Khốn đốn vì Covid-19, nông dân Mỹ phải tiêu hủy loạt nông sản “ế ẩm”
Việc hàng loạt nhà hàng, trường học, khách sạn đóng cửa do Covid-19 khiến nông dân Mỹ rơi vào tình thế khốn đốn khi họ buộc phải tiêu hủy các nông sản ế ẩm.
Một nông dân Mỹ đứng trên cánh đồng hành có từ 3 đời qua. Anh đã phải chôn 500 tấn hành vì không có đầu ra (Ảnh: New York Times)
Tại Winconsin và Ohio, các nông dân đang đổ hàng nghìn lít sữa tươi xuống hồ và các hố. Một nông dân ở Idaho đào rãnh lớn để chôn 500 tấn hành. Tại South Florida – khu vực cung cấp nông sản cho miền Đông nước Mỹ, những chiếc máy đang cày nát những ruộng đậu và bắp cải khiến chúng lẫn vào đất.
Vài tuần sau khi đại dịch bùng phát, người nông dân Mỹ đang phải đối mặt với một tác động nghiêm trọng khác của Covid-19. Họ buộc phải phá hủy hàng triệu tấn nông sản tươi không có đầu ra.
Nhà hàng, khách sạn, trường học đóng cửa khắp nơi đã khiến các nông dân không thể bán được hơn một nửa số nông sản họ làm ra. Ngay cả khi người dân đổ tới các siêu thị và hàng bán lẻ mua đồ ăn để nấu tại nhà, mức tăng này vẫn không thấm vào đâu so với số lương thực cung cấp cho các trường học và doanh nghiệp trước đại dịch.
Máy nông nghiệp cày nát các ruộng đậu ở Florida (Ảnh: New York Times)
Lượng nông sản bị đổ bỏ là “đáng kinh ngạc”, theo New York Times. Hợp tác xã sữa lớn nhất Mỹ, Dairy Farmers of America, ước tính các nông dân đã đổ bỏ khoảng 14 triệu lít sữa mỗi ngày. Một nhà máy phải tiêu hủy trung bình 750.000 quả trứng chưa nở mỗi tuần.
Nhiều nông dân cho biết họ đã quyên góp lương thực thừa cho các ngân hàng thực phẩm và chương trình “Meals on Wheels”. Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện không có đủ thùng lạnh và tình nguyện viên để nhận hết số thực phẩm.
Và chi phí để thu hoạch, xử lý và chuyển thành phẩm tới các ngân hàng thực phẩm đặt tiếp một gánh nặng về tài chính lên vai các nông dân khi họ đã mất một nửa số khách hàng. Xuất khẩu cũng không phải là phương án khả thi vì nhiều đối tác quốc tế của ngành nông sản Mỹ cũng đang vật lộn với đại dịch và biến động tiền tệ khiến xuất khẩu không sinh lời.
“Thật đau lòng”, nông dân Paul Allen – người đã phá hủy những cánh đồng đậu và cải bắp ở nông trại của ông tại South Florida và Georgia – cho biết.
Nghịch lý của việc tiêu hủy
Hàng trăm tấn hành đang chờ bị chôn bỏ (Ảnh: New York Times)
Video đang HOT
Đây rõ là một nghịch lý, theo New York Times. Việc phá hủy đồ ăn diễn ra trong bối cảnh nhiều người Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tài chính và hàng triệu người mất việc khiến họ lâm vào cảnh khó khăn để sinh tồn.
Diễn biến đột ngột của dịch bệnh đã đẩy ngành nông nghiệp vào thế khó.
Ngay cả với ông Allen và các nông dân khác, họ không còn lựa chọn nào khác là phải tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi với niềm hy vọng nền kinh tế sẽ tốt trở lại vào thời điểm thu hoạch đợt nông sản kế tiếp. Tuy nhiên, đây cũng là một tương lai không dễ đoán định, vì nếu ngành dịch vụ tiếp tục đóng cửa, thì những cánh đồng xanh mướt mà họ vun trồng sẽ lại tiếp tục bị phá hủy thêm 1 lần nữa.
