‘Hôm nay, tôi đi học’ và những đổi thay ngoạn mục
Một năm học nữa đã bắt đầu, năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục nước nhà khi không ít địa phương bắt đầu năm học mới không bằng lễ khai giảng truyền thống.
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”…
Đây là đoạn văn trong truyện ngắn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh, thường được nhớ đến dịp khai giảng 5/9 hàng năm, khi những cô cậu học trò ngập ngừng chia tay mùa hè, chia tay người thân, đến trường và bước vào năm học mới.
Thế nhưng năm nay, lần đầu tiên, và với một số địa phương như Đà Nẵng là lần thứ hai, ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9 vắng bóng học sinh nơi sân trường, lớp học.
Nhiều tỉnh thành đã quyết định không tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Lễ khai giảng được lùi lại tới ngày12/9 như ở Đồng Nai, Hậu Giang; ngày 13 và 20/9 như ở Bến Tre, Tây Ninh, Khánh Hòa; ngày 15/9 như ở Bình Dương; 20/9 ở Đồng Tháp…
Nhiều địa phương sẽ tổ chức khai giảng chỉ tại một điểm rồi truyền hình trực tiếp, nhưng cũng có những địa phương chỉ khai giảng bằng hình thức trực tuyến.
Một số địa phương thậm chí không tổ chức khai giảng mà bắt đầu năm học mới luôn như TP.HCM, Bạc Liêu, Quảng Bình, Quảng Trị…
Thay vào tất cả những mừng vui khi gặp mặt sau một mùa hè xa cách, những nghi thức lễ và hội như truyền thống hàng năm, sẽ là những buổi chào cờ, điểm danh, học bài qua màn hình máy tính, điện thoại hoặc qua truyền hình.
Thay đổi ngoạn mục
Nhưng dù khai giảng hay không, thì khi dịch Covid-19 vẫn đang rất phức tạp, tại tất cả các địa phương, việc học trực tuyến, học trên truyền hình là giải pháp đã được tính đến cho năm học này.
Từ đầu tháng 8, sôi nổi trên rất nhiều diễn đàn, hội nhóm của giáo viên là những câu hỏi về dạy online như thế nào cho hiệu quả, hấp dẫn? Ứng dụng nào giúp học sinh ghi chép được luôn trên file? Cách chấm và chữa bài, nhận xét như thế nào là phù hợp?, thiết kế bài giảng sao cho đẹp mắt, chào đón học sinh trên màn hình trực tuyến thế nào vào ngày khai giảng?…
Những câu hỏi này, từ hai năm trước không nhiều thầy cô nghĩ tới, khi chỉ coi học online là giải pháp tình thế dù ứng dụng công nghệ thông tin đã được nhắc tới từ lâu.
Có người đã ví von điều này như một cuộc thay đổi ngoạn mục, học online không thể khiến nhiều người ngồi yên được nữa. Để có bài giảng tốt nhất cho học trò, giáo viên buộc phải làm mới mình. Và không chỉ ở các thành phố lớn, nơi được coi là đủ đầy hơn về trang thiết bị, hạ tầng mạng… , sự hứng khởi với một hình thức dạy học mới đã lôi cuốn cả những thầy cô ở nhiều miền quê.
Nhiều giáo viên phấn khởi khoe thành quả trên mạng xã hội, hóa ra khi phải tạm rời phấn trắng, bảng đen, nếu chịu khó mày mò, họ hoàn toàn có thể tạo nên những tiết học sinh động bởi bài giảng được tích hợp rất nhiều nội dung, tính năng. Tài nguyên giảng dạy thì vô cùng phong phú, đa dạng, dễ chia sẻ.
“Trước đây, có lẽ nhiều giáo viên tự bó buộc mình trong việc dạy online theo kiểu thầy và trò “họp mặt” thông qua Internet, chỉ thấy chán nản mệt mỏi vì mạng bị “chập chờn”, vì học trò thiếu tập trung, tiếng ồn từ môi trường xung quanh học sinh…” – thầy Duy Khánh, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Du (Sông Hinh, Phú Yên) nhận định.
Với thầy Khánh, bí kíp để hóa giải những vướng mắc của giờ học online rất đơn giản: Gửi tài liệu cho học trò, hướng dẫn và khuyến khích học trò tìm đọc thêm tài liệu trên mạng xã hội trước giờ học, những bài giảng được thiết kế gọn gàng, hình ảnh sinh động, thậm chí lồng thêm những bản nhạc hay,… Vậy là thầy và trò bước vào lớp học online với tâm thế vui vẻ, thậm chí chỉ cần 15 – 20 phút để giải đáp thắc mắc.
“Trao quyền” cho học sinh
Trước ngày khai giảng, những bức ảnh (cả mới và cũ) học sinh ngáp ngắn ngáp dài, ngủ gật trước màn hình máy tính hay khi ôm điện thoại được chia sẻ nhiều trên mạng, để cười vui cũng có mà e ngại về việc học online cũng có.
Mặc dù vậy, xu thế của việc học trực tuyến đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến việc gây dựng cho trẻ ý thức và kỹ năng tự học, đặc biệt với học sinh phổ thông.
