Iran có động thái khẳng định quan hệ với Arab Saudi
Iran ngày 6/6 (giờ địa phương) chính thức mở lại Đại sứ quán tại thủ đô Riyadh của Arab Saudi sau 7 năm đóng cửa, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương.
Theo Reuters, một buổi lễ trang trọng đã được tổ chức bên trong khuôn viên Đại sứ quán Iran với sự tham gia của các nhà ngoại giao và quan chức hai bên để chào đón việc mở lại cơ quan đại diện ngoại giao Iran tại Arab Saudi lần đầu tiên sau 7 năm.
“Chúng tôi coi hôm nay là một ngày quan trọng trong quan hệ giữa Iran và Arab Saudi”, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề lãnh sự Alireza Bikdeli cho biết, nhấn mạnh rằng động thái này sẽ giúp hướng tới sự hợp tác và hội tụ lớn hơn để đạt được sự ổn định, thịnh vượng và tiến bộ.
Đại sứ quán Iran tại Arab Saudi. Ảnh: Getty
Năm 2016, quan hệ ngoại giao giữa Iran và Arab Saudi bị gián đoạn sau khi xảy ra vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Arab Saudi tại nước này, liên quan việc Riyadh hành quyết giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr.
Video đang HOT
Vào tháng 3 vừa qua, Iran và Arab Saudi đã đồng ý chấm dứt rạn nứt ngoại giao và thiết lập lại quan hệ, trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian, sau nhiều năm thù địch gây nguy hiểm cho sự ổn định khu vực.
“Ngoại giao là phương tiện tốt nhất để liên lạc và đối thoại giữa các quốc gia nhằm đạt được sự hiểu biết chung”, ông Bikdeli nói.
Việc Đại sứ quán Iran tại Arab Saudi mở cửa trở lại có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa các quốc gia trong bối cảnh cả hai bên đang nỗ lực nối lại các chuyến bay thẳng, tăng cường thương mại và khôi phục quan hệ kinh doanh.
Nhận định về động thái này, Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, chia sẻ: “Tôi cho rằng bất cứ lúc nào hai quốc gia, đặc biệt là hai quốc gia có rất nhiều ảnh hưởng ở vùng Vịnh, tham gia vào cuộc đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng thì đều có ích cho khu vực”.
Sự kiện Iran mở lại Đại sứ quán cũng trùng hợp với chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Arab. Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Blinken sẽ có cuộc gặp với Thái tử Mohammed bin Salman tại Jeddah.
Thị trường thế giới biến động sau tuyên bố cắt sản lượng dầu của Arab Saudi
Arab Saudi hôm 4/6 cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, thị trường dầu mỏ trên thế giới đã có những biến động đầu tiên trong phiên giao dịch đầu tuần.
Giá dầu mở rộng đà tăng trong bối cảnh Bộ Năng lượng Arab Saudi hôm 4/6 cho biết sản lượng dầu của nước này sẽ giảm từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7, ghi dấu mức giảm lớn nhất tại nước này trong nhiều năm. Phát biểu tại một buổi họp báo, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết nước này sẽ cắt giảm mạnh sản lượng dầu thô vào tháng 7, bên cạnh thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC .
Arab Saudi tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu khiến thị trường dầu mỏ thế giới biến động. Ảnh minh họa: Reuters.
Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, trong phiên giao dịch sáng 5/6, giá dầu tại thị trường châu Á tăng khoảng 2% sau khi quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đưa ra cam kết cắt giảm sản lượng. Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,51 USD (2%) lên 77,64 USD/thùng sau khi có lúc vọt lên 78,73 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,41 USD (2%) lên 73,15 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 75,06 USD/thùng. Trong phiên cuối tuần trước, giá cả hai mặt hàng này đều tăng hơn 2%.
