Khá ‘bảnh’ với đời tư bất hảo được đưa vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn
Bài viết “Hiện tượng mạng Khá bảnh với đời tư bất hảo vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái” đăng trên VTC News được đưa vào đề thi Ngữ văn ở Hải Phòng.
Vừa qua, trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) đã đưa hiện tượng “Khá bảnh” vào đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn khối 11.
Theo đó, câu 1 phần Nghị luận xã hội cho ngữ liệu như sau:
Xuất hiện trên mạng xã hội cách đây khá lâu, Ngô Bá Khá (hay còn gọi là Khá “bảnh”, SN 1993, quê Bắc Ninh) nổi tiếng với điệu nhảy “múa quạt” còn được dân mạng gọi với cái tên “VinaHey”.
Sau đó, Khá “bảnh” được biết đến nhiều hơn với những clip hướng dẫn “quẩy” trong bar, livestream nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc, thậm chí là làm phim ngắn về “tình nghĩa giang hồ”.
Mới đây nhất, tên giang hồ này cùng nhóm bạn thản nhiên dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý.
Dù được biết đến với đời tư bất hảo và nhiều tai tiếng nhưng điều khó hiểu là Khá “bảnh” lại có một lượng “fan” hâm mộ rất hùng hậu.
Trang facebook của thanh niên này có hơn 600.000 lượt theo dõi, kênh Youtube cá nhân cũng có gần 2 triệu lượt đăng ký, con số khiến nhiều nghệ sỹ chân chính phải “chào thua”.
Mỗi clip của Khá “bảnh” đều thu hút tới hàng trăm nghìn đến cả chục triệu lượt xem với rất nhiều lượt tương tác, bình luận.
Video đang HOT
Không chỉ nổi tiếng trên mạng xã hội, gần đấy nhất, trong một vài hình ảnh đang lan truyền mạnh mẽ, Khá “bảnh” được học sinh, người lớn vây kín xin chụp ảnh, chữ ký và đón tiếp như một ngôi sao khi xuất hiện gần một trường THPT ở TP Yên Bái.
(Theo Trương Huyền VTC News)
Từ ngữ liệu, đề văn yêu cầu học sinh viết một bài văn khoảng 400 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về hiện tượng được đề cập đến trong bài viết.
Hiện tượng “Khá bảnh” vào đề thi Ngữ văn ở Hải Phòng. (Ảnh: Phan Thế Hoài)
Nhận xét về đề thi, nhiều giáo viên cho rằng, câu Nghị luận xã hội đề cập đến một hiện tượng đời sống – nhân vật Khá “bảnh” đang rất thời sự được Facebook và truyền thông liên tục nhắc đến.
Tuy nhiên, với một đề thi học sinh giỏi thì cách đưa hiện tượng Khá “bảnh” để yêu cầu bàn luận là điều không nên làm. Thầy Nguyễn Việt Đức, giảng dạy môn Ngữ văn tại Quận 10 TP.HCM chia sẻ: “Những hiện tượng tiêu cực này không nên đưa vào đề thi. Muốn giáo dục học sinh, người lớn hãy lấy những sự việc tốt để làm gương cho các em noi theo”.
Khá “bảnh” được chào đón như thần tượng khi xuất hiện ở Yên Bái.
Cùng quan điểm, cô L.T.H. ở Trường THPT TX, Thanh Hóa cho biết: “Lấy cái phản giáo giáo dục vào đề thi học sinh giỏi thì không khác gì cổ động cho học sinh hướng đến cái xấu”.
Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, hệ thống giáo dục Học Mãi nhận xét: “Đề thi muốn hướng tới sự phản biện, nhưng đây là con dao hai lưỡi, học sinh hoàn toàn có thể bênh vực hiện tượng này”.
“Nói chung, tôi không thích những nhân vật như thế này vào đề thi”, TS Tuyết nhấn mạnh.
Theo vtc.vn
Khi giới trẻ nhận thức lệch chuẩn
Trong 2 ngày qua, trên facebook tràn ngập hình ảnh một thanh niên tên Dương Minh Tuyền được đông đảo thanh thiếu niên chào đón nhiệt liệt khi đến Hưng Yên "trợ giúp nữ sinh lớp 9 trong vụ bị 5 bạn học bạo hành dã man".
Ảnh minh họa
Chỉ sau 3 giờ livestream, facebook của thanh niên này đã lập tức nhận được 94.000 lượt view và hơn 800 lượt share, hơn 1.400 comment với những lời ca tụng và bày tỏ sự ái mộ nồng nhiệt. Thực tế, Dương Minh Tuyền ở Bắc Ninh nổi tiếng bởi sự liều lĩnh cũng như có các clip chửi bới trên mạng xã hội cùng những thành tích ra tù vào tội của mình.
