Khảo sát: Phần lớn châu Á hướng về Mỹ, quay lưng với Trung Quốc
Các chuyên gia nghiên cứu chính trị tại nhiều quốc gia châu Á ủng hộ việc Mỹ gia tăng ảnh hưởng tại khu vực, mặc dù dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành thế lực thống trị tại châu Á, theo kết quả một cuộc khảo sát công bố ngày 5.6.
Phần lớn các chuyên gia uy tín tại châu Á ủng hộ việc Mỹ tiếp tục dẫn dắt các nước trong khu vực, mặc dù dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất tại châu Á – Ảnh: AFP
Cuộc khảo sát, tiến hành tại 11 quốc gia dành cho các chuyên gia phân tích có uy tín nhưng không trực thuộc bất kỳ chính phủ nào, cho thấy gần như toàn bộ các quốc gia châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, ủng hộ mạnh mẽ chính sách “xoay trục” về khu vực này của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Được tiến hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), cuộc khảo sát cũng cho thấy phần lớn các chuyên gia châu Á đoan chắc rằng sức mạnh của Bắc Kinh sẽ tiếp tục gia tăng, AFP cho hay.
Nhưng khi được hỏi điều gì sẽ là tốt đẹp nhất cho nước của họ, thì đa số chuyên gia tại Mỹ, cũng như tử Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, đều chọn được Mỹ tiếp tục dẫn đường, ngay cả khi sức mạnh của Washington suy giảm.
Những chuyên gia có ảnh hưởng tại Đông Nam Á và Ấn Độ thì xem trọng quan hệ quốc tế, theo kết quả cuộc khảo sát.
Nhật Bản là nơi có nhiều người ủng hộ ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á nhất.
Video đang HOT
Chỉ có 2% những chuyên gia được hỏi tại Nhật cho rằng Trung Quốc đóng một vai trò tích cực cho an ninh khu vực, trong khi có đến 83% hy vọng quan hệ kinh tế quan trọng nhất của Nhật trong một thập kỷ sẽ là với Mỹ, thậm chi ngay khi Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của đảo quốc này.
Còn tại các quốc gia Đông Nam Á, cuộc khảo sát cho thấy các chuyên gia tại đây xem trọng một sự “hiện diện bền bỉ và thầm lặng” của Mỹ, theo bà Bonnie Glaser, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Những người được hỏi đánh giá cao cam kết về tự do hàng hải của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tại biển Đông đang leo thang, nhưng “họ thực sự không muốn xảy ra đối đầu và xích mích giữa Mỹ và Trung Quốc”, bà Glaser bình luận trong báo cáo về cuộc khảo sát.
Đặc biệt, tại Thái Lan, quốc gia vốn là đồng minh lâu năm của Mỹ, có đến 89% các chuyên gia được hỏi dự đoán rằng Trung Quốc sẽ thành quốc gia quyền lực nhất Đông Á trong 10 năm nữa và chưa đầy 10% cho biết việc tiếp tục được Mỹ dẫn dắt là lợi ích tốt nhất cho đất nước họ.
Ông Ernie Bower, một nhà nghiên cứu Đông Nam Á, phân tích rằng thái độ của các chuyên gia Thái thể hiện sự thất vọng của xứ Chùa vàng với cách Mỹ phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997 và lệnh cấm vận ngắn hạn của Washington dành cho nước này vì vụ đảo chính của quân đội năm 2006.
Được biết, cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 3 đến tháng 4, trước khi xảy ra vụ đảo chính do quân đội Thái tiến hành.
Theo TNO
Mỹ: Trung Quốc sẽ dựng lá chắn hạt nhân trên biển trong năm 2014
Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu cho tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo có khả năng đánh chặn tên lửa hạt nhân tuần tra 24/24 trên biển trong năm nay, theo báo cáo thường niên Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 5.6.
Một tàu ngầm hạt nhân của hải quân Trung Quốc đang chuẩn bị lặn xuống - Ảnh: AFP
Bắc Kinh trước đây chưa từng sở hữu được một đội tàu ngầm nào đủ khả năng phóng tên lửa hạt nhân tầm xa ngay khi đang lặn, tạp chí National Journal (Mỹ) bình luận.
Hồi năm 2013, cường quốc châu Á này mới chính thức đưa vào biên chế 3 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo lớp Tấn (Type 094).
Tuy nhiên, giới phân tích cho biết để có thể duy trì tuần tra đánh chặn tên lửa trên biển 24/24, một quốc gia cần phải có ít nhất là đến 4 tàu ngầm trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Trong báo cáo đánh giá thường niên về Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trình quốc hội hôm 5.6, Lầu Năm Góc khẳng định "Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiến hành tuần tra đánh chặn tên lửa hạt nhân bằng tàu ngầm lớp Tấn trong năm 2014".
Báo cáo này lưu ý rằng hải quân Trung Quốc "ưu tiên hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm".
Lầu Năm Góc phỏng đoán Trung Quốc có thể sẽ mở rộng hạm đội tàu ngầm lớp Tấn lên đến 8 chiếc trước khi bắt đầu đóng siêu tàu ngầm lớp Đường Type 096.
Tàu ngầm lớp Tấn được cho là có mang theo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới JL-2, với tầm bay ước tính lên đến gần 7.500 km, theo National Journal.
Trong báo cáo trình quốc hội, Lầu Năm Góc không đưa ra con số ước tính về quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích độc lập cho rằng Bắc Kinh đang có khoảng 250 đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc có lưu ý rằng Trung Quốc đang gia tăng số lượng tên lửa liên lục địa di động bằng việc bổ sung tên lửa Đông Phong 31A.
Được biết, Bắc Kinh đã công khai chỉ trích việc Mỹ nỗ lực thuyết phục 3 nước đồng minh châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc chung tay thiết lập một lá chắn phòng thủ tên lửa trong khu vực.
Hồi năm 2013, tin tặc Trung Quốc được cho là đã ăn cắp thiết kế của các hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ triển khai tại Đông Á.
Các chuyên gia cho rằng mục đích của chiến dịch tấn công mạng này của Trung Quốc là nhằm tìm cách triệt phá công nghệ chống tên lửa của Mỹ.
Theo TNO
Bão cát kỳ dị hoành hành ở Iran, 4 người chết Một cơn bão cát khổng lồ với gió giật mạnh kỷ lục đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 4 người tại Tehran, thủ đô Iran, buộc hàng ngàn người phải tìm nơi trú ẩn vào hôm 2.6. Một cơn bão cát lớn dị thường đang tràn vào Tehran, thủ đô Iran - Ảnh: AFP Cơn bão lớn bất thường đã tràn...