IMF cảnh báo kinh tế Israel sẽ gặp rủi ro khi tiến hành cải cách tư pháp
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) mới đây cảnh báo kế hoạch cải cách tư pháp của Israel có thể gây rủi ro đáng kể cho nền kinh tế quốc gia này khi siết chặt các điều kiện tài chính, cản trở đầu tư, tiêu dùng và tăng trưởng trong dài hạn.
Các siêu thị thực phẩm vắng khách. Ảnh: Vũ Hội/Pv TTXVN tại Tel Aviv
Trong báo cáo sau quá trình thu thập thông tin của nhóm công tác tại Israel, IMF khuyến nghị nên giảm dần tình trạng thiếu chắc chắn trong kế hoạch cải cách tư pháp bằng một giải pháp chính trị bền vững, được truyền đạt và hiểu một cách rõ ràng ở cả trong nước và ngoài nước.
Theo IMF, nếu không có một giải pháp chính trị lâu dài và bền vững thì tình trạng thiếu ổn định hiện nay có thể làm gia tăng đáng kể mức độ rủi ro trong nền kinh tế, thắt chặt các điều kiện tài chính, cản trở đầu tư và tiêu dùng cùng với những tác động tiềm tàng đối với tăng trưởng trong dài hạn. Báo cáo nêu rõ: “Đối với các quốc gia, việc duy trì hiệu lực mạnh mẽ luật pháp là rất quan trọng đối với sự thành công của nền kinh tế”.
IMF cũng dự báo kinh tế Israel chỉ tăng trưởng khoảng 2,5% năm 2023 so với mức tăng trưởng 6,5% năm 2022. Tổ chức này cũng đánh giá tỷ lệ nợ công của Israel đã giảm nhanh chóng so với mức trước đại dịch COVID-19 trong khi dự trữ dồi dào, vị thế quốc tế mạnh mẽ và ngành ngân hàng cung cấp đủ vốn với thanh khoản tốt cho nền kinh tế.
Trước đó, hồi tháng 4, bộ phận đầu tư của hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s đã hạ xếp hạng triển vọng tín nhiệm của Israel từ mức tích cực xuống mức A1 (ổn định) do tác động từ kế hoạch cải cách tư pháp.
IMF nâng dự báo và cảnh báo những rủi ro đối với kinh tế châu Á
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 2/5 đã nâng dự báo kinh tế châu Á trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc góp phần củng cố tăng trưởng, song cảnh báo rủi ro từ lạm phát dai dẳng và biến động thị trường toàn cầu do những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.
Cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo IMF, việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là nhân tố chính ảnh hưởng đến kinh tế châu Á, nhất là đối với tiêu dùng và nhu cầu của ngành dịch vụ. Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực của IMF cho biết: "Châu Á và Thái Bình Dương sẽ là khu vực năng động nhất trong các khu vực lớn trên thế giới vào năm 2023, chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng lạc quan của kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ... Giống như phần còn lại của thế giới, nhu cầu nội địa dự kiến sẽ vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất trên khắp châu Á trong năm 2023".
IMF dự báo nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2023, cao hơn 0,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022, đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng toàn cầu. Năm ngoái, kinh tế châu Á đã tăng trưởng 3,8%. Báo cáo IMF cũng cho biết Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những động lực chính, với mức tăng trưởng lần lượt là 5,2% và 5,9%. Trong khi, tăng trưởng ở phần còn lại của châu Á được IMF dự đoán sẽ chạm đáy trong năm nay.
Tuy nhiên, IMF lại cắt giảm dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm tới 0,2 điểm phần trăm xuống còn 4,4% và cảnh báo những rủi ro đối với triển vọng kinh tế như lạm phát cao hơn dự kiến, nhu cầu toàn cầu chậm lại cũng như tác động của những căng thẳng trong ngành ngân hàng Mỹ và châu Âu .
IMF lưu ý mặc dù tác động đối với khu vực châu Á từ những căng thẳng trong lĩnh vực tài chính của Mỹ và châu Âu cho đến nay đã được kiềm chế tương đối, song châu Á vẫn dễ bị tổn thương trước các điều kiện tài chính thắt chặt và việc định giá lại tài sản một cách đột ngột và thiếu trật tự. Báo cáo của IMF cũng cho biết, trong khi nền kinh tế châu Á có nguồn vốn và thanh khoản mạnh để chống lại các cú sốc của thị trường, các doanh nghiệp và hộ gia đình lại phải đối mặt với chi phí cho vay tăng cao.
IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản và Trung Quốc, thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát, vốn có thể vẫn ở mức cao một phần do nhu cầu nội địa lớn. IMF cho rằng việc không đưa lạm phát về mức mục tiêu có thể sẽ khiến kinh tế châu Á phải trả giá lớn hơn so với những lợi ích có được từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
IMF cũng cảnh báo, mặc dù Trung Quốc sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng của khu vực, song ngành bất động sản của nước này vẫn tạo ra rủi ro mà các nhà hoạch định chính sách cần phải giải quyết để đảm bảo sự phục hồi đồng đều trong lĩnh vực này. Theo Phó Giám đốc phụ trách châu Á và Thái Bình Dương của IMF Thomas Helbling, những động thái gần đây của Chính phủ Trung Quốc nhằm nới lỏng chính sách tài chính cho các công ty xây dựng phần lớn đã mang lại lợi ích cho các công ty lớn. Tuy nhiên, các công ty xây dựng nhỏ ở các khu vực của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
IMF: Trung Quốc nhất trí lập hội nghị bàn tròn về nợ công toàn cầu Ngày 15/12, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cho biết Trung Quốc đã nhất trí thiết lập hội nghị bàn tròn về nợ công toàn cầu, với sự tham gia của nhiều thành phần trong đó có chủ nợ khu vực tư nhân. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại môt cuộc họp báo ở...