Ít học sinh chọn học nghề sớm
Học sinh có năng lực trung bình, yếu được định hướng đi học nghề hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên, nhưng ở nhiều trường tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh quyết định chọn học nghề sớm chỉ ở mức 5-10%.
Học sinh đặt câu hỏi trong một ngày hội tư vấn, hướng nghiệp năm 2021 tại Hà Nội
Thời điểm này, các trường THCS ở Thủ đô đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Khoảng 62% học sinh có suất học trường THPT công lập, số còn lại sẽ phải lựa chọn các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề… Trước mỗi kỳ thi, các trường đều có tư vấn, định hướng để học sinh đăng ký nguyện vọng cũng như lựa chọn trường phù hợp năng lực.
Chị Đặng Thu Hương, có con học lớp 9 một trường THCS ở quận Ba Đình cho biết, con có học lực trung bình-yếu nên giáo viên tư vấn, định hướng cho con nên vào trường nghề hoặc trường ngoài công lập. Chị luôn mong muốn, con thế nào cũng phải hoàn thành chương trình THPT, có bằng tốt nghiệp, khi đó con 18 tuổi, có đủ nhận thức mới lựa chọn nghề nghiệp. Chị đã thuê gia sư về nhà kèm con học Toán, Ngoại ngữ nhưng không hiệu quả.
Cuối cùng, gia đình đành chấp nhận phương án xét tuyển vào một trường THPT dân lập với mức học phí lên tới 8 triệu đồng/ tháng. “Gia đình không khá giả nhưng đành chấp nhận cố gắng để con theo học trường này, hoàn thành chương trình rồi tính tiếp. Thời điểm này cho con đi học nghề, nếu 2-3 năm nữa con nhận ra mình không thích, không phù hợp cũng sẽ rất mệt mỏi”, chị nói.
Không riêng chị Hương, nhiều phụ huynh con có năng lực yếu kém đã phải cân nhắc việc cho con học nghề hay học tiếp THPT. Theo chị Nguyễn Thị Lan, có con học Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, gia đình đau đầu vài tháng nay mới đi đến quyết định tiếp tục cho con theo học trường ngoài công lập.
Chỉ 5-10% chọn học nghề
Trường THCS Dịch Vọng năm nay có 447 học sinh tốt nghiệp THCS. Bà Lê Thị Thúy Nga, hiệu trưởng nhà trường, cho biết, sẽ chỉ có khoảng 5-7% học sinh lựa chọn học nghề. Đầu học kỳ II, trường mời tất cả phụ huynh có con có học lực trung bình trở xuống đến để nghe các trường nghề thông tin về cơ hội học nghề, đào tạo, đầu ra… “Rõ ràng, từ thực tế trên địa bàn quận chỉ có 2 trường THPT công lập là trường THPT Nhân Chính và THPT Yên Hòa với điểm tuyển sinh lớp 10 rất cao. Các trường công lập cũng yêu cầu đầu vào cao, học sinh chỉ còn rất ít lựa chọn nên buộc họ phải cân nhắc”, bà Nga nói.
Video đang HOT
Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, quận Hoàn Kiếm, cho biết, trước kỳ thi, trường đã tổ chức họp phụ huynh, thông báo kết quả học tập cả quá trình của học sinh. Trường cũng cung cấp thông tin về cơ hội thi tuyển vào các trường THPT, học nghề… để phụ huynh học sinh nghiên cứu, lựa chọn.
Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng, cho biết, ngoài 62% học sinh vào trường công, sẽ có 20-30% học sinh lựa chọn vào trường THPT ngoài công lập và chỉ có 5-10% học sinh lựa chọn học nghề ở các trung tâm giáo dục nghề, CĐ nghề. Đây là con số rất thấp nhưng phụ huynh, học sinh đã có cách hiểu thông thoáng hơn. Những năm trước, việc định hướng, phân luồng học sinh từ THCS vấp phải rất nhiều khó khăn.
Theo bà Hằng, trong năm học, các trường THCS phối hợp phụ huynh định hướng nghề, lồng ghép ngoại khóa để cung cấp thông tin, giúp họ hiểu hơn về học nghề sớm. Căn cứ điểm kiểm tra học kỳ, điểm thi thử và quá trình học, giáo viên đánh giá năng lực học sinh, phụ huynh thấy con em mình khó có khả năng thi đỗ vào trường THPT công lập sẽ có định hướng, lựa chọn sớm.
Ví dụ, những em ở làng nghề học xong lớp 9 học thẳng lên cao đẳng, khi tốt nghiệp vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có tay nghề. Học nghề lại được Nhà nước hỗ trợ học phí. “Nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào THPT bao nhiêu phần trăm không được lấy làm căn cứ thi đua giữa các trường. Hà Nội cũng cấm các trường ép học sinh chọn nghề, không tham gia thi tuyển vào THPT. Nếu có, giáo viên chỉ làm nhiệm vụ tư vấn, định hướng còn lựa chọn thuộc về học sinh, gia đình”, bà Hằng nói.
Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn khi dạy văn hóa trong trường nghề
Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và nghề Công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS và học trong các cơ sở GDNN.
Cơ sở GDNN gặp khó khi giảng dạy chương trình THPT
Theo các Hiệp hội, thời gian qua, các Hiệp hội đã nhận được nhiều thông tin của các cơ sở GDNN trao đổi, phản ánh về những khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy văn hóa THPT cho người học trong các cơ sở GDNN.
Cụ thể, theo quy định của Luật GDNN, Luật Giáo dục năm 2019 quy định người học tốt nghiệp THCS đi học nghề trình độ trung cấp có thể học thêm văn hóa THPT để được liên thông lên trình độ cao hơn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học cần tích lũy. Tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT phải ban hành nội dung này trong quý III năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được thông tư này.
Trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở GD&ĐT đã cho phép các trường (TC nghề, CĐ nghề, TC chuyên nghiệp, CĐ) được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc). Người học, sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận được Bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người học có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT thì cũng được tham dự kỳ thi đại học.
Hiệp hội GDNN và nghề Công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS và học trong các cơ sở GDNN (Ảnh: T.H)
Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD&ĐT không cho phép các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (tức là chỉ được dạy chương trình 4 môn học) để chỉ liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng trong hệ thống GDNN, chứ không liên thông lên đại học.
Thực tế ở nhiều địa phương, trong những năm gần đây, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN ngày càng đông, trong số đó có đến trên 80% có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi quốc gia và lấy bằng tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, nhiều cơ sở GDNN ở các địa phương đã không được tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT...
Trước bất cập này, nhiều địa phương đã có văn bản kiến nghị và Bộ GD&ĐT trả lời là việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT phải do các trung tâm GDTX thực hiện. Các trường trung cấp, cao đẳng phải liên kết với trung tâm GDTX, chứ không được quyền tự tổ chức giảng dạy, mặc dù trước đây đã được Sở GD&ĐT cho phép.
Để tháo gỡ khó khăn cho các trường, ngày 16-10-2020, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 4066/LĐTBXH-TCGDNN ngày 16-10-2020 về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép các trường trung cấp, trường cao đẳng đã được Sở GD&ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy văn hóa THPT được tiếp tục giảng dạy văn hóa THPT cho người học của trường mình. Tuy nhiên, trong Công văn số 4656/BGDĐT-GDtrH trả lời Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT chỉ đồng ý để các cơ sở GDNN thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh theo học trình độ trung cấp để liên thông lên trình độ cao đẳng. Bộ GD&ĐT không đồng ý để các trường giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT cho người học.
Vì vậy, 2 Hiệp hội cho rằng: "Hiện nay, hàng trăm trường TC, CĐ có đủ điều kiện và đã được sở GD&ĐT ở các địa phương cho phép giảng dạy văn hóa THPT (bao gồm cả chương trình GDTX cấp THPT) trước đây vẫn không được giảng dạy chương trình này. Quan điểm này chưa đúng với quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, gây khó khăn cho cơ sở GDNN và nhất là cho người học".
Tìm giải pháp tháo gỡ
Với những phân tích như trên, 2 Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT cho phép các trường TC, CĐ đã được Sở GD&ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT được tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Trong đó quy định rõ: Khối lượng kiến thức văn hóa THPT để giảng dạy trong các cơ sở GDNN, điều kiện để các cơ sở GDNN được tham gia giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và chương trình GDTX cấp THPT.
Cùng với đó quy định các cơ sở GDNN đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT thì được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT, khối lượng kiến thức văn hóa THPT và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho người học theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.
Đối với người học có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT thì được học liên thông lên trình độ đại học. Người học hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT tại các cơ sở GDNN được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm.
Hai Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT quy định cụ thể thẩm quyền cho phép các cơ sở GDNN được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.
Trước đó, về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết đối với học sinh không có định hướng chọn THPT mà đi theo hướng GDNN sau THCS thì học ở các cơ sở GDNN, các trường trung cấp nghề.
Những năm vừa qua, nội dung giáo dục phổ thông vẫn đang thực hiện trong chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp với các modul về khối lượng kiến thức văn hóa cho học sinh theo Thông tư 16/2010TT-BGDĐT.
Hiện Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn về khối lượng kiến thức THPT cho đối tượng học sinh có bằng tốt nghiệp THCS học theo chương trình trung cấp trong cơ sở GDNN. Dự kiến trong tháng 4 sẽ đăng tải dự thảo này để lấy ý kiến góp ý trước khi chính thức ban hành.
Tranh cãi quy định tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Hiểu nhầm? Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, sự thay đổi này giúp thuận lợi hơn trong việc quản lý, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi của học sinh. Quản lý tốt hơn Điểm mới của mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 của Hà Nội đang nhận được sự quan tâm của phụ huynh, dư luận xã hội là việc đăng ký...