Kiểm tra trực tuyến: Đừng để niềm tin bị xói mòn
Những ngày này, các trường đang chuẩn bị tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ 1. Nhiều trường và nhiều giáo viên lo lắng về tính trung thực của học sinh khi kiểm tra trực tuyến.
Có nhiều hình thức để kiểm tra học sinh khi học trực tuyến – CHÂU NGUYÊN
Còn tôi thì cho rằng, cần dạy học bằng niềm tin, hãy tin học sinh, đừng để niềm tin bị xói mòn bởi bài kiểm tra trực tuyến.
Trên các phương tiện truyền thông trong những ngày qua, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý đưa ra nhiều quan điểm xoay quanh việc kiểm tra định kỳ học kỳ 1, tức kiểm tra 1 tiết và thi học kỳ.
Rất nhiều vấn đề đặt ra xung quanh tính trung thực của học sinh. Đa số thầy cô cho là khó khả thi, nào là kiểm tra như thế nhiều vấn đề nảy sinh nhất là khi các em giỏi công nghệ, nào là đường truyền internet không thể đảm bảo… Có giải pháp làm trên giấy rồi chụp hình gửi mail. Khó lòng mà xem hết 300 mail trên máy tính, chấm xong là mờ mắt. Có đề xuất đặt 3 cái camera trước mặt và hai bên… Chao ôi con nhà nghèo hiện chưa có thiết bị để học lấy đâu 3 cái camera!
Hầu hết ý kiến cho rằng đợi Sở GD-ĐT ra hướng dẫn. Vậy kế hoạch khung thời gian năm học đã được Sở GD-ĐT ban hành đã để đâu rồi, vả lại việc kiểm tra định kỳ với hình thức nào là do nhà trường, giáo viên quyết định. Có vô số cách kiểm tra đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách khách quan và đàng hoàng.
Chẳng hạn, với các môn xã hội, thầy cô giao một dự án cho từng nhóm và có phân chia trách nhiệm để nhóm thực hiện. Cách làm này sẽ đạt tiêu chí “thực học – thực làm”.
Video đang HOT
Với môn khoa học tự nhiên, thầy cô có thể giao nhóm xây dựng đề cương cho 2 bài, hoặc tiến hành làm hột vịt muối, làm dưa chua, củ kiệu, thịt đông, trồng rau, nuôi nấm mèo, nấm bào ngư… rồi ghi hình có hướng dẫn.
Riêng với môn ngoại ngữ có thể ra một đồ vật, yêu cầu một nhóm hùng biện nói về tính năng tốt; một nhóm nói về những hạn chế của nó. Hoặc cho đề mở để các em có cơ hội truy tìm trên internet hoặc đọc tài liệu… Kiểu ra đề như thế phát huy tính sáng tạo của học sinh, hình thành nhiều kỹ năng, nhưng trên hết sản phẩm làm ra là do công sức của cả nhóm.
Chúng ta không khó ra đề kiểm tra trực tuyến đánh giá đúng tính trung thực của học sinh, nếu như mỗi giờ lên lớp thầy cô luôn yêu thương và dạy các em bằng cả niềm tin thì kết quả sẽ rõ ràng.
Tại sao thầy cô nói sợ học trò không trung thực, nghe nhói lòng! Chúng ta đang dạy cho các em gì đây? Nên nhớ sản phẩm của giáo dục là phẩm chất đạo đức của nhà giáo.
Lớp 1, lớp 2 cũng thi trực tuyến liệu có thực sự cần thiết?
Con thi trực tuyến bố mẹ cũng phải thi cùng. Học sinh lớp 4, 5 có thể tự giác làm bài và thành thạo các thao tác trên máy tính, nhưng với học sinh lớp 1, lớp 2, việc kiểm tra trực tuyến khiến không ít bố mẹ lẫn các con đều loay hoay.
Những ngày gần đây, nhiều trường tại Hà Nội tổ chức cho học sinh kiểm tra cuối kỳ sau một thời gian "treo lịch thi" do dịch Covid-19, trong đó có cả các trường tiểu học.