Shay Myers, một nông dân trồng hành truyền thống 3 đời ở Oregon và Idaho, không còn cách nào để duy trì độ tươi cho nông sản mà anh trồng được. Khách hàng của anh – những nhà hàng ở California và New York, nay đã đóng cửa.
Anh phải đóng hành thành túi nhỏ để bán trong các cửa hiệu tạp hóa. Những nỗ lực đông lạnh hành cũng “như muối bỏ bể” vì anh chỉ có những tủ lạnh có sức chứa giới hạn.
Không còn lựa chọn nào khác, Myers buộc phải đào hố chôn hành và để mặc chúng mục ruỗng dưới những rãnh sâu.
Các nông dân Mỹ không còn lựa chọn nào khác khi họ trở nên “khốn đốn” vì Covid-19 (Ảnh: New York Times)
Với những nông dân sản xuất sữa tươi, khó khăn tăng lên gấp bội. Các trường học, quán café đóng cửa khiến các dây chuyền trong nhà máy sữa cũng giảm cường độ sản xuất.
Trước đại dịch, nhà máy của Dairymens ở Cleveland cung cấp cho hãng café Starbucks ba lô hàng sữa mỗi ngày. Giờ đây, Starbucks chỉ mua 1 lô hàng sữa cho mỗi 3 ngày.
Tuy đã nỗ lực thu mua và “giải cứu” sữa cho nông dân, nhưng Dairymens không còn chỗ để chứa sữa. Brian Funk, một nhân viên của Dairymens, tuần trước đã phải gọi điện cho các nông dân thông báo rằng họ sẽ ngừng nhập sữa. Funk nói rằng ông đã phải kìm chế để không rơi nước mắt khi báo tin dữ.
“Chúng tôi sẽ không lấy sữa của ông ngày mai. Chúng tôi đã hết chỗ để chứa”, Funk nói.
Để tránh việc bỏ sữa đi, các nhóm nông dân đã thử mọi cách. Họ thuyết phục các chuỗi bán bánh pizza cho thêm bơ lên các lát bánh. Tuy nhiên, rào cản về hậu cần cũng tạo nên sự khó khăn cho việc cung cấp sữa cho các nhà bán lẻ.
Tại các nơi chế biến sữa, máy móc thường chỉ đóng gói phô mai vụn trong túi lớn cho nhà hàng hoặc đóng các gói sữa nhỏ cho trường học. Để cung cấp cho các nhà bán lẻ, họ phải đầu tư máy móc mới để có thể đóng gói phù hợp. Đây rõ ràng không phải là khoản đầu tư có lợi vào lúc này.
Rào cản vệ hậu cần cũng khiến các nhà máy chế biến gia cầm lâm vào thế khó. Họ thường đưa thẳng gia cầm tới các nhà hàng hơn là các siêu thị và hãng bán lẻ. Việc đầu tư máy móc không phải là một lựa chọn tốt. Chính vì vậy, nhà máy Sanderson Farms đã tiêu hủy 750.000 quả trứng chưa nở rồi gửi tới nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.
Đức Hoàng
Thời buổi 4.0 vì sao nông dân Mỹ lại tranh nhau mua máy cày cũ?
Thay vì các sản phẩm mới tích hợp công nghệ cao, những chiếc máy kéo ra đời từ những năm 1980 hoặc lâu hơn đang trở thành mặt hàng "hot" đối với các nông dân vùng Trung Tây nước Mỹ.
Kris Folland trồng ngô, lúa mì, đậu nành và chăn nuôi gia súc trên 2.000 mẫu đất gần Halma ở góc tây bắc của bang Minnesota, Mỹ. Đây là một khối lượng công việc không hề nhỏ. Nhưng thay vì tìm mua những chiếc máy kéo mới để hỗ trợ công việc, mới đây anh đã chọn một món đồ cổ - một chiếc máy kéo John Deere 4440 sản xuất từ năm 1979.
Theo dõi Folland, con trai của Kris Folland, đang cho gia súc ăn tại trang trại của gia đình bằng chiếc máy kéo John Deere 4440 phiên bản năm 1979.
