Kết cục bi thảm của băng cướp khét tiếng
Nhận án tử hình khi tóc đã nhuốm bạc, những tên cướp hung hãn ngày nào giờ già yếu, bệnh tật, không còn sức sống… Thế nhưng, với mong muốn được sống chúng vẫn làm đơn xin Tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho mình dẫu biết rằng điều đó là không thể.
Chỉ trong vòng 5 năm từ 2000 – 2005, Huỳnh Văn Tiếm (SN 1959, ngụ Tây Ninh) đã cấu kết với Lê Anh Kiệt (SN 1964, ngụ quận 8, TP.HCM) cùng đồng bọn gây ra 8 vụ án, cướp đi gần 1.000 lượng vàng, hơn 84 viên kim cương cùng nhiều ngoại tệ. Điều đáng nói về băng cướp này chính là sự manh động, liều lĩnh, sẵn sàng ra tay giết người để đạt mục đích.
Băng nhóm đầu bạc và hàng loạt vụ cướp tiệm vàng táo bạo
Sau một thời gian dài ẩn náu, che đậy thân phận dưới vỏ bọc lương thiện, Tiếm, Kiệt, Nguyễn Văn Nhãn (SN 1957, ngụ Tây Ninh) và Phan Thanh Tưởng (SN 1973, ngụ Tây Ninh) đã sa lưới pháp luật khi đang rục rịch chuẩn bị gây án. Hai đối tượng khác từng tham gia trong nhiều vụ cướp là Nguyễn Đức Công (SN 1969) đã chết năm 2004 và Trần Hữu Lộc (SN 1973) chết năm 2003 do sốc ma túy.
Quen biết nhau từ khi cải tạo tại Trại giam Tống Lê Chân (Bình Phước), sau khi mãn hạn tù, Tiếm đã cấu kết với Kiệt rủ rê, lôi kéo các đối tượng khác gây ra nhiều vụ cướp tài sản táo tợn. Thủ đoạn của băng nhóm này là theo dõi kỹ tình hình buôn bán, sinh hoạt của một số tiệm vàng trên địa bàn trong một thời gian dài.
Sau khi chọn được thời điểm thích hợp, chúng sẽ chuẩn bị súng ngắn, cây tầm vông, gậy sắt rồi chờ đến lúc chủ tiệm vàng vận chuyển tiền bạc, tài sản về nhà cất giữ thì sẽ ra tay. Dưới sự phân công chỉ đạo của Tiếm, Kiệt, bọn chúng ép sát xe của nạn nhân rồi ở cự ly thật ngắn, chúng dùng súng bắn hoặc dùng gậy tầm vông gây thương tích cho nạn nhân, để cướp tiền, vàng rồi tẩu thoát. Trong trường hợp nạn nhân tri hô hoặc người dân truy đuổi theo, chúng sẵn sàng nổ súng để mở đường thoát thân.
Từ trái qua: Các bị cáo Kiệt, Nhãn, Tiếm (ngồi) tại phiên tòa phúc thẩm.
Với cách thức đó, ngày 22/9/2000, Tiếm và Lộc với khẩu K59 và 3 viên đạn đã tấn công ông Đỗ Văn Xuân và vợ là Lê Thị Quận, chủ tiệm vàng K’Tân Tiến đang trên đường vận chuyển vàng từ chợ Long Hoa về nhà, cướp 45 lượng vàng 18K, 3 lượng vàng 24K và 5,5 triệu đồng. Giữa tháng 1/2001, Kiệt và Tiếm sử dụng súng K59 và 6 viên đạn cùng một số hung khí khác tấn công chủ tiệm vàng Phú Khìn ở chợ Tân Biên, Tây Ninh. Bọn chúng dùng gậy đánh bất tỉnh ông Lường A Khìn khi đang vận chuyển vàng từ chợ về nhà.
