Khó đi, thầy cõng em đi
Lớp học không đèn, không điện, không quạt, không cửa và không có cả phần thưởng trong ngày tổng kết năm học…
Lớp học chỉ có cái tâm của người thầy chưa qua trường lớp sư phạm đã níu chân những đứa trẻ da đen nhẻm và tóc cháy nắng. Lớp học ấy thuộc thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), nằm ngoài biển Tây Nam của Tổ quốc. Ngoài lớp học chỉ có cái biển rất đơn sơ chữ vàng trên nền đỏ giống như trong quân đội: Lớp học tình thương – đồn biên phòng 704.
Thượng úy Trần Bình Phục trong giờ lên lớp – Ảnh: My Lăng.
Thầy giáo quân hàm xanh
Lớp học nằm tựa vào núi ở đảo Hòn Chuối, cách đất liền 17 hải lý (khoảng 31 km). Lớp vẻn vẹn 21 học trò nhưng lại có đến năm lớp nhỏ: có em học lớp 1, lớp 2 (lớp 3 vừa chuyển vào bờ), một vài em lớp 4, lớp 5 và một số học lớp 6 nhưng chỉ có một thầy giáo duy nhất: thượng úy Trần Bình Phục (37 tuổi) – sĩ quan đồn biên phòng 705.
Một phần ba tấm bảng thầy vừa viết bài tập cho học trò lớp 2 xong quay sang một phần ba tấm bảng chuyển qua môn chính tả cho lớp 1, rồi lại quay sang giảng bài cho lớp 4… Một buổi dạy thầy giáo cứ dạy xen kẽ liên tục như thế rồi kèm cặp, kiểm tra từng trò nhỏ.
Chúng tôi ra thăm lần này, thầy trò đã có bàn ghế nhìn tươm tất, không như hồi đầu năm 2013 thầy phải gò lưng trên chiếc ghế nhựa người ta hay ngồi uống cà phê để chấm bài cho trò trên cái bàn nhựa thấp lè tè. Trò của thầy có em phải đứng để chép bài vì bàn quá cao mà ghế lại quá thấp! Trò của thầy, những đứa trẻ lớn lên mặn mùi biển, đứa nào cũng đen nhẻm, lem luốc. Trong lớp có cả những bé bị thiểu năng vẫn chép bài rất ngoan ngoãn.
Cậu bé Kim Văn Thọ (12 tuổi), bị chậm phát triển so với các bạn cùng lứa, to nhất lớp. Bốn năm học lớp 1 trong thị trấn Sông Đốc (Cà Mau), Thọ vẫn không biết mặt chữ. Khi ra đây, sau thời gian được thầy Phục kèm cặp, Thọ giờ đã biết mặt chữ, làm toán. Từ một cô bé không biết gì, Trần Thị Thảo (14 tuổi, đang học lớp 4) giờ là một trong những học sinh rất khá của lớp.
Cha mẹ các em giờ này đang ở dưới gành, trên bè nuôi cá bớp hoặc rong ruổi trên những chiếc thuyền con bươn chải, mưu sinh trong nắng gió, yên tâm giao con mình cho thầy giáo mang quân phục.
Video đang HOT
Thượng úy Trần Bình Phục đưa học trò xuống dưới gành khi tan học – Ảnh: My Lăng.
Thầy tốt lắm, cái gì ra cái đó
Từ dưới gành leo lên lớp học cao hơn 150m, qua những bậc thang gồ ghề cắm ngang vào dốc.
“Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa nguy hiểm lắm, nước từ trên đổ xuống như thác, trơn trượt. Cái dốc này người lớn đi lên còn thở không nổi, té là nát xương huống chi con nít. Lỡ mà lăn xuống là giống như trái banh lăn hoài không dừng” – thượng úy Phục nói.
Không an tâm vì đám học trò quá hiếu động, mỗi khi tan học nắng mưa gì thầy cũng đều đặn đưa tụi nhỏ xuống tận gành rồi trở ngược lên qua bên kia con dốc xuống đơn vị.
Anh bảo: “Con nít hay chạy nhảy, đùa giỡn. Có lần một bé giỡn, té cắm mặt xuống dốc. May mà tôi chụp được cánh tay kéo lại”.
Trò may mắn không trầy da nhưng thầy bị trật khớp, sưng tay cả nửa tháng trời.
