Không để dịch MERS-CoV xâm nhập
Bộ Y tế chỉ đạo chặn dịch từ 3 phía: cửa khẩu, từ cửa khẩu về nhà, từ bệnh viện ra ngoài cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV), sáng 18-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với UBND TP Hà Nội bàn biện pháp tăng cường công tác phòng chống.
Dập dịch từ 3 phía
Theo báo cáo, từ ngày 1-6 đến nay, ngành y tế Hà Nội đã tổ chức giám sát 988 chuyến bay với gần 130.000 hành khách đến từ các nước có dịch MERS-CoV. Trong đó, 156 chuyến bay với hơn 21.000 hành khách đến từ Hàn Quốc, 16 chuyến bay với hơn 4.500 hành khách từ khu vực Trung Đông. Ngoài ra, trung tâm y tế các quận, huyện tổ chức giám sát tình trạng sức khỏe của gần 2.200 hành khách đến từ các quốc gia có dịch. Bốn trường hợp trong số này qua theo dõi có hiện tượng ho, sốt, phải cách ly điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS-CoV tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương
Đến nay, Sở Y tế Hà Nội đã tập huấn cho 65 đội phòng chống dịch cơ động và các BV để sẵn sàng tiếp nhận nếu có bệnh nhân. UBND TP cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính Hà Nội xem xét, cấp bổ sung kinh phí phòng chống dịch MERS-CoV từ nguồn kinh phí dự phòng, dự kiến khoảng 29 tỉ đồng, trong đó 10 tỉ đồng chi cho Sở Y tế để mua trang thiết bị chuyên dụng.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định không chỉ đường hàng không, cơ quan chức năng cần tập trung giám sát hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch qua đường thủy, đường bộ. “Hà Nội quyết tâm không để dịch MERS-CoV xâm nhập” – ông Nguyễn Văn Sửu khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý rút kinh nghiệm từ Hàn Quốc, phải chặn dịch từ 3 phía: cửa khẩu, từ cửa khẩu về nhà, từ bệnh viện ra ngoài cộng đồng. “Dù Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo dịch chưa đến mức hạn chế du lịch nhưng trong thời điểm này, tốt nhất là người dân nên hạn chế đi du lịch đến vùng đang có dịch bệnh như Trung Đông, Hàn Quốc” – bà Tiến lưu ý thêm.
Lập khu cách ly, điều trị riêng
Video đang HOT
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thị sát công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương. Bộ trưởng yêu cầu BV này phải lập khu cách ly riêng đối với bệnh nhân nghi nhiễm MERS-CoV tại cơ sở 2 ở huyện Đông Anh, Hà Nội. “Vì dịch MERS-CoV, hàng loạt BV của Hàn Quốc đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị bệnh nhân. Khi dịch xảy ra, cơ sở 2 của BV Bệnh nhiệt đới phải là cơ sở điều trị chính, bảo đảm hoàn toàn việc điều trị MERS-CoV. BV cần điều chuyển các máy móc, từ máy thở, ECMO… sẵn sàng cho điều trị” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, trong 3 tuần qua, mỗi ngày có 2-3 bệnh nhân nghi nhiễm MERS-CoV từ Hàn Quốc và từ Mỹ (quá cảnh qua Hàn Quốc) về Việt Nam. Riêng tối 17-6, có 4 bệnh nhân vào viện để khám do có triệu chứng sốt, ho. “Những ngày qua, hầu hết bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thăm khám tại BV đều phải đeo khẩu trang y tế. Điều đó cho thấy người dân rất có ý thức phòng bệnh” – PGS Kính nói. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện BV đã tổ chức 2 phòng khám riêng, có lối cầu thang riêng để nếu phát hiện bệnh nhân nghi nhiễm MERS-CoV là đưa lên phòng cách ly ngay.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, cho biết dù Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm MERS-CoV nhưng ngành y tế đã “kích hoạt” các biện pháp chống dịch như ở kịch bản 2 (đã có bệnh nhân) để các BV sẵn sàng đáp ứng khi có bệnh nhân đầu tiên.
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp khẩn với một số tổ chức y tế quốc tế, các chuyên gia y tế cho biết kết quả phân lập mới nhất cho thấy chủng virus gây dịch MERS-CoV chưa có sự biến đổi. Tuy nhiên, các đánh giá cho thấy virus này có thể tồn tại lâu trong không khí và lây từ người này sang người khác qua các giọt bắn nước bọt khi tiếp xúc gần.
Hàn Quốc: Thêm 3 ca chết, 3 ca nhiễm mới
Nhà chức trách Hàn Quốc ngày 18-6 công bố vừa có thêm 3 trường hợp tử vong do MERS-CoV và 3 ca nhiễm mới. Như vậy, đến nay, số ca nhiễm MERS-CoV tại Hàn Quốc lên đến 165 người, 23 người tử vong. Con số BV bị ảnh hưởng bởi MERS-CoV đã tăng lên 84.
Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi người dân không nên quá sợ hãi dịch bệnh MERS-CoV vì hầu hết trường hợp lây nhiễm cho đến giờ đều xảy ra tại BV. Tuy nhiên, đáng lo ngại là vừa xuất hiện trường hợp một bệnh nhân MERS-CoV đến đảo Jeju nhưng trước đó chẩn đoán chưa phát hiện nhiễm virus. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đang theo dõi những người từng tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân này.
