Khổ vì… Kế hoạch nhỏ
Phong trào Kế hoạch nhỏ từ lâu đã được triển khai ở các trường để giáo dục học sinh tiết kiệm, bảo vệ môi trường, sẻ chia. Song, nhiều nơi vì muốn đạt thi đua, đưa ra chỉ tiêu cao khiến phụ huynh, học sinh khổ sở
Kế hoạch nhỏ được thực hiện qua các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp, bảo đảm thực hiện đúng mục đích và tính lan tỏa của phong trào. Mỗi trường sẽ có những hình thức thực hiện khác nhau, như nuôi heo đất, thu gom giấy báo cũ, vỏ lon, chai nhựa, trồng rau sạch, giao hàng đổi đồ dùng học tập, đóng góp vật phẩm… Đây là phong trào Đoàn, Đội được ra đời từ năm 1958, với mục đích giáo dục đội viên, học sinh tinh thần tương thân tương ái.
Quá sức khi phải nộp 40 kg giấy vụn
Phong trào Kế hoạch nhỏ được hầu hết các trường học tham gia. Đây vừa là sân chơi cho học sinh vừa để tổ chức Đội trong trường học cũng có một khoản tiền giúp bạn nghèo, tổ chức công trình măng non, khen thưởng… Thế nhưng, nhiều phụ huynh mong muốn đừng để vì thành tích mà khiến các em lơ là học tập, chăm chăm đi kiếm sách báo cũ, vỏ lon bia, biến lớp học thành vựa đồng nát.
Hoạt động Đoàn, Đội cần phù hợp và thiết thực hơn. (ảnh chỉ có tính minh họa)
Một phụ huynh tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1, TP HCM) cho biết con chị được cô giáo thông báo nộp giấy vụn để thực hiện Kế hoạch nhỏ, số lượng là 40 kg giấy. Từ khi nhận được thông báo, phụ huynh và học sinh chạy khắp nơi, từ tiệm photocopy đến nhà bà con để xin giấy, không đủ thì đi mua.
“Thấy các bạn trong lớp đều nộp, con tôi đòi phải kiếm đủ 40 kg, như vậy sẽ được cô giáo khen. Mặc dù nói là tự nguyện nhưng không nộp, tôi sợ con sẽ bị đánh giá kém trong hoạt động trường, bị cho điểm thấp” – phụ huynh này cho hay.
Phụ huynh Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11, TP HCM) cũng phản ánh con họ được cô giáo “khuyến khích” nộp 40 kg giấy để làm Kế hoạch nhỏ. Nộp đủ số lượng này, các em sẽ được giấy công nhận “Dũng sĩ Kế hoạch nhỏ”. Từ lời động viên của cô, học sinh về nhà tìm khắp nơi để đạt được số lượng mang nộp.
Thầy Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, cho biết chương trình này là do Đoàn, Đội của trường thực hiện, học sinh tham gia theo tinh thần tự nguyện. Do đó, thầy Phương không nắm được thông tin có lớp buộc học sinh phải nộp 40 kg giấy.
Theo thầy Phương, đây là chương trình được tổ chức hằng năm và hầu như các trường trên địa bàn TP HCM đều thực hiện. “Tôi sẽ kiểm tra và chấn chỉnh giáo viên ngay nếu có trường hợp buộc học sinh nộp bao nhiêu giấy vụn, vì đây là phong trào tự nguyện nên không thể đưa ra định mức. Phụ huynh cũng yên tâm, tôi không để xảy ra tình trạng hạ điểm hay phạt học sinh khi không tham gia phong trào” – thầy Phương khẳng định.
Video đang HOT
Tại Trường Tiểu học Trưng Trắc, thầy Phan Văn Trí, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin theo hướng dẫn của Hội đồng Đội TP HCM, học sinh nào tham gia đóng góp từ 20 kg đến 40 kg giấy vụn, chai nhựa, lon bia… sẽ được quận, huyện trao giấy công nhận “Chiến sĩ Kế hoạch nhỏ”, từ 40 kg trở lên sẽ nhận giấy công nhận “Dũng sĩ Kế hoạch nhỏ” cấp TP.
“Trường không buộc các em phải nộp 40 kg để đạt danh hiệu, các em có bao nhiêu thì nộp chừng ấy. Tôi sẽ quán triệt lại giáo viên, nếu xảy ra trường hợp ép học sinh nộp nhiều để đạt thi đua, tôi sẽ xử lý” – thầy Trí khẳng định.
