Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Điểm chuẩn đại học sẽ tăng nhẹ
Nhiều giáo viên cho rằng phổ điểm sẽ tập trung ở mức từ 4-7 điểm; mức điểm 9 -10 chỉ dành cho những thí sinh có học lực giỏi.
Ngày 8-7, hơn 1 triệu thí sinh đã hoàn tất các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Qua phân tích đề thi, các chuyên gia giáo dục đã có nhận định ban đầu về điểm chuẩn của các trường ĐH.
Đề dễ đạt điểm tốt nghiệp
Theo đánh giá của Tổ Tự nhiên – Hệ thống Giáo dục Học Mãi, đề thi tổ hợp khoa học tự nhiên không xuất hiện các câu hỏi thuộc dạng bài mới. Đề thi có độ phân hóa tốt ở vùng câu hỏi vận dụng cao phục vụ cho mục tiêu xét tuyển ĐH. Nhìn chung, với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6-7. Do vậy, đỉnh của phổ điểm có thể ở giá trị 5,5 – 6,5. Có sự giảm của việc lồng ghép toán vào câu hỏi, tăng tỉ lệ dạng câu hỏi đánh giá năng lực, đặc biệt là các năng lực đọc, phân tích hình ảnh, đồ thị và bảng biểu để khai thác dữ liệu, từ đó làm nguyên liệu để trả lời câu hỏi.
ThS Phạm Lê Thanh – giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (TP HCM) – nhận định: “Đề thi môn hóa có 29 câu đầu – từ câu 41 đến 70 – rất cơ bản, nội dung tập trung trong chương trình lớp 12, câu hỏi chỉ thuộc mức độ hiểu biết. Học sinh dễ dàng giải quyết các câu này, bài toán cũng rất cơ bản, quen thuộc, chỉ một phép tính có thể cho kết quả. Nhìn chung, học sinh trung bình, khá sẽ dễ dàng đạt điểm từ 6,25 – 7,25. Từ câu 71 đến câu 80 thuộc mức vận dụng và vận dụng cao, phân loại thí sinh, phục vụ xét tuyển ĐH”. Theo ThS Phạm Lê Thanh, các bài toán vận dụng cao rơi vào phần điện phân, bài toán than nung nóng đỏ, chất béo, este, hỗn hợp các chất vô cơ. Nếu thí sinh học lực giỏi, rèn luyện và ôn tập kỹ có thể giải quyết đến các câu mức độ phân hóa 8,75 – 9 điểm. Từ 9 – 10 điểm, thí sinh phải thuộc loại xuất sắc mới có thể xử lý kịp thời gian. “Tuy nhiên, đề thi môn hóa vẫn chưa thấy xuất hiện nhiều câu hỏi mới có nội dung liên hệ thực tiễn, gắn kết hóa học với cuộc sống như mong đợi” – giáo viên này nhận xét.
Thí sinh thi ngoại ngữ tại điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
ThS Nguyễn Thị Huyền Thảo – giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) – cho rằng đề thi môn sử bám sát đề minh họa, yêu cầu không quá khó và không đánh đố thí sinh. Giáo viên này cũng nói thêm độ phân hóa đề thi không cao. Phổ điểm năm nay có thể nhỉnh hơn năm trước, đa số thí sinh sẽ đạt mức điểm từ 5 – 5,5; trong khi năm 2021 chỉ 4,5 điểm.
ThS Huỳnh Kiều Viết Lãm – giáo viên Trường THPT Ten Lơ Man (TP HCM) – đánh giá đề thi môn vật lý nhìn chung bám sát đề minh họa, vừa sức với thí sinh trong hoàn cảnh năm học vừa qua, học sinh phải học theo hình thức nửa trực tuyến nửa trực tiếp. 24 câu đầu mức độ dễ, hầu như không tính toán, rơi nhiều vào chương 1 và 3 (5 câu). Ở phần câu khó để phân loại, chỉ thật sự bắt đầu tính toán vận dụng ở câu 32. Câu 36 đến 40 khó và dài, thí sinh khó có đủ thời gian để làm. “Đánh giá phổ điểm môn vật lý từ 6,5 – 7 là chủ yếu. Tuy đề dễ nhưng do thời gian học ít hơn mọi năm nên phổ điểm môn lý có khả năng chỉ bằng năm ngoái” – giáo viên này dự đoán.
