Khát khao sinh con khỏe mạnh của vợ chồng người dân tộc mang gien bệnh tan máu bẩm sinh
Đã bước vào tuổi gần 40, hai vợ chồng chị Lò Thị Doan vẫn luôn khao khát sinh thêm được một người con khỏe mạnh, để làm chỗ dựa cho hai con gái đều đang mắc bệnh tan máu bẩm sinh, khi sau này bố mẹ già yếu. Chị còn nuôi hi vọng, có thể nhờ máu cuống rốn của đứa con khỏe mạnh để hai con gái chị có thể được chữa lành bệnh.
Chia sẻ về mong muốn của mình, chị Lò Thị Doan (36 tuổi) không kìm được xúc động. Chị kể, hai cô con gái chị được phát hiện bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) từ năm 2011. Vì phát hiện quá muộn, cả hai con đều đã phải cắt lách, định kỳ cứ 1 tháng lại 10 ngày xuống Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương truyền máu. Khi hai vợ chồng chị ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội kích trứng với hi vọng có thêm một đứa con khỏe mạnh thì hai con gái của chị vẫn đang nằm bên Viện Huyết học.
Chị Doan xúc động khi biết mình có thêm cơ hội làm mẹ của một đứa trẻ khỏe mạnh, không mang gien bệnh. Ảnh: H.Hải
Hai con chị Doan, một bé sinh năm 2003, một bé sinh năm 2005 khi mới sinh đều rất khỏe mạnh. Nhưng đến 5 tuổi, thấy con ngày càng gầy yếu xanh xao, vàng da hay sốt và nôn mửa, anh chị đưa con đi khám nhiều lần thì phát hiện được con bị tan máu bẩm sinh.
“Cả hai đứa đều điều trị, may mà có BHYT dân tộc được bảo hiểm chi trả 100%. Chỉ còn phải lo tiền xăng xe mỗi đứa 500 nghìn mỗi tháng, ăn uống có đâu lo đến đó nên hiện giờ chúng tôi vẫn lo cho con được. Hai vợ chồng cũng không biết gì về gien bệnh. Nhưng khi bác sĩ bên Viện Huyết học truyền máu hỏi hai vợ chồng có muốn sinh thêm một người con không gien bệnh không? Đúng nỗi lòng của hai vợ chồng muốn sinh thêm con bao năm nay, mong có đứa con khỏe mạnh để chăm hai chị đau ốm khi về già”, chị Doan tâm sự.
Tuy nhiên sau khi kiểm tra, chương trình ưu tiên hỗ trợ gia đình nghèo mang gien bệnh tan máu bẩm sinh sinh con khỏe mạnh đã hết. Bác sĩ bên Huyết học đã liên lạc sang BV Phụ sản Hà Nội và đã được đồng ý hỗ trợ thụ tinh nhân tạo miễn phí 100% cho 3 cặp vợ chồng đều có con bị tan máu bẩm sinh, bản thân họ mang gien bệnh.
“Khi nhận được điện thoại của bác sĩ giới thiệu là Bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội gọi xuống để làm thụ tinh ống nghiệm miễn phí, vợ chồng tôi vừa mừng, vừa lo. Mất 3 tuần chạy vạy khắp nơi để gom chi phí ăn ở, đi lại mới xuống viện. Nhưng thật may mắn, xuống đến nơi lại được Bác sĩ Nga của bệnh viện hỗ trợ kinh phí ăn ở. Vợ chồng tôi đang rất mong chờ, hồi hộp khi có cơ hội được làm bố mẹ một lần nữa, của một em bé khỏe mạnh không bị bệnh”, anh Lò Văn Dịch, chồng chị Doan nói.
Chia sẻ về trường hợp này, BS chuyên khoa II Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản Hà Nội) cho biết, khi nhận được thông tin từ Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Ban Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội đã quyết định hỗ trợ miễn phí 3 cặp vợ chồng mang gien bệnh có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Đây là việc có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và mở ra hi vọng cho các cặp vợ chồng.
Video đang HOT
BS chuyên khoa II Phạm Thúy Nga tư vấn cho bệnh nhân.
