Khuất tất sau những bộ hồ sơ khống về chế độ giáo viên
Giáo viên muốn chuyển công tác buộc phải “cam kết” với huyện “không hưởng phụ cấp thu hút theo quy định hiện hành, do tự nguyện xin chuyển công tác”. Đây là quy định riêng của huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) khiến nhiều giáo viên phải “ngậm đắng nuốt cay”.
Tự đặt ra quy định riêng
Vì điều kiện gia đình, một số giáo viên (GV) tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) phải xin chuyển công tác về gần nhà. Tuy nhiên, khi xin chuyển công tác thì những GV này buộc phải cam kết với huyện “không hưởng chế độ thu hút”. Trong số những GV xin chuyển công tác có trường hợp của thầy giáo Trịnh Tuấn và cô giáo Thang Thị Dung với những lí do cá nhân xin chuyển công tác cũng buộc phải làm cam kết này.
Thầy Tuấn – Trường THCS xã Cẩm Giang cho biết: “Tháng 11/2008, tôi xin chuyển công tác từ trường THCS Cẩm Vân về Trường THCS Cẩm Giang để được gần nhà vì có một số lí do cá nhân đặc biệt. Lúc này, xã Cẩm Giang đang thuộc xã 135 của huyện. Khi xin chuyển công tác, tôi buộc phải ký một cam kết trong đó có quy định là “không hưởng chế độ thu hút do tình nguyện xin chuyển công tác”.
Cũng giống như trường hợp của thầy Tuấn, cô Dung – GV dạy môn Địa Lý quê ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy cho biết: “Trước khi làm cam kết xin chuyển công tác vào tháng 12/2008, tôi đang dạy ở Trường THCS Cẩm Tâm, cách nhà 25km. Do mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, bản thân lại là con một nên tôi xin được chuyển công tác về thị trấn Cẩm Thủy để tiện chăm sóc mẹ lúc cuối đời”.
Theo như Quyết định số 1506-QĐ-CT ngày 2/12/2008 về việc thuyên chuyển cô Dung từ Trường THCS Cẩm Tâm về Trường THCS Cẩm Giang do Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thuỷ (lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Thành) có điều khoản: “Không được hưởng phụ cấp thu hút theo quy định hiện hành, do tự nguyện xin chuyển công tác”.
Chính vì quy định này mà hai GV trên không được hưởng chế độ 135 cũng như chế độ thu hút theo Nghị định 61-CP tại thời điểm đó. Đến hết năm 2008, xã Cẩm Giang ra khỏi danh sách xã 135.
Trong danh sách Phòng Tài chính Cẩm Thủy trình lên Sở Tài chính Thanh Hóa có nhiều trường hợp giáo viên ở trường THCS Cẩm Giang là sai lệch.
Đến tháng 3 năm 2011, thầy Tuấn cùng cô Dung được hưởng chế độ thu hút hỗ trợ GV vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến tháng 10/2011 (đang được hưởng chế độ 8 tháng) hai giáo viên này đột nhiên bị cắt chế độ trên.
Video đang HOT
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, bà Mai Thị Hà – Trưởng phòng Tài chính huyện Cẩm Thủy cho biết: “Hai GV Trinh Tuấn và Thang Thị Dung không được hưởng chế độ nữa là do khi xin chuyển công tác vào năm 2008 đã cam kết với huyện là không hưởng chế độ thu hút hiện hành. Chúng tôi theo “cam kết” này để cấp chế độ cho GV”.
Theo danh sách của Phòng Tài chính huyện Cẩm Thủy trình lên Sở Tài chính Thanh Hóa duyệt cấp kinh phí theo đề án NĐ 116-CP năm 2012 lại có tên thầy Tuấn và cô Dung kèm theo mức tiền phê duyệt. Tuy nhiên, hai GV này lại không được hưởng số tiền trên. Không hiểu lí do vì sao lại bị cắt chế độ, thầy Tuấn và cô Dung đã đến phòng Tài chính huyện Cẩm Thủy để hỏi rõ vấn đề thì được trả lời: “Do khi xin chuyển công tác đã cam kết không hưởng chế độ thu hút hiện hành nên cắt. Nếu còn kiến nghị nữa sẽ “truy thu” lại số tiền đã cấp trước đó”.
