Hồn quê trong gánh don
Don Quảng Ngãi là món ẩm thực độc đáo của miền quê sông nước núi Ấn – sông Trà đã đi vào thơ ca, sử sách.
Trong bát don là chút hồn quê để người ở gần yêu thích, người đi xa chẳng hề quên khi nhớ thương, trông về quê nhà, người thân. Chuyện trò với những người sống lâu năm ở TP.Quảng Ngãi, tôi hiểu thêm một điều: Tô don đã góp phần làm nên hương vị của xứ Quảng.
Non nửa thế kỷ trước, người ta thưởng thức tô don vào buổi sáng, là món điểm tâm cho ấm bụng trước khi đi học, đi làm. Còn bây giờ, ở TP.Quảng Ngãi người ta có thể thưởng thức món don cả ngày. Món don cũng có mặt ở hầu khắp các thị trấn, thị tứ trong tỉnh, thậm chí còn lên tận vùng cao cũng có thể thưởng thức món don.
Món don được thực khách ưa chuộng nên cụ Nguyễn Thị Bích Mai luôn chuẩn bị sẵn nguyên liệu.
Bà Nguyễn Thị Bích Mai (80 tuổi), quê ở xã Nghĩa Hà, nơi người dân sinh sống bằng nghề sông nước, hiện là chủ quán don Cổ Lũy, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), nhớ lại: Hồi đó, cứ sớm tinh mơ từ bến Hiền Lương, thiếu nữ trong làng mua don về nấu, rồi gánh lên thị xã để bán. Mỗi tốp thường 8 – 10 cô gái, người mẹ, người chị trong bộ quần áo bà ba, đầu đội nón lá gánh don, một đầu là chiếc uôi, một đầu là chồng bánh tráng; người thì đi trên đường Trần Hưng Đạo, đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Nghiêm) để bán don. Có người còn quảy thêm chiếc ghế xếp nhỏ để cho người ăn don ngồi. Họ quảy đi trong phố với những bước đi thật nhẹ nhàng và luôn miệng “Ai… don…!”.
Muốn món don ngon người chế biến cần phải tỉ mẫn từng công đoạn nấu, đãi, gia vị…Người thành phố từ sáng sớm đã chờ cô hàng quen ăn bát don cho ấm bụng mới đi làm. Trong tiết trời đông lành lạnh, mùi don bốc lên thơm lừng. Khách thong thả lấy cái muỗng dằm trái ớt lúa, thử qua nước tô don có cần thêm mắm. Sau đó, bẻ bánh tráng cho vào tô don rồi ăn, húp nước. Vị ngọt của nước, vị beo béo đậm mùi sông nước mặn mà của don và những miếng bánh tráng mỏng làm ấm lòng thực khách.
Video đang HOT
Ăn hàng nhiều năm, có cảm giác thực khách và người bán don quen vị, quen giờ. Cứ sáng sớm, chừng độ canh giờ ấy là cô bán don đi ngang nhà mình, nên khách chờ sẵn. Còn người bán don lâu năm, nên quen mặt thực khách.
Bà Mai chia sẻ: “Ngày đó ai cũng thuộc câu ca dao địa phương: “Nghèo nghèo, nợ nợ. Cũng ráng cưới con vợ bán don/ Mai sau nó chết cũng còn cặp uôi”. Bởi, ai bán don cũng có cuộc sống khấm khá”.
Người bán don, xe ngựa chạy trên phố, một thời làm nên dấu ấn của thị xã tỉnh lỵ xưa. Đọng lại trong ký ức của nhiều người, nên người xứ Quảng xa quê đều nhớ về món don và ca tụng chẳng khác nào những món ngon như phở, bánh khảo, kẹo lạc mà nhà văn Thạch Lam viết trong Hà Nội 36 phố phường.
Đất nước thống nhất, thị xã Quảng Ngãi trở mình thành đô thị loại III, rồi lên thành phố. Những chiếc cầu bắc qua sông Trà Khúc ngày càng nhiều. Đô thị mở rộng xuống tận cửa biển Sa Kỳ, dòng sông Trà xưa nằm ven giờ nằm giữa lòng thành phố. Những người làm nghề nhũi don xưa ở huyện Tư Nghĩa giờ cũng đã là người thành phố. Những cô gái mặc áo bà ba, đầu đội nón, gánh don bằng chiếc đòn gánh xưa giờ không còn nữa, mà thay vào đó bằng những quán don ở phố.
Bây giờ, những người sành ăn và muốn ăn don đúng vị, họ sẽ về các xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hà hay xuống Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) để thưởng thức. Thế nhưng, cũng con don nấu thành nước trắng đục ấy, nhưng nhiều người cho rằng don nấu bây giờ không ngon bằng thời don đựng trong uôi đất. Không chỉ nói chuyện dở ngon, nhiều người còn nhắc đến những cô bán don mặc áo bà ba với gánh don mềm mại. Hóa ra ngày xưa người ta thưởng thức don không chỉ là hương vị mà hơn thế nữa, món don đã nâng thành một nét đẹp văn hóa ẩm thực của xứ Quảng.
Món don từ lâu đã trở thành văn hoá ẩm thực của miền đất Ấn – Trà. Ảnh: Ánh Nguyệt
Ngày nay, nhiều người hấp don trong nồi đưa vào đông lạnh rồi gửi theo những chuyến xe khách chuyển vào tận TP.Hồ Chí Minh hoặc đem lên các huyện miền núi của Quảng Ngãi để bán. Món don cô đặc ấy cũng có hương vị của xứ Quảng, nhưng thực tế không ngon bằng món don ở quê nhà.
