Hơn 34 nghìn tỷ đồng để đổi mới SGK: Bộ GD&ĐT “bảo vệ thử”
Ông Đỗ Ngọc Thống cho biết con số 34.275 tỷ đồng chỉ là con số khái toán ban đầu và gồm nhiều đầu việc chứ không phải riêng đổi mới chương trình và SGK.
34.275 tỷ đồng là con số mà Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều ngày 14/4 để thực hiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Ngay lập tức, Đề án này nhận được nhiều sự phản ứng của các đại biểu Quốc hội và bất ngờ của dư luận cho rằng thiếu tính khả thi với con số quá lớn để xây dựng chương trình và bộ sách giáo khoa.
Trả lời báo chí ngày 15/04, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD&ĐT), thường trực ban soạn thảo Đề án khẳng định rằng con số đó chỉ là “khái toán”, tạm hình dung ra và số tiền đó không chỉ để dành làm chương trình, sách giáo khoa mà còn 7-8 đầu việc khác như bồi dưỡng cho hàng triệu giáo viên hàng chục năm trời của hơn 35 nghìn trường!
“Đây chỉ là con số khái toán, tạm hình dung, là lần “bảo vệ thử” để lắng nghe ý kiến, sau này sẽ “bảo vệ thật” tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5. Đề án còn phải trải qua nhiều công đoạn thẩm tra, thẩm định của Bộ Tài chính, Quốc hội…
Mọi người đang “hiểu nhầm” tên Đề án. Chương trình và SGK chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng, còn lại cho 7- 8 mục khác mà tôi không nhớ”, ông Đỗ Ngọc Thống trình bày.
Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD&ĐT) giải trình về con số 34.275 tỷ đồng cho Đề án đổi mới.
Video đang HOT
Năm 2013, Đề án này cũng đã từng gây “sốc” trong dư luận bởi con số 70 nghìn tỷ đồng được Bộ GD&ĐT đưa ra. Và năm nay, Bộ GD&ĐT đã tách Đề án xây dựng cơ sở vật chất và đưa ra mức dự đoán chi phí Đề án soạn thảo chương trình, SGK giảm xuống 34.275 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia giáo dục sửng sốt cho rằng tại sao phải tốn quá nhiều tiền để xây dựng một bộ sách giáo khoa, đổi mới chương trình và đặt câu hỏi vậy Đề án này có gì đột phá hơn so với hiện hành?
Trả lời về thắc mắc lớn này, ông Đỗ Ngọc Thống tiếp tục trình bày: “Cốt lõi của đổi mới lần này là thay đổi cách dạy và học hiện nay, thay vì đọc – chép như cũ sẽ phải tăng thời gian thực hành và vận dụng kiến thức để tăng rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực của học sinh. Đổi mới giáo dục phổ thông sẽ theo hướng tích hợp và phân hóa. Vì vậy, đổi mới lần này sẽ không quá tốn kém về xây dựng cơ sở vật chất mà tăng cường ứng dụng của công nghệ thông tin”.
Xung quanh vụ “ nóng” hơn 34 nghìn tỷ đồng cho Đề án Đổi mới lần này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng nói Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu mọi ý kiến đóng góp từ xã hội, sẽ rà soát lại để đưa ra con số hợp lý, ngân sách được tiết kiệm nhất.
Và ngày 25/4 tới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ chính thức thẩm định đề án, nếu ổn thì sẽ được trình ra Quốc hội vào kỳ họp tháng 5.
Trước đó, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/4, trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: “Để thực hiện đề án này cần bao nhiêu tiền?”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nêu ra rằng dự kiến đề án cải cách giáo dục sẽ cần khoảng 34.725 tỷ đồng và chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được sử dụng ổn định đến năm 2030.
Đề án bao gồm việc thực hiện công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và gồm cả kinh phí tuyên truyền về đổi mới chương trình và sách giáo khoa và chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất,thiết bị ở những trường còn thiếu.
Theo VNE
Nóng chuyện 34.000 tỷ đồng và thi tốt nghiệp
Hôm qua, tại cuộc họp báo định kỳ quý I/2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức, các nhà báo tập trung chất vấn lãnh đạo Bộ này hai vấn đề nóng nhất hiện nay: hơn 34.000 tỷ đồng cho đổi mới Chương trình - Sách giáo khoa và những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Riêng đề tài "34.000 tỷ", có nhiều câu khó khiến Bộ GD&ĐT không thể trả lời...