Cam kết cắt giảm sản lượng của Arab Saudi được đưa ra giữa lúc OPEC nhất trí điều chỉnh sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024. Tuyên bố chung sau cuộc họp hôm 4/6 của OPEC nêu rõ: "Các nước tham gia đã quyết định điều chỉnh tổng sản lượng dầu thô chung của OPEC và các nước đối tác ngoài OPEC xuống còn 40,46 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ ngày 1/1/2024 cho đến ngày 31/12/2024". OPEC cho rằng sự thay đổi này phù hợp với cam kết liên tục của hiệp hội và các đối tác bên ngoài, dẫn đầu là Nga, "nhằm hướng đến và duy trì thị trường dầu mỏ ổn định, đồng thời đưa ra định hướng dài hạn cho thị trường", trong đó, có tính đến cách tiếp cận chủ động và đón đầu thành công của những năm trước.
Theo các cam kết sửa đổi trên bảng số liệu do OPEC công bố sau cuộc họp, Arab Saudi sẽ duy trì sản lượng dầu thô ở mức 10,478 triệu thùng/ngày, trong khi Nga sẽ cắt giảm sản lượng hàng ngày thêm 650.000 thùng xuống còn 9,828 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2024.
Một số quốc gia khác trong khuôn khổ OPEC gồm Iraq, Oman, Algeria, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu ở các mức lần lượt là 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày, 48.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 144.000 thùng/ngày cho tới cuối năm 2024. OPEC hiện cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới, đồng nghĩa với việc bất kỳ quyết định nào của liên minh này cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến giá dầu toàn cầu. Trong khi đó, Arab Saudi là thành viên duy nhất của OPEC có đủ công suất và kho dự trữ để có thể dễ dàng giảm và tăng sản lượng.
Theo Bloomberg, tuyên bố vào hôm 4/6 sẽ khiến công suất khai thác dầu mỏ của quốc gia Vùng Vịnh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Giới quan sát nhận định rằng quyết định của OPEC hôm 4/6 đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng nhóm này sẵn sàng hỗ trợ giá và cố gắng ngăn chặn các nhà đầu cơ. Amrita Sen, đồng sáng lập tổ chức tư vấn Energy Aspects, cho biết động thái này "là một tín hiệu rõ ràng cho thị trường rằng OPEC sẵn sàng đưa ra và bảo vệ mức giá sàn". Các nhà phân tích của ANZ nhận định động thái của Arab Saudi có thể gây bất ngờ, khi sự thay đổi hạn ngạch gần đây nhất chỉ mới có hiệu lực trong một tháng. Theo các nhà phân tích này, thị trường dầu hiện nay sẽ thắt chặt hơn nữa trong nửa cuối năm nay.
Suvro Sarkar, Trưởng bộ phận năng lượng tại Ngân hàng DBS cho biết: "Arab Saudi vẫn quan tâm hơn hầu hết các thành viên khác trong việc đảm bảo giá dầu trên 80 USD/thùng, điều cần thiết để cân bằng ngân sách tài chính của chính họ trong năm". Chuyên gia này nói thêm: "Arab Saudi có thể sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì cần thiết để giữ giá dầu tăng cao, thực hiện các bước phủ đầu có tính toán để đảm bảo các mối quan tâm vĩ mô có khả năng đến nhu cầu bị loại bỏ".
Theo công ty tư vấn Rystad Energy, động thái cắt giảm bổ sung của Arab Saudi có khả năng làm giảm nguồn cung trên thị trường hơn 3 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và điều này có thể đẩy giá cao hơn trong những tuần tới.
Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent giao tháng 12/2023 có thể tăng thêm từ 1 đến 6 USD/thùng tùy thuộc vào khoảng thời gian Arab Saudi duy trì sản lượng ở mức 9 triệu thùng/ngày trong 6 tháng tới. Theo đánh giá của ông Bob McNally - Chủ tịch Công ty phân tích Rapidan Energy - giá dầu thô thậm chí có khả năng vượt 100 USD/thùng vào năm sau.
Mỹ cam kết làm trung gian việc Israel và Arab Saudi bình thường hóa quan hệ Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ cam kết làm trung gian cho các mối quan hệ ngoại giao chính thức giữa Israel và Arab Saudi, trong khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục thúc đẩy quá trình "bình thường hóa". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh Reuters. Phát biểu tại một hội nghị của Ủy ban các vấn đề...