Tài sản bị mất gồm 63 lượng vàng 18K, 15 lượng vàng 24K. Ngày 7/11/2001, Tiếm, Kiệt, Lộc, Dũng với 2 khẩu K59 tấn công tiệm vàng Thanh Tâm tại chợ Củ Chi, bắn trọng thương nạn nhân rồi cướp đi 200 lượng vàng. Ngày 17/11/2003, Kiệt, Tiếm, Nhãn, Dũng tổ chức cướp tiệm vàng Bảo Hòa tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nhưng không thành. Đây là lần duy nhất trong 8 vụ chúng không cướp được vàng.
Tại địa bàn Long An, khoảng 19h ngày 10/7/2003, Kiệt, Công sử dụng hai khẩu K59 tấn công tiệm vàng Kim Lộc ở chợ Gò Đen, Bến Lức khi chủ tiệm vàng là anh Quang Tuấn Kiệt đang chở vợ là chị Thu Hằng cùng với túi xách đựng vàng từ chợ về nhà. Bọn chúng đánh bất tỉnh vợ chồng nạn nhân rồi lấy đi 94 lượng vàng cùng 100 triệu đồng. Tiếp đến lúc 20h ngày 31/12/2003, Tiếm và tên Nhãn dùng súng bắn bị thương chị Nguyễn Thị Linh và chồng là anh Quang – chủ tiệm vàng Kim Quang tại Trảng Bàng, Tây Ninh, cướp 105 lượng vàng và 170 triệu đồng.
Đặc biệt là vụ án xảy ra vào ngày 2/1/2004, Kiệt, Tiếm, Nhãn, Tưởng dùng hai khẩu súng K59 tấn công chủ tiệm vàng Kim Thanh tại P.4, Q.8 bắn chết ông Doãn Mỹ (chủ tiệm) cướp đi 50 lượng vàng, 150 triệu đồng và 10.000USD. Vụ án thứ 8 xảy ra vào lúc 19h ngày 10/7/2005, các tên Kiệt, Tiếm, Nhãn, Dũng dùng 2 khẩu K59 và gậy sắt tấn công anh Từ Văn Minh và chị Võ Thị Thanh Mai – chủ tiệm vàng Từ Minh tại chợ Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Sau khi bắn 3 phát đạn nhưng đều bị lép, chúng dùng gậy sắt đánh vợ chồng nạn nhân ngất xỉu để cướp đi hai chiếc giỏ đựng 160 lượng vàng.
Tiệm vàng Kim Thanh ngày nay.
Video đang HOT
Sau khi thực hiện xong mỗi vụ cướp, chúng chia nhau tiền, lấy vàng khò ra chia nhỏ để bán, mua vàng lại hoặc mang đi tiêu thụ lẻ khắp các tỉnh thành. Để tránh tai mắt, chúng tách ra nhiều nơi sinh sống, dùng số tiền vàng có được vào việc ăn chơi, cá độ, đá gà, bài bạc và hút chích, làm ăn. Sau khi sử dụng hết số tiền vàng cướp được, thấy dư luận lắng xuống, chúng bắt đầu tiếp tục thực hiện “phi vụ” khác.
Khoảng 19h ngày 8/10/2011, sau 11 năm kể từ ngày gây ra vụ án đầu tiên, Kiệt, Tiếm và Nhãn hẹn gặp nhau tại quán cà phê Thu Hồng trên đường Lê Văn Lương, Q.7 để chuẩn bị cướp một tiệm vàng khác. Đúng lúc tên Kiệt rút khẩu K54 cùng 3 viên đạn đưa cho hai tên Tiếm và Nhãn thì bị các trinh sát ập vào khống chế.
