Không chỉ bằng trái tim người mẹ
7 giáo viên mầm non được tôn vinh trong Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là những tấm gương sáng về tinh thần chịu khó và tận tụy.
LTS: Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 23 năm 2020 do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức nhằm tôn vinh 50 cán bộ quản lý, giáo viên có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục, lan tỏa các sáng kiến hay về đổi mới phương pháp quản lý và tổ chức giảng dạy, được đồng nghiệp tin yêu, phụ huynh và học sinh kính trọng. Đây là một trong những giải thưởng tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo, tri ân các thầy, cô giáo nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2020).
7 giáo viên mầm non được tôn vinh trong Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là những tấm gương sáng về tinh thần chịu khó và tận tụy. Dù hoàn cảnh xuất thân, tuổi nghề và điều kiện công tác khác nhau nhưng các cô đều giống nhau ở lòng yêu nghề, mến trẻ, dạy học không chỉ bằng tình thương và trách nhiệm mà còn có sự bao dung của người mẹ, xây nên những viên gạch nhân cách đầu đời cho học sinh.
Phấn đấu không mệt mỏi
Chúng tôi gặp cô Đỗ Hoàng Phương Thảo, giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1) sau khi cô vừa kết thúc hoạt động hướng dẫn học sinh vẽ tranh và thể hiện ý tưởng. Cẩn thận xếp lại từng bức tranh của học trò, cô Phương Thảo cho biết, vẽ tranh không đơn thuần chỉ là một hoạt động trong chương trình giáo dục mà còn là kênh giao tiếp với học trò hiệu quả. Thông qua các bức vẽ, giáo viên sẽ hiểu hơn về sở thích, tâm tư, tình cảm của các em.
Cô Đỗ Hoàng Phương Thảo, giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1). Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Có lần một học sinh nộp cho tôi bức vẽ chỉ tô màu đen, tôi không vội nhận xét màu sắc chưa phù hợp mà nhẹ nhàng hỏi lại: Con muốn chia sẻ điều gì với cô phải không?”. Cô giáo trẻ luôn quan niệm, một đứa trẻ ít nói không phải do khả năng ngôn ngữ của con chưa tốt mà vì con chưa thể diễn đạt cảm xúc bằng lời. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, số lượng trẻ sống trong các gia đình ba mẹ ly hôn hoặc sống với người giúp việc ngày càng nhiều, khiến các em dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý. Nhiệm vụ của giáo viên là làm sao tạo được sự tin tưởng, hòa mình vào thế giới của các em để có thể hiểu và đồng hành cùng trẻ.
Công việc ở trường bận rộn nên cô Phương Thảo chọn cách tự học ở nhà, học qua internet, học từ chính kinh nghiệm truyền lại của phụ huynh để làm giàu hơn vốn sống và phương pháp giảng dạy của mình. Nhìn lại quãng đường 14 năm đã qua, cô giáo trẻ cho biết, luôn tự hào vì những điều “chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được”.
Yêu cầu công việc đòi hỏi giáo viên mầm non phải có khả năng biến hóa, từ quản trò, dẫn chương trình, múa, hát, diễn kịch đến lập kế hoạch, tổ chức công việc. Đó là cơ hội, song cũng là thử thách giúp người giáo viên không ngừng phấn đấu, nỗ lực hoàn thành thiên chức “trồng người”.
Video đang HOT
Cũng với tâm niệm đó, cô Lê Thụy Ánh Loan, giáo viên Trường Mầm non 7B (quận Bình Thạnh) tự nhủ, để làm tốt công việc giáo viên mầm non, cái tâm và lòng yêu nghề thôi chưa đủ mà còn cần sự kiên nhẫn, chịu khó, tận tụy với công việc. Ở trường, cô giáo không chỉ là mẹ mà còn là một người bạn lớn, hòa mình vào thế giới trẻ thơ nhiều sắc màu để học và chơi cùng trẻ.
Cô Lê Thụy Ánh Loan, giáo viên Trường Mầm non 7B (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hồi tưởng lại cơ duyên đặc biệt đến với nghề, cô Ánh Loan cho biết, năm 18 tuổi, trong thời gian chờ đợi kết quả thi đại học, một người quen giới thiệu cô vào làm bảo mẫu tạm thời tại một cơ sở mầm non để có thêm thu nhập. Làm được 3 tháng, khi giấy báo trúng tuyển đại học gửi về cũng là lúc cô nữ sinh quyết định gắn bó lâu dài với môi trường mầm non vì đã… trót yêu trẻ.
