Kiến nghị không công nhận nhiều bằng cử nhân, thạc sỹ
Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét quyết định không công nhận bằng cử nhân, thạc sỹ do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm ( ETC) đã cấp cho các học viên.
Trong bản kết luận thanh tra đối với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN) được công bố sángqua (10/1), Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trường đại học này phải tổ chức kiểm điểm. Qua đó xác định trách nhiệm của giám đốc ĐH QGHN trong việc ban hành các văn bản trái quy định, cấp phép cho các đơn vị liên kết nước ngoài trái thẩm quyền, vi phạm điều kiện tuyển sinh, vi phạm quy chế đào tạo sau đại học, bổ nhiệm cán bộ vi phạm luật Phòng chống tham nhũng và tự đặt ra khoản thu phần trăm từ các nguồn kinh phí và thu dịch vụ của đơn vị trực thuộc.
Liên quan đến những sai phạm tại Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) thuộc ĐH QGHN, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét quyết định không công nhận bằng cử nhân, thạc sỹ do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) đã cấp cho các học viên. Kiến nghị xem xét không công nhận bằng thạc sỹ do trường Đại học Kinh tế (ĐH QGHN) cấp cho những học viên không bảo vệ luận văn tốt nghiệp.
Cơ quan này cũng kiến nghị xem xét đình chỉ tuyển sinh, chấm dứt hoạt động giảng dạy đối với các lớp đào tạo do ETC đã trực tiếp ký hợp đồng tổ chức, phối hợp liên kết đào tạo hệ đại học và sau đại học trái quy định.
Mặt khác, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ tài liệu một số vụ việc liên quan đến việc thực hiện hợp đồng của ETC với một số công ty sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48 – Bộ Công an) để điều tra. Đồng thời làm rõ hoặc điều tra mở rộng đối với các hợp đồng của ETC với một số đơn vị khác.
Video đang HOT
Trước đó, trong cuộc thanh tra đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phát hiện trường này có nhiều sai phạm liên quan đến liên kết đào tạo đại học và sau đại học.
Ông Lê Tiến Hào và ông Ngô Văn Khánh (Phó tổng Thanh tra Chính phủ) chủ trì cuộc họp báo Thanh tra Chính phủ sáng qua (10/1)
Không riêng Đại học Quốc gia Hà Nội, trong cuộc họp báo sáng 10/1, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố nhiều sai phạm tại các trường đại học khác. Qua xem xét hồ sơ 419 chương trình liên kết đào tạo trong nước tại 18 trường cho thấy, hơn 46% chương trình liên kết tuyển sinh hệ vừa làm vừa học khi chưa được Bộ GD& ĐT cấp phép.
Kết luận chỉ ra rằng, có 54 trong số 419 chương trình liên kết đào tạo có địa điểm đặt lớp không đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Thanh tra cũng nêu một số sai phạm khác về hồ sơ lưu không có danh sách thí sinh dự thi các lớp liên kết đào tạo đại học ở trường Đại học Vinh. Còn Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Thái Nguyên liên kết đào tạo thạc sĩ ngoài trụ sở không có phép của Bộ GD&ĐT.
Đáng chú ý, kết luận thanh tra nêu rằng, trong 94 đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với các trường đại học trong nước, chỉ có 5 trường được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. Hầu hết đối tác là trường có thứ hạng thấp, thậm chí chưa được xếp hạng trên thế giới hoặc có trường trong nước liên kết với đối tác xếp thứ thấp hơn trường mình.
Riêng học phí liên kết trong nước, các cơ sở liên kết được thu học phí ngoài quy định, thu thêm học phí khi tổ chức học ngoài giờ, tự đặt mức phí tuyển sinh, sử dụng biên lai do trường tự in khi chưa được phép của cơ quan quản lý thuế.
Thậm chí, cơ sở liên kết với trường Đại học Vinh còn thu chi phí tuyển sinh không theo dõi qua hệ thống kế toán của trường. Đại học Bách khoa HN khi ký hợp đồng liên kết chỉ xác định mức thu của trường, không xác định mức thu của đơn vị liên kết đối với học sinh. Đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) thu vượt quy định 100.000 đồng/học viên/tháng, với tổng số tiền hơn 283 triệu đồng.
Còn học phí các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, mức thu không được tính toán dựa trên chi phí cụ thể. Mức thu có sự chênh lệch giữa các chương trình, đối tác. Chương trình thạc sĩ thu thấp nhất là 3.500 USD/khóa của lớp cao học Việt Nam – Hà Lan (ĐH Kinh tế Quốc tế Quốc dân), cao nhất là 13.500 USD/khóa (cử nhân quản trị kinh doanh của trường Đại học Kinh tế Quốc dân). Mức phổ biến là 8.000 – 10.000 USD/khóa. Mức thu cao gấp 20 lần mức quy định của Thủ tưởng Chính phủ, nhưng chất lượng đào tạo không tương xứng học phí.
Cảnh Kiên (Khampha.vn)
"Nhanh chân" học sau đại học
Tấm bằng cử nhân chưa đủ để "làm đẹp" hồ sơ xin việc. Vì lẽ này mà nhiều trường tăng cường quy mô đào tạo sau ĐH để kịp thời đáp ứng nhu cầu người dân. Đối với nhiều người, việc học trong thời điểm này còn đang "thuận lợi" trước khi cơ quan quản lý siết chặt.