Nghị định một đàng, thực hiện một nẻo
Nghị định 116 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/3/2011. Thầy Tuấn và cô Dung thuộc diện được hưởng chế độ thu hút hỗ trợ GV theo Nghị định này. Nhưng chỉ cấp cho hai giáo viên này được 8 tháng rồi cắt luôn chế độ này.
Bà Mai Thị Hà một mực khẳng định: “Những GV này đã tự nguyện cam kết với huyện là không hưởng chế độ thu hút hiện hành. Thực hiện theo Quyết định của huyện thì chế độ nào có “thu hút” là chúng tôi cắt, và những GV này không có quyền được hưởng”.
Quyết định về việc thuyên chuyển giáo viên của Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy đối với một số giáo viên trong đó có điều khoản “không được hưởng phụ cấp thu hút theo quy định hiện hành, do tự nguyện xin chuyển công tác”.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Cẩm Thủy và một số phòng ban có liên quan. Ông Bùi Minh Bút – Trưởng phòng Nội Vụ huyện Cẩm Thủy lí giải về việc buộc các GV phải “cam kết không hưởng thu hút” khi chuyển công tác.
“Từ năm 2007 đến 2010, huyện được tỉnh giao “khoán” gói kinh phí 3 năm để nhằm hạn chế việc “phình” kinh phí bởi tình trạng GV ồ ạt xin về xã vùng cao (xã 135) sau khi hết 5 năm hưởng thu hút rồi lại xin chuyển về vùng thấp. UBND huyện đã buộc GV phải ký cam kết. Chính vì điều này, những GV chuyển trường những năm đó sẽ không được hưởng chế độ 135, chế độ thu hút theo Nghị định 61-CP”.
Ông Bùi Minh Bút – Trưởng phòng Nội vụ huyện Cẩm Thủy trao đổi với PV.
Tuy nhiên điều khá vô lý là cam kết giữa hai GV này với huyện Cẩm Thủy vào năm 2008. Nhưng mãi đến ngày 29/10/2009, UBND huyện Cẩm Thuỷ mới có văn bản số 659/UBND-NV về thực hiện “cam kết” chế độ phụ cấp ưu đãi đối với GV thuyên chuyển và tiếp nhận. “Chúng tôi không được hưởng chế độ thu hút theo Nghị định 116 của Chính Phủ là bất hợp lí”, thầy Tuấn trần tình.
Trong văn bản 659/UBND-NV của huyện Cẩm Thủy nêu rõ: Đối với GV trong huyện thuyên chuyển theo nguyện vọng cá nhân về xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì “chỉ được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo quy định, không được hưởng phụ cấp thu hút và trợ cấp lần đầu. Như vậy, cam kết mà thầy Tuấn và cô Dung đã làm trước đó không có giá trị so với Quyết định của huyện Cẩm Thủy đưa ra.
Liên quan đến vấn đề hưởng chế độ hiện hành của Nghị định 116-CP. Theo điều tra của PV, Phòng Tài chính huyện Cẩm Thủy đã lập danh sách “khống” thêm nhiều GV chưa đủ điều kiện hưởng phụ cấp lâu năm nhưng phòng này vẫn lập để báo cáo lên Sở Tài chính Thanh Hóa để lấy tiền trợ cấp này.
Tuy nhiên, Tại bảng truy lĩnh phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp thu hút Nghị định 116 của các trường thì các GV có trong danh sách phòng Tài chính lập lại không hề được nhận số tiền trên.
Cụ thể, trong cuốn sổ “Báo cáo nhu cầu kinh phí trợ cấp đối với cán bộ công chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo NĐ 116/2010/NĐ-CP” mà phòng Tài chính huyện Cẩm Thủy trình lên Sở Tài chính Thanh Hóa để phê duyệt kinh phí.
Trường THCS Cẩm Giang danh sách có 18 người được lập ngày 28/3/2012 do hiệu trưởng trường này là bà Trịnh Thị Diệp kí tên đóng dấu. Danh sách này đã bị khai khống thâm niên lên hàng loạt với hệ số phụ cấp được hưởng theo thời gian thực tế làm việc như hệ số 0,5 (thời gian làm việc từ đủ 5 năm đến 10 năm); 0,7 (thời gian làm việc từ 10 năm đến dưới 15 năm); 1,0 (thời gian làm việc từ đủ 15 năm trở lên) đều bị khai tăng so với thực tế. Tại bảng truy lĩnh phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp thu hút Nghị định 116 của trường Cẩm Giang (lập ngày 9/7/2012), các GV ở đây không hề được nhận số tiền trên.