Khởi đầu công việc từ bảo mẫu, công việc khi đó chỉ là bưng bê, lau chùi, dọn dẹp, mỗi khi có thời gian rảnh, cô Loan lại đứng nhìn đồng nghiệp dạy học trò. Cảm động trước tình cảm đó, đồng nghiệp cho cô dạy thử, rồi động viên cô theo học lớp sơ cấp, trung cấp, cao đẳng rồi đại học sư phạm. Trải qua nhiều năm vừa làm vừa học, đến nay cô Lê Thụy Ánh Loan đã có bằng cử nhân sư phạm, trở thành một giáo viên giỏi, được đồng nghiệp tin yêu, phụ huynh tín nhiệm.
Nhận xét về người đồng nghiệp của mình, Hiệu trưởng Trường Mầm non 7B Cù Thị Quỳnh Giao cho biết, cô Ánh Loan không chỉ tận tâm với học trò mà còn rất nhiệt tình trong công việc. Nhà ở quận 12, mỗi ngày vượt quãng đường hơn 16km đến trường dạy học, nhưng chưa một ngày cô đến lớp trễ. Kinh tế gia đình không khá giả, bản thân vừa học vừa làm phụ mẹ nuôi 2 em nhỏ, nhưng ở người giáo viên ấy, nụ cười lạc quan cùng ý chí phấn đấu không mệt mỏi là điều khiến đồng nghiệp trân trọng và nể phục. Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là phần thưởng xứng đáng sau 28 năm cô Ánh Loan sống hết mình với công việc.
Niềm vui từ học trò
Là người có tuổi đời trẻ nhất trong số 7 giáo viên mầm non được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, cô Huỳnh Thị Ngọc Thanh, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai (huyện Bình Chánh), tự nhận bản thân là người nóng tính. Nhưng khi “bén duyên” với nghề giáo viên mầm non, cô luôn cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày.
Nhớ lại thời gian đầu khó khăn khi nhận lớp, cô giáo trẻ đã mất nhiều thời gian đấu tranh tư tưởng. Hàng loạt câu hỏi như: Mình có thực sự thích hợp với nghề này, nên tiếp tục cố gắng hay bỏ cuộc?, cứ đeo bám. Nhưng rồi mỗi buổi sáng bước chân vào lớp, nhìn những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, trong trẻo của các con, nghe những tiếng gọi thân thương “Cô Thanh ơi, cô Thanh à” của học trò khiến cô giáo trẻ yêu quý hơn công việc của mình. Cô Ngọc Thanh chia sẻ, chỉ cần một cái ôm của cô giáo, một câu nói “Con lại đây, cô thương” cũng đủ giúp các con cười vui suốt cả ngày. Đó chính là động lực giúp cô có thêm sức mạnh vượt qua những giai đoạn khó khăn trong công việc lẫn cuộc sống.
Trong khi đó, tuổi tác không phải trở ngại mà còn là tài sản vô giá đối với cô Phạm Thị Ngọc Lan, giáo viên Trường Mầm non Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), người có tuổi đời cao nhất trong số các giáo viên mầm non đạt giải thưởng năm nay. Cô Ngọc Lan chia sẻ, ở cái tuổi lẽ ra được gọi bằng bà thì mỗi ngày đến lớp, cô vẫn được học sinh gọi là mẹ. Với đặc thù công việc của giáo viên lớp nhà trẻ (25-36 tháng tuổi), mọi sinh hoạt từ ăn uống, dỗ ngủ, thay quần áo, vệ sinh cá nhân cho trẻ đều một tay mẹ Lan lo liệu.
Một ngày làm việc của cô Lan thường bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng, cả ngày luôn chân luôn tay không phút ngơi nghỉ. Tuy vất vả nhưng mỗi khi nói về công việc mình đang theo đuổi, ánh mắt người mẹ lại rực sáng. Hạnh phúc bình dị đối với cô chỉ là khi trẻ ăn hết một bát cơm to, hay ngủ ngoan mà không quấy khóc. Không chỉ hết mình trong công tác chuyên môn, cô Ngọc Lan còn đi đầu trong mọi hoạt động phong trào của đơn vị trong vai trò là một chủ tịch công đoàn năng nổ. Người phụ nữ với nụ cười đôn hậu, giọng nói hào sảng, khoe với chúng tôi: “Cô còn khỏe lắm, chưa muốn về hưu đâu, còn muốn múa hát với các con thêm… chục năm nữa”.
