Kiến trúc sư trẻ nói gì về đồ án quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An?
UBND quận Tây Hồ ( Hà Nội) đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư cho Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500.
Hiện đồ án đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Ý kiến đóng góp của các kiến trúc sư về đồ án này như thế nào?
Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận
Đủ căn cứ pháp lý, tính kế thừa
KTS Phi Mạnh Huy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phân tích, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã 7 lần được phê duyệtkể từ năm 1945 cho tới nay. Quy hoạch khu vực hồ Tây và phụ cận nói chung, trong đó có bán đảo Quảng An, là sự kế thừa của quy hoạch năm 1994 do Bộ Xây dựng triển khai thực hiện. Đến năm 1998, trục đô thị Hồ Tây-sông Hồng-Cổ Loa được hình thành. Do đó, về mặt pháp lý, nội dung quy hoạch tại bán đảo Quảng An được định hình chặt chẽ trên cơ sở hệ thống quy hoạch đã có trước đó và các quy định của pháp luật.
Theo KTS Phi Mạnh Huy, đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 được nghiên cứu nhằm triển khai đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 (được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4177/QĐ-UBND, ngày 8/8/2014) và đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và vùng phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực (được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 2078/QĐ-UBND, ngày 10/05/2021).
KTS Phi Mạnh Huy (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Đó là cũng là bước đi triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011).
“Khi lập hệ thống quy hoạch, cơ quan chức năng đã huy động lực lượng chuyên môn của nhiều thời kỳ, rất bài bản và đầy đủ. Hệ thống quy hoạch này đã được các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và thành phố phê duyệt rất chặt chẽ về mặt pháp lý.
Từ đó, có thể khẳng định, đồ án quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An có đầy đủ căn cứ pháp lý, tính kế thừa. Hồ Tây là điểm hội tụ văn hóa với những ngôi làng cổ ven hồ nhưng tới nay chưa thể khai thác, phát triển đúng tầm. Do vậy, đừng ngại bàn luận khi vấp phải những ý kiến trái chiều. Ý tưởng nào tốt cho Hà Nội thì rất nên ủng hộ.
Video đang HOT
Việc quy hoạch này là cần thiết. Tất nhiên khi quy hoạch, sẽ đụng chạm đến quyền lợi của một số người nhưng phải làm vì mục đích lâu dài và chắc chắn nó mang lại sinh kế lâu dài hơn cho tất cả người dân”, KTS Phi Mạnh Huy nói.
Vị trí nhà hát có phù hợp?
Hiện nay, liên quan đến đồ án này, có 2 luồng ý kiến liên quan tới việc xây dựng nhà hát tại khu vực Đầm Trị. Theo tổng hợp từ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, luồng ý kiến ủng hộ xây dựng đang chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng yêu cầu phải điều chỉnh xây dựng nhà hát cho phù hợp.
KTS Phùng Việt Dũng (Công ty TNHH Quy hoạch Vietstar) đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và nhận định: “Đầu tiên, vị trí của nhà hát nằm trong khu vực Đầm Trị; không tác động, làm ảnh hưởng đến cảnh quan của Hồ Tây. Đó là cách làm đúng.”.
Bán đảo Quảng An và khu vực Đầm Trị là vị trí giao cắt giữa trục Tây Hồ Tây và trục Cổ Loa nên có vị trí rất đặc biệt. Về quy hoạch, vị trí đặt nhà hát đã được xác định trong quy hoạch chi tiết khu vực hồ Tây, được duyệt năm 1994 với quy mô 1.216ha.
Sau quy hoạch chi tiết khu vực hồ Tây, là quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ được duyệt năm 2001; sau đó là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ năm 2011 đã xác định định hướng về phát triển văn hóa là xây dựng mới các công trình văn hóa tiêu biểu của TP Hà Nội như bảo tàng, nhà hát… gắn với cảnh quan sông Hồng và trục tây Hồ Tây.
KTS Phùng Việt Dũng (Công ty TNHH Quy hoạch Vietstar)
Từ đó, định hướng về quy hoạch nhà hát ở đây là hợp lý. Cùng với các tổ hợp kiến trúc khác, nó sẽ tạo ra cụm cảnh quan, kết nối khu vực và vùng phụ cận.
“Cha đẻ” của ý tưởng kiến trúc độc đáo này là kiến trúc sư người Italia – ông Renzo Piano, một kiến trúc sư huyền thoại trong làng kiến trúc thế giới. Nên không phải bàn về chất lượng cũng như tính biểu tượng của công trình này. Và tôi nghĩ các yếu tố cảnh quan, môi trường cũng đã được tính toán kỹ lưỡng”, KTS Phùng Việt Dũng nói thêm.