Bố mẹ "toát mồ hôi" khi con thi trực tuyến
Chị Phương Mai (Long Biên, Hà Nội) có con học lớp 1 vừa trải qua bài thi trực tuyến chia sẻ: "Thi trực tuyến cả mẹ cả con đều vất vả để hoàn thành bài thi. Các con lớp 1 quen đọc chữ to, nhưng chữ trên đề thi ở máy tính lại quá bé, các con rất dễ nhìn sai. Chưa kể học sinh lớp 1 còn chưa quen với những thao tác trên máy tính nên mất rất nhiều thời gian để đọc được đề thi. Đang thi thì máy tính lại bị lỗi, bố mẹ vội vàng đăng nhập bằng ipad cho con thi tiếp, bị gián đoạn nên cũng ảnh hưởng đến tâm lý của con. Nhưng khi dùng bằng ipad, truy cập vào link của cô cho để thi thì camera lại tự động tắt, lại bị cô nhắc vì sợ gian lận khi thi. Trong phòng thi có bạn thi không làm được bài thì vừa làm vừa khóc, mẹ phải ngồi bên cạnh dỗ".
Nhiều phụ huynh cho rằng không nên thi trực tuyến với những lớp học sinh còn quá nhỏ. (Ảnh minh họa)
Chị Phương Mai cũng cho rằng, với những học sinh lớp 4, 5, khi các con đã có thể sử dụng thành thạo máy tính, có ý thức tự giác làm bài thì có thể áp dụng hình thức thi trực tuyến. Với những lớp nhỏ hơn như lớp 1, lớp 2, việc thi trực tuyến không thực sự hiệu quả.
Chị Hoàng Minh có con học tại một trường tiểu học quận Hai Bà Trưng cho biết, trước khi thi chính thức vào tuần tới, vài ngày trước, nhà trường đã tổ chức cho thi thử trên máy tính. Với phần thi viết chính tả, cô đọc và các con nghe, viết lại sau đó bố mẹ sẽ chụp ảnh gửi cho cô chấm điểm. Nhưng do đường truyền mạng không ổn định nên có khi cô đang đọc thì lại bị gián đoạn, các con rất khó nghe để tập trung viết theo.
Anh Nguyễn Quang Khải (Ba Đình) cũng cho biết, do dịch bệnh nên gia đình anh đã gửi con về quê với ông bà cách đây hơn 1 tháng, hiện nay Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị 16 nên anh cũng không tiện về quê đón con. Đến khi nhà trường thông báo sẽ thi trực tuyến, vợ chồng anh lại phải hoay hoay hướng dẫn ông bà, nhờ các bác ở nhà để hỗ trợ con khi thi.
"Ở quê không phải nhà ai cũng có laptop hay máy tính bảng, nên để chuẩn bị cho buổi thi, phải đi mượn máy tính từ trước, trong buổi thi thử, không có bố mẹ ở cạnh hướng dẫn nên con cũng run và lúng túng hơn. Với những lớp học sinh còn quá nhỏ, việc học trực tuyến đã khó khăn và kém hiệu quả, thì việc thi càng khó khăn hơn nữa. Qua những bài thi chớp nhoáng chỉ 30 phút, có khi đã mất đến 10-15 phút nghẽn mạng, liệu có đánh giá được hết năng lực của các con. Chưa kể nghỉ dịch 1 thời gian dài, nhiều con bị rơi rớt kiến thức nên sẽ khó khăn hơn trong việc thi cuối kỳ", anh Khải nói.
Cân nhắc việc xét lên lớp thay vì thi trực tuyến
Phụ huynh Nguyễn Thu Thủy (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con gái chị đang học lớp 3 và vừa trải qua buổi thi thử học kỳ vài ngày trước sau thời gian dài nghỉ hè. Buổi thi chính thức sẽ được cô giáo thông báo cụ thể vào tuần tới. Chị Thủy cho biết, sau nhiều ngày không đến trường, việc ôn tập lại những kiến thức trong năm học để thi là khó khăn với cả học sinh và phụ huynh.
