Indonesia hủy kế hoạch kiểm tra trinh tiết nữ sinh
Các nhà lập pháp Indonesia quyết định hủy bỏ quy định nữ sinh trung học phải vượt qua cuộc kiểm tra trinh tiết mới được tốt nghiệp.
Các nhà lập pháp đã lên tiếng xin lỗi về đề xuất kiểm tra trinh tiết gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Reuters.
Đề xuất kiểm tra trinh tiết được hủy bỏ sau khi vấp phải nhiều chỉ trích. Ayub Junaidi, đại diện hội đồng thành phố Jember ở Đông Java, thông báo quyết định rút lại quy định gây tranh cãi được đưa ra hồi đầu tháng 2 này.
“Thay mặt Hội đồng Tư vấn thành phố Jember, chúng tôi xin lỗi công chúng, đặc biệt là tất cả phụ nữ và các cô gái trên khắp Indonesia”, Ayub nói.
Video đang HOT
Kiểm tra trinh tiết bắt buộc được các nhà lập pháp đưa ra nhằm ngăn chặn những vấn đề liên quan tới “mại dâm và tình dục trước hôn nhân”. Theo số liệu thu thập được từ các bệnh viện địa phương, 10 % trong số xấp xỉ 1.200 bệnh nhân HIV/AIDS của thành phố Jember là học sinh.
“Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là họ quan hệ tình dục nhiều lần với các đối tác khác nhau”, Jakarta Globe dẫn lời nhà lập pháp Habib Isa Mahdi nói. “Hơn thế nữa, Bộ Các vấn đề Xã hội cho hay Indonesia đang chống lại sách báo khiêu dâm. Đó là điều khiến chúng tôi đưa ra quy định như vậy”.
Jember là thành phố lớn thứ ba ở Đông Java, với số dân 2,3 triệu người. Indonesia là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới. Quy định kiểm tra trinh tiết bắt buộc bị chính các lãnh đạo Hồi giáo phản đối và cho rằng nó phân biệt đối xử với nữ học sinh, đồng thời trái với lời dạy của đạo Hồi.
Theo HRW, Cảnh sát Quốc gia Indonesia cũng áp dụng kiểm tra trinh tiết với hàng nghìn ứng viên nữ từ năm 1965. Kiểm tra trinh tiết được xem là vi phạm hiệp ước nhân quyền quốc tế, được đưa ra nhằm chống lại sự phân biệt và “đối xử tàn nhẫn, thiếu nhân văn hoặc làm giảm giá trị”.
Bình Minh
Theo VNE
Israel bất ngờ hủy kế hoạch mua vũ khí của Mỹ
Israel đã có bước đi đầy bất ngờ với đồng minh số một của mình khi quyết định hủy bỏ kế hoạch mua 6 máy bay V-22 Osprey của Mỹ.
Vì khó khăn tài chính, Israel từ bỏ giấc mơ sở hữu máy bay đa năng V-22 Osprey.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon đã đưa ra quyết địnhtrên, một động thái được giới truyền thông sở tại nhận định có thể bắt nguồn từ vấn đề tài chính.
Tuy nhiên, việc làm "mất mặt" Washington cũng đang làm dấy lên những lo ngại về mối quan hệ đang có dấu hiệu rạn nứt giữa hai quốc gia đồng minh trong thời gian gần đây.
Trong chuyến công du đầu tiên đến Israel của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hồi tháng 4/2013, Tel Aviv đã đồng ý mua 6 máy bay đa nhiệm V-22 Osprey hiện đại. Nếu hợp đồng mua được ký kết, Israel sẽ là quốc gia nước ngoài đầu tiên sở hữu loại máy bay thuộc hàng "siêu phẩm" này.
Theo thiết kế, V-22 Osprey có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng, có thể bay với tốc độ siêu thanh nhờ hệ thống cánh quạt đặc biệt. V-22 Osprey được kỳ vọng là sẽ giúp tăng cường khả năng tác chiến cho quân đội Israel, nhất là trong lĩnh vực vận tải hạng nặng và đảm bảo tính cơ động cao.
Nhưng những khó khăn tài chính và ảnh hưởng từ chiến dịch "Bảo vệ biên giới" mới đây đã buộc lãnh đạo quân sự Israel phải thay đổi quyết định. Trong tuyên bố gần đây, người đứng đầu ngành quốc phòng Israel đã bộc lộ ý muốn trang bị thêm xe chiến đấu bộ binh (APC) Namer và các loại vũ khí tấn công chính xác.
Ngoài ra, Israel cũng đang xem xét mua thêm phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thứ hai của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân, hiện đang được đánh giá hàng đầu khu vực.
Vũ Anh
Theo AP