KTS Phùng Việt Dũng nêu quan điểm: “Hiện nay, đồ án mới trong giai đoạn xin ý kiến người dân và các chuyên gia. Tôi rất mong các cơ quan chuyên môn tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện đồ án theo hướng thật sự đột phá; tạo ra những giá trị mới cả về văn hóa và kinh tế, đô thị. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến hạ tầng, giao thông để tránh tình trạng bị nén, quá tải…”.
Lấy ý kiến cộng đồng quy hoạch có nhà hát bên Hồ Tây: Vài ý kiến băn khoăn!
UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đang lấy ý kiến cộng đồng về Điều chỉnh Quy hoạch khu bán đảo Quảng An.
Đây là cơ hội để cộng đồng tham gia ý kiến đóng góp phát triển không gian xanh cho Hồ Tây và cả Hà Nội. Tuy vậy các cơ quan lập, trình bản Quy hoạch cần làm rõ các ký hiệu trong bản vẽ... để nhận được nhiều ý kiến có giá trị.
Những tấm bản đồ quy hoạch thay đổi theo thời gian
Nhà ông bà tôi và các gia đình khác ở Hà Nội trước 1954 đều biết rõ trong "trích lục bản đồ" nhà riêng của từng gia đình đều có "chỉ giới đường đỏ" (alignement), bởi nó là giới định nghiêm khắc giữa sở hữu/ quyền tài sản đất tư và đất công. Trong đó "quốc gia công thổ" là tài sản không cá nhân nào dám xâm phạm... Cho nên, nhà phố Hà Nội xưa thẳng tắp là vì vậy.
Nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (năm 1946), cha tôi dẫn cả nhà ra vùng kháng chiến, sau 9 năm mới trở về tiếp quản Thủ đô (10.10.1954). Những ngày đầu tiếp quản, thành phố khó khăn đủ bề nhưng đã ưu tiên tổ chức nạo vét bùn lầy hồ Bảy Mẫu làm ra công viên Thống Nhất. Mẹ tôi tham gia công tác phụ nữ vận động bà con quanh phố, rồi đến các anh chị tôi cùng hàng vạn người Hà Nội tham gia tích cực...
Bản đồ Quận Hai Bà Trưng do Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng thực hiện năm 1960 đã ghi lại kết quả hình hài công viên. Năm 1962 , Phòng Bản đồ Viện thiết kế quy hoạch Hà Nội biên soạn và xuất bản Bản đồ Hà Nội, chú thích: "Công viên Thống Nhất được quy hoạch vĩnh viễn" (Mã số tại Thư viện Quốc gia 912D(VH) B105).
Ít lâu sau, nơi đây là công viên, vườn hoa chung cho tất cả mọi người. Chúng tôi được dạy rằng "Ra vườn hoa em chơi/ em không hái một bông hoa nào...(vì) Bông hoa này là của chung". Cả thời bao cấp, có thể coi Hà Nội hoàn toàn là thành phố công cộng: sân chơi, trường học, nhà hát, câu lạc bộ, nhà ăn, nhà ga, tàu điện, xe buýt, cửa hàng bách hóa... tất tật là của công, ai cũng có quyền vào ra thoải mái. Nên ai mà "lấy của công làm của riêng" là rất xấu hổ, và còn mang tội nếu xâm phạm " tài sản xã hội chủ nghĩa".
Cả xã hội đã cùng một niềm tin thiêng liêng như thế nên khi xem quy hoạch, nơi ghi công trình hay đất công cộng là rất yên tâm, bởi lẽ chỗ ấy cho dù mình không được động đến nhưng vẫn có phần lợi ích của mình trong cái chung ấy và ít nhiều tự hào vì có công sức mình đóng góp, làm giàu của công.
Những năm 1990, Hà Nội "mở cửa" với làn sóng đầu tư nước ngoài sôi động, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng được thành lập và triển khai Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 (gọi tắt là QHC 1998). Bản vẽ QHC 1998 có chấm nhỏ màu đỏ sẫm " đất công cộng " vào cả màu xanh lá cây "đất cây xanh công viên" không mấy ai thắc mắc. Nhưng kinh tế thị trường đã tách rõ ra khách sạn tư nhân kinh doanh thương mại khác với khách sạn công đoàn làm ra là phúc lợi phục vụ nhân dân lao động.