Ngày càng nhiều cử nhân muốn học cao học (Ảnh minh họa)
Tranh thủ lúc "nhá nhem"
Lý do đi học cao học của M.N.Tuyết là để được cộng điểm thi công chức. Tuyết chọn một trường có mối quen biết cũ để vượt qua kỳ thi đầu vào với trình độ tiếng Anh chưa đủ để nói được một câu vì ra trường đã 10 năm nay. Trong khi đó, điều kiện đầu vào thạc sỹ hiện nay là trình độ A2 theo khung chuẩn châu Âu và tiến tới B1 trong thời gian tới. Theo lời khuyên của các bạn đã hoàn thành luận văn thạc sỹ thì Tuyết vẫn còn cơ hội hoàn thành "bổ túc" cao học trong 2 năm tới nếu không có gì thay đổi về quy chế hay bị thanh tra rà soát.
Để đáp ứng nhu cầu của người học, các trường liên tiếp xin chỉ tiêu đào tạo sau ĐH. Quy mô đào tạo sau ĐH của các trường ĐH trong những năm gần đây tăng lên nhanh chóng. Chỉ riêng đợt 1 tuyển sinh đào tạo thạc sĩ năm 2012, trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra chỉ tiêu tới 1.000 học viên. ĐH Sư phạm Hà Nội cũng thông báo tuyển 700 chỉ tiêu thạc sỹ trong đợt 1 năm 2012. Còn ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển đến 4.000 thạc sĩ, 376 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ năm 2011 trong khi chỉ tiêu đào tạo ĐH chính quy của trường được định hướng giữ nguyên quy mô với mức khoảng 5.500 sinh viên. Con số thống kê cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 20.000-25.000 thạc sỹ được đào tạo.
Số lượng đào tạo ngày càng lớn thì chất lượng khó có thể đòi hỏi cao. Điều này đã được chính các chuyên gia về đào tạo sau đại học nhìn nhận. PGS.TS Ngô Kim Thanh, Khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định tình trạng đổ xô đi học thạc sĩ đang trở thành trào lưu trong xã hội. Một giảng viên có học vị tiến sĩ trong vòng một năm có thể hướng dẫn khoảng 10 đề tài thạc sĩ, chưa kể các luận văn đại học, thì không thể có chất lượng cho các đề tài luận văn thạc sĩ, nhiều luận văn được sao chép gần như hoàn toàn mà không hề bị các thầy phát hiện.
Rục rịch rà soát chất lượng
Không chỉ lo ngại về chất lượng luận văn thạc sỹ mà ngay cả luận án tiến sĩ cũng đang là đối tượng phải rà soát. Mới đây ĐH Bách khoa Hà Nội đã rà soát toàn bộ các bộ môn có nghiên cứu sinh trong trường. GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Hội đồng kỷ luật đã quyết định đình chỉ 2 nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sĩ. Nguyên do là những nghiên cứu sinh này cũng như thầy hướng dẫn hoàn toàn không có mặt ở khoa, không thực hiện quy chế làm việc ở trường. "Thậm chí cả năm trời không thấy đến trường, các thầy bộ môn không ai biết nghiên cứu sinh này vì họ không tham gia sinh hoạt chuyên môn, một trong những yêu cầu bắt buộc với nghiên cứu sinh" - GS Nguyễn Trọng Giảng cho biết. Hiện trường này đã ra một loạt quy định để đưa việc đào tạo thạc sỹ cũng như hướng dẫn nghiên cứu sinh vào nề nếp.
Đánh giá thực trạng các luận án tiến sĩ kinh tế ở các trường ĐH khối kinh tế, PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, Viện Kế toán - Kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhiều nghiên cứu sinh chưa thực sự dành tâm huyết cho quá trình học tập, nghiên cứu viết luận án. Có người đang trong thời gian viết luận án tiến sĩ nhưng một năm vẫn giảng 1.000 tiết ở một trường ĐH, hoặc tham gia kinh doanh công ty riêng.
Nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, vừa qua ĐH Bách khoa Hà Nội đã có một số quy định mới, thậm chí gây phản ứng khá mạnh về quy định độ tuổi và giới hạn một trong 2 người hướng dẫn nghiên cứu sinh phải là cán bộ của trường. Giải thích về việc này GS Nguyễn Trọng Giảng cho biết, trường có quyền đưa ra các quy chế chặt hơn của Bộ GD-ĐT, vì vậy các quy định mới nhằm đưa đào tạo thạc sỹ và hướng dẫn nghiên cứu sinh vào nền nếp.
Còn tại ĐH Kinh tế Quốc dân, việc đặt ra chuẩn đánh giá luận văn, luận án cũng đang được bàn tới để khắc phục chất lượng sản phẩm khoa học thấp do trình độ và ý thức trách nhiệm của nhiều cán bộ hướng dẫn cùng tâm lý dễ dãi với người học. Trong các hội đồng chấm, nhiều giám khảo nhận xét rất nghiêm khắc nhưng cuối cùng vẫn cho điểm cao. Điều này cho thấy cần xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá luận văn, luận án.
Theo Vinh Hương
ANTĐ
Học tại Việt Nam, nhận bằng ở Anh. Được mặc đồng phục tốt nghiệp với mũ vuông áo thụng, bước lên sân khấu nhận tấm bằng cử nhân hay thạc sỹ từ tay hiệu trưởng một trường danh tiếng của Anh, là viễn cảnh mà có lẽ không học sinh, sinh viên nào không mơ ước. Thế nhưng để có thể thực hiện ước mơ đó thật không đơn giản. Trước...