Không ghi âm hoặc ghi hình thì không được hỏi cung, lấy lời khai
Đó là một trong những nội dung quan trọng được đề xuất trong dự thảo Thông tư liên tịch của các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao mới đây.
Không được lấy lời khai, hỏi cung khi không ghi âm hoặc ghi hình
4 cơ quan là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao vừa dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Theo đó, Thông tư liên tịch này gồm 3 chương với 12 điều, áp dụng đối với cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Những quy định của Thông tư liên tịch này được áp dụng trong các trường hợp lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; diễn biến phiên tòa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Dự thảo đề xuất cán bộ hỏi cung, lấy lời khai không được thực hiện với người đại diện theo pháp luật của pháp nhân khi chưa ghi âm hoặc ghi hình.
Đáng chú ý, theo nội dung tại điểm c, khoản 2, điều 5 trong chương II của dự thảo quy định trình tự, thủ tục thực hiện có nêu rõ: “Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân”.
Cụ thể, căn cứ phương tiện, thiết bị kỹ thuật được trang cấp, lắp đặt, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Cấp trưởng, Cấp phó của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Video đang HOT
Tại cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo trình tự:
1. Cán bộ hỏi cung đăng ký với cán bộ chuyên môn trực tiếp quản lý hệ thống kỹ thuật ghi âm, ghi hình tại nơi giam giữ.
2. Lực lượng có liên quan bố trí phòng làm việc, hướng dẫn về quy trình, thao tác kỹ thuật thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh.
3. Cán bộ hỏi cung làm thủ tục trích xuất đối với bị can bị tạm giam (không được đưa bị can tại ngoại vào hỏi cung ở cơ sở giam giữ, trừ trường hợp đối chất với bị can đang bị tạm giam).
4. Cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đến phòng làm việc, thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân biết về việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (đối với lần làm việc đầu tiên), việc thông báo phải ghi vào biên bản sau đó tiến hành làm việc.
5. Việc ghi âm, ghi hình bắt đầu khi cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân nhấn nút bắt đầu (cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai phải đọc thời gian bắt đầu và ghi rõ trong biên bản).
Trong quá trình hỏi cung hoặc lấy lời khai có thể tạm dừng ghi âm, ghi hình có âm thanh bằng cách nhấn nút tạm dừng. Trước khi tạm dừng cán bộ hỏi cung, lấy lời khai phải đọc rõ thời gian tạm dừng, lý do tạm dừng, khi tiếp tục làm việc cũng phải đọc rõ thời gian tiếp tục, quá trình này được ghi rõ trong biên bản.
6. Kết thúc buổi làm việc, cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân biết buổi hỏi cung hoặc lấy lời khai kết thúc và nhấn nút kết thúc, thời gian kết thúc ghi rõ trong biên bản.
Dừng ngay hỏi cung khi có sự cố kỹ thuật
Theo nội dung trong dự thảo, trường hợp đang hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật không thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì phải dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai.
Lúc này cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân biết, nếu họ đồng ý tiếp tục làm việc thì vẫn tiến hành hỏi cung, lấy lời khai. Nếu bị can không đồng ý tiếp tục làm việc thì dừng buổi hỏi cung, lấy lời khai. Việc này ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn
Dự thảo cũng quy định rõ, trong trường hợp máy ghi âm hoặc ghi hình bị sự cố kỹ thuật khi đang hỏi cung thì cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ phải dừng ngay việc hỏi cung hay lấy lời khai lại.
Trường hợp không sắp xếp được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân biết, nếu họ đồng ý thì tiến hành làm việc, trường hợp họ không đồng ý thì không được hỏi cung, lấy lời khai.
Về trình tự bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, dự thảo quy định hệ thống máy chủ đặt tại cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra do Cơ quan điều tra cùng cấp cử cán bộ chuyên môn quản lý, bảo quản.
Hệ thống máy chủ đặt tại trụ sở Viện kiểm sát, Tòa án cấp nào do cán bộ của Viện kiểm sát, Tòa án cấp đó quản lý, bảo quản. Hệ thống máy chủ đặt tại trụ sở cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì do các cơ quan này quản lý, bảo quản. Đối với các thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh di động thì đơn vị nào thụ lý điều tra vụ án có trách nhiệm quản lý, sử dụng.
Theo Danviet
Dùng thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang: Chỉ QH mới có thể quyết
"Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị chỉ nên khoanh lại điều kiện kinh doanh, còn mở rộng quy định cả đối tượng sử dụng là sai" - TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật (Bộ Tư Pháp) nói.
Thiết bị ngụy trang ghi hinh ngày càng hiện đại, tinh vi ( ảnh minh họa).
Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị có quy định đang gây khá nhiều tranh cãi hiện nay, đó là nội dung: Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.
Về quy định này, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật (Bộ Tư Pháp) - đặt vấn đề: Nghị định có được quy định thế không, đây là vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng.
"Tôi cho rằng dự thảo Nghị định quy định như trên là chưa đúng thẩm quyền. Theo Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Chính vì thế vấm đề ai được quyền sử dụng, ai không được quyền sử dụng thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình đó phải quy định bằng Luật" - TS Lê Hồng Sơn phân tích.
Theo TS Sơn, qua theo dõi các tác phẩm báo chí điều tra, ông thấy lực lượng phóng viên lâu nay sử dụng các thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình để thu thập tư liệu phanh phui những vụ việc tiêu cực như buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn, tham nhũng, tội phạm...
"Nếu muốn cấm người dân thì phải bằng luật. Mà đã là luật thì Quốc hội sẽ bàn thảo xem ai được quyền sử dụng thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình và sử dụng như thế nào? Còn quy định chỉ có lực lượng chức năng mới được dùng như trong dự thảo Nghị định mà Bộ Công an xây dựng tôi nghĩ khi đưa ra Chính phủ thảo luận, Chính phủ cũng không chấp thuận" - TS Lê Hồng Sơn đánh giá.
Chốt lại vấn đề, TS Lê Hồng Sơn cho rằng: "Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị thì chỉ nên khoanh lại điều kiện kinh doanh, điều kiện đó như thế nào thôi. Còn mở rộng quy định cả đối tượng sử dụng là sai, kiểu chuyện nọ sọ chuyện kia".
Theo tờ trình của Bộ Công an: Trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước. Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ, việc đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị; điển hình là vụ Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật... Ngoài ra, Bộ Công an đã xác định có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự như Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng. Những người sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị được ngụy trang dưới vỏ bọc đồ vật bình thường hoặc phần mềm theo dõi được cài đặt trái phép trên các thiết bị điện tử, máy tính xâm phạm quyền bí mật riêng tư của cá nhân, hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong xã hội.
Theo Danviet
Cơ quan đặc biệt mới được ghi âm, ghi hình ngụy trang Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Nghị định quy điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm,...