"Nhiều con trên lớp học rất tốt nhưng đến khi thi thử cũng chỉ đạt 5-6 điểm do kiến thức đã rơi rụng gần hết lại không được các cô hướng dẫn trực tiếp. Bố mẹ giúp con ôn tập ở nhà cũng không thể hiệu quả bằng cô giáo. Nhiều khi cho con học mà cả nhà căng thẳng.
Khi thi thử, dù cô giáo đã chọn khung giờ thi từ 18h30-19h30 để đỡ nghẽn mạng nhưng đường truyền vẫn bị gián đoạn. Thời gian làm bài 2 môn Toán và Tiếng Việt là 60 phút, trừ thời gian lỗi mạng, cô giáo làm trật tự phòng thi online thì chỉ còn khoảng 40 phút làm bài. Thời gian ngắn, nhiều con rất hoảng, mất bình tĩnh khi thi. Chưa kể với những học sinh nhỏ tuổi, chưa quen thao tác trên máy tính, luôn phải có bố mẹ ngồi cạnh hướng dẫn. Con phải ngồi ngay ngắn trong suốt thời gian thi, không quay ngang quay dọc, với trẻ nhỏ nhiều con sẽ cảm thấy căng thẳng, khó chịu", chị Thủy cho biết.
Qua quá trình thi thử, chị Thủy cho rằng, việc thi trực tuyến với những học sinh còn quá nhỏ là không hiệu quả, gây những áp lực không cần thiết cho trẻ.
Phụ huynh này cho rằng, nên chăng cân nhắc việc xét lên lớp cho học sinh những lớp đầu cấp 1 thay vì thi như hiện nay.
Cô Nguyễn Kim Ngọc, Hiệu trưởng một trường Tiểu học tại Hà Nội cho rằng, với những học sinh lần đầu làm quen với việc thi trực tuyến, hay những học sinh lớp 1, lớp 2 còn nhỏ sẽ cần rất nhiều sự hỗ trợ từ phía bố mẹ và thầy cô khi thi. Trước một số ý kiến cho rằng, nên bỏ qua bài thi cuối kỳ và xét cho học sinh lên lớp để tránh một kỳ thi online chưa thực sự hiệu quả và áp lực cho học sinh tiểu học, cô Ngọc cho rằng, điều này có thể thực hiện trong 1 năm học, nhưng cũng cần tính đến những kịch bản xa hơn, trường hợp những năm tiếp theo, học sinh vẫn tiếp tục bị gián đoạn việc học do dịch bệnh hay những điều kiện khách quan khác thì việc cho các em làm quen với thi trực tuyến là cần thiết.
Để thi trực tuyến được hiệu quả, cô Ngọc cho rằng, các trường cần chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, đường truyền internet cũng như cần tập huấn giáo viên, hướng dẫn phụ huynh để có thể đồng hành cùng con.
"Về nguyên tắc nếu không thi các cô sẽ khó đánh giá, cho điểm các con cuối kỳ, không thi nhiều con cũng sẽ có tâm lý không học. Nhưng việc thi trực tuyến trong mùa dịch có thể khiến nhiều học sinh lần đầu làm quen với phương thức này bỡ ngỡ, khó khăn, nhà trường cần tạo điều kiện tốt nhất cho các em, luôn động viên, đồng hành và giáo viên tuyệt đối không được gây áp lực cho các con và phụ huynh trong kỳ thi này", cô Ngọc nói./.
HS lớp 1 tại Hà Nội kiểm tra cuối kỳ II trực tuyến: Giải pháp hợp lý trong mùa dịch Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các trường học ở Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức kiểm tra cuối học kỳ II bằng hình thức trực tuyến. Nhiều phụ huynh lo lắng trong trường hợp con phải kiểm tra cuối kỳ bằng hình thức trực tuyến. Ảnh minh họa: Phi Hùng Tuy nhiên, một số phụ huynh có con...