“Kịch bản” nào chống gian lận thi trực tuyến?
Một số trường học ở Hà Nội đang lên “kịch bản” thi học kỳ 2 trực tuyến sao cho vừa chống gian lận, vừa đánh giá đúng chất lượng học sinh.
Chia ca để thi học kỳ
Thời điểm này, nhiều trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành việc thi học kỳ 2.
Với khối trường công lập, do chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT, vì vậy nhiều trường tự “dựng kịch bản” thi học kỳ 2 nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài.
Theo Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức ( quận Hoàn Kiếm), thi học kỳ bằng hình thức trực tuyến chỉ áp dụng trong trường hợp bất khả kháng và đương nhiên phải được Sở GD&ĐT cho phép.
Hiện học sinh lớp 12 của trường này cơ bản hoàn thành các bài kiểm tra cuối kỳ nhưng khối lớp 10, 11 vẫn đang dang dở và phải chuyển sang phương thức trực tuyến.
Theo hiệu trưởng này, việc kiểm tra trực tuyến khó khách quan và khó kiểm soát được chất lượng, không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện để tham gia kiểm tra cùng một thời điểm.
Một số trường tính phương án, cho học sinh đến trường, chia ca và làm bài kiểm tra học kỳ trong điều kiện chỗ ngồi đảm bảo giãn cách (Ảnh minh họa).
Vì vậy, nếu diễn biến dịch vẫn phức tạp, trường phải dừng hoạt động dạy học trong hơn 2 tuần, như vậy sẽ cho học sinh đến trường, chia ca và làm bài kiểm tra thì vừa phòng ngừa dịch bệnh, vừa công bằng trong đánh giá, xếp loại.
Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cho biết, nếu thi trực tuyến, nhà trường có thể thiết lập một ngân hàng đề thi, sau đó tổ chức cho học sinh thi trực tuyến. Phương án này sẽ phù hợp với các môn thi trắc nghiệm như tiếng Anh, Lịch sử,…
Video đang HOT
Đối với các môn cần thi đọc và viết như Tiếng Việt, thầy cô có thể kiểm tra từng học sinh theo hình thức mặt đối mặt thông qua Zoom thì sẽ kiểm soát được vấn đề gian lận.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho hay, với một số môn có thể làm hoàn toàn làm bài thi bằng phương pháp trắc nghiệm, có thể làm bài ngay trên Zoom bởi hiện đã có phần mềm tích hợp.
Tuy nhiên, không phải môn nào cũng kiểm tra học kỳ bằng hình thức trắc nghiệm nên có thể lên phương án: Giáo viên có thể chia lớp ra làm nhiều ca để kiểm tra.
Việc này thuận tiện ở chỗ, thầy cô có thể quan sát đầy đủ học sinh đang làm bài qua màn hình nhưng trách nhiệm nặng nề và vất vả cho giáo viên vì thầy cô phải làm nhiều bộ đề và phải coi thi nhiều lần.
Ngoài ra, theo bà Lệ Hằng, một số nơi kiểm soát dịch tốt đang đề xuất chia ca và học sinh đến kiểm tra trực tiếp ở lớp, sao cho đảm bảo giãn cách và khai báo y tế đầy đủ. Việc này, theo bà Hằng, sẽ tiềm ẩn một số nguy cơ nên cần cân nhắc kĩ và chỉ thực hiện được khi có sự cho phép của cơ quan chức năng.
Kêu gọi sự trung thực của phụ huynh và học sinh
Với học sinh các cấp lớn, việc thi trực tuyến có thể dễ dàng hơn bởi các em có nhiều kiến thức về tin học, sử dụng máy tính, điện thoại thuần thục.
Còn với học sinh tiểu học, việc thi trực tuyến chắc chắn phải có sự hỗ trợ của phụ huynh. Điều này gây lo ngại, phụ huynh học sinh thi hộ con.
Theo một giáo viên, việc gian lận thi cử, dù là thi tại trường hay thi trực tuyến, đều có thể xảy ra.
Giáo viên dạy trực tuyến mùa dịch Covid-19. (Ảnh: M. Hà).
Giáo viên cũng không thể nào ngồi nhìn vào màn hình máy tính cả 60 – 90 phút để coi thi. Vì thế, muốn có sự công bằng khách quan, trước hết phụ thuộc vào chính ý thức của học sinh và suy nghĩ của các bậc làm cha, làm mẹ.
Bà Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho rằng, nên nhìn nhận việc kiểm tra không đơn thuần chỉ là một bài thi. Đó là việc theo dõi cả quá trình nên bỗng nhiên một học sinh điểm cao vọt lên là rất vô lý.