Bản đồ nhòe mầu cùng với những cách diễn giải mơ hồ đã mở đường cho việc chiếm dụng tùy tiện đất Công viên Thống Nhất và các công viên Hà Nội.
Ngày 23.5.2002, Thành phố Hà Nội thành lập Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố với chức năng, nhiệm vụ là "Tham mưu cho UBND Thành phố để tổ chức tốt việc quản lý Nhà nước về quy hoạch - kiến trúc theo định hướng quy hoạch chung đã được Nhà nước phê duyệt". Ông Đào Ngọc Nghiêm là Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đầu tiên.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc triển khai lập và công bố quy hoạch sử dụng đất 14 quận huyện TP Hà Nội. Trong đó, ở bản vẽ quy hoạch sử dụng đất quận Hai Bà Trưng, vị trí công viên Thống Nhất đã tô một góc đỏ sẫm, chú giải là "đất công cộng". Sau đó lại cấp phép cho khách sạn liên doanh xây vào. Dư luận phản ứng gay gắt nên khách sạn làm xong ba tầng hầm vẫn phải dừng lại từ 2009 và "đắp chiếu" đến nay(1).
Quy hoạch sử dụng đất quận Tây Hồ xưa và nay
Bản đồ sử dụng đất quận Hai Bà Trưng và quận Tây Hồ trong bài này trích trong cuốn Hà Nội 50 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển do Thành ủy- HĐND -UBND thành phố Hà Nội xuất bản năm 2004.
Trích Bản đồ QH Sử dụng đất bán đảo Quảng An - quận Tây Hồ (2004) và Hình minh họa QH điều chỉnh 2022 với những nội dung mới.
Trích phóng to bán đảo Quảng An (Quy hoạch phân khu A6) cho thấy màu đỏ sẫm "đất công cộng" đã được ký hiệu trong bản vẽ Quy hoạch phân khu A6 duyệt là "CCDT - công cộng đô thị". Tuy nhiên, khu đất 58 Tây Hồ hiện nay đã xây thành tổ hợp dịch vụ thương mại khách sạn, căn hộ khách sạn.
Câu hỏi đặt ra là "quyền tài sản" các diện tích của các công trình dịch vụ thương mại vào đất công cộng đô thị có nguồn vốn ngoài ngân sách sẽ được xác định như thế nào? Bởi theo điều 54 Luật Đất đai 2013, nếu là đất công cộng thì Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất nếu "...đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh...".
Còn nếu giao đất có thu tiền sử dụng đất (theo điều 55) "...Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê..." thì đất này có còn là "đất công cộng đô thị" hay không?
So sánh phương án Quy hoạch đã được duyệt với Phương án QH điều chỉnh có nhiều thay đổi về nội dung /diện tích / mật độ và loại đất mới chưa có trong các văn bản pháp lý.
Ngoài ra, trong Nghị định Về Quản lý cây xanh đô thị số 64/2010/ ND-CP ngày 11.6.2010 Điều 2. Giải thích từ ngữ nói rõ: Cây xanh đô thị là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị. Không có từ "cây xanh chuyên đề". Còn theo TCXDVN 362:2005 "Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị-TCTK" thì cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị gồm ba loại: Cây xanh công viên/ Cây xanh vườn hoa và Cây xanh đường phố. Không có loại "cây xanh chuyên đề".
Đây là những thông tin có tác động quan trọng đến quyền lợi/ nghĩa vụ tới các bên liên quan, vậy nên chăng các tổ chức cá nhân có lập Quy hoạch này cần làm rõ.
UBND quận Tây Hồ đang trưng bày bản Quy hoạch công khai tại nhiều địa điểm để chuẩn bị lấy ý kiến cộng đồng. Khác với những bản quy hoạch trước đây chỉ là những bức vẽ chung chung, bản quy hoạch này được trình bày thông tin rất phong phú, chi tiết, do vậy các tổ chức cá nhân có thể tiếp cận, đóng góp tích cực vào việc phát triển không gian xanh cho Hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung. Hy vọng cuộc lấy ý kiến nhận được nhiều ý kiến có giá trị để các cấp quản lý có quyết định sáng suốt cho tương lai khu vực này phát triển xanh, bền vững.
Cận cảnh hồ Đầm Trị nơi Hà Nội sẽ xây nhà hát Opera nổi Quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa tổ chức lấy ý kiến người dân về quy hoạch chi tiết 1/500 bán đảo Quảng An, trong đó có nhà hát Opera nổi trên hồ Đầm Trị. Theo UBND quận Tây Hồ, đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An có tổng diện tích nghiên cứu khoảng 45,3ha, thuộc địa...