Cả ba trường hợp đều có con bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh, vợ chồng đều mang gien bệnh. Đặc biệt vợ chồng chị Doan, anh Dịch cả hai đều mang gien lặn. Điều này có nghĩa nếu mang thai bình thường, sinh con mắc bệnh lên đến 50%. “Chúng tôi quyết định hỗ trợ họ thụ tinh ống nghiệm miễn phí, để họ có cơ hội sinh thêm con khỏe mạnh như nguyện vọng, cũng thêm một ấp ủ, hi vọng máu cuống rốn của người con khỏe mạnh sau này có thể hỗ trợ để chữa bệnh cho hai người con gái bị tan máu bẩm sinh”, BS Nga nói.
Khi được thụ tinh ống nghiệm sẽ làm được chẩn đoán di truyền tiền làm tổ, sinh thiết 1 vài tế bào, xét nghiệm di truyền chẩn đoán phôi có mang gien bệnh hay không, từ đó chọn những phôi không mang gien bệnh truyền vào tử cung người mẹ để sinh ra em bé khỏe mạnh. Ngoài ra, nếu thụ tinh thành công, em bé sinh ra được lấy máu cuống rốn để có thể trong tương lai dùng cho việc điều trị bệnh cho hai chị gái. Hiện tại, bệnh nhân đang ở giai đoạn được kích trứng để tạo phôi thai.
BS Nga cảnh báo thêm, việc phát hiện sớm mang gien bệnh tan máu bẩm sinh là rất quan trọng để không sinh ra những đứa trẻ mắc bệnh. Bởi tan máu bẩm sinh là bệnh lý di truyền, gây nên tình trạng tan máu, thiếu máu, ứ đọng sắt, biến dạng xương. Ở Việt Nam, số người mang gien bệnh rất lớn, đến 10 triệu người mang gien bệnh, với khoảng 20 ngàn người bị bệnh. Hàng năm có 2000 em bé sinh ra, đây là con số đáng báo động.
Bệnh biểu hiện nhiều thể, nặng nhất là phù thai trong bụng mẹ khiến thai nhi chết ngay trong bụng mẹ. Thể trung bình có biểu hiện thiếu máu thường phát hiện ở giai đoạn 2 – 6 tuổi, phải truyền máu định kỳ, dùng thuốc thải sắt hết cuộc đời; thể nhẹ biểu hiện kín đáo, thường chỉ phát hiện bệnh tình cờ khi đi khám.
Các cặp vợ chồng nên khám tiền hôn nhân trước khi mang thai. Việc phát hiện dấu hiệu sớm bệnh tan máu bẩm sinh được thực hiện bằng xét nghiệm máu đơn giản, không tốn kém. Khi có các yếu tố nghi ngờ ở kết quả xét nghiệm này, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm chuyên sâu để tìm gien bệnh./.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Những người vừa chữa bệnh vừa tranh thủ chạy xe ôm kiếm sống
Tại Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu TW có trên 2.000 người bệnh đang điều trị và cần truyền máu định kỳ suốt đời. Với người bệnh, người hiến máu chính là người đã cho họ sống, để mỗi người bệnh tiếp tục nỗ lực trở thành người sống tự lập, sống có ích dù cuộc sống vẫn còn nhiều bấp bênh.
Nửa tháng chạy xe ôm, nửa tháng đi truyền máu
Anh Hà Văn Vương (Thanh Hóa) đang theo học ngành điều dưỡng thì một biến cố ập đến. Năm 20 tuổi, anh bị những cơn sốt cao kéo dài hành hạ, đi hết viện này đến viện khác và phải dừng việc học ở trường.
Lúc này anh mới biết mình mắc bệnh tan máu bẩm sinh, lẽ ra anh cần phải truyền máu định kỳ từ khi còn nhỏ.
Để có tiền đi viện theo đúng hẹn, năm 2017, anh khăn gói lên Hà Nội. Anh bắt đầu cuộc sống bằng công việc đi ship trứng, ship đồ ăn, bán nước mía. Bây giờ, anh gắn bó với công việc xe ôm ở viện Huyết học - Truyền máu TW, nơi anh đang điều trị định kỳ hàng tháng.