Trong khi đó, ở môn sử, giáo viên Nguyễn Viết Đăng Du – Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) – cho hay: “Đề thi khái quát được kiến thức cơ bản. Trong 40 câu hỏi có 4 câu nằm trong chương trình học kỳ II lớp 11 và 36 câu thuộc nội dung lớp 12 bao gồm sử thế giới và sử Việt Nam”. Theo giáo viên này, đề thi có 4 câu hỏi mang tính vận dụng khi yêu cầu thí sinh so sánh nhưng cũng chỉ ở mức độ vừa. Đề có những câu hỏi nằm rải khắp nội dung học tập nhưng mồi nhử khá yếu. Nếu nắm cơ bản chương trình, thí sinh có thể loại suy và tìm đáp án khá dễ dàng. “Dự đoán phổ điểm ở mức cao nhất trong khoảng 4,5 – 6. Điểm liệt sẽ ít và hầu như không có” – giáo viên Du nói.
Video đang HOT
Môn giáo dục công dân không xuất hiện dạng bài hay nội dung kiến thức mới, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11. Riêng với câu hỏi lớp 12, có 64% câu hỏi thuộc phạm vi kiến thức học kỳ I; 75% câu hỏi trong đề thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 7 – 8.
Điểm chuẩn tăng ở nhiều ngành?
Quan sát đề thi các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhiều giáo viên cho rằng phổ điểm sẽ tập trung ở mức từ 4 – 7 điểm; mức điểm 9 – 10 chỉ dành cho những thí sinh có học lực giỏi.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, đánh giá đề thi tốt nghiệp THPT năm nay nhìn chung không quá khó. Đề các môn đều tương đối vừa sức và quen thuộc với thí sinh, bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trước đó. Tuy nhiên, đề có tính phân loại cao, nhất là ở các môn ngữ văn, toán. Học sinh trung bình khá, nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt khoảng 6-7 điểm môn ngữ văn, 7-8 điểm môn toán và các môn thi còn lại. Đây có thể cũng sẽ là phổ điểm chung của kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, sẽ khó có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối như các năm trước.
Theo TS Nguyễn Quốc Anh, với phổ điểm chung như vậy, điểm chuẩn đối với phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM dự kiến không biến động quá nhiều so với các năm trước mà vẫn dao động trong mức 18 – 22 điểm. Điểm chuẩn còn phụ thuộc vào ngành và tổ hợp xét tuyển. Thông qua các kênh tư vấn và các phương thức xét tuyển riêng của trường đến thời điểm hiện tại, các ngành thường có số lượng nguyện vọng lớn như quản trị kinh doanh, marketing, logistics, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ôtô… năm nay vẫn duy trì sức hút với thí sinh. Vì vậy, có thể đây cũng sẽ là những ngành có mức điểm xét tuyển và mức điểm chuẩn cao so với các ngành còn lại. Riêng với các ngành khoa học sức khỏe, trường sẽ căn cứ vào mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT để thực hiện xét tuyển và có mức điểm chuẩn phù hợp.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng với đề thi năm nay, môn văn có mức điểm trung bình khoảng 6-7; môn toán cao hơn, ở mức 7 hoặc 7,5 điểm; bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên điểm sẽ thấp hơn bài thi khoa học xã hội… Tính toán mức điểm năm nay và với phương thức xét tuyển khác, các trường ĐH sẽ lấy điểm cao hơn (bình quân) năm ngoái khoảng 0,5 điểm. Những trường ĐH có mức điểm cao như Y Dược TP HCM, Bách khoa – ĐHQG TP HCM, Kinh tế TP HCM… sẽ có mức điểm tương đương năm 2021, tức là khoảng 22 – 28 điểm tùy ngành. Mức trúng tuyển vào các ngành “hot” như công nghệ thông tin, logistics, truyền thông đa phương tiện… của các trường sẽ cao hơn năm 2021 khoảng từ 0,5 – 1,5 điểm vì ngành này hiện nay rất nhiều thí sinh giỏi quan tâm. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM sẽ có mức điểm cao hơn năm ngoái từ 0,5 – 2 điểm. Những ngành điểm cao có thể kể đến là công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, marketing sẽ từ 24,5 – 25 điểm, những ngành như kế toán, tài chính – ngân hàng, kinh doanh quốc tế… sẽ cao hơn năm ngoái khoảng 0,5 điểm, tức là 23 – 23,5 điểm. Còn các ngành khác sẽ tương đương năm ngoái như công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, điện tử, cơ khí chế tạo máy.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng phổ điểm môn toán và các môn khoa học tự nhiên không cao nên điểm chuẩn cơ bản sẽ không cao hơn năm 2021.