Ngoài ra, có những GV không hề cam kết cũng bị cắt chế độ. Cụ thể, giáo viên Cao Hồng Hà, sinh năm 1958, trước đây có nhiều năm làm phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Cẩm Thuỷ. Năm 2010, thầy Hà chuyển về xã Cẩm Quý (xã đặc biệt khó khăn 135) làm GV. Dù không hề có “cam kết” nào trong quyết định thuyên chuyển nhưng thầy Hà cũng bị cắt hết các chế độ thu hút. Cô Trần Thị Thuỷ, năm 2010 đang dạy tại xã Cẩm Giang thì có quyết định điều động về dạy tại trường Tiểu học xã Cẩm Châu (chuyển ngang từ xã 135 đến xã 135), nhưng cũng bị cắt chế độ thu hút một cách vô lý. Dù danh sách trình Sở Tài chính xin cấp kinh phí 116 vẫn có tên cô Thuỷ với khoản phê duyệt lên tới 26 triệu đồng.
Ông Phạm Viết Hoài – phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết: “Chúng tôi đang yêu cầu phòng Nội vụ, Phòng Tài chính khẩn trương rà soát lại để khắc phục những thiếu sót gây thiệt thòi chế độ giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Hường, được điều động về Trường THCS Cẩm Giang, dù không nằm trong diện “cam kết”, vẫn bị cắt mất tiền trợ cấp thu hút lần đầu. Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, số lượng người bị cắt tiền trợ cấp lần đầu này khá lớn, bao gồm cả cán bộ xã, GV được hưởng chính sách Nghị định 116.
Vậy, mục đích đằng sau những danh sách “ma” là gì? Số tiền chế độ thu hút của GV bị cắt, cùng với số tiền khai khống sẽ đi đâu?
Ông Phạm Viết Hoài – phó Chủ tịch huyện Cẩm Thủy cho biết: “Chúng tôi đang yêu cầu phòng Nội vụ, Phòng Tài chính khẩn trương rà soát lại để khắc phục những thiếu sót gây thiệt thòi chế độ GV. Những GV chuyển công tác trước thời điểm Nghị định 116 có hiệu lực (trước ngày 1/3/2011) thì nghiễm nghiên sẽ được hưởng chế độ này. UBND huyện sẽ sớm có quyết định về sự việc trên. Quan điểm của huyện là ai sai tới đâu sẽ xử lý tới đó”.
Duy Tuyên – Thái Bá
Theo dân trí
Chính sách với nhà giáo công tác nơi đặc biệt khó khăn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo đó, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm các huyện đảo: Trường Sa, Hoàng Sa; các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Tính từ ngày 15/4 tới (ngày Nghị định 19/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nhưng thôi không hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Về trợ cấp chuyển vùng, thay vì quy định cụ thể mức trợ cấp là 6,5 triệu đồng, Nghị định 19/2013/NĐ-CP quy định nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có gia đình chuyển đi theo, được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên đi cùng và được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển ghi trong quyết định luân chuyển.
Về trợ cấp lần đầu đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khi được luân chuyển đến công tác tại các cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, thay vì quy định cụ thể mức trợ cấp là 4 triệu đồng, Nghị định mới quy định mức cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung cho một người tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển ghi trong quyết định luân chuyển.
Ủy ban Nhân dân cấp huyện của địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết trợ cấp lần đầu và chỗ ở cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được chuyển đến địa phương. Trợ cấp chuyển vùng và trợ cấp lần đầu nêu trên chỉ thực hiện một lần trong cả thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo TTXVN
Nhà giáo phải là nhà hoạt động XH-chính trị Nói vê môt xã hôi học tâp suôt đời, theo GS. TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam: "Nhà giáo giờ đây phải là một nhà giáo phạm, một nhà hoạt động xã hội, hoạt động chính trị chứ không chỉ đứng trên lớp là xong". Sáng 15/11, tại Văn Miêu Quôc Tử...