Khối Tây Phi họp thượng đỉnh bất thường sau hạn chót tối hậu thư với Niger
Liên quan đến việc binh biến tại Niger, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) thông báo sẽ họp thượng đỉnh về tình hình Niger trong tuần này, gần một ngày sau khi hết hạn chót tối hậu thư mà khối đưa ra.
Niger rơi vào hỗn loạn sau đảo chính. Ảnh: Reuters.
Thông cáo của ECOWAS hôm 7/8 nêu rõ: “Giới lãnh đạo cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi sẽ xem xét và thảo luận tình hình chính trị, cũng như những diễn biến gần đây tại Niger trong cuộc họp thượng đỉnh tại Thủ đô Abuja của Nigeria ngày 10/8″.
Đây là lần đầu tiên ECOWAS lên tiếng kể từ khi kết thúc hạn chót tối hậu thư mà khối đưa ra với chính quyền quân sự Niger, trong đó yêu cầu trả quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum trước đêm 6/8.
Theo nhiều chuyên gia khu vực, việc ECOWAS quyết định triệu tập cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 10/8, là nhằm tạo thêm thời gian cho các nỗ lực ngoại giao xử lý cuộc khủng hoảng Niger. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia Tây Phi sẽ không phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Niger trước ngày 10/8.
Video đang HOT
Trước đó, giới chức ECOWAS không bình luận về thông tin Niger đóng cửa không phận. Chỉ huy quân sự cấp cao giấu tên trong ECOWAS cùng ngày thừa nhận, khối chưa sẵn sàng can thiệp quân sự vào Niger, nhưng họ sẽ tiếp tục gây áp lực với chính quyền quân sự ở nước này thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính. Khối còn đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Phi, để cấm vận thương mại với Niger.
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.
Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Được biết, phía Mali và Burkina Faso đã ra tuyên bố chung coi mọi hành động can thiệp quân sự vào Niger là lời tuyên chiến với hai nước này.
Khối Tây Phi ra tối hậu thư về can thiệp quân sự tại Niger
Các nước Tây Phi cảnh báo sẽ can thiệp nếu như lực lượng của Tướng Abdourahamane Tchiani không rút lui và khôi phục lại quyền hiến pháp.
Các binh sĩ và người biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự tại Niamey, Niger, ngày 30/7. Ảnh: AFP
Khối Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 quốc gia đã đưa ra tối hậu thư có thời hạn 7 ngày trên sau cuộc họp khẩn cấp được tổ chức tại Abuja, Nigeria vào hôm 30/7.
Khối này cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực chống lại những nhân vật lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger nếu họ thiết lập lại chính phủ vừa bị lật đổ, cũng như trả tự do cho Tổng thống Mohamed Bazoum.
Nếu các yêu cầu trên không được đáp ứng trong vòng một tuần, ECOWAS sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp ở nước Cộng hòa Niger.
Người đại diện của các thành viên ECOWAS tuyên bố sẵn sàng nhóm họp ngay lập tức nếu cần phải triển khai biện pháp can thiệp quân sự. Bản thân Niger là một thành viên của ECOWAS.
Trước đó, Liên minh châu Phi (AU) cũng đưa ra một tối hậu thư tương tự, đe dọa trừng phạt nếu chính quyền quân sự của Niger từ chối rút lui trong 15 ngày.
Đáp lại, người phát ngôn của ban lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự tại Niger, Đại tá Amadou Abdramane đã cáo buộc ECOWAS lên kế hoạch xâm lược Niger, đồng thời khẳng định quyết tâm "bảo vệ đất nước" của chính quyền mới.
Một cuộc biểu tình ủng hộ đảo chính đã diễn ra tại thủ đô Niamey của Niger vào ngày 30/7, trong đó những người biểu tình đã phản đối Pháp - cường quốc thuộc địa cũ của Niger - và đốt cháy cửa ra vào Đại sứ quán Pháp.
Tổng thống Bazoum đã bị bắt giữ và phế truất vào tuần trước. Tướng Abdourahamane Tiani, người chỉ huy đội bảo vệ tổng thống Niger từ năm 2011, đã xuất hiện trên sóng truyền hình hôm 2/7 tuyên bố mình là nhà lãnh đạo mới của đất nước.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và AU đã lên án cuộc đảo chính do ông Tiani chỉ đạo. Liên minh châu Âu (EU) quyết định cắt mọi hỗ trợ tài chính cho Niger, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Mỹ cảnh báo sẽ làm điều tương tự.
Về phần mình, Moskva lên án cuộc đảo chính là một "hành động vi hiến". Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi tất cả các bên kiềm chế sử dụng vũ lực.
Đáng chú ý, vào tháng 1/2017, ECOWAS đã điều binh sĩ đến Gambia sau khi Tổng thống lúc đó là Yahya Jammeh từ chối từ chức mặc dù thua bầu cử. Động thái can thiệp trên của ECOWAS hầu như không bị kháng cự và ông Jammeh đã buộc phải rời khỏi đất nước.
Lý do ECOWAS chưa có động tĩnh gì về kế hoạch can thiệp ở Niger Khối Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cần thêm thời gian để xây dựng sức mạnh quân sự nhằm đảm bảo một chiến dịch can thiệp toàn diện thành công. Tư lệnh quốc phòng các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế Tây Phi chụp ảnh chung tại phiên họp bất thường của ECOWAS về Niger ở Abuja, Nigeria ngày 4/8/2023. Ảnh: AP/TTXVN...