Thầy giáo nổi tiếng ở Hà Nội phân tích chi tiết xu hướng tuyển sinh ĐH và đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2022: Sĩ tử 2k4 đọc ngay
Chắc chắn trong những năm tới đây, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều sự thay đổi tích cực trong giáo dục.
Suy cho cùng chỉ khi nào thi cử thay đổi, việc học mới thay đổi.
Liệu xu hướng tuyển sinh đại học những năm tới sẽ như thế nào? Đề thi tốt nghiệp THPT sẽ "biến đổi" ra sao? Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên dạy môn Sinh học tại HOCMAI đã có những chia sẻ chi tiết quanh việc tuyển sinh năm 2022 và trong tương lai.
Chúng tôi xin chia sẻ lại quan điểm của thầy Đinh Đức Hiền:
Đề thi với mục đích chính là tốt nghiệp, không thể đòi hỏi sự phân hóa
Hai năm trở lại đây, điểm chuẩn Đại học tăng cao, thậm chí "lạm phát" ở một số ngành, một số trường và dư luận hướng câu hỏi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng Đề thi thiếu sự phân hóa, nên trả lại kì thi Đại học cho các trường. Rất nhiều người rõ ràng không hiểu về tình hình kì thi.
Thứ nhất, tôi xin khẳng định ra đề thi phân hóa không hề khó với khả năng của Bộ, nhưng vấn đề nó phải phù hợp với thực tiễn và định hướng những năm tiếp theo.
Thứ hai, do tình hình dịch Covid, việc học của học sinh bị ảnh hưởng rất lớn, chất lượng dạy và học vốn đã không đồng đều ở các nơi thì lại càng chênh lệch, do đó việc ra đề thi phù hợp trong tình hình này mới là điều quan trọng nhất, chúng ta đôi khi chỉ nhìn vào một số ngành, trường cao chót vót mà không nhìn vào bức tranh toàn cảnh.
Thứ ba, năm 2020 kì thi THPTQG đã đổi thành kì thi Tốt nghiệp THPT, phù hợp với Luật giáo dục mới, đồng thời hướng tới những thay đổi căn bản về dạy và học, tuyển sinh đại học những năm tiếp theo. Vậy cần phải xác định, đã là đề thi với mục đích chính là tốt nghiệp thì cũng đừng mong đòi hỏi sự phân hóa như những năm kì thi THPTQG. Dư luận thắc mắc vậy tại sao không trả việc tuyển sinh ngay lập tức về các trường Đại học? Theo Luật giáo dục mới, các trường Đại học tự chủ trong vấn đề tuyển sinh, tuy nhiên lâu nay các trường Đại học vốn phụ thuộc vào thì thi THPTQG, để có thể ngay lập tức tổ chức một kì thi tuyển sinh riêng là không hề đơn giản, và không phải trường nào cũng làm được.
Tiếp nữa, sự thay đổi phải không gây bất ổn trong xã hội, làm thế nào để vẫn đảm bảo mục tiêu thi riêng, vừa không gây tốn kém cho xã hội, phụ huynh và học sinh như kì thi chung hiện nay đang làm được, nhất là trong tình hình dịch bệnh. Do đó giải pháp đưa ra đó là tuyển sinh theo nhóm trường, nhóm ngành. Xin thưa rằng chúng ta không thể quay trở lại với việc mỗi trường thi một ngày, một đề như trước đây. Đây cũng là điều mà Bộ Giáo dục khuyến khích các trường.
Hai năm trở lại đây, điểm chuẩn Đại học tăng cao, thậm chí "lạm phát" ở một số ngành. (Ảnh minh họa)
Thứ tư, thực tế 3 năm trở lại đây, các trường Đại học lớn như Đại học Quốc gia HCM đã tổ chức kì thi tuyển sinh riêng là Đánh giá năng lực, được đánh giá cao và có đến 72 trường đã đăng ký sử dụng kết quả kì thi để tuyển sinh. Tiếp đó là kì thi Đánh giá tư duy của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, kì thi Đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia HN, nhưng rất tiếc vì ảnh hưởng nặng nề của Covid mà các kì thi đã không thể diễn ra như kế hoạch. Tôi tin chắc rằng nếu không phải vì dịch bệnh 2 năm vừa qua thì các kì thi này đã phát huy vai trò rất lớn, và dần thay thế tuyển sinh Đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Xu hướng tuyển sinh Đại học 2022 và những năm tới
Đề thi đánh giá năng lực, Đề thi đánh giá tư duy với ưu thế rất lớn trong việc đánh giá được năng lực tổng hợp của học sinh, tránh học tủ, tiệm cận với xu hướng ra đề trên thế giới, phù hợp với định hướng đổi mới toàn diện dạy và học và chương trình THPT mới. Do đó các kì thi này chắc chắn sẽ là chủ đạo trong tuyển sinh đại học những năm tới. Sự hình thành các trung tâm khảo thí lớn, tuyển sinh theo nhóm trường tất yếu sẽ diễn ra.