“Chúng tôi hiểu tâm lý lo lắng, một số em sẽ được phụ huynh hướng dẫn hoặc học sinh tự ý gian lận.
Rõ ràng thi trực tuyến sẽ không thể yên tâm như kiểm tra trực tiếp ở trường, vậy nên trước hết, vẫn kêu gọi sự trung thực của học sinh và phụ huynh”, bà Hằng chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho hay, không thể có công bằng khi thi học kỳ bằng hình thức trực tuyến bởi rất khó kiểm soát.
Về mặt công nghệ, để thi trực tuyến tốt, trước hết phải có phần mềm chuyên dụng, không thể thi trên những phần mềm đang dạy trực tuyến.
Hiện nay, chỉ một số trường có nền tảng công nghệ thông tin tốt, có thể tổ chức thi tích hợp trắc nghiệm qua một số phần mềm nhưng có chắc câu trả lời đấy là của học sinh hay không?
“Vì vậy theo tôi, không nhất thiết phải làm bài kiểm tra học kỳ, như thế vừa nhân văn vừa có tính giáo dục bởi tổ chức thi mà không công bằng, vô tình chúng ta tạo tiền lệ xấu trong giáo dục, dạy học sinh thói xấu, không trung thực trong học tập.
Để làm được điều này, nhà trường có thể sử dụng các cột điểm từ trước đến nay để đánh giá học lực, đồng thời kết thúc năm học vào thời điểm này, không cần làm bài kiểm tra học kỳ.
Khi bước vào năm học mới, nếu tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng, có thể làm bài khảo sát đầu năm.
Điều quan trọng, Bộ GD&ĐT cho phép các địa phương thực hiện chủ trương này, nếu không các Sở GD&ĐT sẽ không dám thực hiện”, ông Vũ nói.
Thừa Thiên Huế sẽ thi học kỳ 2 bằng hình thức trực tuyến
Hình thức thi học kỳ 2 trực tuyến đang được ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế lên phương án và áp dụng ngay trong những ngày tới khi học sinh toàn tỉnh tạm dừng tới trường do dịch bệnh Covid-19.
Ngày 11/5, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, học sinh toàn tỉnh phải nghỉ học và chuyển sang học trực tuyến trong thời gian thi học kỳ 2. Vì vậy, ngành giáo dục tỉnh đã lên phương án cho việc thi học kỳ 2 này bằng hình thức trực tuyến.
Dù thời gian thi học kỳ 2 bằng phương pháp này vừa được thông báo, rất cận kề, tuy nhiên do từ mùa dịch năm ngoái nhiều trường học đã tổ chức cho học sinh học trực tuyến nên đã khá quen thuộc, không bị động
Tùy theo điều kiện cụ thể của từng vùng, từng trường mà sẽ cho tổ chức thi trực tuyến theo cách thức phù hợp. Đề thi phải thiết kế phù hợp để đánh giá đúng năng lực học sinh.
Nhà trường phải có biện pháp theo dõi quá trình làm bài của các em nhằm đảm bảo tính chính xác, công bằng, trung thực, khách quan. Bài kiểm tra phải đúng do học sinh thực hiện, đánh giá được đúng năng lực của học sinh.
Học sinh Thừa Thiên Huế đã làm quen các hình thức học tập, kiểm tra online ở những đợt dịch Covid-19 trước vào năm 2020, nên việc thi học kỳ 2 năm học 2020-2021 không có gì quá bỡ ngỡ đối với các em (ảnh: H.Thu).
Đối với các học sinh không có đủ điều kiện máy móc để thi trực tuyến, nhà trường sẽ cử thầy cô giáo đến nhà các em và đưa máy cho học sinh làm bài thi tại nhà, hoặc cho các em làm bài thi bằng giấy tại nhà rồi thu lại.
Riêng đối với các trường chưa hoàn thành chương trình học thì tiếp tục chuyển sang dạy học online như đã từng làm ở mùa dịch Covid-19 năm 2020 và kiểm tra các môn chưa hoàn tất cũng bằng hình thức online.
Đặc biệt, với khu vực đang bị phong tỏa, cách ly tạm thời do có liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ theo dõi diễn biến, tình hình dịch bệnh để có phương án dạy học và thi học kỳ chậm hơn các trường học không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thi học kỳ trực tuyến: Liệu có khả thi và đánh giá đúng chất lượng học sinh? Nếu dịch COVID-19 kéo dài, học sinh không thể tới trường thì việc kiểm tra học kỳ II buộc phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Những ngày qua, phụ huynh liên tục gọi điện thắc mắc với cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên trường THCS Minh Khai (Hà Nội) về vấn đề kiểm tra, đánh giá học kỳ II sẽ diễn...