Quy thẳng ra… tiền!
Chị Lê Thu Thủy – có con học lớp 1 tại quận Gò Vấp, TP HCM – phản ánh gần cuối học kỳ I, con chị được cô giáo thông báo thực hiện Kế hoạch nhỏ. Song, các em không cần nộp giấy hay lon bia mà quy thẳng ra tiền. Cô quy định mỗi em nộp từ 20.000 đồng trở lên. Ngoài ra, cô còn để một con heo đất trong lớp, bạn nào có tiền thì bỏ vào.
“Con tôi kể có nhiều bạn mỗi ngày đều bỏ tiền vào heo đất, tôi không cho con mang theo tiền khi đi học nên không bỏ. Có nhiều lần cô nhắc bỏ tiền vào heo đất, con tôi lại về xin tiền mẹ để hôm sau đi học bỏ vào chứ không sẽ xấu hổ với các bạn, vì cô cứ nhắc tên con” – chị Thủy kể.
Tương tự, chị Nguyễn Minh Hà – có con đang theo học tại quận Bình Thạnh, TP HCM – chia sẻ mỗi lần lớp có Kế hoạch nhỏ, chị lại nhận được tin nhắn của cô “phụ huynh cho con tiền đóng Kế hoạch nhỏ, số tiền bao nhiêu tùy gia đình, mong phụ huynh nộp sớm”.
Chị Hà thắc mắc từ bao giờ phong trào Kế hoạch nhỏ đã chuyển thành “quyên góp tiền” tự nguyện và số tiền thu được sẽ đi về đâu? Phụ huynh chưa bao giờ được thông báo về khoản tiền Kế hoạch nhỏ đã dùng vào việc gì.
Theo hướng dẫn thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ tại TP HCM giai đoạn 2019 – 2022 của Hội đồng Đội TP HCM, tất cả nguồn thu chi của phong trào tại các chi đội, liên đội được quản lý tại bộ phận tài chính của trường. Nguồn thu từ phong trào được sử dụng vào các mục đích: thực hiện công trình măng non, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng cá nhân hoặc tập thể thực hiện tốt phong trào Kế hoạch nhỏ và các trường hợp khác cần hỗ trợ đột xuất. Việc sử dụng kinh phí từ phong trào Kế hoạch nhỏ phải thực hiện đúng nguyên tắc, mục đích, công khai, minh bạch và báo cáo hằng năm theo quy định.
Không được thu tiền trực tiếp
Hướng dẫn của Hội đồng Đội TP HCM cũng nêu rõ: Công tác thu chi, sử dụng kinh phí phải rõ ràng và minh bạch, tuyệt đối không thu tiền trực tiếp từ đội viên hoặc cha mẹ học sinh. Hoạt động phải phù hợp với lứa tuổi, cấp học, bảo đảm tính thiết thực, gắn với thực hiện chương trình rèn luyện đội viên; yêu cầu 100% đội viên, học sinh tham gia…
Đừng phá hỏng phong trào kế hoạch nhỏ bằng ấn định chỉ tiêu
Để phong trào Kế hoạch nhỏ có ý nghĩa hơn, đầu tiên nhà trường phải tuyệt đối không quy định cứng chỉ tiêu cho mỗi học sinh...
Chị Hà nhà hàng xóm ghé chơi, vừa ngồi xuống đã nói "Chán, tết nhất đến nơi lại phải đi xin giấy vụn, lon bia về để nộp kế hoạch nhỏ cho sắp nhỏ. Nhà vét hết mới được 2 ký giấy đủ cho thằng Tèo lớp 4, còn bé Na chưa có. Cô chú coi có giấy loại, lon bia gì cho chị xin.
Nói là kế hoạch nhỏ nhưng thành kế hoạch cho người lớn chú ạ".
Phong trào Kế hoạch nhỏ hiện vẫn đang được thực hiện tại hầu hết các trường trên cả nước. Đều đặn, mỗi năm học hai lần, các nhà trường phát động phong trào kế hoạch nhỏ, "định mức" thông thường là với học sinh các trường tiểu học mỗi em nộp ít nhất 2 kg giấy vụn, học sinh trung học cơ sở thì từ 3 kg hoặc thay thế bằng 20 vỏ lon bia hay nước ngọt.
