Kháng sinh không thể dự phòng, điều trị Covid-19
Viêm phổi do bệnh Covid-19 là viêm phổi do vi rút, vì thế kháng sinh không có giá trị dự phòng.
Gần đây, Thanh Niên có nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc về việc cơ quan y tế khuyến cáo không sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh Covid-19 nhưng vì sao vẫn có nhiều bệnh nhân Covid-19 được bác sĩ trong các nhóm tư vấn kê đơn dùng thuốc kháng sinh.
Việc sử dụng kháng sinh không đúng sẽ làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Ảnh NGỌC DƯƠNG
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ có thể bác sĩ này chưa hiểu hết chủ trương của Bộ Y tế và cũng có một số bác sĩ lo lắng quá nhiều về hiện tượng bội nhiễm.
“Tôi đã nghiên cứu về kháng sinh nhiều năm. Theo tôi, không nên sử dụng kháng sinh trong trường hợp này để dự phòng bội nhiễm vì thuốc sẽ không có tác dụng gì mà có hại nhiều hơn”, TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Video đang HOT
Về thắc mắc của bạn đọc có nên sử dụng kháng sinh dự phòng tổn thương phổi khi mắc Covid-19, PGS-TS-BS Phạm Bích Đào, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho biết đây là câu hỏi bác sĩ thường gặp khi tư vấn cho F0.
TS Đào giải thích cụ thể: Viêm phổi do bệnh Covid-19 là viêm phổi do vi rút, vì thế kháng sinh không có giá trị dự phòng. Các bác sĩ chỉ sử dụng kháng sinh ở bệnh nhân Covid-19 có những bằng chứng nhiễm khuẩn đi kèm rõ ràng. Trong thực tế phác đồ hướng dẫn điều trị bệnh Covid-19 của Bộ Y tế VN không có kháng sinh; còn các thuốc kháng vi rút, ức chế các phản ứng viêm, điều trị các triệu chứng của suy hô hấp theo các mức độ diễn biến bệnh. Trong giai đoạn đầu tiên của đại dịch, một số người sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh Covid-19 vì chỉ để giảm lo lắng. Tại Trung Quốc, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng nếu sử dụng kháng sinh ở giai đoạn đầu mắc Covid-19, 70% sẽ tăng nặng triệu chứng, và họ cho rằng số người bị nhiễm vi khuẩn đi kèm khi mắc Covid-19 thường rất ít.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN cũng nhấn mạnh: Kháng sinh không chữa hoặc ngăn chặn được vi rút. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn (còn Covid-19 là do vi rút SARS-CoV-2). Việc sử dụng kháng sinh không đúng làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh và đặt tất cả mọi người vào nguy cơ thậm chí với cả các trường hợp nhiễm trùng nhẹ. Một số bệnh nhân Covid-19 có thể bị nhiễm trùng đồng khuẩn. Khi được xác định đúng như vậy, nhân viên y tế có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng thứ phát với bệnh nhân đó.
“Chúng ta đang ở trong thời đại hậu kháng sinh”
Trong chương trình Science in 5 (Khoa học trong 5 phút) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đăng tải trên YouTube, Tiến sĩ Hanan Balkhy (ảnh), trợ lý giám đốc về kháng thuốc của WHO, lưu ý: Điểm mấu chốt là thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn chứ không phải vi rút, và Covid-19 là một bệnh do vi rút gây ra. Tuy nhiên hiện đang có tình trạng sử dụng kháng sinh quá mức cho người mắc Covid-19.
Mọi người cảm thấy cần sử dụng thuốc kháng sinh vì họ nghe từ gia đình hoặc bạn bè rằng nó sẽ hữu ích ở mức độ nào đó. Xin nhắc lại, thuốc kháng sinh cần phải được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa và hợp pháp, nhằm bảo đảm người bệnh nhận đúng liều lượng và uống vào thời gian thích hợp, và điều này là cực kỳ quan trọng. Khi sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý, chúng ta đã cho phép những vi khuẩn này ngày càng trở nên kháng thuốc hơn.
Tiến sĩ Hanan Balkhy khuyến cáo: Chúng ta đã ở vào thời đại được gọi là thời đại “hậu kháng sinh”, khi mà một số loại kháng sinh phổ biến và mạnh nhất của chúng ta không còn hiệu quả nữa, và hành vi sử dụng kháng sinh bừa bãi tiếp tục thúc đẩy sự kháng thuốc ngày càng gia tăng. Vì vậy, kháng sinh cần được kê đơn và việc sử dụng kháng sinh đúng cách cần được thực hiện một cách nghiêm túc.
Không sử dụng Ivermectin để điều trị hoặc ngăn ngừa Covid-19
Nhiều bạn đã hỏi chúng tôi về việc có nên sử dụng Ivermectin 6 mg để điều trị Covid-19 không và liều dùng như thế nào.
Qua tìm hiểu và nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng:
1/ Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã không cho phép và không phê duyệt Ivermectin để sử dụng trong việc ngăn ngừa hoặc điều trị Covid-19.
2/ Dữ liệu hiện có không cho thấy Ivermectin có hiệu quả chống lại Covid-19.
3/ Thuốc Ivermectin có hai dạng bào chế cho người và cho động vật. Liều của động vật thường cao hơn của con người rất nhiều do thường dùng cho các loài động vật lớn (ngựa, bò, trâu...). Vì thế, nếu con người sử dụng nhầm loại cho động vật thì sẽ bị quá liều.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa và điều trị Covid-19 là: 1/ Tiêm vắc xin đầy đủ. 2/ Điều trị theo đúng phác đồ do bác sĩ hợp pháp tư vấn hoặc theo đúng hướng dẫn từ Bộ Y tế. Ảnh SHUTTERSTOCK
4/ Nếu dùng quá liều Ivermectin, có thể gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, hạ huyết áp (huyết áp thấp), phản ứng dị ứng (ngứa và phát ban), chóng mặt, mất điều hòa (các vấn đề về thăng bằng), co giật, hôn mê và thậm chí tử vong.
5/ Ivermectin được phép sử dụng cho người để điều trị các bệnh nhiễm trùng do một số loài giun ký sinh (giun lươn, bệnh gan do ký sinh trùng), chấy và các bệnh về da như bệnh trứng cá đỏ. Lưu ý, thuốc này dùng theo kê đơn và chỉ định của bác sĩ.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa và điều trị Covid-19 là:
1/ Tiêm vắc xin đầy đủ.
2/ Điều trị theo đúng phác đồ do bác sĩ hợp pháp tư vấn hoặc theo đúng hướng dẫn từ Bộ Y tế.
Cách khắc phục chứng mệt mỏi và chán ăn sau khi khỏi Covid-19 Việc xây dựng chế độ ăn hợp lý sau điều trị Covid-19 rất quan trọng, giúp cải thiện các chức năng cho cơ thể, tránh nguy cơ suy dinh dưỡng. Dù biểu hiện lâm sàng nhẹ hay nặng thì đa phần bệnh nhân Covid-19 sẽ xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, thậm chí rất khó ăn khi bị sốt, nhiễm trùng, suy hô...