Sau đó, anh trang bị thêm cho nó một hệ thống lái tự động được dẫn đường bằng vệ tinh, cho phép anh cùng những đứa con của mình có thể sử dụng để nuôi bò, trồng trọt và chạy máy xay ngũ cốc. Tổng chi phí hết khoảng 18.000 USD và con số này thấp hơn nhiều so với một chiếc máy kéo mới, trị giá lên tới 150.000 USD hiện nay. Nhưng điều quan trọng nhất là Folland không cần tới máy tính để sửa chữa mỗi khi nó hỏng hóc.
Trong những năm đầu của thập kỷ 2020, những chiếc máy kéo được sản xuất vào cuối những năm 1970 và 1980 đang trở thành một trong những mặt hàng "hot" nhất trong các cuộc đấu giá trang trại trên khắp miền Trung Tây nước Mỹ - và không phải vì chúng là đồ cổ.
Nông dân Mỹ đang ngày càng có ý thức về chi phí, đang tìm kiếm những món hời và những chiếc máy kéo đời cổ này là thứ được nhắm tới nhiều nhất. Nguyên nhân bởi vì chúng có kết cấu tốt, đầy đủ chức năng, thiết kế không phức tạp hay tốn kém trong việc sửa chữa như những mẫu máy hiện đại gần đây, hoạt động trên hệ thống phần mềm tinh vi.
"Đây là một xu hướng mới", Greg Peterson, người sáng lập Machinery Pete, một công ty dữ liệu thiết bị nông nghiệp ở Rochester cho biết. "Nó rất thú vị và trong vài năm qua, xu hướng này có dấu hiệu tăng tốc".
Theo Peterson, nguyên nhân không phải chỉ vì những người nông dân đã lớn lên cùng với những cỗ máy này. Mà là về cơ bản, chúng giống như một cỗ máy chống đạn. Bạn có thể sử dụng chúng trong khoảng 15.000 giờ cho nó và nếu cái gì đó bị hỏng, chỉ cần thay thế linh kiện đó là xong.
Không có máy móc, bạn không thể làm nông nghiệp được ở Mỹ.
BigIron Auctions, một đại lý chuyên đấu giá thiết bị nông trại trực tuyến, có trụ sở tại Nebraska đã bán đấu giá 3.300 thiết bị chỉ trong hai ngày cuối năm, và trong đó có 27 chiếc máy kéo John Deere 4440.
Đây là mô hình mà hãng Deere chế tạo từ năm 1977 đến 1982 tại một nhà máy ở Waterloo, bang Iowa. Nó là mẫu máy kéo phổ biến nhất của công ty, dùng các linh kiện mạnh mẽ và bền bỉ để hỗ trợ cho động cơ có công suất lớn hơn các phiên bản trước. Dòng máy kéo này có cabin lớn, an toàn, với thiết kế dù ra đời vào những năm 1960 nhưng nay đã thành tiêu chuẩn.
Và những mẫu máy có tình trạng tốt, với số giờ sử dụng thấp sẽ được tất cả tranh giành. Máy kéo thường có thời gian sử dụng kéo dài từ 12.000 đến 15.000 giờ. Một chiếc John Deere 4440 sản xuất năm 1980 với số giờ sử dụng 2.147 đã bán được với giá 43.500 USD tại một cuộc đấu giá ở Lake City vào tháng 4/2019. Một chiếc John Deere 4640 năm 1979 chỉ với 826 giờ đã được bán với giá 61.000 USD tại một cuộc đấu giá ở Bingham Lake vào tháng 8 sau đó.
"Những máy kéo cũ nhưng được chăm sóc và bảo trì tốt, là một tài sản tốt", ông Mark Stock, đồng sáng lập BigIron cho biết.
Đấu giá các thiết bị nông nghiệp là một phần văn hóa của nông dân Mỹ.
Các máy kéo có mã lực lớn đủ để làm bất cứ điều gì mà hầu hết người nông dân cần. Và dù với mức giá kỷ lục như 61.000 USD, nó vẫn là một món hời so với một mẫu máy kéo mới có mã lực tương đương. Nguyên nhân chính bởi máy kéo cũ không sử dụng các công nghệ phức tạp.
