Khi thầy cô cư xử thiếu chuẩn mực
Thiếu kỹ năng giải quyết tình huống dẫn đến những vụ việc giáo viên không kiểm soát được hành vi, xử lý thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh.
Vừa qua, đã có trường hợp một học sinh nữ tại Trường THCS Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM bị thầy thể dục đánh bầm chân chỉ vì quên buộc dây giày trong giờ học.
Cư xử kiểu chợ búa
Phụ huynh em B., lớp 7.4 – trường THCS Hưng Long cho biết, trong tiết thể dục ngày 25/9, lúc cúi xuống buộc dây giày, không hiểu vì lý do gì B. bị thầy T. dùng cây thước có đinh đánh vào mông và chân, gây bầm tím và đau đớn. Khi về nhà, B. kêu đau, gia đình gặng hỏi thì mới biết chuyện. Qua hôm sau, học sinh này phải nhờ gia đình đưa đến trường vì đau không thể tự đi.
Cô và trò Trường THCS Hưng Long trao đổi trong giờ nghỉ giải lao.
Đến trường tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết trong tiết thể dục của lớp 7.4 sáng 25/9, B. gặp “chuyện con gái”. Theo quy định của nhà trường, với trường hợp này, học sinh được nghỉ học thể dục nhưng phải trực tiếp báo cho giáo viên. Tuy nhiên, B. vẫn tham gia tiết học nhưng không chịu xếp hàng theo hiệu lệnh của thầy giáo. Thầy T. trong lúc không kiềm chế đã dùng thước đánh vào chân của B.
Mới đây, một người phản ánh về việc một giáo viên trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TP.HCM) công khai “tuyên chiến” với phụ huynh và học sinh trên Facebook cá nhân bằng những lời lẽ phản sư phạm, như gọi phụ huynh là… ác nhân. Ở phần bình luận, giáo viên này còn công khai sẽ “đì” học sinh bằng điểm số. “Gặp thứ khùng khùng chịu không nổi, phen này bà cho con nó biết tay hết. Thi cuối học kỳ này cho chết luôn, coi con mẹ nó có nhảy lên không. Lúc đó vào điểm hết rồi, muốn sửa cũng không được…” – giáo viên này viết.
Sau khi đọc những dòng chữ này trên trang cá nhân của giáo viên, phụ huynh nêu trên cho biết bà có cảm giác bàng hoàng. “Cô giáo mà chửi rủa học sinh, mắng mỏ phụ huynh, nói tục, chửi thề như mấy bà bán hàng ngoài chợ thì trường học sẽ ra sao, con tôi sẽ ra sao?”- vị phụ huynh bức xúc.
Thiếu kỹ năng từ trường sư phạm
Video đang HOT
Bà Phạm Thị Thu Thảo, tổng phụ trách đội kiêm quản sinh trường THCS Hưng Long cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, gia đình học sinh B. đã tìm đến trường yêu cầu giải quyết. Ngay sau đó, hiệu trưởng và hiệu phó đã ghi nhận tình hình, trực tiếp xin lỗi gia đình và học sinh. Trước sự chứng kiến của toàn trường, ban giám hiệu và thầy T. đã trực tiếp nhận sai và xin lỗi”.
Là người phụ trách quản sinh lâu năm, bà Thảo cho rằng ngày nay, môi trường giáo dục phức tạp hơn nhiều, gặp học sinh trong giai đoạn biến chuyển tâm lý, rồi hội chứng con cưng. Bất kể chuyện gì thì gia đình cũng đổ lỗi cho nhà trường, cho thầy cô, nếu giáo viên thiếu bản lĩnh thì rất nguy hiểm. Trong những tình huống như mâu thuẫn với học trò, người thầy vừa đáng thương vừa đáng trách.
Ở một góc độ khác, theo ThS Lê Ngọc Điệp – nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học, sở giáo dục và đào tạo TP.HCM, thời nào cũng có học trò tinh nghịch nhưng tinh nghịch khác với hỗn láo. Tuy vậy, cũng khó trách học trò vì hình tượng người thầy lý tưởng hiện nay trong mắt các em đã không còn bởi nhiều giáo viên để xảy ra những tình huống sư phạm không tốt.
