Hương vị khó quên của tôm chua đất Huế
Một lát thịt mỏng, một con tôm chua đỏ hồng, chút rau xanh, bún trắng, cuộn lại, vị thơm của gừng, riềng, vị cay của ớt, vị chua của tôm hòa quyện khó quên.
Tôm chua của xứ Huế từ lâu đã có thương hiệu. Ai vào mảnh đất này chơi cũng được nhắn nhủ nhớ mang một lọ tôm chua Huế về làm quà cho gia đình. Cho dù những lọ tôm chua đã có bán ở khắp các siêu thị trên cả nước, nhưng mua ngay trên đất Huế, vừa được làm, đóng gói cẩn thận rồi theo chuyến xe về nhà mới thật ngon.
Đặc sản xứ Huế này không phải ai cũng ăn được vì đủ vị chua cay mặn ngọt, nhưng ăn một lần rồi sẽ sẽ nghiền và muốn ăn thêm lần nữa. Vị tôm chua dễ đưa cơm, ăn với bún hay cuộn chung với bánh tráng đều ngon, nhưng nhất định phải có vài lát thịt ba chỉ thái mỏng ăn kèm, chút rau xanh mới thực đúng vị.
Tôm chua ngon đất Huế ăn kèm thịt ba chỉ và rau sống mới đúng điệu. Ảnh: ngoisao.
Người Huế cầu kỳ trong từng khâu làm tôm chua, cũng giống như bất kỳ món ăn nào trên mảnh đất này, tưởng là dễ mà lại thật khó, đơn giản mà vô cùng tinh tế. Tôm được chọn thường là loại nước ngọt (tôm đồng hay tôm đất), nếu là tôm nước lợ từ phá Tam Giang hay đầm Cầu Hai thì ngon hơn hẳn. Chọn tôm tươi, nhảy tanh tách, không quá to, cũng không quá nhỏ, bằng nhau để ngấm đều gia vị và xếp lọ được đẹp.
Tôm mang về cắt bỏ đầu, râu, ngâm trong phèn chua vài phút rồi rửa sạch, ngâm tiếp với rượu trắng cho đến khi hết mùi rượu, vớt ra để ráo.
Video đang HOT
Gia vị để làm nên tôm chua gồm xôi trắng, măng vòi, tỏi xắt lát mỏng, củ riềng thái lát, ớt đỏ, nước mắt ngon hoặc muối. Người ta trộn tôm cùng với tất cả gia vị rồi ủ trong vại sành, đậy nắp và để nơi nắng ấm khoảng ba ngày rồi đưa vào nơi thoáng mát. Tôm ủ trong khoảng 7 ngày. Nhà nào cầu kỳ còn hạ thổ để tôm được giữ nhiệt độ ổn định mà ngọt và thơm hơn. Món tôm chua ngon là sự hòa quyện của mọi hương vị ngọt, cay, chua, ngái, béo và màu đỏ hấp dẫn. Mở nắp vại sành, hương thơm sực nức, hấp dẫn.
Những con tôm được xếp đẹp mắt trong lọ, gói bọc cẩn thận và bày trên kệ. Tôm chua mua về nên ăn ngay nếu đã mở, còn ăn không hết, có thể để trong tủ lạnh, nhưng không nên để quá lâu, sẽ mất hết vị ngon của tôm.
Đặc sản tôm chua đã có mặt trên khắp cả nước. Ảnh: Svietnam.
Người đến chơi với đất Huế thường mua những lọ tôm chua hay mè xửng về làm quà. Người bán tùy theo số lượng sẽ múc tôm lấy từ vại sành lên cho vào lọ thủy tinh hay lọ nhựa. Những con tôm tươi ngon thơm mùi riềng xả. Rồi các lọ được gói thật kỹ, để người mua mang đường xa mà không sợ bị đổ hay bị dính mùi ra ngoài. Những lọ tôm chua theo xe buýt, theo những chuyến bay đến với muôn nhà, mang hương vị rất Huế lên mâm cơm người Việt. Ăn tôm chua, nhớ đừng quên rau sống, chút vả, sung muối, chuối xanh, bún ăn kèm để hương vị tôm chua thêm nồng nàn.
Theo VnExpress
Hương vị khó quên của bánh cống miền Tây
Xuất xứ từ miền sông nước Nam Bộ, bánh cống dần trở thành hương vị lưu luyến và điểm dừng chân không thể chối từ đối với du khách khi đến với Sóc Trăng.
Khi lần đầu tiên tới Sóc Trăng, hình ảnh dễ gây ấn tượng là những chiếc bánh cống vàng óng, thơm lừng. Đồng bào Khmer miền Tây Nam Bộ luôn tự hào vì mình là những người đầu tiên khai sinh ra món bánh truyền thống đặc trưng này suốt hơn 100 năm qua.
Không phải ai cũng biết làm bánh cống.
Gần gũi và quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết làm loại bánh cống. Bởi đây là một món bánh rất khó làm, từ khâu chọn và chuẩn bị nguyên liệu đến khâu chế biến, canh lửa. Dù ở bất kỳ công đoạn nào, người làm cũng phải biết kết hợp hài hòa kinh nghiệm và bí quyết của mình để tạo ra từng chiếc bánh.
Giống như rất nhiều loại bánh khác trong văn hóa của người Việt, một chiếc bánh cống ngon chính là sự kết hợp ăn ý giữa vỏ và nhân bánh. Thế nhưng, điều đặc biệt của bánh cống nằm ở chỗ, nguyên liệu làm nên vỏ bánh không phải là bột mì hay bột gạo, mà nó là sự hòa quyện giữa đậu nành và gạo tài nguyên được lựa chọn cẩn thận và ngâm mềm trong suốt 24 tiếng đồng hồ.
Bánh cống vàng óng thơm lừng.
Nhân bánh được tạo thành từ thịt heo xay nhuyễn, nêm nếm vừa ăn và đậu xanh còn nguyên hạt chần sơ qua nước sôi. Mặt bánh được trang trí bằng một, hai con tôm, vừa tạo sự thẩm mỹ vừa góp phần làm tăng vị ngọt từ hải sản cho chiếc bánh. Người ta gọi chiếc khuôn dùng đúc bánh là "cống". Đó cũng là một cách lý giải vì sao loại bánh này lại có một cái tên như vậy.
Vỏ và nhân bánh sau khi bỏ vào khuôn sẽ được cho vào chảo mỡ đang sôi rồi canh cho đến khi bánh chín vàng đều và tỏa mùi thơm béo ngậy. Một chiếc bánh cống ngon là kết quả không chỉ của sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nguyên liệu làm bánh, mà còn là sự nhạy bén ở các khâu để bánh vàng và giòn ngon, nước mắm phải được pha sao cho hợp khẩu vị người ăn,...
Có trực tiếp nhìn thấy đôi bàn tay thoăn thoắt và những giọt mồ hôi nhễ nhại của người làm bánh trước chảo mỡ sôi sục mới thấy hết được sự công phu và tỉ mẩn trong từng chiếc bánh nhỏ xíu kia.
Bánh cống được dùng chung với nước mắm và rau sống các loại để làm giảm đi cái béo của dầu mỡ và không làm người ăn có cảm giác mau ngán. Một miếng bánh cống giòn được quấn quanh bởi rất nhiều loại rau như bắp cải, diếp cá, làm cho người ta cảm nhận được vị béo của đậu xanh và đậu nành, vị ngọt của thịt heo, vị thơm của rau, cộng với vị nước mắm rất vừa ăn.
Bánh cống ăn chung với nước mắm và rau sống.
Bánh cống của đồng bào Khmer Nam Bộ chính là nét điểm xuyến độc đáo và tinh tế trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Đậu nành, đậu xanh, gạo tài nguyên, thịt heo, tôm, nước mắm và cả rau thơm đều là những sản vật đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long.
Theo VNE
Tôm chua ngon đúng điệu Huế Nói đến xứ Huế, nhiều người dễ liên tưởng đến một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa bền vững. Chắc có lẽ do nhiều yếu tố hội đủ mà trong cội nguồn văn hóa cố đô, ẩm thực vẫn được xem như một điểm nhấn riêng. Và khi nói đến "cái sự ăn" ở vùng đất này,...