Trước đó, đầu tháng Ba, mạng xã hội cũng ồn ào về clip đốt xe và hình ảnh đứng dàn hàng ngang cùng bạn bè trên quốc lộ của một thanh niên khác có biệt danh Khá Bảnh, người có tên thật là Ngô Bá Khá (26 tuổi, ở Bắc Ninh). Giới trẻ không những không lên án hành vi vi phạm pháp luật, mà còn tung hô Khá Bảnh như một "người hùng" vì dám nghĩ, dám làm... Đáng lưu ý, YouTube riêng của nhân vật này luôn có hàng triệu lượt view và comment.
Khá Bảnh cũng từng vào tù ra tội, nhưng thanh niên này luôn tự hào mình là người nghĩa hiệp, dám nói dám làm và dám chịu trách nhiệm. Điều đáng nói "hiện tượng Khá Bảnh" lại được giới trẻ tung hô, hâm mộ như một ngôi sao thời thượng khiến dư luận bức xúc, lên án. Nhiều học sinh còn ăn mặc, cắt tóc giống Khá Bảnh, thậm chí nhiều bạn trẻ nhảy những điệu nhảy y hệt thần tượng của mình.
Hiện tượng hâm mộ Dương Minh Tuyền, Khá Bảnh làm nhiều người gợi nhớ đến những hiện tượng từng "gây bão" mạng một thời như Lệ Rơi, bà Tưng. Những nhân vật này không cần tài năng, chỉ cần một phát ngôn gây sốc, khoe thân "show hàng", một giọng hát lệch tông đã thu hút sự chú ý của hàng triệu bạn trẻ, trở thành hiện tượng nổi tiếng trong giới trẻ.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều bậc cha mẹ cho biết, họ rất "đau đầu" khi rất khó kiểm soát được con xem gì, đọc gì, tung hô trào lưu nào. Chị Nguyễn Thùy Trang (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho biết, mới đây chị mới biết con mình hâm mộ Khá Bảnh. Khi bị bố mẹ phản đối, con chị còn cho rằng, bố mẹ "lạc hậu", không biết xu hướng thời cuộc là gì.
"Tôi đã tâm sự, chia sẻ với con rất nhiều về điều này, nhưng con đều phản bác, chúng nó chơi với nhau có hội có thuyền, cùng nhau tung hô một thần tượng như Khá Bảnh là điều chúng tôi vô cùng lo lắng" - chị Trang nói.
Theo TS Trần Thành Nam - giảng viên Tâm lý, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, những học sinh tỏ ra hâm mộ và làm theo những hiện tượng xuất hiện trên mạng xã hội chủ yếu là học sinh cấp 2 và cấp 3, là giai đoạn tuổi dậy thì. Đặc điểm tâm lý của lứa tuổi này là tò mò, thích khám phá những điều mới lạ.
Thậm chí những điều bố mẹ cấm, nhà trường cấm thì lại có xu hướng thích làm. Do đó, việc hâm mộ hay bắt chước những thứ trẻ cảm thấy thích thú là cách chúng thể hiện, tìm kiếm giới hạn bản thân. TS Trần Thành Nam khuyến cáo, cha mẹ cần sát sao hơn trong việc dạy dỗ, định hướng con cái. Đặc biệt, cha mẹ nên thường xuyên chia sẻ với con mọi niềm vui, nỗi buồn, cũng như tìm hiểu thị hiếu, sở thích để có biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Cũng theo TS Trần Thành Nam, ngoài việc dạy dỗ, định hướng của gia đình, nhà trường cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách của học sinh. Thầy cô giáo không nên chỉ dạy trẻ kiến thức sách vở để lấy điểm số, thành tích, mà cần quan tâm hơn đến việc dạy kỹ năng sống, giúp trẻ ứng xử với mọi tình huống trong cuộc sống, cùng như ứng xử trên mạng xã hội. Điều này vô cùng quan trọng, sẽ tránh cho trẻ được những nhận thức lệch chuẩn. Bởi sự lệch lạc trên có thể dẫn tới những hệ lụy tiêu cực trong xã hội.
Theo kinhtedothi
Băn khoăn nhiều sách giáo khoa, bất an trong trường học Chủ trương sửa luật theo hướng có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học; môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh trước hàng loạt vụ bạo hành xảy ra thời gian gần đây... là vấn đề được quan tâm, bàn thảo tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi)...