Khoảng 230 triệu người dân Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo khó
Năm 2020, khoảng 230 triệu người Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo khó vì tác động của đại dịch COVID-19, trong đó nhóm người trẻ tuổi và phụ nữ chịu tác động mạnh nhất.
Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố ngày 5/5, trong đó cảnh báo tình trạng sẽ diễn biến tồi tệ hơn trong năm 2021 khi Ấn Độ trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 2 vô cùng nghiêm trọng.
Nỗi đau của người thân bệnh nhân thiệt mạng do COVID-19 tại Chamarajanagara, Ấn Độ ngày 3/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo nghiên cứu của Đại học Azim Premji, trụ sở tại Bangalore, lệnh phong tỏa được áp dụng từ tháng 3/2020 và kéo dài nhiều tháng tại Ấn Độ đã khiến hàng triệu người mất việc làm. Tính đến cuối năm 2020, khoảng 15% trong số này không thể tìm được việc làm thay thế. Phụ nữ là nhóm chịu tác động mạnh nhất, với khoảng 47% lao động nữ không thể tìm được việc làm kể cả khi biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.
Video đang HOT
Trong nghiên cứu này, những người Ấn Độ có thu nhập dưới 375 rupee (5 USD)/ngày được coi là người nghèo. Nghiên cứu chỉ ra dù đại dịch COVID-19 đã khiến thu nhập của hầu hết người dân Ấn Độ giảm nhưng các hộ gia đình nghèo hơn là những hộ chịu nhiều thiệt hại hơn. Ngay cả khi đại dịch chưa xuất hiện, nền kinh tế thứ 3 châu Á đã rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm trong thời gian kéo dài và thêm tác động đại dịch thì kinh tế Ấn Độ thậm chí rơi vào trạng thái suy giảm.
Trước khi đại dịch xuất hiện, các dự báo đều kỳ vọng khoảng 50 triệu người Ấn Độ sẽ thoát nghèo trong năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, giai đoạn tháng 4 và tháng 5/2020, khi mọi hoạt động kinh tế đều tạm dừng, khoảng 20% hộ gia đình nghèo nhất ở Ấn Độ rơi vào cảnh hoàn toàn không có thu nhập.
Một trong những tác giả của nghiên cứu, chuyên gia Amit Basole, nhận định làn sóng thứ 2 sẽ tiếp tục đẩy tình trạng này đi xa hơn. Hầu hết các gia đình mất thu nhập đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm và vay nợ, với khoảng 20% người được hỏi cho biết tình trạng của họ vẫn chưa cải thiện dù đã 6 tháng kể từ sau lệnh phong tỏa.
Lệnh phong tỏa trong làn sóng thứ nhất đã khiến hàng triệu người lao động di tản từ các thành phố lớn về quê nhà và nhiều người đã dự định sẽ trở lại thành phố khi các hoạt động kinh tế được nối lại. Tuy nhiên, nghiên cứu trên chỉ ra khoảng 1/3 số lao động dưới 25 tuổi bị thất nghiệp trong thời gian phong tỏa, đến cuối năm 2020 vẫn không thể tìm được việc làm thay thế.
Khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 đẩy các bệnh viện tại Ấn Độ vào tình trạng quá tải, buộc chính phủ phải ban hành các biện pháp hạn chế mới với hầu hết hoạt động kinh tế thì hàng triệu người Ấn Độ vốn đã điêu đứng trong làn sóng thứ nhất có thể sẽ còn rơi vào tình cảnh khó khăn hơn. Nhóm tác giả nghiên cứu kêu gọi chính phủ bổ sung các gói hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, vừa để bù đắp cho những thiệt hại trong năm 2020 và vừa để đón đầu những khó khăn trong thời gian tới do tác động của làn sóng dịch bệnh thứ 2.
