Kế hoạch ‘nóng’ cho mùa Đông lạnh
Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson đánh giá thỏa thuận đạt được ngày 26/7 có thể giúp EU vượt qua một mùa Đông “bình thường” nhưng một mùa Đông lạnh “bất thường” có thể đòi hỏi các biện pháp “khắc nghiệt” hơn nữa.
Tại hội nghị bất thường diễn ra ngày 26/7 ở Brussels (Bỉ), bộ trưởng năng lượng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ. Tuy nhiên, kế hoạch “ nóng” của EU nhằm chuẩn bị cho một mùa Đông giá lạnh sắp tới vấp phải sự hoài nghi từ nhiều phía. Thêm một phép thử khó khăn đối với sự đoàn kết vốn không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được trong EU.
Trạm tiếp nhận của cơ sở lọc dầu Duna ở thị trấn Szazhalombatta, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN
Thỏa thuận về kế hoạch khí đốt khẩn cấp của EU có thể được chia làm hai phần, trong đó một phần là những đề xuất được Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 20/7, phần còn lại là thỏa hiệp về các “trường hợp ngoại lệ” sau khi vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia thành viên.
Theo đó, các nước EU sẽ tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 so với mức tiêu thụ trung bình giai đoạn 2017-2021. Mục tiêu cắt giảm này có thể trở thành bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung. So với đề xuất ban đầu, thẩm quyền quyết định trường hợp khẩn cấp không thuộc về EC mà sẽ do đa số các quốc gia thành viên quyết định.
Bên cạnh đó, mục tiêu cắt giảm 15% sẽ không áp dụng đối với tất cả các nước EU và các ngành công nghiệp mà sẽ có những “trường hợp ngoại lệ”. Các quốc gia được miễn trừ bao gồm Ireland, Malta và CH Cyprus. Các nước này không được kết nối với hệ thống khí đốt của những quốc gia thành viên khác nên không thể được chia sẻ khí đốt dự phòng trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung. Các nước có khả năng xuất khẩu khí đốt sang các nước thành viên khác bị hạn chế, như trường hợp của Tây Ban Nha, có thể đưa ra mục tiêu cắt giảm thấp hơn 15%. Ngoài ra, các nước hoàn thành mục tiêu dự trữ khí đốt trước tháng 8 (bơm đầy 80% kho dự trữ) cũng được phép thực hiện mục tiêu cắt giảm “mềm” hơn. Danh sách này có thể gồm khoảng 10 quốc gia EU, trong đó có Đức và Italy. Các ngành công nghiệp quan trọng, bao gồm ngành sản xuất thép sử dụng rất nhiều năng lượng, có thể được miễn trừ khỏi mục tiêu cắt giảm đã nêu.
Video đang HOT
Ngay sau khi kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết thỏa thuận vừa đạt được chứng minh EU không thể bị chia rẽ và vẫn đoàn kết khi phải đối mặt với đợt cắt giảm nguồn cung khí đốt mới nhất của Nga. Bộ trưởng Năng lượng Malta Miriam Dalli ca ngợi thỏa thuận là “thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết”. Nhưng cơ sở cho những tuyên bố này có vẻ không thực sự chắc chắn bởi ngay trước và sau khi thỏa thuận được thông qua, nhiều nước thành viên EU đã bày tỏ phản đối hoặc hoài nghi..
Trước thềm cuộc họp ngày 26/7, giới chức EU thừa nhận ít nhất 12 trong số 27 quốc gia thành viên đã nêu quan ngại về đề xuất cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ. Hôm 21/7, Bộ trưởng Năng lượng Bồ Đào Nha Joao Galamba nhấn mạnh Lisbon “hoàn toàn phản đối” kế hoạch của EU do “đề xuất này không tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia”. Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Kostas Skrekas tuyên bố nước này phản đối việc bắt buộc thực hiện mục tiêu cắt giảm cũng như không nhất trí với mức giới hạn sử dụng khí đốt mà EU công bố. Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa thì nêu rõ: “Chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ quyết định nào được áp đặt đối với các quốc gia. An ninh năng lượng là đặc quyền của quốc gia”.
Ngay cả sau khi thỏa thuận được thông qua với mục tiêu được đánh giá là thấp hơn kỳ vọng, đại diện một số nước tiếp tục thể hiện thái độ hoài nghi hoặc tìm cách giải thích theo cách riêng đối với mục tiêu cắt giảm. Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani cho rằng mục tiêu bắt buộc đối với đất nước ông chỉ nên là 7% sau khi đã tính đến mức cắt giảm khí đốt hiện tại so với các năm trước. Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Moskwa, mặc dù bỏ phiếu tán thành thỏa thuận, vẫn khẳng định ngành công nghiệp nước này sẽ không thể bị buộc phải cắt giảm sử dụng khí đốt để giúp đỡ các nước khác. Còn Hungary, nước duy nhất bỏ phiếu phản đối thỏa thuận, tuyên bố văn kiện này “không chính đáng, vô ích, không thể thi hành và có hại”. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto còn đặt câu hỏi về “cơ sở pháp lý” của thỏa thuận và chất vấn EU: “Liệu có ai đó ở Brussels có thể giải thích cho người Hungary rằng tại sao người dân và các công ty Hungary không được sử dụng khí đốt dù Hungary vẫn có khí đốt?”.
Bất đồng giữa các quốc gia thành viên EU không phải là điều hiếm gặp, nhất là trong bối cảnh liên minh này phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng những năm gần đây. Điển hình như cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, các nước trong Nhóm Visegrad gồm Hungary, Slovakia, Ba Lan và CH Séc đã từ chối tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch do Brussels áp đặt. Cuộc chiến nội bộ của EU liên quan tới vấn đề khí đốt có thể sẽ cam go hơn nhiều bởi sức nặng của “tình đoàn kết” khó có thể so sánh với lợi ích quốc gia của từng nước EU khi đặt lên bàn cân. Khí đốt được sử dụng trong quy trình sản xuất của hàng loạt ngành công nghiệp, từ luyện kim cho tới ô tô, sản xuất chai lọ thủy tinh, hay đơn giản như tiệt trùng sữa và phô mai. Khí đốt còn được sử dụng để sản xuất điện và nhu cầu sưởi ấm, sinh hoạt của người dân. Giá năng lượng, trong đó có khí đốt, liên tục tăng cao khiến châu Âu đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế với mức lạm phát cao kỷ lục ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, việc cắt giảm khí đốt có thể giáng đòn nặng nề hơn nữa vào nền kinh tế nhiều nước EU vốn đang gặp không ít khó khăn. Những nước thành viên EU như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy hay Hy Lạp mới trải qua cú sốc kinh tế do nợ công có lẽ không muốn một lần nữa phải “thắt lưng buộc bụng” trong việc tiêu thụ khí đốt.
Chuyên gia Jacob Funk Kirkegaard của Quỹ Marshall (Đức) nhận định: “Brussels không phải đối mặt với hậu quả chính trị nào từ việc cắt giảm khí đốt nhưng điều này lại có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với chính phủ các nước”. Mặt khác, nhiều quốc gia Nam Âu không mặn mà với thỏa thuận cắt giảm tiêu thụ khí đốt vì gần như không phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Ngoài nguồn cung qua các tuyến đường ống từ Bắc Phi, các nước này cùng với Bỉ, Hà Lan, Ba Lan và Litva có thể mua khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ hoặc Qatar. Riêng trường hợp của Hungary, quốc gia Trung Âu này đang tận dụng vị thế riêng để đàm phán mua thêm khí đốt từ Nga nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn của đất nước.
Nhà khoa học chính trị Simone Tagliapietra, chuyên gia cao cấp tại cơ quan nghiên cứu kinh tế Bruegel (Bỉ), cho rằng để khả thi về mặt chính trị, sự đoàn kết năng lượng của EU cần phải được dàn xếp một cách thực tế. Theo ông, EU cần thiết lập cơ chế thanh toán công bằng cho việc chia sẻ khí với những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi mục tiêu cắt giảm sử dụng khí đốt được thực hiện theo thỏa thuận, EU vẫn phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng.
Thừa nhận “có còn hơn không”, Bộ trưởng Môi trường Ireland Eamon Ryan lưu ý mức cắt giảm 15% có thể sẽ không đủ trước nguy cơ EU tiếp tục bị cắt giảm nguồn cung khí đốt. Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson đánh giá thỏa thuận đạt được ngày 26/7 có thể giúp EU vượt qua một mùa Đông “bình thường” nhưng một mùa Đông lạnh “bất thường” có thể đòi hỏi các biện pháp “khắc nghiệt” hơn nữa.
Gazprom cắt giảm 1/3 nguồn cung cấp khí đốt cho Italy
Tuyên bố ngày 11/7 của tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của Italy cho biết tập đoàn Gazprom (Nga) đã cắt giảm 1/3 nguồn cung cấp khí đốt cho nước này.
Biểu tượng Tập đoàn Gazprom tại trạm xăng ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố của Eni viết: "Gazprom hôm nay thông báo sẽ cung cấp cho Eni khoảng 21 triệu mét khối (khí đốt)/ngày, trong khi mức trung bình những ngày qua là khoảng 32 triệu mét khối/ngày".
Eni cho biết lý do Gazprom đưa ra là đường ống Nord Stream 1 đang được bảo trì thường niên trong 10 ngày, bắt đầu từ 11/7 tới 21/7. Gazprom tháng trước giảm nguồn cung khí đốt tới Italy khoảng 15%. Một phần khí đốt Gazprom cung cấp cho Italy chảy qua Đường ống Xuyên Áo (TAG), số khác được vận chuyển qua Nord Stream 1.
Italy mua phần lớn khí đốt tự nhiên từ nước ngoài, trong đó hơn 40% tới từ Nga. Giá khí đốt giảm rõ rệt ở châu Âu nhờ quyết định của Canada, cho phép chuyển giao một tuabin để bảo dưỡng đường ống Nord Stream 1.
Cùng ngày, công ty điều hành cơ sở hạ tầng dầu khí Snam của Italy thông báo mức dự trữ khí đốt của Italy hiện đã lên tới 6,1 tỷ mét khối, tương đương 64% mục tiêu của họ.
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani cho biết chính phủ nước này đang thảo luận về một chiến dịch tiết kiệm khí đốt và nước ngọt, sẽ được khởi động trong thời gian ngắn.
Phát biểu với báo giới, ông Cingolani nói: "Chúng tôi đang thảo luận với các bộ ngành về dự án thông tin nhanh về hai lĩnh vực chính: nước và năng lượng, hiện có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chúng tôi đang nghĩ đến việc xây dựng một loạt thông điệp để đưa ra các gợi ý về hành vi và sự tỉnh táo trong việc sử dụng các nguồn lực".
Chính phủ Italy đang rất nỗ lực để chấm dứt sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt của Nga kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine gia tăng, đạt được và chuẩn bị một loạt thỏa thuận để tăng cường nguồn cung từ các nơi khác.
Các nguồn tin cho biết gần đây, tỷ lệ khí đốt của Italy do Nga cung cấp đã giảm từ 40%, xuống còn khoảng 25%, còn thị phần của Algeria đã tăng lên hơn 30%.
Mới đây, Thủ tướng Italy Mario Draghi nhấn mạnh việc chính phủ nước này đã "nhanh chóng tiến tới" đa dạng hóa các nhà cung cấp bằng cách thiết lập các lựa chọn thay thế với các quốc gia như Algeria, Angola, Congo, Libya, Ai Cập, Israel và Mozambique. Eni gần đây đã tham gia dự án Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới tại Qatar.
Đức tính thiết lập điểm sưởi ấm công cộng trong mùa đông cho người nghèo Thiếu khí đốt và chi phí sưởi ấm tăng vọt có thể khiến nhiều người Đức không đủ khả năng chi trả hóa đơn sưởi ấm vào mùa đông tới. Người nghèo Đức có thể không trả nổi hóa đơn năng lượng sưởi ấm trong mùa đông này. Ảnh minh họa: Getty Images Theo tờ Bild của Đức ngày 10/7, Hiệp hội Thành...