quyết được tất cả các vấn đề trước mắt", AP dẫn lời ông Putin nói ngày 9/7 khi chào đón ông Tập tới dự hai cuộc họp thượng đỉnh của Nhóm BRICS và của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Ufa. Ufa là thủ đô Cộng hòa Bashkortostan thuộc Nga, cách thủ đô Mátxcơva 1.170 km về phía đông, theo AP.
Ông Putin và ông Tập đang cùng tham dự Hội nghị BRICS (gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 7 trong hai ngày 8- 9/7 và dự kiến sẽ tiếp tục tham gia cuộc họp lần thứ 15 của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) trong 2 ngày sau đó.
AP nhận định hai cuộc họp này được tổ chức khi cả hai nền kinh tế Nga - Trung đang gặp căng thẳng. Nền kinh tế Nga đang "chao đảo" do các lệnh cấm vận phương Tây và việc giá dầu tuột dốc không phanh.
Trong khi đó, Bắc Kinh đang phải nỗ lực ngăn chặn đà lao dốc của thị trường chứng khoán hơn một tuần nay. Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev nói ông tin rằng Trung Quốc có thể ổn định tình hình. "Chúng ta biết rõ về những khó khăn mà mình phải đối diện, về cả kinh tế và chính trị trên toàn cầu", ông Putin ngày 8/7 nói.
Theo hãng tin Mỹ, trong bối cảnh Nga đang cần thu hút đầu tư để thoát khỏi tình trạng kinh tế suy giảm do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Putin hôm qua đã kêu gọi Bắc Kinh đoàn kết và cùng đồng thuận trong hợp tác song phương
Bởi quan hệ Nga - Mỹ và Nga - châu Âu trở nên xấu đi do bất đồng về khủng hoảng Ukraine, giới phân tích cho rằng ông chủ điện Kremlin đang chuyển hướng sang các thị trường châu Á. Các nhà phân tích cũng đặc biệt chú ý đến các diễn biến mới trong quan hệ Nga-Trung.
Bình luận về mối quan hệ này, báo Guardian của Anh cho rằng: "Mối quan hệ phức tạp của Nga và Trung Quốc - hai đối tác thương mại có chung mục tiêu thách thức vị thế siêu cường của Mỹ - có những trở ngại đến từ tranh chấp trong quá khứ hay cuộc đua cạnh tranh lợi ích hiện tại".
Theo Guardian, lãnh đạo hai nước Nga - Trung đã luôn thận trọng nhấn mạnh họ sẽ trở thành các đối tác chứ không phải đồng minh, và họ thực sự muốn như vậy. Trung Quốc luôn quan tâm đến các đối tác phương Tây, trong khi Nga không muốn quan hệ của mình với các nước châu Âu và Mỹ đi vào ngõ cụt.
Mới đây, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc nhấn mạnh: "Mối quan hệ chiến lược giữa Mátxcơva và Bắc Kinh là một kết quả mang tính hoàn cảnh, và hoàn toàn khác với mối quan hệ đồng minh như quan hệ Mỹ-Nhật".
Bạch Trúc
Theo Dantri/ Guardian, AP
'Bẫy' nợ 42 tỉ USD thách thức Tổng thống Putin Sau 5 năm, nợ của 80 vùng ở nước Nga tăng đến mức 2.400 tỉ rúp, tương đương 42 tỉ USD. Tổng thống Nga Vladimir Putin có khoảng 3 năm để thoát khỏi cái "bẫy" 42 tỉ USD này, trước khi tình hình tồi tệ hơn. 5 năm qua, nợ của 80 vùng nước Nga đã lên đến mức 2.400 tỉ RUB -...