“Lỗi này lại do các trường sư phạm đào tạo ra đội ngũ nhà giáo nhưng lại chưa trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm cần thiết. Chính vì thế, phải có chuẩn trường sư phạm, chuẩn giáo viên” – ông Điệp đề xuất.
Hiệu trưởng một trường phổ thông tại TP.HCM phân tích: Nhiều trường ĐH trên thế giới có chương trình đào tạo giáo viên thiên về kỹ năng hơn là kiến thức chuyên ngành. Chính vì mục đích này nên việc tuyển dụng giáo viên ở nước ngoài rất khắt khe. Người thầy phải có khả năng tương tác với học sinh, kỹ năng tâm lý, sáng tạo phương pháp giảng dạy… Dạy học chỉ là một nửa của nghề giáo.
Trong khi đó, ở các trường sư phạm tại nước ta hiện nay, những môn nghiệp vụ chiếm tỉ lệ rất ít so với môn kiến thức chuyên ngành. Nghịch lý còn ở chỗ có những môn học là nghiệp vụ sư phạm nhưng sinh viên chủ yếu chỉ được truyền đạt lý thuyết. Vì thế, khi đi vào thực tế, giáo viên lúng túng nếu gặp những tình huống ngoài sách vở.
Lệch lạc trong đào tạo giáo viên
TS Phạm Xuân Bình, giảng viên CĐ Sư phạm Kiên Giang cho rằng, nếu người thầy không phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo thì tốt nhất đừng bước chân vào ngưỡng cửa sư phạm. Học sinh thường có khuynh hướng tìm sự chỉ dẫn từ giáo viên, nghe theo giáo viên. Nếu các em thấy người thầy là tấm gương tốt về đạo đức thì sẽ noi theo. Vì thế, các trường sư phạm cần đẩy mạnh những biện pháp lồng ghép vào hoạt động giáo dục, can thiệp vào chương trình đào tạo sinh viên sư phạm, theo quan điểm nhân cách người thầy ảnh hưởng đến nhân cách học trò, nhằm khắc phục những lệch lạc trong chương trình đào tạo giáo viên hiện nay.
Theo Đặng Trinh/Báo Người lao động
4 bức thư của thầy cô lấy nước mắt học trò
Những bức thư chất chứa tình cảm trìu mến, yêu thương của thầy cô giáo gửi tới những học trò của mình đã khiến nhiều người xúc động.
Cô hiệu trưởng viết thư dặn dò học trò trước kỳ thi tốt nghiệp
Trong buổi phổ biến quy chế thi tốt nghiệp tại trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), các học sinh khối 12 của trường đã lặng đi khi lắng nghe tâm thư của cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng nhà trường. Trong thư, cô động viên học trò của mình luôn cố gắng, nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất, khẳng định bản thân để báo đền cha mẹ.
Ảnh minh họa.
Đặc biệt, cô còn dặn dò học trò nhớ giờ giấc để không bị đi thi muộn, không ăn quá no vào ngày thi, nhà trường sẽ hỗ trợ bánh mì và sữa cho học trò nào không kịp ăn sáng... Cô khuyên học trò phải có thái độ nghiêm túc, cử chỉ và lời nói lễ độ với các giám thị; không được xả rác sau khi thi xong... Cuối thư, cô nói: "Cô luôn yêu các con. Giá như có thể ôm được các con trước kỳ thi, thì cô sẽ ôm từng con một và nói: Cố lên nào, con yêu!"
Bức thư của cô hiệu trưởng không chỉ tạo thêm động lực, quyết tâm cho hàng trăm học sinh nhà trường trước kì thi tốt nghiệp mà còn khiến học sinh xúc động, nghẹn ngào khi cảm nhận được sự quan tâm, tình thương yêu của cô giành cho học trò. "Cô không phải là Hiệu trưởng, cô như một người mẹ của tất cả học sinh" - một dân mạng bình luận.
