Hồn hậu đặc sản Đồng Tháp
Tháp Mười đẹp và hồn hậu với những món đặc sản dân dã đã thành thương hiệu riêng.
1. Bánh phồng tôm Sa Giang
“Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm”. Chính từ tôm cá thiên nhiên ban tặng, người dân Sa Giang, Đồng Tháp đã chế biến ra loại phồng tôm ngon bậc nhất.
Cũng là bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ, cộng thêm vài thành phần nguyên liệu khác, nhưng phồng tôm Sa Giang – món ngon Đồng Tháp này vẫn cứ nổi bật và khiến người ta chú ý nếu đã thử qua một lần.
Nó không bị cứng, dai mà trở nên giòn, xốp. Cắn một miếng, thấy tan trong miệng với hương tôm thơm, béo ngậy và cay cay rất tuyệt vời. Bánh phồng tôm ăn không cũng ngon, ăn chơi cùng các món gỏi càng đậm vị.
Chẳng thế mà nó đã được quảng bá rộng rãi, có mặt khắp nơi và ngày nay còn trở thành một trong những mặt hàng thực phẩm xuất khẩu rất được ưa chuộng.
Chơi Đồng Tháp, không mấy ai không mang theo về làm quà cho người thân, bạn bè món bánh dễ chế biến, ngon lành và dễ ăn này.
2. Nem Lai Vung
Không phải là vùng duy nhất làm nem ở Đồng Tháp, nhưng Lai Vung tự tạo cho nó thành thương hiệu bởi duy trì được nghề nem truyền thống với những “bí kíp” riêng. Làng nghề này đã có trên 60 năm nay và ngày càng nổi tiếng.
Nem Lai Vung – món ngon Đồng Tháp làm từ thịt và bì heo như nhiều nơi khác. Cũng có các gia vị như tiêu, ớt, tỏi được bọc trong những lớp lá chuối xanh mướt, nhưng nem ở đây lại thơm ngon đặc biệt. Đến nỗi có câu ca dao cứ truyền đi như một niềm tự hào: “Lai Vung là xứ lạ lùng/ Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”.
Mỗi miếng nem là chắt chiu của bao nhiêu công sức người làm, qua các công đoạn phức tạp, nghiêm ngặt với tỉ lệ thịt, bì, gia vị riêng, đảm bảo cân đối, hài hòa. Vì thế, xưa kia, nem chỉ được làm khi nhà có tiệc, giỗ, lễ tết, cúng kiếng mà thôi.
Theo thời gian, nem Lai Vung theo chân người ra khỏi Đồng Tháp, đến với nhiều vùng đất và trở thành đặc sản mà ai khi đến đây cũng phải tìm mua để nếm, để làm quà, để lưu luyến vị chua chua, ngọt ngọt, cay nồng đặc trưng của nó.
3. Chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh
Video đang HOT
Nghe nói đến chuột, hẳn nhiều người, đặc biệt là các chị em le lưỡi lắc đầu. Nhưng vđến Cao Lãnh mà chưa ăn món này thì đúng phí cả chuyến đi. Bạn cứ nghĩ thịt chuột đồng, chuột cống nhum ở đây cũng như thịt ếch, thịt gà ở các nơi khác thôi, bởi nó cực kỳ nổi tiếng và phổ biến.
Chuột có nhiều cách chế biến khác nhau : chuột xào lăn, xé phay, chuột nướng, chuột xối mỡ, chiên rôti, luộc cơm mẻ, thịt chuột bằm nhỏ xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… Mỗi món là một hương vị khác nhau nhưng tựu chung là ngon khỏi nói. Người ta vẫn quen với câu: “Cần chi cá lóc cá trê, thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều” là vì thế.
Người ta hay nướng chuột tươi trên than hồng bằng cách ướp tỏi và rượu đơn giản. Sau đó, cứ thế cho lên bếp đều lửa, nướng đến khi chín vàng là được. Chuột nướng xong cho vào đĩa có lót sẵn rau răm, rau thơm, dọn ra chấm với nước mắm dằm xoài hoặc muối tiêu chanh.
Cầu kỳ hơn một chút là chuột quay lu. Chuột làm sạch, ướp với một hỗn hợp gồm hơn chục loại gia vị khác nhau rồi cho vào lu quay đến gần chín thì quết thêm mật ong phía ngoài. Khi chuột vàng dậy, phồng lên là được.
Thịt chuột nướng lu ngon ngọt, cực kỳ thơm. Món này hợp nhất với rau càng cua trộn giấm và cà chua, chấm nước mắm dằm xoài sống, nhâm nhi với rượu thuốc hoặc mật ong.
4. Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non
Cá lóc phương Nam có mặt ở khắp các ao, đầm, lạch… nhỏ nhỏ nhưng thịt chắc, thơm là nguyên liệu tuyệt vời sáng tạo ra nhiều món ngon của người dân bản địa. Món ăn chất chứa tinh hoa của miệt sông nước, đậm chất Đồng Tháp là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.
Cá lóc tươi vừa bắt lên được làm sạch qua rồi cứ thế nướng sao cho cá chín đều, không bị khét cháy. Cá nóng hổi, cho ra khỏi bếp rồi xẻ làm đôi, rắc lên ít hạt đậu phộng rang, rưới thêm chút mỡ hành. Cá ăn cùng lá sen non còn ngậm sương, cuốn chặt lại, tươi roi rói và nước mắm me.
Khi ăn, dùng lá sen để cuốn rau thơm, dưa leo, khế chua, giá đỗ, bún tươi cùng với cá lóc chấm cùng mắm me.
