Kháng sinh, từ vũ khí tối tân đến kẻ bại trận
Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, có tới 76% bác sĩ kê đơn kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc. Theo Tổ chức Y tế thế giới, dự kiến, đến năm 2050, toàn cầu sẽ có khoảng 10 triệu ca tử vong do kháng kháng sinh. Việt Nam thuộc 1 trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.
Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) từng tiếp nhận bệnh nhân nam trong tình trạng khó thở, tiền sử suy tim, tăng huyết áp. Sau hơn 20 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn phải thở máy, sốt cao liên tục, thể trạng suy kiệt. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm phổi kháng thuốc và kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có. Hy vọng duy nhất bây giờ chỉ là trông chờ vào hệ miễn dịch của chính người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, thời gian qua bình quân mỗi ngày viện tiếp nhận từ 5-6 ca bệnh bị sốc nhiễm khuẩn nặng mà trong đó chủ yếu do vi khuẩn kháng thuốc gây ra. Bác sĩ Cấp nhận định, kháng kháng sinh là 1 tình trạng nguy hiểm. Khi người bệnh mang mầm bệnh kháng kháng sinh thông thường sẽ phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới, kết hợp nhiều loại, cao liều, khả năng thành công thấp, tỷ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện kéo dài, điều trị khó khăn. Với những bệnh nhân mắc các bệnh lý do vi khuẩn kháng kháng sinh, tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều bệnh nhân bình thường, từ 30-90%. Đặc biệt với những bệnh do vi khuẩn đa kháng thuốc thì tỷ lệ tử vong lên tới 99%, bởi không còn thuốc chữa.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sử dụng kháng sinh bừa bãi, tùy tiện. Bất cứ bệnh gì từ sốt, đau đầu đến ho, chảy mũi… người bệnh đều tự ý dùng kháng sinh, dù chưa biết nguyên nhân gây bệnh là gì và dùng quá thường xuyên. Hậu quả là vi khuẩn quen dần với kháng sinh, làm vi khuẩn có sức đề kháng với kháng sinh. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác nữa là do sự tiếp xúc giữa những người bị nhiễm trùng (nhiễm trùng chéo) dẫn đến tình trạng là có những người bị đề kháng với những kháng sinh mà mình chưa dùng bao giờ, gọi là đề kháng chéo.
Nhiều kháng sinh đầu hàng vi khuẩn
GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) – chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu và chống độc, cho biết, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh với số lượng vi khuẩn kháng thuốc và mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh nhóm carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay đã lên đến 50-60%. Trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Có những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn đã kháng thuốc, đến mức, các bác sĩ cho dùng loại kháng sinh thế hệ mới nhất cũng không hiệu quả, phải kết hợp với nhiều kháng sinh khác. Đáng lo ngại hơn, đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh, phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.
TS Đoàn Mai Phương, nguyên Trưởng khoa Vi sinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay có nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh, trong đó đặc biệt là vi khuẩn E.coli kháng kháng sinh Carbapenem – một loại kháng sinh được coi là vũ khí cuối cùng để điều trị.
Tại Việt Nam, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao và đã có trường hợp mắc vi khuẩn đa kháng, kháng mở rộng, toàn kháng. Lúc đó, các bác sĩ không còn kháng sinh điều trị, chỉ hy vọng vào sức đề kháng của bệnh nhân có chống đỡ được với loại vi khuẩn này.
Cách nào hạn chế gia tăng vi khuẩn kháng thuốc?
TS Đoàn Mai Phương cho hay, trong tương lai, thế giới có thể hạn chế gia tăng vi khuẩn kháng thuốc dựa tên bằng chứng khoa học của phòng xét nghiệm vi sinh. “Bác sĩ dựa vào kháng sinh đồ sẽ cách ly bệnh nhân, phòng chống không cho vi khuẩn lây lan thì mức độ kháng kháng sinh không lan rộng. Chúng ta duy trì mức độ đề kháng giảm xuống, sau đó kéo dài tuổi thọ của kháng sinh đang có, bảo vệ kháng sinh trong tương lai cho con cháu”, TS Phương chia sẻ. Theo TS Đoàn Mai Phương, muốn biết vi khuẩn có thực sự kháng kháng sinh hay không hay do sử dụng liều không đúng thì chỉ phòng xét nghiệm vi sinh mới trả lời được qua làm kháng sinh đồ. Phòng xét nghiệm làm kháng sinh đồ sẽ trả lời kết quả cho bác sĩ và bác sĩ có biện pháp cách ly bệnh nhân, không làm cho lây lan giữa bệnh nhân này với bệnh nhân khác.