Các nông dân thích sửa mọi thứ tại chỗ, hoặc mang nó đến thợ máy mình quen biết, với mức chi phí bỏ ra phải rẻ. Nhưng những cỗ máy nông nghiệp hiện đại ngày nay hầu hết được tích hợp các hệ thống máy tính, phần mềm. Và bất cứ khi nào có sự cố xảy ra, cần phải có một chiếc máy tính để sửa nó.
"Có một số điều tốt về phần mềm trong các mẫu máy mới", Peterson chia sẻ. "Các đại lý sẽ nhận được một cảnh báo nếu một cái gì đó sắp hỏng và có thể liên hệ thằng với người nông dân trước để xử lý vấn đề từ khi nó nảy mầm. Nhưng nếu một cái gì đó bị hỏng đột ngột, người nông dân sẽ bất lực. Họ sẽ bị mắc kẹt trên cánh đồng, chờ đợi một chiếc xe tải tới kéo đi, với mức phí lên tới 150 USD tiền công mỗi giờ".
Theo Peterson, điều đó đi ngược lại với niềm tự hào về quyền sở hữu, cộng với thói quen tích lũy cả đời của những người nông dân, rằng bản thân họ có thể sửa chữa mọi thứ. Và với những chiếc máy kéo cũ, họ có thể tự kéo dài vòng đời của nó dễ dàng. Một động cơ hoặc hộp số mới có thể có giá từ 10.000 đến 15.000 USD, để rồi sau đó chiếc máy kéo này lại có thể hoạt động tốt trong 10 hoặc 15 năm nữa.
Những cỗ máy hiện đại không cần người lái, tự vận hành nhưng khi hỏng hóc thì vô cùng tốn kém.
Folland có hai chiếc Versatile 875s, được sản xuất vào đầu những năm 1980 và đã mua thêm một chiếc John Deere 4440 đã chạy 9.000 giờ vào năm ngoái. Anh hi vọng mình sẽ dùng nó thêm được 5.000 giờ nữa trước khi phải đại tu.
"Một lần đại tu sẽ tốn 15.000 đến 20.000 USD, nhưng nó vẫn thấp hơn chi phí mua một máy kéo mới với giá từ 150.000 đến 250.000 USD. Đó là lý do tại sao những mô hình đời cổ này rất phổ biến. Chúng đã vượt qua thử thách của thời gian, được chế tạo tốt, dễ sửa chữa và dễ dàng thay thế các bộ phận", anh nói.
Folland cũng cho biết việc sử dụng các động cơ diesel mới trên các dòng máy kéo hiện đại có thể gây ra các vấn đề cơ học và khí thải. Còn với máy kéo cũ, họ chỉ cần sử dụng dầu diesel sinh học, được sản xuất từ đậu nành được trồng ở Minnesota là có thể kéo dài tuổi thọ của động cơ.
"Kết hợp tất cả những điều đó với nỗi hoài niệm về máy kéo của một nông dân từ hồi còn thanh niên, là lý do tại sau các thiết bị nông nghiệp có tuổi đời 30 hoặc 40 năm đang thành món hàng được săn đuổi", Peterson nói thêm.
Năm 1989, một chiếc máy kéo 30 tuổi thực sự là đồ cổ. Một máy kéo năm 1959 tại thời điểm đó sẽ được bán với giá 2.000 USD hoặc 3.000 USD. Chúng cũng trông khác hẳn với các máy kéo đang hoạt động trong những năm 1980. Nhưng máy kéo từ những năm 1970 và 1980 lại không khác biệt nhiều so với máy kéo được sản xuất vào những năm 2000, ngoại trừ việc thêm thắt các phần mềm khó chịu.
Theo Bảo Nam tham khảo startribune (Báo Tổ quốc)
Thỏa thuận Mỹ - Trung hạn chế, nhưng là thứ Tổng thống Trump cần lúc này Sau nhiều vòng đàm phán, chính quyền Trump không thể đạt được cam kết đáng kể từ Trung Quốc mà chỉ nhận được bản thỏa không đủ bù đắp tổn thất. Thỏa thuận thương mại hạn chế mà chính quyền Trump và Bắc Kinh công bố hôm 13/12 có nghĩa là người Mỹ sẽ tránh tăng thuế nghỉ lễ đối với đồ chơi,...