Đại học Quốc gia HCM tiếp tục phát huy ưu thế của mình trong những năm vừa qua và đóng vai trò quan trọng ở miền Nam. Tại Miền Bắc, hiện tại 2 trường ĐH lớn đóng vai trò đầu tàu là Đại học Quốc gia HN và Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện tại có 8 trường đăng ký sử dụng kết quả kì thi đánh giá tư duy của ĐHBK HN và tin chắc rằng con số này tăng lên sắp tới. Đại học Quốc gia HN với ưu thế có trung tâm khảo thí lớn, ngân hàng đề đa dạng, đại học đa ngành chắc chắn kì thi đánh giá năng lực sẽ phù hợp với rất nhiều trường đại học, thời gian tới chúng ta sẽ được chứng kiến điều này. Một ưu thế nữa đó là việc tuyển sinh nhiều đợt trong năm sẽ giảm bớt gánh nặng tâm lí thi cử, tâm lý một kì thi quyết định duy nhất, và sẽ nhiều cơ hội hơn cho học sinh.
Thực tế, khi tự chủ Đại học, bài toán tuyển được thí sinh sẽ đặt lên hàng đầu, nó là vấn đề sống còn của mổi trường, vì thế các trường buộc phải đa dạng hóa phương thức hoặc tạo ra những thương hiệu riêng trong tuyển sinh. Khi đó lẽ dĩ nhiên tỉ lệ chỉ tiêu tuyển bằng điểm thi THPT sẽ ngày càng giảm xuống.
Vậy các trường có khả năng không tuyển sinh bằng điểm thi THPT hay không? Điều này là khó xảy ra, do kì thi THPT vẫn là một tham chiếu tốt và phù hợp với phần lớn các trường, tuy nhiên tỉ lệ này sẽ ngày càng giảm xuống, thậm chí nhiều trường sẽ giữ ở mức 15-20%. Sắp tới xuất hiện hai xu hướng, xu hướng đẩy mạnh tuyển sinh bằng kì thi riêng, và xu hướng đẩy mạnh tuyển sinh bằng học bạ. Và tất nhiên những trường đẩy mạnh tuyển sinh bằng học bạ thường là các trường vốn có điểm chuẩn thấp, ít là lựa chọn hàng đầu của thí sinh.
Đề thi Tốt nghiệp THPT
Đương nhiên khi kì thi tuyển sinh riêng lên ngôi thì vai trò của đề thi Tốt nghiệp THPT sẽ tự khắc dần trở về đúng nghĩa. Như vậy độ khó sẽ giảm đi, đây sẽ là áp lực rất lớn lên các trường TOP như Y D ược khi chưa thống nhất được phương án tuyển sinh riêng, buộc các trường này nhanh chóng họp bàn thống nhất phương án tuyển sinh riêng cho nhóm ngành sức khỏe. Bắt đầu từ năm 2022, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi, đề thi sẽ nghiêng về bản chất môn học nhiều hơn, phù hợp với chương trình THPT mới.
Như vậy, những cơ hội mới nhưng cũng là thách thức mới đến với học sinh, chỉ có thích nghi mới giúp học sinh vượt qua được. Chắc chắn trong những năm tới đây, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều sự thay đổi tích cực trong giáo dục. Suy cho cùng chỉ khi nào thi cử thay đổi, việc học mới thay đổi!
Nghịch lý mùa tuyển sinh Đến thời điểm này, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2021 gần như đã kết thúc, chỉ còn vài trường xét tuyển bổ sung. Kết quả tuyển sinh năm nay tiếp tục cho thấy những nghịch lý vẫn tồn tại. Ngoài điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) thì những nghịch lý trong lựa chọn ngành nghề vẫn là bài toán...