Video đang HOT
Theo điều tra của WHO tại Việt Nam, 83% vi khuẩn Pneumococal (vi khuẩn gây ra viêm phổi, viêm màng não…) đã kháng với kháng sinh penicillin. Có tới 72% vi khuẩn Ecoli gây các bệnh về tiêu chảy và đường ruột đã kháng ceftriaxon. Nếu nhiễm các vi khuẩn này, những thế hệ kháng sinh phổ biến trước đây như penicillin hay ceftriaxon sẽ không còn tác dụng.
THÁI HÀ
Theo Tiền Phong
Vi khuẩn này có trong cơ thể người đang đứng trước tình trạng kháng thuốc, làm thế nào để bảo vệ bản thân mình?
Salmonella là một vi khuẩn sống trong ruột của động vật có vú, bò sát và chim. Ở người, nó có thể gây buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy, cùng với đau đầu, ớn lạnh và các triệu chứng giống cúm khác.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố ngày 17/10, có ít nhất 92 người đã bị bệnh trong năm nay bởi một dạng vi khuẩn salmonella kháng thuốc. Chủng vi khuẩn chịu trách nhiệm về dịch bệnh này đã được phát hiện ở 29 tiểu bang và khiến 21 người phải nhập viện.
Giới quan chức cho biết, điều này thực sự đáng lo ngại vì nó không phản ứng với ít nhất 12 loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị loại nhiễm trùng này. Để tìm hiểu thêm về salmonella kháng thuốc, Health đã nói chuyện với Sam Alcaine, tiến sĩ, trợ lý giáo sư về an toàn thực phẩm tại Đại học Cornell. Dưới đây là những gì vị chuyên gia này cùng các chuyên gia Việt Nam muốn chúng ta cần nắm rõ.
Salmonella là gì?
Salmonella là một vi khuẩn sống trong ruột của động vật có vú, bò sát và chim. Ở người, nó có thể gây buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy, cùng với đau đầu, ớn lạnh và các triệu chứng giống cúm khác.
"Khi con vật hoặc người bị bệnh sẽ thải vi khuẩn vào môi trường. Nó sẽ dễ dàng nhiễm khuẩn vào nguồn thực phẩm hoặc nguồn nước. Trong đường ruột, vi khuẩn salmonella tấn công niêm mạc, đó là lý do tại sao mọi người đôi khi gặp phải tình trạng máu trong phân. Cảm giác rất khó chịu nhưng nếu có hệ miễn dịch khỏe mạnh, bạn sẽ cảm thấy ổn", Alcaine nói.
Salmonella kháng thuốc khác bình thường như thế nào?
Một chủng vi khuẩn salmonella đặc biệt độc hại - có nghĩa là nó gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn và nó không biến mất một cách dễ dàng. Salmonella, thậm chí là chủng "bình thường", cũng có thể nguy hiểm cho những người có hệ miễn dịch bị tổn thương, những người không thể tự chống lại vi khuẩn.
Trong những trường hợp này, các bác sĩ thường kê toa thuốc kháng sinh, chẳng hạn như ciprofloxacin và ceftriaxone, để tiêu diệt vi khuẩn salmonella. Điều này dẫn đến vấn đề với các chủng kháng thuốc xuất hiện.
TS Alcaine cho biết: "Chúng tôi đã thấy sự gia tăng trên diện rộng vi khuẩn - cho dù đó là salmonella, E. coli, hay nhiều vi khuẩn khác. Điều này cho thấy khả năng chống lại kháng sinh tốt hơn". Một số yếu tố đang góp phần vào vấn đề này ngày càng tăng, bao gồm cả quy định không thích hợp của thuốc kháng sinh cho bệnh nhân và lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.
"Nếu ai đó nhiễm salmonella kháng MDR [đa kháng thuốc], khi bác sĩ kê toa các loại thuốc điển hình sẽ không có tác dụng. Điều này làm cho vi khuẩn có nhiều thời gian gây nhiễm trùng, khiến bệnh năng hơn", TS Alcaine chia sẻ.
Điều quan trọng nhất chúng ta cần biết trong sự bùng phát hiện tại là gì?