Cùng ngày, Bộ Sức khỏe công cộng Thái Lan công bố nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm MERS-CoV. Bệnh nhân là một doanh nhân đến từ Oman.H.Phương
Bài và ảnh: Ngọc Dung
Theo_Người lao động
3 "kịch bản" ứng phó với dịch MERS - CoV nguy hiểm
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng, chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (MERS-CoV). Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên dù chỉ có 1 người mắc bệnh cũng sẽ được nâng cấp độ lên là một ổ dịch...
Ngay sau hội nghị trực tuyến với 63 đầu cầu chiều 8/6 về phòng nguy cơ dịch MERS - CoV xâm nhập, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn này làm cơ sở áp dụng tại tất cả các cơ sở y tế trong cả nước.
Bộ Y tế cũng cho biết việc giám sát dịch MERS - CoV đã được lên 3 "kịch bản". Trong đó, ở tình huống 1 khi Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp xác định MERS - CoV thì cần thực hiện giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ đầu tiên, chẩn đoán nhanh đồng thời tiến hành khoanh vùng, xử lý kịp thời.
Việc giám sát phát hiện sớm nguy cơ, ngăn ngừa sự lây lan luôn được ưu tiên hàng đầu. Trong ảnh, Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác chống dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương.
Trong giai đoạn này, việc áp dụng khai báo y tế cần thực hiện nghiêm ngặt ở các cửa khẩu. Tại cộng đồng cũng được thực hiện giám sát chủ động, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, lập danh sách quản lý, theo dõi tất cả các trường hợp nghi ngờ.
Kịch bản 2 khi xuất hiện trường hợp xác định MERS - CoV xâm nhập vào Việt Nam, việc phát hiện sớm các trường hợp liên quan đến ca bệnh xâm nhập, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan là ưu tiên hàng đầu.
Lúc này, vẫn cần thực hiện các biện pháp giám sát như tình huống 1, đồng thời theo dõi chặt tình hình sức khỏe của tất cả những người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.
Còn ở kịch bản 3, khi dịch MERS - CoV lan rộng ra cộng đồng, việc phát hiện sớm các trường hợp mắc trong cộng đồng, xử lý triệt để ổ dịch để hạn chế tối đa khả năng lây lan phải thực hiện một cách triệt để.
Tại các ổ dịch được xác định cần tăng cường giám sát tích cực, chủ động điều tra dịch tễ, lập danh sách trường hợp nghi ngờ... và lây mẫu xét nghiệm ít nhất 3 - 5 trường hợp nghi ngờ trong ổ dịch để xét nghiệm. Các trường hợp khác trong ổ dịch có triệu chứng tương tự đều được coi là trường hợp xác định phải xử lý theo quy định.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện thời Việt Nam đang ở tình huống 1 và Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ để phòng bệnh, người dân khi xuất nhập cảnh cần thực hiện các thông tin khai báo y tế, chủ động theo dõi sức khỏe và thông báo cho cơ quan y tế về các vấn đề liên quan đến MERS - CoV, đặc biệt là những người trở về từ vùng dịch.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi tới các vùng có dịch khi không cần thiết. Nếu phải đi cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch để chủ động có các biện pháp phòng lây nhiễm cho bản thân. Khi về cần khai báo y tế, chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe.
Cần tăng cường thông khí nơi làm việc, nơi ở, trường học, hạn chế sử dụng điều hòa, thường xuyên lau nhà, tay nắm cửa, các bề mặt tiếp xúc trong nhà bằng dung dịch khử khuẩn cũng là các biện pháp được Bộ Y tế khuyến cáo để người dân phòng nhiễm bệnh hô hấp nói chung, bệnh MERS - CoV nói riêng.
Hiện nay căn bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Vì thế, việc phát hiện, điều trị sớm ca bệnh sẽ giảm nguy cơ cho bệnh nhân.
Việc lây nhiễm trong môi trường bệnh viện cũng được cảnh báo, vì vậy Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt phân luồng khám, cách ly, điều trị bệnh nhân. Triển khai các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm với cán bộ y tế, người chăm sóc bệnh nhân, các bệnh nhân khác tại cơ sở điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Việc khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch, xử lý khử khuẩn tại bệnh viện, tại nhà của bệnh nhân cũng cần được thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm tiêu diệt hết mầm bệnh có nguy cơ lan truyền.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, quy định này được áp dụng tại tất cả các cơ sở y tế và cơ sở y tế cần tuân thủ để phòng tránh, phát hiện sớm ca bệnh MERS - CoV. Tùy theo diễn biến của dịch bệnh và các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Bộ Y tế sẽ có những cập nhật và điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp.
Tú Anh
Theo Dantri
Bộ trưởng Tiến: Kiểm tra facebook khi trên ô tô Là người đầu tiên tham gia vào facebook, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết nó đã trở thành công việc thường xuyên của mình. Người chỉ ra điểm yếu của bạn mới là bạn tốt Theo bà chia sẻ, từ khi công bố chính thức trang fanpage Bộ trưởng Y tế đến nay, để duy trì hoạt động...