Cái giá phải trả trước pháp luật
Ngày 23/5/2013, Toà sơ thẩm TAND TP.HCM đã tuyên phạt tử hình đối với Huỳnh Văn Tiếm về tội “Giết người”; tử hình về tội “Cướp tài sản”; 8 năm tù về tội “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”; Lê Anh Kiệt bị tuyên án tử hình về tội “Giết người”; tử hình về tội “Cướp tài sản”; 10 năm tù về tội “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”; Nguyễn Văn Nhãn bị tuyên tử hình về tội “Giết người”, 20 năm về tội “Cướp tài sản”, 8 năm về tội “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Tổng hợp hình phạt cho cả 3 bị cáo là tử hình. Đồng phạm Phan Văn Tưởng (SN 1973, ngụ Tây Ninh) cũng lãnh án tù chung thân cùng về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Phạm tội “Cướp tài sản” và “Mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, bị cáo Đặng Văn Phước (SN 1951 tại Thoại Sơn – An Giang) cũng phải nhận mức án 15 năm tù giam.
Muốn sống, cả 3 bị cáo lãnh án tử hình là Tiếm, Kiệt và Nhãn đều đồng loạt làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Không còn vẻ ngạo nghễ, ngang tàng như ở phiên tòa sơ thẩm, trong phiên tòa phúc thẩm, Huỳnh Văn Tiếm tái xanh, mệt mỏi trong chiếc áo trắng nhàu nhĩ.
Chỉ mới 54 tuổi nhưng Tiếm nhìn như đã 70 với mái đầu nhuốm bạc. Chân đau nhức, Tiếm không thể đến tòa trên đôi chân của mình mà phải ngồi xe lăn. Gã bảo mình chỉ là người lái xe chở đồng bọn đi cướp chứ không hề bàn bạc, phân công hay lên kế hoạch. Tuy nhiên khi vị chủ tọa hỏi có mua súng, đạn và nhận phần tiền chia sau khi cướp hay không thì Tiếm lại xác nhận là có. Không còn gì để baobiện cho việc làm sai trái của mình, Tiếm dùng tuổi cao và sức khỏe yếu kém của hắn nhằm cầu xin sự thương hại của những người thực thi công lý.
Cũng giống như Tiếm, Nhãn cũng lấy căn bệnh AIDS mà gã đang mang trong người ra để xin HĐXX giảm án. Giọng run run, 2 tay khoanh lại ôm lấy thân thể gầy gò, ốm yếu của mình, Nhãn nói: “Bị cáo biết hành vi của mình sai trái. Bị cáo xin lỗi gia đình các bị hại. Nhiễm HIV, bị cáo chẳng còn bao nhiêu thời gian để sống. Nếu được HĐXX xem xét cho bị cáo có con đường trở về với xã hội, bị cáo hứa sẽ sống đàng hoàng và xin con cái tiền để khắc phục hậu quả”.
Không van xin cầu khẩn như đồng bọn, Lê Anh Kiệt – sát thủ máu lạnh dửng dưng đến lạ. Bình thản, lạnh lùng, gã trả lời rành mạch các câu hỏi của HĐXX. Khi vị chủ tọa cho phép Kiệt được nói lời sau cùng, gã bảo: “Bị cáo chẳng còn gì để nói”.
HĐXX nhận định, khi thực hiện các vụ cướp, Tiếm, Kiệt và đồng bọn đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều người, để được sống trong sự sung sướng. Tội ác mà các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, kèm với nhân thân và tiền án trước kia chưa được xóa, lần phạm tội này là trường hợp tái phạm nguy hiểm… Với lý lẽ trên, HĐXX quyết định bác kháng cáo của các bị cáo, tuyên y án tử hình đối với Huỳnh Văn Tiếm, Lê Anh Kiệt và Nguyễn Văn Nhãn. Dường như biết trước mức án, 3 bị cáo lặng lẽ tra tay vào còng rồi bước ra xe đặc chủng về trại giam.
Không tham dự phiên tòa phúc thẩm xử tội băng cướp nhưng bà Nguyễn Thị Cẩm T. (vợ ông Doãn Mỹ, người bị giết hại) như trút được gánh nặng khi nghe các bị cáo lãnh án tử. Nỗi đau mất chồng, mất của và cả những tai tiếng mà băng cướp gây ra cho gia đình bà khó thể xoá nhòa. Gần 10 năm sau ngày bị cướp, người phụ nữ vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại khoảnh khắc chồng bà bị bắn. “Bọn cướp quá manh động và hung hãn. Ai ở trong cuộc mới có thể cảm giác được sự độc ác của băng cướp này. Nhờ có lực lượng công an bắt được băng cướp mà những uẩn ức, tai tiếng sau cái chết của chồng tôi mới được giải tỏa”.