Danh sách giáo viên mầm non được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có các cô: Lê Thị Thu Vân, giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca 14 (quận Phú Nhuận); Trịnh Thị Cẩm, giáo viên Trường Mầm non Sen Hồng (quận 2); Bùi Thị Kim Ngân, giáo viên Trường Mầm non Phước Bình (quận 9). Đối với các cô, thành công của nghề giáo viên mầm non không phải là giải thưởng, thành tích cho bản thân mà chính là tình cảm yêu thương và sự tiến bộ của học trò.
Khi phụ huynh mầm non đứng lớp
"Ôi, ba của bạn Thùy Dương, ba bạn ấy là chú công an kìa. Chú công an hôm nay vào lớp mình, mình sẽ được trò chuyện và ngồi gần chú. Thích quá!".
Phụ huynh Miller Nguyen Andrew - có con học lớp lá Trường mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM) - đến trường dạy lớp con làm bánh pizza và các từ tiếng Anh đơn giản - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Các em lớp lá Trường mầm non Họa Mi 3 (Q.5, TP.HCM) reo vui khi lớp đón các "thầy cô" mới. Họ chính là phụ huynh của học sinh trong lớp, được nhà trường mời tới đứng lớp một số tiết học đặc biệt.
Được phụ huynh, là ba là mẹ của bạn mình vào lớp dạy học, các con không chỉ thích ngay lúc đó mà còn tiếp nối sự thích thú đến tận chiều, thậm chí sang cả ngày hôm sau. Ba mẹ đến cổng đưa đón thôi, các con đã hò reo lên. Mỗi phụ huynh làm những công việc khác nhau, khi đứng lớp sẽ truyền cảm hứng học tập cũng như nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp cho các con.
Cô NGUYỄN BÍCH THỦY (hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 3, Q.5, TP.HCM)
Những tiết học lung linh
Cô Nguyễn Bích Thủy, hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 3, cho biết trước khi phụ huynh đứng lớp, giáo viên chủ nhiệm đã giới thiệu cho các con về "thầy cô giáo" một cách tò mò, bí mật: "Hôm nay, cô sẽ không trực tiếp hướng dẫn các con những động tác thể dục cơ bản để bảo vệ sức khỏe mà là một chú công an, chú có sức khỏe tốt để làm nhiệm vụ, bảo vệ đất nước".
Cô giáo chỉ vừa nói đến đó, các con thấy phụ huynh xuất hiện bước vào lớp trong bộ quân phục, thế là các con nắm tay chạy nhảy tưng bừng quanh lớp và nhận ra ngay là ba, mẹ của bạn nào.
Phụ huynh là chú công an sẽ có "tiết dạy" những động tác thể dục, những lời giới thiệu, giải thích, kể cho các con nghe những công việc của công an. "Cuối cùng, phụ huynh cùng giáo viên chốt vấn đề, hoạt động trọng tâm của bài học. Các con vô cùng thích thú, dễ nhớ và nhớ rất lâu" - cô Thủy nói.
Ở lớp lá 1 Trường mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM), để giúp các con biết một số nguyên liệu làm bánh, biết kỹ năng làm việc nhà và lồng ghép một số từ vựng tiếng Anh đơn giản, cô giáo Đỗ Hoàng Phương Thảo mời anh Miller Nguyen Andrew - phụ huynh bé Miller Ma Jonah. "Tôi mời phụ huynh là người nước ngoài hướng dẫn làm bánh pizza bằng tiếng Anh. Trước đó phụ huynh có 2 tuần chuẩn bị, sau đó thống nhất với giáo viên để thể hiện trước lớp cho các con xem. Tôi cũng thông báo cho những phụ huynh khác cùng đến tham dự, học cùng con" - cô Thảo nói.
Phụ huynh Miller Nguyen Andrew đã có 30 phút nhào nặn bột, làm bánh, mỗi động tác, mỗi nguyên liệu đưa ra, phụ huynh giới thiệu các từ vựng, hò reo vừa học vừa chơi nên các con rất hứng thú.
