Kết thúc thí điểm, Grab sẽ phủ sóng toàn quốc
Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực sẽ giúp loại hình xe công nghệ như Grab phát triển…
Nghị định 10 có hiệu lực sẽ giúp tài xế xe công nghệ yên tâm làm việc
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4 sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Bộ GTVT cũng ra quyết định số 146/QĐ-BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016) kể từ ngày 1/4 để thực hiện theo quy định tại Nghị định 10.
Nghị định 10 có quy định, xe hợp đồng phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20cm.
Trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.
Điều 36 của Nghị định 10 quy định, đối với xe hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe), xe ô tô vận tải khách du lịch có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu hoặc biển hiệu theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo quy định tại Nghị định này và dán cố định trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021.
Chia sẻ về triển vọng phát triển của xe công nghệ sau bước chuyển từ thí điểm sang hoạt động chính thức, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù còn khá sớm để đưa ra nhận định về hiệu quả kinh tế mà bước chuyển này mang lại, nhưng rõ ràng xe công nghệ được mở rộng hoạt động, được công nhận chính thức như một loại hình vận tải sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng trên cả nước, chứ không còn gói gọn tại 5 tỉnh, thành thí điểm nữa sẽ được tiếp cận và sử dụng một phương thức đi lại khác với các phương thức truyền thống bấy lâu. Tuy vậy, điều này cũng đặt ra vấn đề sẽ có sự cạnh tranh giữa xe công nghệ với các phương thức vận tải truyền thống khác như taxi tại các địa phương mà nó hoạt động. Song, gút lại, Nghị định 10 của Chính phủ vẫn là bước tiến dài trong vấn đề quản lý và tiếp cận của Bộ GTVT”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Chạy xe công nghệ từ những ngày đầu xuất hiện tại Việt Nam, anh Huỳnh Xuân Bình (33 tuổi, ngụ TP.HCM) cho rằng: “Khi Nghị định có hiệu lực thì hoạt động xe công nghệ được quy chuẩn hơn, chỉ cần thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng là hoạt động bình thường, vẫn kết nối với khách qua ứng dụng công nghệ.
Video đang HOT
Việc mở rộng địa bàn hoạt động là rất phù hợp với thực tiễn bởi nếu mình chở khách từ TP.HCM đi Vũng Tàu sẽ có nhiều khách đặt xe chiều về thay vì trước đây phải đi chiều xe rỗng. Ngoài ra quy định dán tem lên kính xe cũng không ảnh hưởng đến khách hàng, thậm chí còn giúp họ dễ nhận biết xe công nghệ hơn”.
Đại diện cho Liên hiệp hợp tác xã quản lý hơn 14.000 đầu xe công nghệ, ông Nguyễn Văn Xang, giám đốc hợp tác xã An Phát Khánh cho biết: “Nghị định 10 có hiệu lực sẽ giúp định danh cho xe công nghệ và mang lại nhiều lợi ích cho cả tài xế và người tiêu dùng. Việc mở rộng địa bàn hoạt động cho xe công nghệ không chỉ tăng thu nhập cho tài xế mà còn thuận tiện cho tài xế có môi trường làm việc. Thay vì trước đây tài xế ở tỉnh phải lên thành phố làm việc thì nay tài xế có thể chạy luôn ở quê như vậy giảm được tình trạng ùn tắc giao thông, giảm được áp lực việc làm tại các thành phố lớn”.
Về việc chuẩn bị thực hiện Nghị định 10, đại diện Grab tiết lộ, ngay khi có thông tư, hướng dẫn từ Bộ GTVT, Grab Việt Nam sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, nhanh chóng.
“Thay vì hoạt động trong khuôn khổ một Đề án thí điểm, từ ngày 1/4/2020, Grab và các mô hình như Grab có thể chính thức hoạt động trên phạm vi toàn quốc theo luật định.
Trên tinh thần của Quyết định 146 và Nghị định 10, chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động của mình. Tuân thủ pháp luật, đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế và hướng đến sự phát triển của cộng đồng luôn là tôn chỉ mà Grab hướng đến”, đại diện công ty này khẳng định.
Theo giao thông
Dừng thí điểm xe công nghệ: Các hãng không gặp khó
Nghị định 10/2020 cho phép xe công nghệ có quyền lựa chọn chuyển đổi sang taxi hoặc xe hợp đồng.
Nói về việc sẽ tạm ngưng thí điểm triển khai gọi xe công nghệ từ ngày 1-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết tất cả thông tin, yêu cầu từ Bộ GTVT đã được nêu rõ trong Nghị định 10/2020.
Vì vậy, các doanh nghiệp liên quan cần nghiên cứu kỹ nghị định này để làm theo. Trong nghị định này, Bộ GTVT cũng nêu rõ trách nhiệm của các sở GTVT. Do đó phía Sở GTVT cũng sẽ có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp chú ý thực hiện cho đúng.
Các đơn vị vận tải chủ động triển khai
Nói về Nghị định 10/2020, đại diện hãng Grab cho biết đây là một hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và không gây ảnh hưởng hay khó khăn gì đến hoạt động của Grab trên thị trường hiện nay.
Bên cạnh đó, đại diện Grab cũng cho hay đang nghiên cứu Nghị định 10/2020 của Chính phủ để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mô hình hoạt động của mình. Đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động đó.