Theo Minh Nguyên
Y án tử hình 3 bị cáo trong băng cướp 1.000 lượng vàng
Hôm (8.10), Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên bác đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên tổng hợp hình phạt tử hình đối với 3 bị cáo trong băng nhóm dùng súng cướp hơn 1.000 lượng vàng về các tội "giết người", "cướp tài sản", "tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng".
Ba bị cáo bị tuyên y án tử hình gồm: Huỳnh Văn Tiếm (SN 1959, ngụ tại Tây Ninh), Lê Anh Kiệt (SN 1964, ngụ tại P.4, Q.8, TPHCM) và Nguyễn Văn Nhãn (SN 1957, ngụ tại Tây Ninh).
Trong vụ án này, còn có 2 bị cáo đã bị cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân (Phan Văn Tưởng, SN 1973, ngụ tại Tây Ninh) và 15 năm tù (Đặng Văn Phước, SN 1951, ngụ tại An Giang) về cùng các tội danh trên.
Những vụ cướp gây kinh hoàng cho giới kinh doanh vàng
Theo cáo trạng của Viện KSND TPHCM thì trong thời gian đi cải tạo tại Trại giam Tống Lê Chân (thuộc tỉnh Bình Phước), Tiếm và Kiệt có quen biết nhau. Sau khi mãn hạn tù, Tiếm đã tìm đến Kiệt rủ rê, lôi kéo thêm một số đối tượng khác tham gia cướp tiệm vàng lấy tiền tiêu xài. Để sắm phương tiện "hành nghề", chúng góp tiền lại được 5 triệu đồng rồi nhờ Phan Văn Tưởng (em họ của Kiệt) mua 2 khẩu súng ngắn cùng với đạn đi kèm.
Có được "hàng nóng" trong tay, vụ đầu tiên mà chúng tiến hành là vào năm 2000. Nạn nhân là vợ chồng ông Đỗ Văn Xuân và bà Lê Thị Quận (ngụ Tây Ninh) - chủ tiệm vàng K'Tân Tiến, chợ Long Hoa, huyện Hòa Thành (Tây Ninh). Sau một thời gian điều nghiên hiện trường, theo dõi quy luật hoạt động của chủ tiệm, đầu tháng 9.2000, Tiếm cùng Kiệt tham gia lên kế hoạch cướp tiệm vàng này.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện phi vụ đầu tiên sau khi ra tù này thì Kiệt bị tai nạn nên không tham gia được mà "tiến cử" đàn em của mình là Trần Hữu Lộc (SN 1978, ngụ Q.7, TPHCM, đã chết do sốc ma túy trước khi bị bắt) "tác chiến" cùng với Tiếm. Tham tiền, Lộc đồng ý tham gia.
Nắm được quy luật hoạt động của cặp vợ chồng giàu có này là sau một ngày buôn bán vàng bạc tại tiệm thì tối đến sẽ mang tiền, vàng về nhà để cất, sáng hôm sau lại mang ra tiệm để buôn bán, nên chúng lên kế hoạch mai phục, đợi thời cơ để ra tay.
Để vụ "ăn hàng" diễn ra thuận lợi, cả hai phân chia nhiệm vụ cụ thể. Lộc được Tiếm trang bị cho 1 cây tầm vông vót nhọn, Tiếm thì chuẩn bị súng K59 đã lên sẵn đạn, cả hai lên xe Honda 67 rồi đến đoạn đường đất đỏ gần tiệm vàng của 2 vợ chồng ông Xuân, bà Quận phục trước, chờ "con mồi" đến đây thì ra tay.
