Indonesia bước vào cuộc bầu cử quy mô lớn nhất thế giới
Lần đầu tiên trong lịch sử, các cử tri Indonesia tham gia bầu các vị trí Tổng thống, Phó tổng thống và hơn 20 nghìn đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Hôm nay 17/4, Indonesia bắt đầu bước vào cuộc bầu cử được cho là lớn nhất thế giới diễn ra trong vòng 1 ngày.
Ngay từ 7 giờ sáng, theo giờ địa phương, hàng triệu người trong số hơn 190 triệu cử tri Indonesia đủ tư cách đã đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân của mình. Cuộc bầu cử năm nay có sự tham gia của 245 nghìn ứng cử viên đại diện cho 16 đảng phái chính trị trên cả nước.
Các nhà quan sát đánh giá đây là cuộc bầu cử quy mô lớn và phức tạp nhất thế giới, bởi các cử tri sẽ phải lựa chọn không chỉ 2 vị trí Tổng thống và phó tổng thống, mà còn phải lựa chọn thêm 4 cấp đại diện lập pháp khác nhau trong cùng một thời điểm bỏ phiếu. Như vậy, mỗi cử tri trung bình sẽ phải chọn ra các ứng cử viên trong tổng số 400-500 ứng cử viên được đề cử trong 5 lá phiếu bầu riêng biệt.
Cuộc bầu cử ở Indonesia được xem là lớn nhất thế giới và phức tạp. (Đồ họa: TTO)
Một cử tri tại Indonesia cho biết: “Bất cứ ai chiến thắng, chúng ta phải đoàn kết. Chúng ta không cần phải tranh cãi miễn là cuộc bầu cử diễn công bằng và trung thực. Nếu ứng cử viên Joko Widodo chiến thắng thì tôi sẽ ủng hộ ông ấy, còn nếu ứng cử viên Prabowo Subianto giành thắng lợi, tôi cũng ủng hộ ông.
Video đang HOT
Tôi hy vọng sau cuộc bầu cử này, Indonesia có thể phát triển và hòa bình hơn. Tất cả người dân Indonesia đều nghĩ làm thế nào để làm cho đất nước này tốt hơn.”
Cuộc bầu cử tổng thống năm nay được xem như một cuộc đối đầu lại giữa đương kim Tổng thống Joko Widodo và lãnh đạo đối lập Prabowo Subianto. Ông Widodo từng giành chiến thắng tại 23 tỉnh và đánh bại ông Subianto với 6 điểm phần trăm trong cuộc chạy đua năm 2014.
Theo giới quan sát, với vị trí là Tổng thống đương nhiệm, ông Widodo có thể thuyết phục cử tri bằng những thành tựu về kinh tế, xã hội mà Indonesia đã đạt được trong 5 năm qua như xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách trong xã hội, phát triển nền kinh tế số…
Indonesia bắt đầu bước vào cuộc bầu cử được cho là lớn nhất thế giới diễn ra trong vòng 1 ngày. (Ảnh: The Jakarta Post)
Trong khi đó, ứng viên từ phe đối lập có thể sẽ thu hút lá phiếu cử tri bằng những lời hứa như đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng nông thôn, tăng cường phân bổ ngân sách từ chính quyền trung ương tới chính quyền địa phương hay các chính sách nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên
Ủy ban Tổng tuyển cử Indonesia (KPU) đang triển khai khoảng 6 triệu nhân viên đến các điểm bỏ phiếu tại 34 tỉnh. Trong khi đó, để bảo vệ cử tri, các phòng phiếu, những cơ sở quan trọng và địa điểm tập trung đông người, gần 350 nghìn cảnh sát và binh sĩ cùng 1 triệu 600 nghìn nhân viên bán quân sự được triển khai khắp đất nước.
Dự kiến, kết quả sơ bộ cuộc bỏ phiếu có thể được biết vào cuối ngày hôm nay nhưng kết quả chính thức phải chờ Ủy ban Tổng tuyển cử Indonesia công bố vào tháng 5.
Theo Reuters, hầu hết cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy, Đương kim Tổng thống Widodo dẫn trước đối thủ dù phe đối lập bác bỏ những kết quả này.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Indonesia tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hơn 5% trong 5 năm qua, thấp hơn mức kỳ vọng của người dân. Đất nước với hơn 260 triệu dân này cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn như kinh tế trì trệ, chênh lệch khoảng cách giàu-nghèo và chênh lệch về sự phát triển giữa các vùng miền có xu hướng tăng.
Theo VTC New s
Bầu cử Indonesia gay cấn như 5 năm trước
An ninh đã được tăng cường khắp Indonesia khi quốc gia có 17.000 đảo này tiến hành bầu cử trong ngày 17-4.
Theo hãng tin Reuters, gần 350.000 cảnh sát, binh sĩ và 1,6 triệu nhân viên bán quân sự được triển khai khắp nước để bảo vệ cử tri, các phòng phiếu, những cơ sở quan trọng và địa điểm tập trung đông người.
Đây là lần đầu tiên Indonesia tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp trong cùng một ngày. Điều này có nghĩa 192 triệu người đủ tư cách bỏ phiếu sẽ tham gia bầu chọn 20.538 thành viên cơ quan lập pháp các cấp và người chiến thắng trong cuộc đối đầu giữa đương kim Tổng thống Joko Widodo và cựu tướng quân đội Prabowo Subianto - tái hiện cuộc chiến gay cấn cách đây 5 năm.
Theo đài CNBC, một trong những vấn đề được cử tri Indonesia quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử năm nay là chính sách kinh tế và chuyện "cơm áo gạo tiền". Kinh tế đất nước tăng trưởng khoảng 5% trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Widodo nhưng thu nhập thật sự của gần 40 triệu nông dân lại sụt giảm.
Một cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên tổng thống Joko Widodo (trái) và Prabowo Subianto tại thủ đô Jakarta Ảnh: REUTERS
Đáng chú ý, ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế và chính trường Indonesia đang bị soi gắt gao trong lần bầu cử này. Một số nhà phân tích cho rằng đứng dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Bắc Kinh, ứng viên Subianto bị xem là có lập trường ít thân thiện hơn. Trong chiến dịch tranh cử, nhân vật này thường xuyên quy trách nhiệm cho giới đầu tư nước ngoài và các quốc gia khác về những vấn đề Indonesia đang đối mặt. Theo chuyên gia Peter Mumford của Công ty Tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ), ông Subianto lâu nay chỉ trích hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Indonesia. Ở chiều ngược lại, ông Widodo tích cực tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc đối với các dự án hạ tầng lớn trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Tại cuộc tranh luận cuối cùng trên truyền hình vào cuối tuần rồi, ông Subianto phàn nàn việc Indonesia "không sản xuất được thứ gì mà chỉ toàn nhận sản phẩm của nước khác". Đáp lại, ông Widodo lập luận nước này "không thể xuất khẩu hàng hóa nếu không xây dựng hạ tầng cần thiết".
Hai ứng viên tổng thống còn nỗ lực "ghi điểm" với cử tri thông qua vấn đề tôn giáo, nhất là khi giữa họ không có quá nhiều khác biệt về các chính sách nói chung. Trong chiến dịch tranh cử, ông Subianto gọi mình là "người bảo vệ" đạo Hồi và bắt tay với các nhóm Hồi giáo cứng rắn. Không chịu thua kém, ông Widodo đã chọn ông Ma'ruf Amin, một giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ, làm ứng viên phó tổng thống trong liên danh tranh cử.
Ai thắng, ai thua trong cuộc đối đầu trên có thể biết được vào cuối ngày bầu cử nhưng kết quả chính thức dự kiến phải chờ Ủy ban Bầu cử công bố vào tháng 5. Theo Reuters, hầu hết cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy ông Widodo dẫn trước đối thủ dù phe đối lập bác bỏ những kết quả này.
Hoàng Phương
Theo Nguoilaodong
Facebook cấm quảng cáo chính trị nhằm chống can thiệp bầu cử Thái Lan Facebook ngày 31/1 cho biết sẽ cấm các quảng cáo chứa nội dung chính trị trên nền tảng của mạng xã hội lớn nhất thế giới này tại Thái Lan trong thời gian diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Xứ Chùa vàng dự kiến diễn ra vào tháng Ba tới. Biểu tượng Facebook tại trụ sở ở Menlo Park, California của Mỹ....