“Thầy giáo thương tụi nhỏ lắm. Trời mưa sợ học trò giỡn xô qua xô lại té nên thầy đưa xuống tận gành. Hồi trước thầy khác dạy nhưng tụi nhỏ học rất chậm. Nhờ có thầy Phục mà mấy đứa nhỏ ngoài này biết đọc, biết viết, biết làm toán. Cực quá, tụi tui đâu nghĩ tới chuyện cho tụi nhỏ học.”
“Mấy anh trên đồn xuống vận động, thấy mấy ảnh nói phải mình mới cho tụi nhỏ lên trên đó học với thầy Phục. Thầy tốt lắm, cái gì ra cái đó. Mỗi lần về bờ tụi tui mua mớ cá khô, ký mực biếu thầy làm quà, thầy nhất quyết không nhận. Thầy dạy vậy chớ cũng coi như trông tụi nhỏ giúp bà con dưới gành” – chị Thu Thủy, một phụ huynh dưới gành, nói. Hai đứa con của chị, bé Tường Vi (9 tuổi) đang học lớp 2, còn bé trai Ngô Văn Cu (6 tuổi) học lớp 1.
Nói về học trò mình, thượng úy Trần Bình Phục cứ nhớ mãi một cô bé bị sốt đi không nổi nhưng nằng nặc đòi lên trường. Mẹ không cho đi, bé khóc, lên tới lớp thì sốt đỏ gay người. Thầy phải dỗ dành dẫn trò về bệnh viện dưới đồn khám bệnh rồi cho về. Bé không chịu, lại đòi thầy đưa lên lớp.
“Bà con thương cho từ trái cà, trái mắm, con cá… Học trò cũng mến thầy, chịu nghe lời. Đó là nguồn động viên tôi. Mỗi lần định giao lớp cho người khác, tụi nhỏ mếu máo bảo thầy ơi, đừng bỏ tụi con. Tụi nhỏ sợ tôi bỏ lớp. Tôi sẽ gắn bó với lớp học đến khi nào không công tác ở đây nữa. Đó như là duyên nợ…” – thượng úy Phục nói.
Phía sau cô bé này là một học sinh phải đứng học vì bàn quá cao mà ghế lại quá thấp – Ảnh: My Lăng.
Cố dạy cho các em biết được cái chữ
“Con thích đi học vì thầy và mấy bạn thương con, hay cho con kẹo” – một cậu bé lớp 2 ngây thơ trả lời. Thầy xoa đầu trò, trăn trở: “Tôi chỉ mong sao tụi nhỏ có được những thứ cơ bản nhất của một học sinh. Bọn trẻ ở đây thiếu thốn nhiều thứ lắm. Lớp học tối vì không có điện (trần lớp học phải làm giếng trời để lấy ánh sáng). Ngày nóng thì không quạt. Bàn ghế không phải dành cho học sinh, con nít sao ngồi bàn cao như vậy được.”
“Có bé phải đứng học nhưng thực tế khó khăn phải chấp nhận. Khó khăn nhất là thiếu dụng cụ học tập. Thiếu nhiều quá. Khi tôi cần dẫn chứng, minh họa thì không biết phải dẫn chứng như thế nào, vẽ đủ kiểu để các em hiểu. Tôi kiếm được sách giáo khoa để dạy là may lắm rồi. Các em học không có sách giáo khoa nên phải viết chữ, thầy ra bài tập cho trò chép lại, mất cả giờ. Tụi nhỏ chỉ có cuốn tập trắng, cái cặp.”
“Trong lần về phép, tôi mua cho mỗi em một bộ: bút chì, thước kẻ, gôm… Cặp, tập thì vận động xin. Bé nào vào học thì phát. Dân ít quá không thể mở một điểm trường được. Tôi chỉ cố gắng dạy cho các em biết được cái chữ và giáo dục nhân cách, giúp các em trở thành người tốt. Học đến đâu phải do gia đình và nỗ lực của các em rất nhiều”.
Trung tá Nguyễn Hùng Tráng (đồn trưởng đồn biên phòng 704) cho biết: “Việc vận động bà con lúc đầu rất khó khăn vì cuộc sống bà con rất khổ, đa số sống bằng nghề câu nhỏ lẻ, đi biển, rất bấp bênh. Tối ngày cứ cơm áo gạo tiền, không ai quan tâm đến việc học hành của con cái.”