Nghiên cứu đề xuất những gói kích thích tài khóa để cung cấp thực phẩm miễn phí và tặng tiền mặt cho những hộ gia đình dễ chịu tổn thương nhất cũng như triển khai chương trình hỗ trợ việc làm tại những huyện chịu tác động nặng nề nhất.
Các nước láng giềng đóng cửa biên giới với Ấn Độ
Ngày 6/5, Sri Lanka trở thành nước láng giềng tiếp theo của Ấn Độ đóng cửa biên giới với quốc gia Nam Á này sau khi phải nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc mới COVID-19.
Máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa ở Mattala, Sri Lanka, ngày 28/12/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Chính phủ Sri Lanka đã cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Ấn Độ bằng đường không. Cơ quan hàng không dân dụng Sri Lanka (CAASL) cho biết quyết định này được đưa ra nhằm ngăn chặn biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ xâm nhập vào Sri Lanka.
Sri Lanka đã chứng kiến số ca bệnh tăng đột biến. Trong 24 giờ qua, Sri Lanka ghi nhận số ca tử vong trong một ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay với 14 ca và 1.939 ca nhiễm mới. Hiện Sri Lanka ghi nhận tổng cộng 734 ca tử vong trong tổng số 117.529 ca nhiễm.
Giới chức y tế cho biết một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã lây lan nhanh chóng trên khắp Sri Lanka khiến các bệnh viện và các khu chăm sóc đặc biệt chật cứng bệnh nhân. Quân đội sẽ hỗ trợ thiết lập thêm các trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 tại những khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời cung cấp thêm 10.000 giường bệnh. Theo các bác sĩ, nhiều người trẻ tuổi tại Sri Lanka đã phải nhập viện vì nhiễm biến thể mới, đồng thời cần thở oxy và được điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt.
Hai quốc gia láng giềng khác của Ấn Độ là Bangladesh và Nepal cũng đã cấm các chuyến bay với Ấn Độ và đóng cửa biên giới với quốc gia Nam Á này, nơi mà dịch bệnh đang diễn biến rất nghiêm trọng khi có hơn 21 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 230.000 ca tử vong. Bangladesh đã tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 14/4 và đóng cửa biên giới Ấn Độ từ ngày 26/4. Bangladesh đã ghi nhận tổng cộng 767.338 ca nhiễm, trong đó 11.755 ca tử vong, nhưng giới chuyên gia cho rằng con số trên thực tế còn cao hơn ở tất cả các nước khu vực Nam Á.
Nepal cũng đã tạm ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế cách đây 1 tuần cho đến ngày 14/5 tới. Chỉ có 2 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần đến Ấn Độ để đưa những công dân bị mắc kẹt về nước. Hầu hết các cửa khẩu giữa Nepal và Ấn Độ cũng đã đóng cửa và chỉ có công dân Nepal mới được đi qua những cửa khẩu còn mở. Theo Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), nhiều bệnh viện tại Nepal cũng đã chật cứng bệnh nhân sau khi số ca nhiễm mới đã tăng gấp 57 lần so với cùng thời điểm này của tháng trước.
Ngay cả địa điểm nghỉ dưỡng hạng sang Maldives cũng đã tăng cường các biện pháp hạn chế đối với du khách Ấn Độ, yêu cầu phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh. Ấn Độ là thị trường du lịch lớn nhất của Sri Lanka và Maldives, cả hai nước này đang phải đối mặt với tổn thất lớn do làn sóng dịch bệnh mới đang lây lan nhanh. Maldives cho đến nay ghi nhận 74 ca tử vong trong tổng số 32.665 ca bệnh.
Thêm loạt ứng dụng Trung Quốc bị Ấn Độ cấm lưu hành Ấn Độ liệt 43 ứng dụng di động nổi tiếng đến từ Trung Quốc như AliExpress, Lalamove, vào trong danh sách cấm ở nước này. Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ hôm 24/11 ban hành lệnh cấm với 43 ứng dụng có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ, các...