Phong trào Kế hoạch nhỏ thường chỉ thu hiện vật như giấy loại, lon; trước đây cũng có trường đã quy đổi ra thu tiền nhưng bị phản ứng.
Phong trào Kế hoạch nhỏ thường chỉ thu hiện vật như giấy loại, lon. (Ảnh minh hoạ: Daithainguyen.vn)
Kế hoạch nhỏ mà ... không nhỏ
Vì mục tiêu phải đạt được số lượng để báo cáo thành tích, nên nhà trường đã quy định cứng chỉ tiêu cho mỗi học sinh.
Nhiều em dù thực tế gia đình không có giấy loại hay vỏ lon cũng về đòi hỏi bố mẹ bằng được số lượng giấy, lon mà cô giáo đã thông báo, vì sợ bị cô trừ điểm thi đua của lớp, phê bình cá nhân mình.
Phong trào Kế hoạch nhỏ không còn mang ý nghĩa tốt đẹp như vốn có của nó từ ban đầu: Giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm, biết thu gom rác thải để tái chế, rèn luyện ý thức bảo vệ môi trường, ý thức xây dựng đất nước v.v...
Phong trào Kế hoạch nhỏ trở thành một "bệnh hình thức", học sinh tham gia phong trào chỉ vì sợ, không hiểu được mục tiêu tốt đẹp của phong trào.
Không ít học sinh đã bị phê bình, trở thành kí ức buồn cho mỗi học sinh; không còn mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Vô hình trung phong trào Kế hoạch nhỏ trở thành một vật cản trong xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc.
Chưa nói đến kết quả của phong trào Kế hoạch nhỏ thiếu công khai, minh bạch. Học sinh không biết cụ thể phong trào Kế hoạch nhỏ đã làm được cái gì, có ý nghĩa ra sao.
Như vậy, nhiều khi phát động phong trào Kế hoạch nhỏ đem tác hại đến nhiều hơn lợi ích mà nó đạt được.
Làm sao để phong trào Kế hoạch nhỏ có ý nghĩa hơn?
Để phong trào Kế hoạch nhỏ có ý nghĩa hơn, đầu tiên nhà trường phải tuyệt đối không quy định cứng chỉ tiêu cho mỗi học sinh; không phê bình học sinh không đạt chỉ tiêu.
Hàng năm cứ vào đầu năm học, Liên đội các trường học nên triển khai phong trào "Kế hoạch nhỏ" đến tất cả các lớp; bên cạnh đó phối hợp với các thầy cô giáo chủ nhiệm triển khai kế hoạch đến tất cả các phụ huynh học sinh trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, để các bậc phụ huynh học sinh thấy được hiệu quả và ý nghĩa của phong trào, qua đó phụ huynh học sinh rất tích cực nhiệt tình giúp đỡ cho các em thực hiện tốt phong trào.
Các em được tự xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch trong đại hội Liên, Chi đội. Việc các em chủ động thực hiện, xây dựng kế hoạch sẽ giúp các em đã được hình thành các năng lực, phẩm chất như: Năng lực giao tiếp, tự giải quyết vấn đề, phẩm chất tự tin, tự chịu trách nhiệm, tinh thần hợp tác chia sẻ.
Đồng thời qua thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ sẽ rèn cho các em kĩ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, ý thức tiết kiệm; cao hơn nữa là bồi dưỡng cho các em tấm lòng nhân ái, biết yêu thương, biết chia sẻ khó khăn với mọi người.
Thời gian thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ không nên chỉ diễn ra trong một hai ngày mà ít nhất là hàng tháng, có các mốc thực hiện thu gom sản phẩm phong trào Kế hoạch nhỏ cụ thể.
Kết quả phong trào Kế hoạch nhỏ phải minh bạch, công khai để học sinh, phụ huynh được biết đóng góp của mình đã có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng, bạn bè, xã hội.
Cựu học sinh về trường hỗ trợ thầy tổ chức thi "bảo vệ môi trường" Tại trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cựu học sinh của trường phối hợp với Đoàn thanh niên, giáo viên tổ chức hội thi "Chung tay bảo vệ môi trường". Thầy Nguyễn Ngọc Hải (giáo viên nhà trường) cho biết, trường THPT An Lạc Thôn là đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu về các...