Quang cảnh họp báo chiều 15/4 của Bộ GD&ĐT
34.275 tỷ đồng chi những gì, "thú thực tôi không nhớ"...
Theo ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Thường trực Ban soạn thảo Đề án Đổi mới Chương trình - SGK giáo dục THPT sau năm 2015 cho biết con số 34.275 tỷ đồng chỉ là một khái toán được đưa ra để tạm hình dung tính khả thi của đề án. Còn để đưa ra một dự toán chính thức, Bộ GD&ĐT phải qua quá trình thẩm định của Bộ Tài chính cũng như rất nhiều cơ quan.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo đề án xin tiếp thu, lắng nghe tất cả các ý kiến phản biện của các cơ quan, của báo đài, của các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện trong một đề án cụ thể, trong đó có phần đề xuất về kinh phí.
Khi một số báo hỏi về việc rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất đã được đầu tư phục vụ Chương trình - SGK phổ thông hiện hành mà Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2002 đến nay, ông Thống cho biết Bộ GD&ĐT đã làm trước khi xây dựng đề án.
Ông Thống nói: "Tinh thần đổi mới của lần này là sẽ tận dụng tất cả những trang thiết bị đã có, chỉ bổ sung những cái hết sức thiết thực, tăng cường thí nghiệm ảo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tránh việc đầu tư quá nhiều.
Lần đổi mới này, cái quan trọng nhất không phải là đổi mới nội dung mà là cách dạy và cách học. Muốn hình thành năng lực cho học sinh thì phải đổi mới hình thức tổ chức dạy học là chính, do vậy số đầu tư cho trang thiết bị sẽ không nhiều như lần trước".
Tuy nhiên, ông Thống cũng không trả lời số tiền mà nhà nước đã đầu tư cho trang thiết bị, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình - SGK hiện hành là bao nhiêu.
Trước việc có nhiều phóng viên nhắc lại câu hỏi 34.275 tỷ bao gồm chi những đầu mục gì, ông Thống buộc phải trả lời: "Hôm qua Thứ trưởng Hiển đã nêu lên bảy, tám đầu việc, thú thực là tôi không nhớ vì phần này tôi không phụ trách. Nhưng trong những đầu việc này không chỉ có mỗi việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK mà còn có đào tạo, bồi dưỡng lại hàng triệu giáo viên đang đứng lớp của 35 nghìn nhà trường trên cả nước trong hàng chục năm trời".
Theo ông Thống tên đề án làm cho dư luận hiểu nhầm là chỉ có mỗi việc xây dựng chương trình biên soạn SGK.
Thi tốt nghiệp: Thay đổi nhưng không gây sốc
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT, việc xét tốt nghiệp căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 kết hợp với điểm thi là cách mà nhiều nước có nền giáo dục phát triển áp dụng, năm nay sẽ bắt đầu được triển khai ở nước ta.
Trước nghi ngại của dư luận là 100% học sinh sẽ đỗ tốt nghiệp, ông Trinh cho rằng các Sở GD&ĐT đã chủ động triển khai quản lý điểm bằng phần mềm, theo đó việc sửa điểm là rất khó.
Mặt khác, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý những sai phạm. Hơn nữa, về lâu dài Bộ phải dùng giải pháp khơi dậy tinh thần - ý thức tôn trọng nghề nghiệp của nhà giáo và tính tự giác của người học, tạo môi trường giáo dục mà ở đó là thực dạy thực học, dạy tốt quản lý tốt.
Ông Trinh còn cho biết, những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn xoay quanh một cái trục nguyên tắc là tạo những thuận lợi cho học sinh, không làm sốc học trò.
"Việc đổi mới của chúng ta sẽ diễn ra theo lộ trình, từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao. Bộ chủ trương đổi mới nhưng không làm khó học sinh, ra đề vừa sức học sinh nên chỉ yêu cầu các em viết và làm trắc nghiệm", ông Trinh nói.
Theo Tienphong
Liệu có khả thi? Liên quan đến vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các thành viên...