Về Quảng Ngãi ăn don
Bạn từ Sài Gòn về quê, qua nhà mời mọc: "Tụi mình ra thành phố Quảng Ngãi ăn don. Tao nhớ don ở Quảng Ngãi lắm rồi!".
Gánh don bán dạo ở thị xã Quảng Ngãi từ 20 năm trước ẢNH: NGUYỄN NGỌC TRINH
Chợt nhớ, dịp vào TP.HCM, tôi được bạn đưa đến quán khá sang trọng thưởng thức món don, đặc sản quê hương núi Ấn sông Trà. Ngồi cạnh là vợ chồng cụ già mái tóc phủ màu sương khói. Nghe giọng "đặc sệt" Quảng Ngãi, hai cụ quay sang chuyện trò khi gặp được đồng hương giữa chốn thị thành.
Gương mặt hai cụ bỗng đượm buồn khi húp muỗng don đất khách. Vẫn là con don sông nước quê nhà đấy nhưng hương vị lại khác xưa. Có lẽ chiều lòng thực khách phương Nam nên chủ quán cho thêm đường làm mất đi vị ngọt thanh chắt lọc từ loài thủy sinh cuối sông Trà. Những sợi hành tây xắt mỏng hăng nồng đã vô tình xua đi hương thơm của hành lá.
Món don Quảng Ngãi ẢNH: TRANG THY
Nhiều thực khách gọi thêm trứng vịt lộn bóc bỏ vỏ và cho vào tô ăn cùng don. Dẫu rằng, mỗi món ăn thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu nhưng sự lạm dụng sẽ làm nhạt phai hương vị ngày xa. Có lẽ điều đó làm cho hai cụ chợt buông tiếng thở dài trong tiếc nuối...
Cuộc chuyện trò giữa những người đồng hương đưa tôi về làng quê cuối sông Trà, nơi dòng nước trước khi hòa vào biển cả còn dâng cho đời những con don bé nhỏ ngọt lành.
Cư dân ven bờ chốn hạ nguồn dầm mình cào don nơi đáy sông rồi mang về ngâm trong nước để nhả hết bùn đất. Sau đó, rửa sạch cho vào luộc trong nồi nước đun sôi trên bếp. Dùng thanh tre vót láng khuấy mạnh và đều tay cho con don tách vỏ, đãi lấy phần thịt chừng bằng đầu đũa ăn cơm.
Nước luộc don sau khi loại bỏ vỏ cho vào nấu với thịt, nêm gia vị rồi múc sang hai chiếc ui đất (vò bằng đất). Hành lá xắt nhỏ, bánh tráng nướng chín cùng bánh sống, tô, muỗng, đũa và ui đựng don cho vào quang gánh rong ruổi trên đường quê.
Khi nghe tiếng gọi, người phụ nữ bán don đặt quang gánh xuống đất với nụ cười tươi trên gương mặt sạm đen vì nắng gió. Bà bẻ bánh tráng sống và múc nước lẫn thịt chan vào tô, rắc ít hành lá xắt nhỏ lên trên là đã có món don đậm đà hương vị. Ruột don trắng ngà hòa cùng màu xanh của hành lá, màu trắng của bánh tráng như mời gọi.
Thực khách đón lấy tô don cùng bánh tráng nướng chín và miếng chanh cắt nhỏ, vài trái ớt kim với tâm trạng háo hức đợi chờ. Họ bẻ bánh tráng nướng chín, vắt nước cốt chanh, dằm ớt vào tô rồi đưa muỗng don chậm rãi vào miệng thưởng thức...
Hơn 25 năm trước, tôi rời quê lên thị xã (nay là thành phố Quảng Ngãi) trọ học. Sau giờ lên lớp, tôi cùng bạn bè lội bộ rong chơi khắp phố phường nơi vùng đất Cẩm Thành xưa. Ngày ấy, trên lề đường Lê Trung Đình có nhiều người bán don trong đêm đông se lạnh. Đấy là nơi khách bộ hành dừng chân sau những giờ lang thang dưới ánh đèn vàng ngắm nhìn phố xá để thưởng thức đặc sản xứ Quảng.
Chúng tôi thường ghé vào hàng bán don đối diện trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh với những bộ bàn ghế bằng nhựa đơn sơ bạc màu thời gian. Chị chủ quán nở nụ cười tươi đón khách rồi quay lại lúi húi bên bếp lửa. Lát sau, chị bưng tô don và bánh tráng đặt trên bàn trước những ánh mắt háo hức đợi chờ. Muỗng don vừa trôi vào thực quản, thực khách xuýt xoa vì ớt cay hòa cùng vị ngọt dịu được chắt lọc từ loài thủy sinh vùng hạ lưu sông Trà. Làn da rịn mồ hôi giữa đêm đông se lạnh, hơi ấm mùa xuân về theo vị ngọt lành của con don bé nhỏ.
Đậm đà món don sông Trà Nói đến ẩm thực Quảng Ngãi không thể không nhắc đến món don. Don là món ăn vô cùng đơn giản nhưng hương vị đặc trưng của nó khiến những người từng thưởng thức khó có thể quên. Don là loài nhuyễn thể sống ở vùng hạ lưu sông Trà, sông Vệ (tỉnh Quảng Ngãi), nhưng ngon nhất vẫn là con don sông...