‘Không chỉ Cánh Diều, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo rà soát 4 bộ sách Tiếng Việt còn lại’
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), trước những bất cập được phản ánh vừa qua, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo rà soát cả 5 bộ sách Tiếng Việt lớp 1 mới.
Từ năm học 2020-2021, có 5 bộ sách giáo khoa (SGK) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) phê duyệt sử dụng trong nhà trường. Bốn bộ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn và bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM biên soạn.
Sau một tháng tổ chức dạy và học theo chương trình và SGK mới, Tiếng Việt lớp 1 đang là chủ đề nhận được nhiều tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, môn Tiếng Việt nặng và khó hiểu so với sách cũ, nhiều bài học thiếu tính giáo dục, thậm chí phản cảm.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những chia sẻ thẳng thắn với VTC News.
- Trước dư luận về một số nội dung không phù hợp trong SGK Tiếng Việt lớp 1 mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có báo cáo giải trình với Quốc hội. Đại biểu đánh giá báo cáo đó thế nào?
Bộ GD&ĐT đã có báo cáo số 1104 ngày 22/10/2020 gửi đến Quốc hội liên quan đến vấn đề SGK mới, trong đó có nói đến những điểm chưa phù hợp trong bộ Cánh Diều. Theo tôi, cần có những chia sẻ với Bộ GD&ĐT. Trong bối cảnh diễn ra dịch COVID-19, yêu cầu giãn cách xã hội chắc chắn ảnh hưởng nhất định đến việc bồi dưỡng, tập huấn đối với bộ sách mới cho các giáo viên đứng lớp.
Về vấn đề này, Bộ cũng có tinh thần cầu thị thông qua việc ra văn bản rà soát, điều chỉnh những chi tiết cụ thể chưa phù hợp trong bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều.
Bộ cũng đã nhận định những thành công bước đầu đối với chủ trương việc xã hội hóa, xóa bỏ độc quyền trong việc biên soạn, xuất bản, phát hành SGK. Bộ sách Cánh Diều chiếm 32% trong tổng số SGK lớp 1 được các trường trên cả nước lựa chọn.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy.
Theo báo cáo Bộ GD&ĐT gửi đại biểu tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội ngày 3/11, Bộ đã chỉ đạo rà soát tất cả các bộ SGK lớp 1 mới hiện nay.
Bộ GD&ĐT đã chỉ ra những sai sót của bộ sách Cánh Diều thì Bộ cũng cần tổ chức rà soát 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam để chỉ ra các biện pháp khắc phục lỗi cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy
Tuy nhiên, nếu chỉ nói rà soát điều chỉnh chung chung thì khó đảm bảo công bằng đối với các học sinh và giáo viên đang học và dạy 4 bộ SGK còn lại.
Video đang HOT
Chúng ta đang thực hiện chủ trương mới, đó là một chương trình thống nhất, có nhiều SGK cho mỗi môn học. Lần này, có 5 bộ SGK, đang được lưu hành, mà theo báo chí phản ánh thì tất cả các bộ SGK Tiếng Việt 1 đều có những điểm chưa phù hợp. Nếu chỉ đạo chung chung thì mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ, không có gì thay đổi.
Chiếu theo báo cáo của Bộ hiện nay, đại biểu hiểu rằng chỉ rà soát đối với bộ Cánh Diều mà thôi, vậy những bộ còn lại thì sao, trong khi dư luận cũng đã chỉ ra những sai sót ở những bộ sách khác.
- 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam không ghi tên tác giả các câu chuyện kể, khiến người đọc lầm tưởng đó là sáng tác của người viết SGK. Như vậy có được gọi là đạo văn không?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm phải thông tin về tác giả và xuất xứ của tác phẩm. Nếu không làm như vậy sẽ vi phạm luật, cụ thể là xâm phạm quyền nhân thân, là một trong hai quyền cơ bản của quyền tác giả. Trong quyền tác giả có quyền nhân thân và quyền tài sản, ở đây chúng ta thấy rõ nét nhất là việc vi phạm quyền nhân thân.
Thông tin từ báo chí cho biết, sách Tiếng Việt lớp 1 mới của NXB Giáo dục Việt Nam đã quên thực hiện việc ghi tên tác giả. Thông tin báo chí dẫn chứng nhiều bài tập đọc, bài kể chuyện được sử dụng nguyên văn, chuyển thể, phóng tác từ tác phẩm của các tác giả trong và ngoài nước nhưng lại không ghi tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm.
Điều đó khiến người đọc hiểu lầm đó là tác phẩm của chính những người biên soạn SGK. Tôi thực sự không hiểu vì sao cuốn sách qua nhiều khâu từ biên tập đến thẩm định vẫn để lọt những lỗi như thế.
Cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam có nội dung gây tranh cãi.
- Có ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT làm ngơ trước những sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật nói trên, vì đó là sách của NXB Giáo dục Việt Nam, một doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Đại biểu nghĩ sao về ý kiến này?