Đến 19h30 ngày 22.9.2000, thấy vợ chồng ông Xuân, bà Quận thu dọn vàng và tiền về nhà, Lộc xuống xe cầm tầm vông đứng đợi, còn Tiếm thì nổ máy sẵn, tay cầm súng để bắn trả nếu bị truy đuổi hay chống cự. Khi ông Xuân chở vợ bằng xe Dream về đến chỗ chúng mai phục thì Lộc bất ngờ cầm cây tầm vông đánh thẳng vào đầu ông Xuân, làm cho 2 vợ chồng ông Xuân ngã xuống đất cùng với chiếc xe, chiếc giỏ đựng tiền và vàng văng ra.
Bị tấn công bất ngờ, ông Xuân bị xe máy đè lên chân, bà Quận thì lao theo để giữ chiếc giỏ xách, đồng thời tri hô "cướp, cướp". Tiếng nạn nhân vừa cất lên thì Lộc dùng cây đánh liên tiếp vào vai và đầu của bà Quận rồi lao vào giật chiếc giỏ xách trên tay của nạn nhân, lao về phía Tiếm đang ngồi trên xe để cả hai tẩu thoát.
Trong vụ này, bọn chúng cướp được số tài sản gồm 45 lượng vàng 18K, 3 lượng vàng 24K và 5,5 triệu đồng. Không quên vai trò của Kiệt, chúng đồng ý chia cho tên này 5 triệu đồng, số còn lại chia nhau tiêu xài.
Trong số 7 vụ còn lại, đáng nói nhất là vụ cướp ở tiệm vàng Kim Thanh ở chợ Phạm Thế Hiển, P.4, Q.8, TPHCM vào chiều 2.10.2004. Lần này, ngoài Tiếm, Kiệt còn có sự tham gia của Nhãn, Tưởng. Để cướp được 50 lượng vàng, 150 triệu đồng và hơn 10.000USD, Kiệt đã cùng Nhãn dùng súng bắn chết ông Doãn Mỹ - chủ tiệm vàng.
Sau vụ án này, giới kinh doanh vàng bạc tại TPHCM phải thuê vệ sĩ để áp tải tài sản hằng ngày khi trở về nhà từ tiệm vì rất sợ bị giết, cướp.
Lẩn trốn tinh ranh
Trước HĐXX, trong 2 phiên tòa sơ - phúc thẩm, chúng khai rằng sau mỗi phi vụ, chúng lại chia nhau tiền, vàng rồi tự động giải tán để trốn tránh sự truy lùng của lực lượng công an.
Kết cục của Tiếm là lĩnh bản án tử hình trên chiếc xe lăn. Ảnh: Trường Sơn
Ví như Kiệt, sau khi có được một khối tài sản bất chính, y lao vào cờ bạc, rượu chè một cách bí mật khiến vợ con y không thể ngờ rằng chồng, cha của mình là một tướng cướp khét tiếng. Ngày ngày, Kiệt đóng vai một người dân lương thiện, nghèo khó, chung tay cùng vợ buôn thúng bán bưng trong nghèo khổ tại một ngôi chợ tự phát tại Q.8, TPHCM. Số tài sản khổng lồ có được, Kiệt giấu nhẹm vợ con, đến cuối tuần thì mang đi ăn chơi, đánh bạc với các chiến hữu. Mỗi khi hết tiền, chúng lại tổ chức một vụ cướp mới để có tiền phục vụ nhu cầu của mình.
Cũng theo lời khai của chúng thì trước khi ra tay cướp một tiệm vàng nào đó, chúng bỏ ra một khoảng thời gian rất dài để điều nghiên hiện trường, thói quen, quy luật sinh hoạt, vận động của chủ tiệm. Ví như vụ cướp tiệm vàng K'Tân Tiến thì thời gian điều nghiên là gần 1 tháng trời. Việc chọn thời gian ra tay cũng là một sự lựa chọn tinh ranh của bọn chúng, mà người đảm trách công việc này không ai khác ngoài Kiệt.