Giữa cảnh trời sông nước, cò bay, gió hát mà được thưởng thức vị ngọt ngon của thịt cá hòa cũng bùi bùi đậu phộng, beo béo mỡ hành, mướt mát rau thơm, và chua chua mặn mặn mắm me, cùng với mùi thơm mát lá sen quả như thời gian ngừng trôi. Chỉ một món ăn thôi, nhưng cứ như đang cảm nhận hết cả đất trời miệt vườn Nam Bộ vậy.
5. Hủ tiếu Sa Đéc
Ngoài làng hoa Sa Đéc – món ngon Đồng Tháp nổi tiếng, nơi đây còn có món hủ tiếu được lòng bao khách đến, đi. Hủ tiếu Sa Đéc có nước dùng ngọt thơm xương heo, bánh hủ tiến dai, trắng tươi, mềm mịn.
Không chỉ có thịt heo, đầu bếp còn cho vào tô hủ tiếu thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan, phèo… được làm kỹ, nóng hổi, ngon lành. Phía trên cùng là hành lá xắt nhuyễn với mấy cọng ngò xanh non. Đặc biệt, tô nào cũng có “tăng xại” – cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa.
Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò cháo quẩy, rau sống gồm giá, hẹ, cần tây và xà lách. Ngoài ra, còn có xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, khách trộn tất những thành phần ấy lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ thấy hủ tiếu Sa Đéc quả thật đáng đồng tiền bát gạo.
6. Khô cá lóc
Khác với món cá lóc nướng trui, cá lóc làm khô phải là những con to. Sau khi làm sạch, cá lóc được xẻ thịt, bỏ đầu, bỏ xương, ướp các loại gia vị: muối, ớt, bột ngọt… rồi đem phơi. Kỹ thuật phơi như thế nào thì người làm giữ riêng cho mình bí quyết.
Do vậy, khô cá lóc rất nhiều nơi có nhưng không phải chỗ nào cũng ngon được như ở Đồng Tháp.
Khô cá thường dùng để ăn dần. Dù để lâu nhưng hương vị thơm ngon thì không đổi. Người ta có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nào chiên, nào nướng, thậm chí còn làm nên các loại gỏi như gỏi xoài, gỏi lá sầu đau… Cá lóc khô ăn cùng nước mắm me dằm ớt hay mắm xoài rất đưa cơm.
Món ăn dung dị thế thôi nhưng khiến người đi xa nhớ mãi, người mới ăn sẽ thèm khi nghĩ đến.
Ngoài ra, Đồng Tháp còn rất nhiều đặc sản khác chờ du khách đến và tự khám phá, đó là rượu sen, quýt hồng Lai Vung, quýt đường Hòa An, xoài Cao Lãnh, bánh xèo…
Theo Tapchiamthuc
[Chế biến] - Xách bò nấu ráo
Món ăn dân dã của người dân xứ Quảng Nam vừa hợp túi tiền mà nguyên liệu lại có sẵn, rất thích hợp để trổ tài chiêu đãi gia đình.
Nguyên liệu:
- 400g lá xách bò
- 1 thìa nhỏ ngũ vị hương
- 2 cây sả
- Lạc
- Muối, đường, nước mắm, ớt quả, hành lá, tiêu xanh
- Rượu trắng, gừng dùng để rửa lá xách bò.
Cách làm:
Bước 1: - Xách bò rửa sạch, dùng muối chà khắp miếng lá xách, để khoảng 10 phút, rửa lại với nước lạnh. - Cho xách bò vào âu thêm rượu trắng, gừng, ngâm khoảng 10 phút để khử sạch mùi sau đó rửa lại cho thật sạch, để ráo.
Bước 2: - Lạc luộc chín, bóc bỏ vỏ cứng bên ngoài, giữ lại vỏ lụa. Nếu dùng lạc khô bạn phải ngâm lạc qua đêm rồi luộc lạc đến khi chín mềm. - Sả cây rửa sạch, tước bỏ bớt vỏ khô, cắt khúc ngắn.
Bước 3: - Tiêu xanh rửa sạch, đập dập. - Xách bò để ráo, cắt miếng vừa ăn, ướp vào bát sách bò tiêu xanh, ngũ vị hương, tỏi đập dập, một thìa nhỏ nước mắm, một thìa nhỏ đường, trộn đều, ướp khoảng 30 phút.
Bước 4: - Đun nóng một ít dầu ăn, phi tỏi thơm, cho xách bò vào xào săn lại, xào khoảng 5 phút thì cho tiếp sả, lạc luộc vào đun cùng. Đun sôi, đậy kín nắp nồi. Khi đun nếu cạn nước bạn có thể châm vào một ít nước sôi nóng.
Bước 5: - Trong quá trình đun thỉnh thoảng mở nắp nồi ra, nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn tiếp tục đun đến khi phần xách bò mềm như ý, phần nước kho cạn bớt thì tắt bếp, múc ra đĩa dùng nóng với cơm trắng.
Chúc các bạn ngon miệng!
Theo MNMN
Lịch củ dân dã mà ngon khó cưỡng Chỉ cần nhắc đến lịch củ là người từng ăn tứa nước miếng vì lịch xào sả ớt thơm ngon, còn khô lịch đậm đà hương vị. Khô lịch nướng cứ "rệu rã" trong miệng gây phấn khích cho người ăn Nước ta có biển rộng, sông dài và lắm ao hồ nên lượng thủy sản khá phong phú và là nguồn thực...