Hương vị quê hương: Canh cá Quỳnh Côi
Một nhúm bánh đa, vài lát cá rô đồng, vài miếng chả viên, một lát chả cá, vài cọng rau cùng loại nước dùng nóng sốt đặc biệt tạo nên bát canh cá Quỳnh Côi ngọt thanh, thơm lừng, đầy cuốn hút.
Quỳnh Côi là thị trấn thuộc H.Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Trước kia, muốn ăn canh cá Quỳnh Côi, chúng ta không có cách nào khác là phải tìm về H.Quỳnh Phụ. Sau nhiều năm, những người con vùng đất này đã rời quê hương, đến TP.Thái Bình lập nghiệp bằng chính món đặc sản quê nhà.
Bí quyết chuẩn vị
Canh cá Quỳnh Côi có nguyên liệu chính từ bánh đa và cá. Bánh đa Quỳnh Côi sợi nhỏ, khi khô có màu trắng đục; khi nấu chín, sợi trở màu trắng tinh, giòn dai, thơm thơm mùi gạo. Bánh đa chỉ cần trụng sơ với nước sôi, để vào rổ, chờ khi ăn thì cho vào bát.
Để đạt chuẩn vị trong món ăn này thì nên dùng cá quả, cá rô đồng hoặc cá trắm, đặc biệt là cá trắm đen. Cá cần làm sạch, lóc phần nạc, tách bỏ phần xương, sau đó thái miếng, ướp với tiêu bột và nước cốt nghệ tươi, để chừng 30 phút thì đưa lên vỉ nướng bằng than hoa, chờ khi miếng cá trở màu vàng, hương thơm, thịt se lại là dùng được.
Video đang HOT
Trong món canh cá Quỳnh Côi, điều tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn và níu chân thực khách chính là nước dùng. Vậy nước dùng của canh cá Quỳnh Côi có gì đặc biệt đến thế?
Khử mùi tanh bằng thảo dược
Không đơn thuần là nước ngọt từ xương và đầu cá hầm nhừ mà nước dùng của món ăn này còn được nêm nếm từ thảo dược, nhằm khử mùi tanh của cá.
Một bát canh cá Quỳnh Côi là sự hội tụ của bánh đa quê hương Quỳnh Côi, vài lát cá chiên chín vàng ruộm, rau thơm, rau xanh và nước dùng, một loại nước thoạt nhìn thấy trong veo nhưng khi nếm lại mang vị ngọt thanh đạm.
Ngày xưa, khi mới xuất hiện, món canh cá Quỳnh Côi khá kén chọn khách bởi nhiều người cho rằng không thể khử được mùi tanh của cá nên khó ăn. Tuy nhiên, sau này, những người sống bằng nghề truyền thống ấy đã tỉ mỉ tìm tòi công thức để khử tanh, giúp món ăn này trở nên hoàn hảo hơn.
Cuối cùng, họ cũng chọn được sự hòa quyện giữa nguyên liệu cá và thảo dược. Đây được coi là bí kíp của người đầu bếp để giúp canh cá Quỳnh Côi giữ được sự độc đáo đến ngày nay.
Du khách đến TP.Thái Bình, ghé bất kỳ quán ăn nào có treo biển “canh cá Quỳnh Côi” và gọi một bát canh cá thập cẩm chỉ với giá 40.000 đồng là sẽ có đủ một tô đầy đặn với bánh đa, cá chiên, chả cá, chả viên…
Bánh đa thơm mùi gạo, rau thơm thanh mát, cá chiên mềm, chả cá đậm đà vị the the nguyên chất, và món chả cá viên được hòa trộn với thảo dược, sẽ mang đến cảm giác ngon khó tả. Để rồi, mỗi lần có dịp về Thái Bình, chúng ta ắt sẽ lại đi tìm món canh cá Quỳnh Côi.
Hương vị quê hương: Cá ngạnh nấu lá chua
Vị chua thanh của lá quyện với ngọt béo của cá ngạnh, ngon khó gì sánh bằng. Canh ấm xua lạnh lẽo ngày mưa dầm nơi làng quê.
Lũ muộn, ruộng đồng ngập sâu trong làn nước bạc. Những người dân quê tôi giăng lưới, đứng nhá bắt cá tôm mang về chế biến món ăn trong bữa cơm gia đình. Sau chừng hai giờ ngâm chân trong nước lạnh, cha cuốn nhá rồi mang giỏ đựng cá về nhà. Tôi cùng vợ đón chiếc giỏ đan bằng tre và đổ cá ra thau nhựa, nhiều con tung quẩy tìm cách thoát thân.
Tô canh cá ngạnh nấu với lá chua làm ấm lòng ngày mưa lạnh TRANG THY
Lo dịch giã, vợ ngại đến chợ, nên khi được mớ cá đồng tươi rói thì vô cùng hớn hở. Cá ngạnh lớn cỡ bằng ngón tay vừa vớt lên khỏi ruộng đồng với làn da bóng láng trông thật hấp dẫn. Tôi dạo ra vườn, những liếp rau tơi bời sau cơn mưa như trút nước. Nơi góc vườn, khóm cây bụi nghiêng ngả bởi gió mưa. Những chiếc lá chua non xanh rung rinh gọi mời tôi đưa tay hái lấy. Nhẹ nhàng kẻo những chiếc gai nhỏ nơi gân lá đâm vào tay. Bước sang bên cạnh hái trái ớt chín, bứt ít ngò gai cho món canh thơm nồng nàn.
Mớ lá chua và rau ngò gai dân dã nơi vườn nhà được mang vào rửa sạch rồi vớt ra rổ cho ráo nước. Dùng dao chặt ngạnh cá rồi mổ bỏ ruột, rửa sạch qua nước muối pha loãng. Gian bếp củi ngày mưa nồng mùi khói làm cay khóe mắt. Gió lạnh vờn quanh bên ngoài chứ chẳng thể vào trong. Hơ đôi bàn tay xanh tái vừa dầm rửa trong nước rồi xoa lên má chợt thấy ấm áp, khoan khoái vô cùng.
Đun nước sôi trên bếp, cho cá vào nồi cùng ít muối hạt, hành tím xắt mỏng và dăm lát ớt cay. Đợi nước sôi trở lại, dùng vá vớt bọt, rồi cho lá chua vào nồi. Sau đó, cho ngò gai xắt nhỏ, nêm gia vị vừa ăn, rắc ít tiêu xay nhuyễn rồi nhấc xuống khỏi bếp là đã có món canh đậm đà hương vị làng quê.
Hương vị của lá chua, ngò gai và ớt cay cho món canh cá thêm nồng nàn
Rau quả và cá với màu trắng bạc cùng xám nhạt lẫn xanh điểm thêm sắc đỏ nằm trong tô canh dân dã như gọi mời. Vị chua dịu từ rau thấm vào trong thịt cá béo ngọt hòa cùng ớt cay và gia vị đong đưa qua lưỡi.
Gắp cá chấm vào nước mắm pha chanh, đường cùng ớt tỏi rồi đưa vào miệng chậm rãi nhai, ngon khó gì sánh bằng. Nước canh đậm đà và nóng ấm xua giá lạnh ngày mưa tràn về nơi thôn xóm cho cơm gạo dẻo thơm hơn thường ngày.
Cả gia đình quây quần bên mâm cơm đạm bạc thấm đẫm yêu thương. Món canh từ sản vật đồng nước và rau quả vườn nhà gắn bó với người dân quê tôi qua bao đời, là sợi dây níu chân những người con tha hương quay về xứ sở.
Bánh canh cá bã trầu: Mùa nào thức nấy Mùa nào thức nấy. Cứ tươi thì món sẽ ngon. Vậy là mình ra chợ sớm để chọn thực đơn cho ngày... Chợ sớm nay có cá bã trầu. Chợ sớm rực một màu cá bã trầu tươi roi rói. Bất chợt nhớ đến vị bánh canh cá xưa lơ xưa lắc của nội làm mình nuốt nước miếng đánh ực, trước đôi...