Tương tự, một số trường mầm non ở Q.10 cũng có sáng kiến lên những tiết dạy học để vừa thay đổi không khí vừa thu hút học trò. Cô Thanh Hương, giáo viên một trường mầm non ở Q.10, cho hay: "Khi giới thiệu cho các con về cảnh vật, tôi sẽ mời phụ huynh là kiến trúc sư, chuyên về sân vườn; hay khi học vẽ sẽ có phụ huynh là họa sĩ cùng dạy các con; hoặc là phụ huynh am hiểu âm nhạc, người dạy ở trường nhạc sẽ vui hát, dạy nhạc cho các con. Trước khi phụ huynh dạy, tôi nêu kế hoạch và mục đích cho phụ huynh nắm rõ để đi đúng hướng".
Người thật việc thật
Cô Thủy phân tích: "Ba mẹ các con là người thật việc thật, khi truyền tải sẽ thú vị và dễ đạt được mục tiêu bài học hơn. Giáo viên có khi không đạt được điều này vì không chuyên sâu, không trải nghiệm, không có nhiều thời gian để chuẩn bị chỉn chu".
Câu chuyện học trò khối lớp lá ở trường mầm non Q.10 liên tục hỏi khi nào có ba mẹ con, ba mẹ bạn Dung, bạn Thi vào lớp dạy khiến cho cô Thanh Hương phải tự linh động hoán đổi tiết dạy, đáp ứng sự chờ đợi của các con. "Theo phân phối chương trình là chưa đến tiết, nhưng học được một hôm có ba mẹ dạy tại lớp, các em bắt nhịp và đầy hào hứng nên tôi phải đẩy tiết lên để mời phụ huynh, cứ 3-4 tuần một lần. Tôi cũng vui vì được phụ huynh lấy thế mạnh để hỗ trợ cho mình" - cô Hương nói.
Phụ huynh tham gia đứng lớp, lẫn phụ huynh ngồi dự học cùng con, đều rất hứng khởi. Một phụ huynh từng dạy vẽ ở lớp con cho biết: "Tôi dự lớp con học nhạc, thấy phụ huynh kia làm tốt quá, đóng góp tích cực cho lớp, cho chính con mình nên tôi cũng muốn đứng lớp".
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (phụ huynh bé Ngọc Ánh, lớp lá 4 Trường mầm non Bé Ngoan, Q.1) dù rất bận rộn nhưng luôn sắp xếp thời gian để đến với lớp học. "Giả sử trong 10 tiết mà phụ huynh dạy, tôi cố gắng phải dự được 1 tiết. Được vào trường với con, hiểu được cách sinh hoạt của con ở lớp, tôi rất thích. Tiết học làm bánh, học kỹ năng làm việc nhà, học tiếng Anh, tôi chứng kiến và mong có nhiều tiết hơn như thế, bởi cảm giác học mà như một gia đình" - chị Trang chia sẻ.
Nhà trường không đóng kín
Bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng việc phụ huynh đến trường tham gia dạy học là hoạt động cần thiết, nếu không mọi hoạt động của nhà trường chỉ đóng kín. "Từ đó, phụ huynh sẽ có chia sẻ với trường lớp về khó khăn, về những điều trường lớp cần. Từng lứa tuổi có những mục tiêu phát triển riêng, con lớn lên từng ngày, cha mẹ cần nắm được hoạt động nào là chủ đạo. Vì thế, giáo viên sáng tạo ở tiết dạy, phụ huynh sát với nhà trường để xây dựng những kỹ năng cho con, để trẻ không bị chông chênh, để cuối cấp mầm non có đầy đủ kỹ năng bước vào lớp 1" - bà Điệp nhấn mạnh.
Trẻ thích thú vào bếp trong Ngày hội dinh dưỡng 'Con được làm đầu bếp, được bán rau. Chiều nay về nhà, con sẽ được ăn món rau sạch tại trường con làm. Con rất thích', bé Ái Nhi thích thú. Học sinh lớp lá 1 Trường mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM) thích thú vào bếp trong Ngày hội dinh dưỡng - Ảnh: THẢO THƯƠNG Ngày 16-10, Trường mầm non Bé Ngoan...