Để xóa dấu tích số vàng cướp được, chúng nghĩ ra phương cách tẩu tán là cho khò chảy ra thành cục rồi mang đi bán lại cho các tiệm vàng khác. Những tài sản như ngoại tệ, chúng không gặp khó khăn gì trong việc tiêu thụ khi có trong tay nhiều mối quan hệ hắc ám trong thế giới tội phạm. Trong suốt thời gian gây án từ năm 2000-2005, với chiêu thức chia tiền đứt đoạn sau mỗi phi vụ, lại thêm tài ẩn thân "siêu hạng" sau khi gây án, chúng đã gây không biết bao nhiêu khó khăn cho lực lượng truy bắt.
"Công an họ tinh lắm, thấy thằng nào đang nghèo hèn mà có tiền, ăn chơi là họ tóm ngay, thành thử ra việc tiêu số tiền cướp được cũng phải giấu kín. Sau mỗi lần đi cướp, chia xong tiền là phần ai nấy đi, khi cần thì liên lạc với nhau để làm thêm vụ mới" - Kiệt nói về thủ đoạn lẩn trốn công an của băng cướp khét tiếng này.
Sẵn sàng ra tay bắn trả những người cản trở mình là thế, giết người không ghê tay để cướp tiền, vàng là thế, nhưng cuộc đời của những tên cướp này lại là một chuỗi ngày sống trong nơm nớp âu lo và sợ hãi. Trốn tránh sự truy lùng của các trinh sát, có tiền nhưng không dám để cho vợ con được hưởng vì sợ lộ, chúng chọn cho mình con đường ăn chơi, tiêu pha những đồng tiền bất chính trong cảnh lén lút.
Nhãn - kẻ ra tay bắn chết ông Doãn Mỹ trong vụ cướp tiệm vàng ở Q.8 như nêu trên - đã tự rước căn bệnh thế kỷ vào người trong chuỗi ngày ăn chơi trác táng đó, cho đến khi ra tòa để lĩnh bản án tử hình.
Sau khi gây ra các vụ cướp làm chấn động dư luận, làm kinh hoàng giới kinh doanh vàng bạc ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, bọn chúng rút vào hoạt động bí mật và không ra tay nữa. Mãi đến năm 2011, chúng lại tụ họp để chuẩn bị ra tay, đích nhắm là một tiệm vàng lớn ở quận 4.
Với khẩu súng K59 trong tay, lần này chúng quyết tâm làm thêm một phi vụ thật lớn để giúp Nhãn có tiền chữa căn bệnh AIDS đang trong giai đoạn cuối để làm tròn "tình huynh đệ". Sau một thời gian điều nghiên, khi chúng đang tụ họp tại một quán càphê ở Q.7 bàn bạc kế hoạch thì bị các trinh sát tóm gọn.
Bị TAND TPHCM tuyên án với tổng hợp hình phạt là tử hình, cả Tiếm, Kiệt và Nhãn đều làm đơn kháng cáo để xin ân giảm hình phạt. Tuy nhiên, với những hành vi đặc biệt nghiêm trọng của bọn chúng, HĐXX đã bác kháng cáo, giữ nguyên hình phạt mà tòa sơ thẩm đã tuyên.
Bị từ chối giảm án, Tiếm, Kiệt và Nhãn được áp giải ra chiếc xe đặc chủng để về phòng giam dành cho tử tội, khi chẳng có một ai đến đưa tiễn...
Theo Laodong
Tử hình 3 đối tượng đầu sỏ trong băng cướp tiệm vàng dã man Ngày 8.10, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, bác kháng cáo, tuyên y án tử hình đối với Huỳnh Văn Tiếm (54 tuổi), Nguyễn Văn Nhãn (56 tuổi, cùng ngụ Tây Ninh), Lê Anh Kiệt (47 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) về các tội "giết người", "cướp tài sản" và "tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ...