‘Kẻ bày trò’ khiến địch kiềng nể
Vốn là người thông minh, học giỏi nên trong thời gian học ở trường, ông được bạn bè thân mật đặt cho ông cái tên là “Tiến to đầu”. Biệt danh ấy theo ông suốt cuộc đời, đến mức vào nhà tù thực dân, ông cũng bị kẻ địch gọi là “Tiến to đầu” với một nghĩa khác là “kẻ bày trò”, “kẻ cứng đầu”.
Khi có ý định tìm hiểu về cuộc đời nhà cách mạng Khuất Duy Tiến, tôi được chị Hạ Chí Nhân (con gái nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt) nhiệt tình cung cấp những tài liệu liên quan tới người bác ruột.
Tại nhà riêng, giữa rất nhiều tư liệu được sưu tầm công phu, chị đã xúc động kể lại những câu chuyện về người bác mà chị thường kính trọng gọi là “ba Tiến”.
Qua những dòng hồi ức của chị, có lẽ, rất ít người biết rằng, nhà cách mạng Khuất Duy Tiến từng là “cậu ấm” duy nhất của Chánh tổng Tường Phiêu, một địa danh thuộc huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (cũ).
“Bác Khuất Duy Tiến là anh ruột mẹ tôi, nhưng giống như rất nhiều người cháu họ Khuất, chúng tôi vẫn quen gọi ông là ba Tiến”.
Chị Nhân kể rằng, từ khi còn nhỏ cũng như hiện nay, mỗi lần chị về quê, bà con làng Thuần Mỹ (xã Trạch Mỹ Lộc, Phúc Thọ, Hà Nội) và nhiều người thân trong dòng tộc vẫn tự hào ôn lại những câu chuyện tưởng như bất tận về ông.
Từ những câu chuyện ấy, chị đã có dịp hiểu kỹ hơn về một nhà cách mạng được sinh ra, lớn lên trong một dòng họ hiển vinh, có nhiều người đỗ đạt, làm quan.
Ông còn là “cậu ấm” duy nhất trong một gia đình có 8 người con và thân phụ ông, cụ Khuất Duy Tiết, từng giữ chức Chánh tổng Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (cũ).
“Khi đọc lý lịch của mẹ, tôi được biết ông ngoại tuy là Chánh tổng nhưng lại có tính thương người. Một lần, cụ ra kiểm tra đê, rồi nhận trực thay để người canh đê về ăn cơm, nghỉ ngơi.
Bà Hạ Chí Nhân, con gái Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Minh Tuệ
Tác phong gần gũi, thương dân ấy đã khiến cụ không được lòng quan và cả chính quyền thực dân, và đó cũng là nguyên nhân dẫn tới việc sau này cụ bị mất chức Chánh tổng”, chị Nhân cho biết.
“Kẻ đầu trò”
Vào thời điểm trước khi xã Trạch Mỹ Lộc có tổ chức cách mạng, Khuất Duy Tiến đã cùng bạn bè sớm tham gia các phong trào yêu nước do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
Thực dân Pháp không thể ngờ, ngôi nhà kín cổng cao tường của Chánh tổng Tường Phiêu lại chính là nơi nhiều bạn bè cùng chí hướng với Khuất Duy Tiến như Trần Huy Liệu, Trường Chinh thường xuyên lui tới hoạt động cách mạng.
Ông đã tìm đến với các sách báo tiến bộ của Đảng đang được lưu truyền bí mật. 17 tuổi, Khuất Duy Tiến theo học Cao đẳng Thương mại Đông Dương.
Vốn là người thông minh, học giỏi nên trong thời gian học ở trường, ông được bạn bè thân mật đặt cho ông cái tên là “Tiến to đầu”. Sau này, biệt danh ấy đã theo ông suốt cuộc đời, đến mức vào nhà tù thực dân, ông cũng bị kẻ địch gọi là “Tiến to đầu” với một nghĩa khác là “kẻ bày trò”, “kẻ cứng đầu”.
Năm 1936, Khuất Duy Tiến được trả tự do và tiếp tục về hoạt động tại Hà Nội. Hai năm sau, với chủ trương cài người vào hoạt động công khai, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đưa ông ra tranh cử Nghị viện thành phố Hà Nội.
Ngày đó, mặc dù đã ở vào tình cảnh khó khăn sau khi người cha bị mất chức Chánh tổng, nhưng gia đình đã cố gắng thu vén bán ruộng, vườn để ông có được một khoản tiền tham gia tranh cử.
Năm ấy, Khuất Duy Tiến trúng cử với số phiếu cao, nhưng dường như “đánh hơi” thấy mầm họa, thực dân Pháp đã hủy bỏ kết quả bầu cử và đưa ông về quản thúc tại quê nhà.
Chính trong thời gian quản thúc ở làng Thuần Mỹ, nhờ uy tín của ông mà các tài liệu, sách báo của Đảng đã đến với thanh niên yêu nước trong làng, xã. Đầu năm 1940, tổ chức thanh niên phản đế làng Thuần Mỹ được thành lập.
Video đang HOT
Ban đầu, tổ chức chỉ bao gồm những người ruột thịt trong gia đình ông như: Khuất Thị Thuân, Khuất Thị Bảy, Khuất Thị Quyên…
Đến tháng 1/1941, toàn xã đã có hơn 100 đoàn viên, thanh niên Phản đế Đông Dương. Từ đây, phong trào cách mạng của xã ngày càng phát triển và lan rộng sang các địa phương khác.
Trong ký ức của những người thân, nhà cách mạng Khuất Duy Tiến còn là một người có tài vận động, thu hút quần chúng rất hiệu quả.
Chị Nhân kể: “Bác tôi nói chuyện hay tới mức sau này khi sức khỏe giảm sút, trên giường bệnh ông vẫn kể những câu chuyện chiến đấu, những lần hoạt động cách mạng làm những đứa trẻ như tôi cứ tròn xoe mắt mà nghe vì hấp dẫn.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, dường như trong ông có một sự truyền cảm và tài năng thuyết phục người khác là nhờ sự giản dị, ấm áp toát ra từ vầng trán rộng, đôi mắt sáng cùng tiếng cười, giọng nói sang sảng?
Tôi còn nhớ mỗi khi gặp người thân hoặc đồng đội, ông thường có thói quen siết chặt tay, mạnh đến mức người đối diện phải thốt lên vì đau”.
Nhờ tài thuyết phục quần chúng của ông mà năm 1936 khi bị quản thúc ở quê, ông đã vận động các chị, em gái rồi mọi người trong xã nghe ông kể về nỗi thống khổ của một người dân mất nước, kêu gọi họ đi theo Việt Minh để giành độc lập dân tộc.
Tháng 3/1945, sau khi vượt ngục Sơn La về Hà Nội chuẩn bị tham gia giành chính quyền, ông đã vận động giới công thương Hà Nội đóng góp tài chính cho hoạt động cách mạng.
Nói tới khả năng thuyết phục quần chúng của nhà cách mạng Khuất Duy Tiến, bà Hoàng Thị Minh Hồ, người đã có nhiều đóng góp về vật chất cho cách mạng trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kể:
“Hôm ấy, ông Khuất Duy Tiến được một người bạn đưa đến nhà tôi. Từ 11 giờ trưa cho đến 5 giờ chiều, ông đã nói với vợ chồng tôi về hoạt động của Việt Minh.
Ông Tiến bảo: Việt Minh bây giờ cần rất nhiều tiền, bởi trong quỹ bây giờ chỉ có mấy trăm đồng bạc.
Nhà cách mạng Khuất Duy Tiến. Ảnh tư liệu
Nghe ông Tiến vận động, tôi đồng ý ủng hộ cách mạng một vạn đồng Đông Dương. Tới ngày Tổng khởi nghĩa, ông Tiến lại đưa vợ chồng tôi vào Ban vận động Quỹ độc lập để vận động giới công thương Hà Nội đóng góp tài chính cho cách mạng”.
Rạng danh họ Khuất
Năm 1931, Khuất Duy Tiến bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Sự kiện người con trai duy nhất trong gia đình giàu có, uy quyền bị bắt vì theo Việt Minh đã gây xôn xao khắp vùng, bởi trong mắt người dân, với một người con Chánh tổng, từng đỗ đạt cao đẳng thương mại thì đường quan lộ ắt sẽ hanh thông theo hướng ra “làm quan” cho chính quyền thực dân.
“Đó chính là giai đoạn khó khăn nhất trong gia đình ông ngoại tôi, mọi phiền nhiễu, rắc rối bắt đầu nảy sinh, nhưng chính sự theo dõi, chèn ép, đe dọa đối với gia đình đã nung nấu tinh thần, ý chí cách mạng tới những người phụ nữ còn lại trong gia đình”.
Chị Nhân cho biết, với truyền thống hiếu học của gia đình, lại chịu ảnh hưởng từ chí hướng tiến bộ của Khuất Duy Tiến nên những người chị, người em của ông đã lần lượt giác ngộ và tham gia cách mạng.
Đó là các bà: Khuất Thị Tuyện, Khuất Thị Thuân, Khuất Thị Bảy (phu nhân ông Hoàng Quốc Việt), Khuất Thị Quyên (phu nhân ông Lê Hiến Mai).
Khi kể về “cơ duyên” để nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt trở thành con rể họ Khuất, chị Nhân cho biết chuyện bắt đầu từ khi ba chị và ông Khuất Duy Tiến là bạn tù ở Côn Đảo. Một hôm, ông Hoàng Quốc Việt thấy Khuất Duy Tiến giữ tấm ảnh chân dung bà cụ thân sinh.
Nhìn ảnh, ông Việt thốt lên: “Ôi, bà cụ nhìn đẹp và phúc hậu quá”. Ông Tiến liền bảo: “Nhà mình có mấy cô em đều xinh gái giống mẹ, khi nào về tớ sẽ gả cho cậu một đứa”. Ông Tiến còn bảo: “Phải xem có đứa nào giác ngộ cách mạng thì mới gả cho cậu được”.
Câu đùa tếu táo ấy đã sớm thành hiện thực và Khuất Duy Tiến chính là “cầu nối” để người bạn tù trở thành em rể mình. Ở Côn Đảo về, mặc dù bị quản thúc nhưng Khuất Duy Tiến và Hoàng Quốc Việt vẫn thường xuyên lui tới làng Thuần Mỹ để gặp gỡ, bàn chuyện cách mạng.
Theo thời gian, Hoàng Quốc Việt đã bén duyên Khuất Thị Bảy, người con thứ 7 của gia đình.
“16 tuổi, mẹ tôi đã tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương và khi người bạn tù Hoàng Quốc Việt thường xuyên lui tới để bàn việc nước với anh trai mình thì bà vẫn quen gọi “người chồng tương lai” là “anh già” hoặc “thượng cấp”, bởi mẹ kém ba tôi tới 18 tuổi”, chị Nhân cho biết.
Trở thành rể họ Khuất, giữa Hoàng Quốc Việt và Khuất Duy Tiến có một mối quan hệ rất thân tình, gắn bó, bởi họ vừa là anh em trong gia đình, dòng tộc, lại vừa là đồng chí, đồng đội cùng tham gia hoạt động cách mạng.
Chị Nhân nhớ mãi cách đây 30 năm, vào một ngày đầu tháng 2/1984, khi chị có dịp đi cùng ba tới thăm ông Khuất Duy Tiến đang ốm nặng trong bệnh viện.
“Lần cuối cùng gặp nhau, ông siết chặt tay ba tôi rồi cả hai cùng khóc. Hai giờ chiều hôm ấy, Nhà nước và đại diện lãnh đạo thủ đô tới trao tặng ông Huân chương Độc lập ngay trên giường bệnh, 2 giờ sáng hôm sau thì bác tôi mất”.
Nhà cách mạng Khuất Duy Tiến (1909-1984) quê ở thôn Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc (Phúc Thọ, Hà Nội).
Ông tham gia cách mạng từ năm 1928, từng là Bí thư Tỉnh ủy Nam Định kiêm Thái Bình; Phó bí thư Thành ủy Hà Nội (1945-1946), Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội kiêm Phó cục trưởng Cục Chính trị Bộ Quốc phòng (1945-1947); Cục trưởng Cục Ngoại thương, Đổng lý sự vụ Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Khu đặc biệt Hà Nội (1948-1949).
Minh Tuệ
Theo VNN
Cuộc cách mạng "rung chuyển trời đất, thay đổi con người"
Hồi ức của cậu thiếu niên tham gia cách mạng từ khi 15 tuổi hiện về. Cụ ông ở tuổi 85 vẫn rưng rưng "Cách mạng Tháng Tám là bước ngoặt quan trọng nhất cuộc đời tôi...".
"Cách mạng Tháng Tám là một bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời tôi".
85 tuổi, ông Hà Văn Tải (trú xã Hưng Lộc, Tp Vinh, Nghệ An) vẫn còn viết báo, viết sách lịch sử. Ông hồ hởi chia sẻ, cuốn sách lịch sử ông viết sắp xong nhưng chưa tìm được "nhà tài trợ" để in. Trong cuốn sách đó ắt hẳn không thể thiếu những ngày đầu tham gia cách mạng của cậu học sinh Trường quốc học Vinh.
Bước ngoặt cuộc đời
14 tuổi, từ xã Giai Lạc (nay là xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An), cậu bé Hà Văn Tải thi đậu vào Trường Quốc học Vinh. Những ngày trọ học, cậu bé Hà Văn Tải tận mắt chứng kiến cuộc sống cực khổ của người dân lao động nghèo ở thị xã miền Trung này.
"Cuối năm 1944, đầu năm 1945, nạn đói khủng khiếp diễn ra ở thị xã Vinh. Ở góc đường nào cũng có những người dân đói khát đến cùng cực, dật dờ chờ chết. Có những người mẹ vì đói quá phải bán đứa con gầy đét của mình để lấy 1-2 đồng bạc Đông Dương, thậm chí là cho không người ta để con còn có miếng ăn.
Người đói nằm la liệt dưới hè đường còn trên ban công, những ông Tây, bà đầm lớn tiếng chửi bới, đuổi đi vì sợ chết trước cổng nhà, nhưng họ làm gì có sức mà đi? Cứ sáng sáng lại thấy những chiếc xe cải tiến chất 2-3 người chết đói đi chôn. Có chứng kiến những điều đó mới thấy dân ta dưới ách phong kiến, thực dân đói khổ vô cùng, đau đớn vô cùng tận", ông nhớ lại.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 10/3, cậu bé Hà Văn Tải cùng các bạn vẫn đi học như thường lệ nhưng đến nơi thì trường đã bị Nhật chiếm, các thầy giáo trong trường cũng không biết đi đâu. Mất trường, Hà Văn Tải cùng mấy người bạn ôm quần áo, sách vở về quê.
"Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm", "Việt Minh muôn năm"...
Ở quê, cảnh đói khát vẫn hiện hữu, không kém khốc liệt như thị xã. Người dân phải lấy lá rau lang, rau má nấu cháo cầm hơi, vào rừng đào củ mài, kiếm hoa chuối để ăn. Nhà nào khá hơn thì còn lúa lép để giã làm lớ, làm cám để ăn. Và chính trong những ngày này, câu bé Hà Văn Tải đã bén duyên với cách mạng, khi mới tròn 15 tuổi.
"Cán bộ Việt Minh xã gọi mấy anh em học sinh lên nói chuyện. Sau khi được giác ngộ, tôi được giao làm liên lạc cho Việt Minh xã. Nhiệm vụ của anh em học sinh chúng tôi lúc bấy giờ là viết khẩu hiệu "Ủng hộ người bị đói" dán ở đình làng, ngọn cây đa hay bờ tường của các gia đình địa chủ trong vùng", ông Hà Văn Tải kể tiếp.
Tháng 7/1945, tổ chức Việt Minh xã Giai Lạc họp, Hà Văn Tải được giao nhiệm vụ tập hợp các bạn thiếu niên trong xã để "làm chuyện chi rồi bây sẽ biết". Sau một thời gian ngắn luyện tập đội hình đội ngũ, Hà Văn Tải vỡ òa khi được biết, đội thiếu niên sẽ có mặt trong đoàn biểu tình cướp chính quyền ở xã vào ngày 20/8/1945.
Ngày 25/8, nhân dân các xã dưới sự chỉ huy của Việt Minh từ 3 hướng ùn ùn kéo về dinh quan huyện Lưu Văn Xân. Hà Văn Tải dẫn đầu đội thiếu niên, hòa cùng dòng người hừng hực khí thế bước đi dưới lá cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm", "Việt Minh muôn năm".
Ông Tải nhớ lại ngày trọng đại: "Khi đoàn chúng tôi tới nơi thì thấy quan huyện Lưu Văn Xân đi từ trong phủ ra, mặt tái mét, phía sau có 4-5 đồng chí tự vệ áp tải. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong sân dinh quan huyện. Ông Ngô Xuân Hàm thay mặt tổ chức Việt Minh huyện đứng lên tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân. Sau đó, Lưu Văn Xân đứng lên, cúi đầu giao nộp toàn bộ sổ sách, con dấu cho đại diện chính quyền cách mạng".
"Tiếng gọi của vàng"
Trong khí thế của người làm chủ vận mệnh, những người ăn xin, những người nông dân cùng khổ suýt bỏ mạng vì chết đói... đã hăng say lao động sản xuất, trên những thửa ruộng mà trước kia họ chỉ là những người làm thuê cho địa chủ. Đó thực sự là những ngày không thể nào quên của những người đã sống qua thời kỳ chuyển mình lớn lao của đất nước.
Ngày 3/9, tin tức truyền về, ở ngoài Hà Nội có cuộc mít tinh lớn lắm, hàng vạn người tham gia. Ở cuộc mít tinh đó Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố cho cả thể giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mãi đến lúc này, cậu bé Hà Văn Tải mới biết rằng Nguyễn Ái Quốc chính là Hồ Chí Minh, người được bầu là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới.
Với những cống hiến cho cách mạng, ông Hà Văn Tải được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba (ảnh chụp lại).
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về phong trào "diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm" và "Tuần lễ Vàng", Hà Văn Tải say sưa hòa mình vào dòng chảy cuồn cuộn của cách mạng. Với kiến thức đã học được ở trường Quốc học Vinh, Hà Văn Tải tham gia vào các lớp bình dân học vụ dạy chữ cho người dân trong vùng.
Khi cuộc vận động "Tuần lễ Vàng" diễn ra, nhiều người dân xã Giai Lạc đã hiến vàng cho cách mạng. Tuy nhiên, ngày đầu tiên của cuộc vận động vẫn cón nhiều nhà giàu chưa ủng hộ. Cậu bé Hà Văn Tải cùng 2 người bạn học xây dựng vở kịch "Tiếng gọi của Vàng" để vận động người dân quyên góp vàng cho chính quyền cách mạng non trẻ.
Hà Văn Tải chui vào cái bồ, hai bạn đồng môn gánh bồ ra giữa sân đình. Từ trong bồ, Hà Văn Tải hóa thân vào cục vàng. "Lời của vàng đây. Đồng bào nghe vàng nói. Tôi ở nhà ông En (tên húy của một nhà giàu trong vùng), làm giàu cho ông En. Giờ nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch ra góp sức xây dựng đất nước nhưng không được ra. Tôi buồn lắm, tủi thân lắm".
"Sân đình dậy tiếng vỗ tay còn ông En thì ra về. Đến buổi chiều, ông En ra gặp đại diện Việt Minh, đích thân trao tặng con chạch bằng vàng để đóng góp cho cách mạng. Những nhà có của khác cũng vì thế mà làm theo", ông Tải vui vẻ kể.
"Nếu không có cách mạng, không có Đảng, tôi không thể có ngày hôm nay".
Chưa đầy 18 tuổi, Hà Văn Tải được kết nạp vào hàng ngũ Đảng. Chính thức đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản được 2 tháng thì được điều lên làm chánh văn phòng huyện ủy và trở thành Huyện ủy viên khi tròn 19 tuổi. Ông trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau rồi giữ vị trí Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Bí thư khối cơ quan dân chính Đảng cho đến khi nghỉ hưu.
"Không có Đảng, không có Cách mạng, không có Bác Hồ thì mãi mãi chúng ta sẽ không thể có được niềm hạnh phúc lớn lao ấy. Tôi nghĩ rằng, chỉ có sự tài tình, sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc, chúng ta mới có một chiến thắng mà không phải đổ một giọt máu, không mất một viên đạn. Đó là bước ngoặt lớn của lịch sử dân tộc và bước ngoặt quan trọng nhất cuộc đời tôi.
Nếu không có cách mạng thì tôi may mắn lắm cũng chỉ là anh giáo làng chứ không được như ngày hôm nay.
70 năm trôi qua rồi, tôi thấy mình thật may mắn khi chứng kiến sự đổi thay của dân tộc, sự đổi thay của con người, sự đổi thay từ thân phận nô lệ thành những người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình.
70 năm trôi qua, nhiều khi nghĩ về những ngày đầu đi theo cách mạng tôi vẫn bật khóc. Nhờ có cách mạng, nhờ có Bác Hồ mà tôi đã trở thành con người biết đi theo cách mạng, làm việc vì dân, vì nước", ông Tải rưng rưng xúc động.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Hà Nội: Người dân ăn cơm nắm, ngủ vỉa hè chờ xem diễu binh Mặc dù sáng sớm mai (2/9) Lễ diễu binh, diễu hành mừng Quốc khánh Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam mới bắt đầu. Nhưng ngay từ đầu giờ tối nay (1/9), nhiều người dân ở xa đã đến Hà Nội mang cơm nắm, xác định ngủ vỉa hè để chờ đến sáng mai xem diễu binh. Theo ghi nhận của PV Dân trí,...