Có thể Bộ GD&ĐT chưa cập nhật được thông tin từ báo chí. Theo tôi được biết, từ sai sót của bộ sách Cánh Diều, các chuyên gia giáo dục, giáo viên và phụ huynh học sinh bắt đầu “soi” đến 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam. Và họ đã phát hiện nhiều sai sót, thậm chí vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ như tôi đã nói trên.
Có lẽ trong báo cáo ngày 22/10 Bộ gửi các đại biểu, Bộ chưa kịp cập nhật kịp thời, chưa rà soát cụ thể các nội dung mà báo chí đã nêu về 4 bộ sách còn lại. Vì vậy, nhân đây, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cập nhật thêm những thông tin này để có các đánh giá rà soát kỹ càng hơn đối với tất cả các bộ SGK lớp 1 mới.
- Bộ GD&ĐT cần làm gì để xử lý những sai sót, vi phạm nói trên?
Trước hết, Bộ cần nhìn thẳng vào các hạn chế, tồn tại, nhanh chóng rà soát, chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Trong báo cáo gửi đến Quốc hội và cả trao đổi trực tiếp của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội ngày 3/11, Bộ đã chỉ ra những sai sót của bộ sách Cánh Diều thì Bộ cũng cần tổ chức rà soát 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam để chỉ ra các biện pháp khắc phục lỗi cụ thể.
Nếu các bộ SGK này không có lỗi thì cũng cần kết luận để mọi người được biết. Điều này nhằm đảm bảo việc đánh giá, rà soát được diễn ra bình đẳng, công bằng, bảo đảm lợi ích của chính giáo viên, học sinh và những đơn vị đang lựa chọn sử dụng 4 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam.
Đây là vì sự việc trăm năm trồng người cũng là năm đầu tiên thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Đổi mới chương trình, SGK phổ thông cần có những bước đi thận trọng và để có thêm kinh nghiệm cho kế hoạch biên soạn các bộ sách từ lớp 2 cho đến lớp 12 trong các năm sau.
Công bằng khi đánh giá sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1
Sau một tháng tổ chức dạy và học theo chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới, SGK Tiếng Việt lớp 1 đang là chủ đề nhận được nhiều tranh luận.
Không ít ý kiến cho rằng, chương trình SGK môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ, nhiều bài học khó hiểu, không có tính giáo dục. Trong khi đó, người trong cuộc lại đòi hỏi dư luận cần có đánh giá công bằng, khách quan với SGK.
Những bài tập đọc đang gây tranh cãi trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1.
Nhặt "sạn" trong SGK
Từ năm học 2020-2021, có 5 bộ SGK được Bộ GDĐT phê duyệt sử dụng trong nhà trường. 4 bộ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn và bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM biên soạn.
Những ngày qua, nếu các bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam bị phụ huynh ý kiến là "nặng, quá tải", trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây mệt mỏi, thì sách Cánh Diều lại có một số bài tập đọc đang là tâm điểm của tranh cãi. Một số chi tiết trong SGK mới cũng đang khiến giáo viên, phụ huynh khó hiểu, hoặc bị cho là dùng từ địa phương, không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1.
Chị Lê Thùy Dương (có con học lớp 1 tại quận Hoàn Mai, Hà Nội) cho biết, SGK Tiếng Việt có rất nhiều từ mới lạ, thậm chí chị không thể giải nghĩa được. "Nhiều khi con hỏi, mẹ ơi cây lồ ô là cây gì? Con quạ kêu quà quà phải không mẹ? Tôi đã phải tìm hiểu kỹ mới có thể trả lời con. Thật sự dạy trẻ lớp 1 bây giờ không hề dễ dàng" - chị Dương nói.
Trong khi đó, chị Lê Thị Thanh (phụ huynh tại Hưng Yên) đưa ra ví dụ về bài Tập đọc "Hai con ngựa", trang 157, SGK Cánh Diều, có đoạn ngựa tía dạy ngựa ô "hãy trốn đi" khi bị giao việc. Chị Thanh cho rằng, nội dung bài học không phù hợp với trẻ lớp 1. "Như thế chẳng khác gì dạy các con lười biếng, ham chơi và trốn học" - chị Thanh nêu quan điểm.
Phụ huynh Mai Hương (Trường Tiểu học Tây Sơn, Hà Nội) dẫn một bài học trong SGK "Cùng học để phát triển năng lực" của NXB Giáo dục Việt Nam và cho rằng, sách có nhiều bài khó, từ mới, vượt quá năng lực của học sinh lớp 1.
"Sẽ tiếp thu ý kiến để điều chỉnh phù hợp"
Trước những tranh cãi về chương trình, SGK Tiếng Việt lớp 1, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh diều - cho biết, nhóm tác giả sẽ đánh giá kết quả triển khai, tiếp thu ý kiến của giáo viên, xã hội để điều chỉnh cho ngày càng phù hợp hơn. Dù vậy, ông cũng cho rằng, dư luận cần khách quan, công bằng khi đánh giá. Những người biên soạn sách đã làm rất kỹ và có quan điểm của mình.
