Khuyên học sinh cân nhắc việc thi vào cấp 3: Nói phải, củ cải cũng nghe!
Học sinh (HS) học xong lớp 9 có nhiều hướng đi khác nhau, không phải tất cả đều thi và “chen chân” vào trường THPT công lập.
Song dù chọn ngã rẽ nào cũng phải trên tinh thần tự nguyện của HS và gia đình, không thể vì thành tích của nhà trường và Phòng GDĐT mà không cho các HS có học lực yếu thi vào lớp 10 THPT.
Ảnh minh họa.
Không ép nhưng “dồn” phụ huynh
Mới đây, một phụ huynh có con đang học lớp 9 ở một trường của quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết chị và 4 vị phụ huynh khác được giáo viên chủ nhiệm mời lên trao đổi. Nội dung cụ thể là nói về thành tích học tập của con những năm học qua và đưa ra các định hướng sau khi tốt nghiệp lớp 9.
Vì con có lực học yếu, đặc biệt là môn Toán và Ngoại ngữ nên cô giáo đề xuất với gia đình không cho con tham dự kì thi vào lớp 10 mà xét tuyển thẳng vào trường THPT dân lập bằng học bạ luôn. Cô sẽ có trách nhiệm “ làm đẹp” học bạ để HS chắc chắn đỗ trường dân lập.
“Nếu gia đình vẫn “cố tình” để con đăng ký và tham dự kỳ thi, điểm số đạt được theo cô là thấp, khó đỗ được các trường công lập trên địa bàn, trừ khi con đăng ký ở một huyện rất xa trung tâm thủ đô. Khi đó, quay lại nhập học bằng học bạ thì cũng khó vì bảng điểm các năm qua của con không được tốt”, vị phụ huynh này chia sẻ.
Trên thực tế, sự liên hệ giữa gia đình và nhà trường, cụ thể là cha mẹ HS và giáo viên chủ nhiệm là rất cần thiết, nhất là với những HS cuối cấp. Đó không chỉ là câu chuyện điểm số, ý thức, thái độ học tập, mối quan hệ của HS với thầy cô, bạn bè trong nhà trường… mà còn là định hướng cho tương lai tiếp theo của HS sau đây sẽ ra sao.
Video đang HOT
Chẳng hạn, đối với HS lớp 9 có nguyện vọng thi vào trường THPT công lập, giáo viên chủ nhiệm là một trong những người sẽ đưa ra lời khuyên cho HS về việc đăng ký nguyện vọng sao cho phù hợp, nắm chắc cơ hội đỗ vào trường công lập mà các em mong muốn sau khi tham khảo sự tư vấn của các thầy cô bộ môn khác có liên quan đến kỳ thi vào lớp 10 (năm học 2020-2021 là môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử).
Tuy nhiên, với những HS có học lực yếu, nhất là bảng điểm qua các lần thi thử do nhà trường, phòng… tổ chức không có khả năng đỗ vào các trường THPT công lập trên địa bàn, phương án nhiều trường đưa ra là “vận động” gia đình HS để các em không tham dự kỳ thi vào lớp 10.
Xét tuyển bằng học bạ vào trường THPT dân lập, chọn trường nghề hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên… là những hướng đi chính được các thầy cô tư vấn cho gia đình. Trong trường hợp đồng ý với phương án nhà trường đưa ra, phụ huynh sẽ điền vào đơn tự nguyện không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT do nhà trường đưa cho.
Tư vấn vì học sinh
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT và đăng ký nguyện vọng vào bất cứ trường nào các em muốn là quyền lợi của tất cả các thí sinh. Không thể biện minh cho bất kỳ lý do gì để cấm các em không được thi. Còn việc đỗ hay trượt, đó là câu chuyện của từng thí sinh. TS Lâm kể lại có trường hợp HS được tư vấn chọn trường THPT A vì kết quả thi thử thấp. Nhưng khi thi thật, con lại làm rất xuất sắc nên lại hối tiếc vì đã không đăng ký nguyện vọng vào trường có tỷ lệ chọi cao hơn.
TS Lâm cho rằng, tâm lý “biết đâu ăn may thi cử” của một số phụ huynh và HS là bình thường. HS có thể có kết quả thi chính thức tốt hơn nhiều so với các kỳ thi thử, kỳ kiểm tra tại lớp… Trong trường hợp con trượt hết các nguyện vọng vào trường công lập, khi đó con sẽ tính đến các phương án tiếp theo còn ngay cả “cơ hội trượt” cũng không có thì chắc chắn, nhiều phụ huynh và thí sinh không cam lòng.
Không chỉ ở Hà Nội, câu chuyện phụ huynh “tố” nhà trường không cho con mình thi vào cấp 3 còn diễn ra ở nhiều nơi bởi thực chất đây là câu chuyện thành tích của không chỉ riêng nhà trường. Khi bảng điểm thi vào lớp 10 của HS được công khai, điểm 0, điểm liệt… là một vấn đề lớn về chất lượng giáo dục.
Rồi việc xếp hạng giữa các trường trong quận huyện đó về tỷ lệ HS đỗ trường cấp 3 công lập. Chỉ tiêu phân luồng sau THCS được chỉ đạo quyết liệt từ cấp trên khiến các trường áp lực… Hàng loạt lý do khiến các trường áp lực xuống giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm áp lực xuống gia đình.
Một cô giáo nhiều năm làm chủ nhiệm khối 9 của một trường THCS ở Thanh Trì cho biết: Những năm được phân công chủ nhiệm các lớp chọn của trường thì không phải đau đầu tư vấn, chính xác hơn là thuyết phục các phụ huynh về việc không cho con thi vào lớp 10. Chỉ cần trao đổi với lực học của em đó thì nên đăng ký, sắp xếp nguyện vọng ra sao để chắc chắn đỗ và không phải hối tiếc. Nhưng năm nào được phân công làm chủ nhiệm lớp có nhiều HS yếu, ngay từ đầu năm cô đã phải liên tục trao đổi với phụ huynh để đốc thúc HS học, cải thiện điểm số.
“Phụ huynh nào sát sao với con thì sẽ biết ngay khả năng học của con ra sao, khi đó giáo viên đưa ra các giải pháp sẽ dễ thuyết phục hơn. Còn cả năm không nói gì, đến khi sắp thi mới yêu cầu phụ huynh làm đơn xin tự nguyện không tham gia thi thì phụ huynh bức xúc là đúng thôi”, cô giáo này chia sẻ.
Cùng chung quan điểm này, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng đi tìm sự đồng thuận giữa gia đình và nhà trường trong vấn đề phân luồng HS sau THCS không thể là chuyện làm trong một sớm một chiều. Đó phải là một quá trình để thầy trò, gia đình, HS hiểu rõ nhau, từ đó đưa những định hướng nào là tốt nhất cho em đó trong hoàn cảnh cụ thể. Trong đó, cơ sở tiên quyết phải là vì tương lai của HS chứ không phải vì thành tích của ngành giáo dục.
Điểm mới trong tuyển sinh lớp 10 Hà Nội
Công tác tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội năm nay có thay đổi về môn thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nguyện vọng.
Tại Hội nghị hướng dẫn công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2021-2022; xét tốt nghiệp THCS năm học 2020-2021; thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng sư phạm mầm non năm 2021 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 16/4, bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, lưu ý các điểm mới trong công tác tuyển sinh lớp 10.
Công tác tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội có nhiều điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh. Ảnh minh họa: Việt Linh.
Theo đó, bà Hà cho hay năm nay, thí sinh dự thi vào trường công lập sẽ thi 4 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 là Lịch sử. Trong đó, hai môn Văn, Toán thi theo hình thức tự luận. Hai môn còn lại thi theo hình thức tự luận.
Năm ngoái, học sinh Hà Nội không thi môn thứ 4 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Công tác xét tuyển tại các trường THPT công lập tự chủ và trường ngoài công lập cũng được điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh và trường. Cụ thể, năm nay, các trường này có thể chọn xét tuyển dựa trên điểm thi hoặc dựa trên kết quả học tập hoặc kết hợp cả hai. Năm ngoái, các trường chỉ lựa chọn một trong hai phương án.
Công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 ở Hà Nội cũng có sự thay đổi trong đăng ký nguyện vọng. Năm trước, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa hai nguyện vọng trong cùng một khu vực tuyển sinh.
Năm nay, nhằm tạo thuận lợi và tăng cơ hội trúng tuyển cho học sinh, sở cho phép mỗi học sinh đăng ký tối đa 3 nguyện vọng. Trong đó, hai nguyện vọng đầu phải đăng ký vào trường theo khu vực tuyển sinh. Nguyện vọng thứ 3, thí sinh có thể đăng ký vào trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Nếu thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng, nguyện vọng thứ 2 có thể vào trường thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Nếu chỉ đăng ký một nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký vào trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Bà Hà lưu ý thêm học sinh không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký. Các năm trước, sau khi sở công bố số lượng thí sinh đăng ký vào các trường, học sinh được phép thay đổi nguyện vọng. Năm nay, do đã tăng số lượng nguyện vọng, học sinh sẽ không được điều chỉnh.
Tuy nhiên, học sinh được thay đổi khu vực tuyển sinh. Những em ở khu vực giáp ranh hoặc có chỗ ở thực tế khác với hộ khẩu đăng ký, nếu có nguyện vọng thay đổi khu vực tuyển sinh có thể làm đơn, nêu rõ lý do và được thủ trưởng cơ sở giáo dục xác nhận để gửi về sở.
Ngoài ra, năm nay, sở cũng giảm chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nguyện vọng. Năm ngoái, điểm chuẩn chênh lệch giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 là 1,5 điểm. Năm nay, học sinh đỗ nguyện vọng 2 phải cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 một điểm, nguyện vọng 3 cao hơn hai điểm.
Bên cạnh đó, năm 2020, khi hạ điểm chuẩn, các trường chỉ nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 1. Năm 2021, các trường được nhận cả học sinh đăng ký nguyện vọng 2, 3 nếu đủ điều kiện trúng tuyển theo điểm chuẩn mới.
Công tác tuyển sinh lớp Tiếng Nhật là ngoại ngữ 1 cũng điều chỉnh khi nếu không trúng tuyển lớp Tiếng Nhật, học sinh được xem xét vào lớp Tiếng Anh với các nguyện vọng đã đăng ký.
Một điểm mới khác là trong tuyển sinh song bằng tú tài, thí sinh chỉ dự hai vòng thi thay vì 3 vòng như năm ngoái (bỏ vòng phỏng vấn). Trường xét tuyển dựa trên điểm 5 bài thi vòng 2, lấy từ cao đến thấp và đảm bảo điểm 4 bài thi chung đạt từ 30 trở lên và không bài nào dưới 3 điểm.
Thi lớp 10 Hà Nội: Thêm 2 trường mới, khoảng 62% học sinh vào công lập Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội luôn "nóng" bởi chỉ tiêu ít so với số lượng thí sinh dự thi. Theo công bố, chỉ khoảng 62% học sinh tốt nghiệp trúng tuyển vào trường THPT công lập. Theo công bố mới nhất của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm 2021, thành phố có thêm 2 trường THPT công...