Các ổ dịch được Cdc báo cáo ngày 17/10 đã xảy ra từ hồi tháng giêng và có tổng số 92 người bị bệnh. Những người mắc bệnh nằm trong độ tuổi dưới 1 tuổi đến 105 tuổi, trong đó 69% là nữ. Cdc phỏng vấn 54 người bị bệnh và 89% trong số họ ăn các sản phẩm từ gà như thịt gà nguyên con, gà xay, nội tạng, chân cánh gà...
Cho đến nay, không có nhà cung cấp duy nhất nào được xác định là nguồn gốc của dịch bệnh này, thay vào đó là từ nhiều nơi khác nhau. Theo CDC, loài này được biết là có khả năng kháng 12 loại kháng sinh. May mắn thay, vẫn còn một vài loại thuốc - bao gồm azithromycin, amoxicillin-clavulanic axit và meropenem vẫn có khả năng làm vi khuẩn không thể sinh sôi.
Nắm bắt những triệu chứng của nhiễm khuẩn salmonella
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học bách khoa Hà Nội), vi khuẩn salmonella gây tiêu chảy và thương hàn. Vi khuẩn này nếu ở trong thịt không đáng lo ngại vì nấu ở nhiệt độ cao thì vi khuẩn sẽ chết. Nhưng đáng lo ngại là vi khuẩn từ thịt có thể bám sang các đồ dùng khác, thậm chí tay người nấu nướng. Nếu đồ dùng, các thực phẩm khác đã nấu chín mà có khuẩn salmonella thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
3 triệu chứng chính của nhiễm khuẩn salmonella là tiêu chảy, sốt và đau bụng. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 12-72h sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn và thường kéo dài 4-7 ngày. May mắn là hầu hết chúng ta đều có thể hồi phục mà không cần điều trị.
Nhưng trong một số trường hợp, tiêu chảy có thể rất nặng, dẫn đến mất nước và phải nhập viện. Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh và An toàn Thực phẩm), khi các triệu chứng trở nên xấu hơn, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng lây lan sang máu cũng như các bộ phận khác. Đây chính là thời điểm salmonella có thể đe dọa tính mạng. Trẻ em, người già, và những người có hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu bởi các điều kiện y tế hoặc điều trị khác có nhiều khả năng bị nhiễm trùng salmonella nghiêm trọng
Thật không may, nếu thức ăn của bạn bị nhiễm khuẩn salmonella, có thể bạn sẽ không biết trước thời gian. "Nó thường không thể hiện ở mùi, ở vị của thực phẩm. Tất nhiên là bất cứ món ăn nào trông như ôi thiu hoặc có mùi kinh khủng không như bình thường thì cũng không phải là điều bạn nên ăn", chuyên gia cho biết thêm.
Người tiêu dùng có thể bảo vệ mình bằng cách nào?
Theo TS Alcaine, gia cầm là loài dễ nhiễm salmonella, thường là nguồn gốc của sự bùng phát salmonella ở người. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải ngừng ăn thịt gà hoàn toàn. Người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình khỏi salmonella kháng thuốc như thông thường: Rửa tay bằng xà phòng và nước trước và sau khi ăn, đi vệ sinh, trước và sau khi xử lý thịt sống hoặc thịt gia cầm, luôn đảm bảo ăn thịt gà đã chín, tốt nhất đun nấu ở nhiệt độ 165 độ C - nhiệt độ cao có thể giết chết khuẩn salmonella.
Mọi người cũng nên cẩn thận để ngăn ngừa ô nhiễm bề mặt nhà bếp khi chế biến thịt gà sống. "Chúng ta thường rửa thịt gà sống trong bồn rửa trước khi nấu. Điều này thực sự không nên vì nước rửa thịt bắn tung tóe xung quanh sẽ làm lây lan vi khuẩn trong nhà bếp của bạn", TS Alcaine nói. Giới chuyên gia khuyến cáo thêm, không được cho chó, mèo ăn thịt gà sống. Nếu chúng bị bệnh sẽ làm nguồn vi khuẩn sinh sôi và con người cũng nhanh chóng bị bệnh theo.
Theo Helino
Kinh nghiệm trị ho cho con hiệu quả của mẹ 9x mà không phải sử dụng một viên kháng sinh nào Trước tình trạng kháng kháng sinh hiện nay, nhiều mẹ đã mày mò, tìm hiểu công thức làm siro ho cho bé tại nhà bằng những bài thuốc dân gian, an toàn để chữa bệnh cho con. Mách mẹ các bước massage hoàn chỉnh cho trẻ sơ sinh giúp con ăn ngon, ngủ tốt Bệnh về đường hô hấp là những bệnh thường...