Cụ thể, với bài tập đọc "Hai con ngựa" bị cho rằng là câu chuyện bịa, xuyên tạc truyện của Lev Tolstoy, dạy trẻ con cách lừa lọc, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, bài tập đọc này được viết lại (phỏng theo) truyện "Ngựa đực và ngựa cái" của Lev Tolstoy được in trong cuốn "Kiến và bồ câu". Trong SGK Tiếng Việt 1, cốt truyện được giữ nguyên, nhưng truyện dài nên phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2. Phần 2 được học ngay sau phần 1.
"Về nhân vật, chúng tôi phải phải sửa "ngựa đực, ngựa cái" thành "ngựa tía, ngựa ô" vì học sinh đến tuần đó chưa học các vần "ưc", "ai" và cũng vì không muốn nói chuyện "đực, cái", phân biệt giới tính. Trong truyện của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại. Ngựa đực làm theo lời ngựa cái. Bác nông dân thấy ngựa đực ương bướng, bèn đóng ngựa cái vào vai cày. Những chi tiết này đã được tác giả sửa lại cho nhẹ nhàng nhưng căn bản diễn biến câu chuyện vẫn như truyện của Lev Tolstoy" - GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Về ý nghĩa của bài tập đọc, GS Thuyết cho rằng, một nhà văn lớn như Lev Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục. Ý nghĩa của câu chuyện này là xui người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả. Giáo viên, khi trực tiếp giảng dạy sẽ định hướng cho học sinh và rút ra bài học sau mỗi bài tập đọc.
Cũng theo tác giả biên soạn sách tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều, trong số hàng trăm bài tập đọc, thì có rất nhiều bài là ca dao, đồng dao, tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam như: Phạm Hổ, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa... Sách cũng có nhiều bài học rất nhân văn dạy về chủ quyền biển đảo. Hàng trăm bài học hay không được nhắc tới, mà một số người lại cắt ghép một vài bài học để đánh đồng, quy chụp cuốn sách là phản khoa học, không có tính giáo dục... là không khách quan.
Cần công bằng khi đánh giá
Nhưng trước những tranh cãi của phụ huynh, nhiều ý kiến băn khoăn tại sao trong quá trình dạy thực nghiệm, thẩm định SGK, Hội đồng thẩm định lại để "lọt" những chi tiết mà phụ huynh cho rằng khó, không phù hợp với học sinh lớp 1?
Trả lời câu hỏi này, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt 1, GS-TS Trần Đình Sử mong muốn phụ huynh hãy bình tĩnh và tin tưởng vào giáo viên cũng như nền giáo dục nước nhà. "Hãy để cho con trẻ, thầy cô và toàn ngành giáo dục yên ổn nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Kết quả của chương trình sẽ được trả lời trong cuối năm học" - GS Trần Đình Sử chia sẻ.
Ông cũng nhận định, các bài học gây tranh cãi trong SGK Tiếng Việt 1 đều được chia làm 2 phần trong sách và được mở ngoặc đơn đánh số (1), (2) thể hiện cho 2 phần. Tuy nhiên, độc giả đã đọc không kỹ, chỉ đọc một nửa câu chuyện, rồi chụp ảnh đăng tải lên mạng với nội dung chỉ trích, nên gây ra nhiều hiểu lầm.
Những hạt sạn trong SGK mà phụ huynh đang tranh luận sẽ được hội đồng thẩm định đánh giá khách quan, công bố công khai để phụ huynh biết, giáo viên và học sinh yên tâm dạy và học.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn, Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Góp ý về SGK là cần thiết, nhưng cần chính xác
Góp ý cho sách giáo khoa (SGK) là cần thiết, nhưng phải có trao đổi, làm rõ vì có một số thông tin thiếu chính xác, thậm chí là bịa hoàn toàn. Chẳng hạn bài học "Chữ số 4" với ví dụ về "Bốn cái làn" được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua là sai hoàn toàn bởi thực chất không cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 nào có nội dung như vậy.
Về việc sách đưa nhiều ngữ liệu là truyện ngụ ngôn được dịch từ tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng nước ngoài, nói phản giáo dục là không đúng.
Chẳng qua là truyện ngụ ngôn thường có nhiều ý nghĩa và có thể suy luận theo nhiều cách hiểu khác nhau.
Nhiều người nói sao không lấy ca dao, tục ngữ mà dạy. Thứ nhất trong sách cũng đã có ca dao tục ngữ; thứ hai chọn ngữ liệu nào trước hết phải phục vụ nhiệm vụ và yêu cầu là rèn luyện các âm, vần đang học... Ngoài ra, không phải ca dao, tục ngữ nào cũng đáp ứng được tất cả các yêu cầu nêu trên. B.Hà (ghi)
Bộ GDĐT yêu cầu rà soát sách Tiếng Việt lớp 1
Trước phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo nội dung sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1.
Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở một số địa phương. Tuy nhiên, những ngày qua, các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 17.10.2020.
Thẩm định SGK: "Đông người nhặt thì chắc chắn "sạn" sẽ bớt đi" Chiều 12/10, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GDT&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách...