Hồng xiêm được giá, nhà vườn Tiền Giang nhân rộng diện tích
Cây hồng xiêm năm nay được giá cao hơn nhiều so với mọi năm lại là cây thích ứng hạn mặn nên đang được nhiều nhà vườn ở Tiền Giang mở rộng diện tích.
Đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, diện tích cây hồng xiêm ở tỉnh Tiền Giang không bị thiệt hại; đồng thời gần đây giá loại cây ăn trái này tăng giá ở mức kỷ lục nên nhà vườn địa phương đang nhân rộng diện tích.
Ở thời điểm này, giá trái hồng xiêm đang ở mức từ 25.000-30.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức giá kỷ lục trong nhiều năm qua. Với sản lượng khoảng 25 tấn/ha, mỗi ha hồng xiêm nhà vườn có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Cây hồng xiêm tại tỉnh Tiền Giang có khả năng chống chịu hạn mặn cao hơn nhiều loại cây ăn trái khác.
Từ sau hạn mặn đến nay, tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng diện tích cây hồng xiêm trên 2.500 ha, trồng tập trung ở các xã ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành và Cai Lậy. Ưu điểm của loại cây này là có thể sống khi nước mặn trên 1/1000, cho trái quanh năm và đầu ra ổn định.
Nhà vườn thu hoạch trái hồng xiêm.
Ông Nguyễn Thành Vinh, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội các Hợp tác xã Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện cây hồng xiêm rất triển vọng nhưng nhà vườn cần chọn giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt để trồng.
“Trái hồng xiêm được thị trường trong nước ưa chuộng; đặc biệt các tỉnh phía Bắc. Năm nay hồng xiêm được giá cao gấp đôi hoặc gấp 1,5 lần so với các năm trước. Liên hiệp hội đang khuyến khích bà con nên phát triển giống hồng xiêm Mexico, giống này có ưu điểm đặc biệt là khi chín không bị sượng, trái to và ngon lại thích nghi với hạn mặn”, ông Vinh chỉ rõ
Đầu ra trái thanh long bấp bênh do chưa mở rộng thị trường xuất khẩu
Trái thanh long vùng đồng bằng sông Cửu Long liên tục rớt giá do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, trong khi đó, nhà vườn đang mở rộng diện tích.
Dù ở thời điểm đầu mùa mưa, năng suất thấp, nhưng trái thanh long ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sụt giá. Thanh long ruột đỏ giá 10.000 đồng/kg, ruột trắng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhà vườn không có lãi, thậm chí thua lỗ. Từ đầu năm đến nay, do thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, chưa mở rộng được các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật... nên giá loại trái cây này sụt giảm hơn các năm trước từ 2-3 lần.
Đầu ra trái thanh long gặp khó khăn do chưa mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 20.000 ha cây thanh long, trồng tập trung ở tỉnh Tiền Giang và Long An. Do dễ trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu nên thời gian gần đây, người dân khu vực phát triển mạnh diện tích cây thanh long. Với mức giá như hiện nay, nhà vườn rất lo ngại sẽ còn sụt giảm khi "cung vượt cầu".
Ông Phan Văn Tuấn, nhà vườn trồng cây thanh long tại xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Với giá này, nông dân không có lời, bị lỗ vì chi phí nhiều. Bây giờ thuê vuốt ngoe 35.000 đồng/giờ, rồi thuốc phân... Mùa mưa này mà không phun xịt thuốc thường xuyên thì cây bị bệnh. Đẩy mạnh xuất khẩu mới đỡ đầu ra cho thanh long".
Trái cây ế, nhà vườn thiệt hại kép Năm nay nhiều nhà vườn ở ĐBSCL bị thiệt hại kép do mất mùa, mất giá, trong khi tình hình tiêu thụ trái cây rất ảm đạm Xuất khẩu trái cây 5 tháng đầu năm sụt giảm mạnh do tác động của Covid-19. Trong khi đó, lượng hàng về chợ đầu mối lớn nhất TP HCM giảm đến 22% do sức mua yếu....