“Thời gian đầu chúng tôi vận động bà con lúc được lúc không vì có em còn nhỏ đã đi câu, một ngày kiếm được mấy nghìn đồng. Chúng tôi cứ kiên trì tiếp tục vận động. Giờ bà con đã ý thức được việc học quan trọng nên tạo điều kiện cho con em đi học. Một dịp tình cờ có chiến sĩ ra quân, đơn vị thiếu người dạy. Đồng chí Phục xin dạy thử vài tháng, nếu không được thì giao cho người khác. Dạy được gần bốn tháng thấy các em tiến bộ, vào nề nếp, chúng tôi giao luôn cho Phục việc dạy học từ đó tới giờ đã ba năm”.
Theo My Lăng/Báo Tuổi Trẻ
Côn đồ thanh toán nhau, xả súng vào Phó công an phường
Hai nhóm đối tượng dùng hung khí thanh trừng nhau tại ngã ba Tiền Trung. Khi bị phát hiện, chúng bỏ trốn. Một đối tượng đã không ngần ngại chĩa súng vào Phó công an phường khi bị truy bắt.
Theo nguồn tin chính thức từ công an Hải Dương, vào khoảng 11h30' ngày 16/9, tại khu vực ngã ba Tiền Trung , phường Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã xảy ra việc hai nhóm đối tượng côn đồ thanh trừng lẫn nhau bằng vũ khí nóng.
Biết sự việc, công an phường Ái Quốc đã có mặt tại hiện trường để giải quyết. Khi đại úy Nguyễn Trọng Bình, Trưởng CA phường và thượng úy Triệu Quang Khởi, Phó CA phường cùng hai công an viên đến hiện trường thì nhiều kẻ đã bỏ chạy. Tại hiện trường, có 1 đối tượng bị chém trọng thương lập tức được chuyển đi cấp cứu ngay sau đó.
Đặc biệt, khi phát hiện có một đối tượng đã chạy vào nhà dân ở ngay đó cố thủ, Thượng úy Khởi đã tiếp cận yêu cầu đối tượng ra trình diện cơ quan công an. Khi cách chừng 1,5 mét thì bất ngờ kẻ cố thủ rút súng ra hướng thẳng về phía Phó công an phường bóp cò.
Bằng kỹ năng nghiệp vụ, Trung úy Khởi đã đá thẳng vào tay cầm súng của đối tượng khiến khẩu súng văng xuống đất phát nổ. Chưa dừng lại ở đó, đối tượng này đã nhặt lấy súng rồi chạy lên tầng hai của căn nhà và chốt chặt cửa. Phía tầng trên của căn nhà này đang có hai mẹ con của chủ nhà vì sợ mà đang ẩn trốn.
Căn nhà nơi Trọng dùng sống chĩa vào phó công an phường để uy hiếp
Khi lực lượng CATP và CA tỉnh Hải Dương tiếp cận hiện trường, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đã kêu gọi được đối tượng này ra đầu thú. Danh tính của đối tượng được xác nhận là tên Vũ Đức Trượng (SN 1874) trú tại quận Kiến An, TP Hải Phòng.
Hung khí thu giữ tại hiện trường là một khẩu súng tự chế có 2 viên đạn đã phát nổ, 4 viên còn lại đã bắn nhưng không nổ. Trượng sau đó đã được áp giải về Công an tỉnh Hải Dương để điều tra làm rõ vụ việc.
Nguyên nhân bước đầu được cơ quan công an địa phương cho biết, đây là hai băng nhóm xã hội thanh toán nhau vì đòi nợ thuê.
Thu Hằng
Theo Dantri
Vi phạm giao thông, người nước ngoài cố thủ trong xe, quay phim cảnh sát Dù cán bộ công an đã nhã nhặn, trao đổi bằng tiếng Anh báo lỗi vi phạm, yêu cầu hợp tác nhưng người đàn ông ngoại quốc vẫn cố thủ trong xe và dùng ĐTDĐ ghi lại hình ảnh CSGT thi hành công vụ. Đến chiều 31/8, Chỉ huy đội CSGT Cát Lái (phòng CSGT đường bộ - đường sắt, công an TPHCM)...