Bức thư viết tay dài 4 trang giấy của cô giáo gửi học trò cũ
Theo chia sẻ của một phụ huynh, trong năm học 2013-2014, gia đình anh chuyển con về học một trường gần nhà. Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm cũ của con anh tên là Hằng vẫn viết thư thăm hỏi, động viên cậu học trò nhỏ khi biết kết quả thi tại trường mới của cậu không được tốt.
Trong thư, cô chân thành động viên học trò đừng buồn hay lo lắng, "lần này xem như đang chạy vô tình bị vấp, con té ngã, không sao, mình đứng lên liền và cố sức chạy về đích một cách vinh quang nhất, vẫn còn kịp mà". Đồng thời, cô cũng dặn dò học trò nên giảm bớt thời gian học những môn mình đã giỏi rồi mà hãy nỗ lực, hết sức tập trung vào môn học mà mình còn yếu như: tập đọc, tập làm văn. Cô còn hướng dẫn tận tình học trò phương pháp học những môn này...
Lời dặn dò của cô giáo cũ hẳn sẽ làm lay động câu học trò nhỏ, nhất là khi cô còn động viên rằng: "Cô tin rằng con hiểu và làm được mà đúng không con. Cô sẽ theo dõi kết quả của con đấy nhé, cố lên, đừng để mọi người thất vọng vì mình nhé!"
Thầy Văn Như Cương viết thư chia sẻ với học trò ngày khai giảng
Thầy, cô hiệu trưởng nhà trường đọc thư gửi tới các học sinh trong lễ khai giảng đã trở thành một "thông lệ" lâu nay, nhưng có lẽ hiếm có bức thư nào lại gây xúc động mạnh như bức thư của thầy giáo, PGS Văn Như Cương - hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội viết gửi học trò đầu năm học 2012-2013.
Thầy Văn Như Cương.
Bức thư của thầy ngắn gọn, không hề có những lời răn dạy đầy giáo điều, sách vở, thầy nhắc học sinh hãy biết "vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, lên mạng để câu giờ, đàn đúm, bê tha, bàn luận những điều nhảm nhí". Đồng thời, thầy cũng khuyên học trò hãy chủ động tự học, đừng đi học thêm quá nhiều vì "học thêm là con đường ngắn nhất làm trí tuệ trở thành "thiểu năng".
Hiệu trưởng viết thư nhắn học trò "Điểm số không nói lên tất cả"
Sau khi có kết quả từ kỳ thi, những học sinh của trường tiểu học Barrow ở Lancashire, nước Anh đã nhận được bức thư được gửi từ Hiệu trưởng nhà trường và cô giáo trưởng khối lớp 6. Bức thư chứa đựng một thông điệp vô cùng ý nghĩa đối với học sinh: "Những bài thi không phải lúc nào cũng đánh giá được chính xác tất cả những gì khiến các em trở nên đặc biệt" và "điểm số của các em có thể nói lên điều gì đó, nhưng không thể nói lên mọi điều về các em. Vậy nên, các em hãy cảm thấy tự hào kết quả của mình và hãy nhớ rằng có rất nhiều cách khách để chứng tỏ các em là những người thông minh".
Bức thư xúc động của cô hiệu trưởng.
Bức thư đã khiến tất cả học sinh của trường xúc động bởi chứa đựng rất nhiều tình cảm của nhà trường và có ý nghĩa động viên tinh thần đối với học sinh, dẹp bỏ được áp lực về thi cử, điểm số.
Theo Lan Vũ/Báo Đất Việt
Nghị lực thép của chàng trai mù ước mơ trở thành thầy giáo Từ một đứa bé mù lòa, Lê Minh Tâm phấn đấu vừa học, vừa làm để tự nuôi sống bản thân và trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Điều đáng trân trọng là đời sống sinh viên vẫn còn nhiều khó khăn, túng thiếu nhưng Tâm luôn sẵn sàng dạy đàn miễn phí cho những bạn trẻ nghèo, tàn...