"Nhưng dù lựa chọn phương án nào thì tuân thủ pháp luật và đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế, hướng đến sự phát triển của cộng đồng luôn là tôn chỉ hoạt động mà Grab hướng đến" - đại diện này nói.
Trong khi đó, đại diện FastGo cho hay: Ngay từ đầu đơn vị vẫn ưu tiên lựa chọn theo mô hình là ứng dụng kết nối vận tải, tức là mô hình thứ ba trong Nghị định 10/2020. Theo đó, FastGo sẽ cung cấp các giải pháp ứng dụng giúp các doanh nghiệp taxi và đơn vị kinh doanh xe hợp đồng để quản lý đối tác, tài xế, thiết lập chính sách kinh doanh phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Việc thí điểm kinh doanh taxi công nghệ sẽ dừng từ ngày 1-4. Ảnh: ĐÀO TRANG
Với các đơn vị taxi hoặc kinh doanh chưa có hệ thống điều hành, FastGo sẽ hỗ trợ miễn phí. Với các đơn vị đã có ứng dụng công nghệ, FastGo cũng cho phép kết nối hai hệ thống với nhau để cùng khai thác khách hàng. Nghị định mới này chỉ trong phạm vi Việt Nam, không ảnh hưởng đến các thị trường nước ngoài mà FastGo đang triển khai.
Các quy định mới trong Nghị định 10/2020 là tương đối cởi mở, tân tiến, tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp cũ và mới, truyền thống và công nghệ tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, sẽ cần thêm các thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về một số quy định và ràng buộc cụ thể để các doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng các quy định trong quá trình hoạt động.
Việc có ảnh hưởng gì đối với các tài xế hay không thì thời điểm này chưa thể nói trước được, chỉ khi áp dụng chính thức (1-4) mới biết. Nhìn chung thì cũng không có sự thay đổi gì nhiều. Nhưng tôi nghĩ hãng xe mà tôi đang chạy sẽ phải thay đổi về hình thức (có thể là công ty vận tải hoặc là công ty cung cấp phần mềm ứng dụng). Hình thức nào cũng được, miễn sao tài xế chúng tôi nhận được đầy đủ quyền lợi và cũng có lợi cho người dân là được.
Anh NGUYỄN THANH HÀ, một tài xế xe công nghệ ở TP.HCM
Kiến nghị về thời hạn chuyển đổi
ông Tạ Long Hỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, cho biết hiện nay chúng ta không thể đánh giá việc chuyển đổi xe công nghệ sang taxi có phù hợp hay không, song pháp luật quy định nên ta phải thực hiện. Theo đó, Nghị định 10/2020 cho phép chuyển đổi thì xe công nghệ có quyền chuyển đổi sang taxi hoặc xe hợp đồng. Chủ phương tiện có quyền lựa chọn phương thức chuyển đổi sao cho phù hợp.
Trường hợp chủ phương tiện chuyển sang hình thức xe hợp đồng thì phải thực hiện đúng hợp đồng nguyên xe, nguyên chuyến và thông tin về cho Sở GTVT địa phương đó nắm. Tất cả sự lựa chọn hiện nay đều là quyền của doanh nghiệp, Nghị định 10/2020 mới thông qua là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ hiện nay phải suy nghĩ, bởi công ty công nghệ thì không được quyền quyết định cước và điều động tài xế. Đơn vị này có thể chuyển về cung cấp nền tảng công nghệ.
"Nhiều người lo ngại taxi hiện nay đang nhiều, không nên chuyển đổi. Tuy nhiên, taxi hiện nay ở TP.HCM đang rất thấp. Trước kia có khoảng 16.000 taxi thì nay chỉ dao động khoảng 6.000-7.000 xe. Số lượng taxi cũng bị giới hạn nên ai chuyển đổi thì chuyển đổi gấp đi" - ông Hỷ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hỷ, thời gian để các xe chuyển đổi hiện nay quá kéo dài. Cụ thể, hạn cuối là 1-7-2021, gần như các xe công nghệ có thêm một năm để thí điểm. "Vì vậy, hiện Hiệp hội Vận tải ba miền đang có kiến nghị với Bộ GTVT về thời hạn chuyển đổi này" - ông Hỷ nói.
Tất cả xe dưới chín chỗ được xác định là taxi
Theo Nghị định 10/2020 thay thế cho Nghị định 86/2014, việc thí điểm kinh doanh taxi công nghệ sẽ dừng từ ngày 1-4.
Theo đó, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới chín chỗ được xác định là taxi. Những xe này có quyền lựa chọn gắn hộp đèn taxi trên nóc xe hoặc phải dán chữ "XE TAXI" bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe.
Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI" trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Đối với taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (gọi là phần mềm tính tiền) thì trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.
Đồng thời, phần mềm tính tiền của taxi phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tácxã kinh doanh vận tải. Trước khi thực hiện vận chuyển, phải cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên tài xế, biển số xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
Theo PLO
Grab và Gojek sắp sáp nhập là một? Chủ tịch Grab là Ming Maa và CEO Gojek Andre Soelistyo đã gặp nhau vào đầu tháng này tại vòng đàm phán mới nhất. Hai ứng dụng giao đồ ăn và gọi xe lớn nhất Đông Nam Á là Grab và Gojek đang trong quá trình đàm phán về một thương vụ sáp nhập. Đây là thông tin vừa được tờ The Information...