Những ngày đầu anh Vương đi ship trứng.
Là người đến sau, anh không được đứng ở cổng chính của viện mà phải chờ khách ở cổng sau, nơi có ít bệnh nhân cần đi xe ôm hơn.
Cùng trong nhóm người bệnh làm xe ôm với anh Vương còn có 2 người bệnh tan máu bẩm sinh nữa là anh Nguyễn Văn Khởi và anh Hà Quang Nga. Nếu như người bình thường có thể đi làm cả tháng thì các anh ngày thì đi làm, ngày lại đi viện.
Riêng anh Vương cứ 15 ngày đi chạy xe ôm thì 10 ngày anh lại nằm viện và truyền máu. Mức thu nhập ít ỏi để duy trì cuộc sống nhưng anh vẫn bằng lòng với công việc vất vả, dãi dầu nắng mưa này vì: "Chạy xe ôm thời gian thoải mái, tôi có thể vừa đi làm, vừa đi viện đều đặn. Từ một năm nay bố mẹ không phải chu cấp cho tôi nữa. Nhà có 2 anh em cùng mắc bệnh, ngày trước bố mẹ toàn phải vay tiền cho anh em tôi đi điều trị. Nhưng một năm tôi chỉ ra viện được 3-4 lần nên cũng không có sức để làm được việc gì. Giờ ở gần viện rồi tháng nào tôi cũng được truyền máu, sức khỏe ngày càng tốt hơn", anh Vương chia sẻ.
Khát vọng sống
Đến nay anh Vương đã truyền hàng trăm đơn vị máu. Anh Khởi, anh Nga cũng nhờ có nguồn máu hiến mà có thể duy trì cuộc sống và còn có thể lao động bằng chính sức mình.
Tuy rằng mức thu nhập chẳng để dư ra được chút nào, biến chứng của bệnh tan máu bẩm sinh mỗi ngày một nhiều hơn. Nhưng khát vọng sống vẫn cháy bỏng bên trong các anh.
Một tháng, cứ 10 ngày các anh lại phải nằm viện truyền máu.
Anh Hà Văn Vương đã có những dòng thư gửi mẹ: "Nếu lỡ may con mất trước mẹ. Làm sao mẹ chịu được đây? Con chưa làm được gì được cho mẹ, cho gia đình, cho những người con thương. Nhưng có ai biết được người ra đi cũng đau khi biết mình sẽ từ bỏ tất cả những gương mặt thân thương mà biết rằng mình không bao giờ gặp được nữa, đau vì biết rằng mình sẽ làm họ đau theo. Có nỗi đau nào hơn là nỗi đau chia xa, xa người thân của mình vĩnh viễn".
15 ngày rảnh rỗi tranh thủ làm xe ôm kiếm sống nhưng cũng rất khó khăn, bởi ảnh hưởng của căn bệnh tan máu bẩm sinh khiến các anh rất bé nhỏ. Khách đi xe ôm chủ yếu là người quen, người đang điều trị tại BV biết được hoàn cảnh của các anh.
Căn bệnh Tan máu bẩm sinh khiến những người bệnh có nước da đen sạm, gương mặt nhiều người bị biến dạng, nhưng bên trong vẻ ngoài xù xì ấy vẫn là những trái tim biết yêu thương, luôn cố gắng vượt qua bệnh tật để lao động và khát khao được sống.
Và người đã tiếp thêm nguồn sống để những người bệnh như anh Vương được tiếp tục ở bên những người thân yêu chính là những người hiến máu. Đối với các anh, người hiến máu chính là "người đã cho tôi cuộc sống, cho tôi thêm thời gian để đi tiếp trên con đường đời dài bất tận".
Bài và ảnh: Thanh Hằng
Theo Dân trí
Bạn có mang gen bệnh tan máu bẩm sinh? Tại Việt Nam, theo kết quả bước đầu khảo sát tình trạng mang gen bệnh thalassemia trên toàn quốc năm 2017 cho thấy có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Đây là căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển giống nòi. Ngày 8/5, tại Hội thảo "Thalassemia - Nguy cơ của chất lượng...