Cố Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam là một tấm gương tự học thành tài. Ông từng chia sẻ rằng một trong những thành công mà ông tâm đắc nhất trong “phương pháp sư phạm” và “khoa học sư phạm” của mình chính là biết khơi gợi cho học sinh tính tò mò khoa học, tính chủ động tìm học, qua đó mà rèn luyện tư duy ngày càng thêm sắc sảo…
Trong giai đoạn này, nếu người giáo viên biết cách “trao quyền” khai thác tài liệu học tập cho học sinh, họ sẽ làm được điều mà GS Nguyễn Cảnh Toàn tâm đắc: khơi gợi cho học sinh tính tò mò khoa học, tính chủ động tìm học…
Học sinh lớp 1 ở Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2020 – 2021. Ảnh minh họa: Thúy Nga
“Xa mặt mà không cách lòng”
Đã trải qua hai năm học trong “vòng vây” của Covid-19, cùng con nếm trải ít nhiều phương thức học tập này, nên không ít phụ huynh lo con mình học trực tuyến không tập trung, lo bận đi làm không có thời gian kèm cặp nên việc học không hiệu quả. Có phụ huynh lo lắng về thể chất khi con sẽ ngồi hàng giờ trước máy tính, sẽ gù lưng, cận thị. Hay nhiều phụ huynh lo con sẽ “nhân tiện” có điện thoại và máy tính mà truy cập vào những trang web không lành mạnh. Nhiều gia đình khó có thể trang bị cho con mình một thiết bị tốt, hay thậm chí còn không đủ cả tiền mua một chiếc điện thoại cũ, để theo học trực tuyến.
Biết bao giáo viên cũng bắt đầu năm học giữa bộn bề, vừa lo toan cuộc sống, vừa chung sức chống dịch, vừa tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới…
Dù vậy, học sinh không thể chờ hết Covid-19 mới trở lại với việc học. Trước thực tế đại dịch Covid-19 có mặt ở hầu hết các tỉnh thành, cả nước phải căng mình chống dịch, các công việc cần phải làm trước mắt của ngành giáo dục thật nặng nề, đầy khó khăn, rất cần sự chung tay đoàn kết, sẻ chia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội cũng như của mỗi gia đình.
Hà Nội và TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng đều đã đưa ra phương án miễn giảm học phí cho học sinh các cấp, cả công lập và ngoài công lập. Nhiều trường học ở các địa phương đã lên phương án hỗ trợ những học sinh không có thiết bị học trực tuyến… Với học sinh không thể có thiết bị để học online, ngành giáo dục đang dồn sức xây dựng các bài giảng trên truyền hình, hoặc đến tận nhà gửi phiếu, hướng dẫn học sinh học tập, có kế hoạch kèm cặp riêng và bồi dưỡng kiến thức cho học trò sau khi trở lại trường…
Và sau tất cả, khi chính thức bước vào năm học mới, thực trạng hiện nay sẽ đòi hỏi tâm trí, thời gian, công sức mà các thầy cô dành cho mỗi giờ giảng, cho mỗi học trò nhiều hơn nữa.
Dịch Covid-19 đã thay đổi vĩnh viễn rất nhiều khía cạnh trong đời sống của chúng ta. Nó tạo ra sự xa cách về vật lý. Nhưng “xa mặt mà không cách lòng” – hãy để internet đưa chúng ta đến gần nhau hơn thường lệ, để sự thấu hiểu, khoảng cách giữa thầy – trò, gia đình – nhà trường gần nhau hơn nữa.
Với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, tin rằng khó khăn chỉ là thử thách mà mỗi thầy cô đều sẽ vượt qua, sẽ là động lực để cố gắng và khẳng định giá trị của người thầy.
Hà Nội sẵn sàng cho ngày khai giảng online
Ngày mai (5/9), Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, là ngày khai giảng năm học mới của học sinh các cấp.
Tại Hà Nội, lễ khai giảng năm nay có điểm đặc biệt bởi được tổ chức theo hình thức online để phòng chống dịch COVID-19.
Đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch
Do những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương tổ chức khai giảng theo hình thức online, trong đó có TP Hà Nội.
Tại Hà Nội, lễ khai giảng sẽ được tổ chức tại trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm vào sáng 5/9 và được truyền hình trực tiếp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn sẽ tham dự buổi lễ khai giảng này.
UBND TP Hà Nội yêu cầu ngày khai giảng được tổ chức bảo đảm trang trọng, ngắn gọn, phù hợp với lứa tuổi học sinh; bảo đảm an toàn, tránh phô trương, hình thức; tạo không khí vui tươi, phấn khởi; bảo đảm các điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo kế hoạch, tại lễ khai giảng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới; Chủ tịch UBND thành phố đánh trống khai giảng năm học mới và nhiều hoạt động khác. Các cơ sở giáo dục theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp lễ khai giảng của thành phố và tổ chức sinh hoạt đầu khóa theo hình thức trực tuyến theo đúng các văn bản chỉ đạo của thành phố và Sở GD&ĐT. Đến thời điểm này, nhiều trường học trên địa bàn đã sẵn sàng với buổi lễ khai giảng online này.
Các khâu chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng của Trường THCS Trưng Vương đã sẵn sàng. Ảnh: TT
Theo lãnh đạo trường THCS Trưng Vương, đến ngày 4/9, mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo cho lễ khai giảng đặc biệt này. Các đại biểu đến dự là người không có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh COVID-19, thực hiện khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại buổi tổng duyệt ngày 4/9, và được bố trí chỗ ngồi bảo đảm giãn cách. Khu vực Trường THCS Trưng Vương được thực hiện phun khử khuẩn và chuẩn bị tốt các điều kiện phòng chống dịch.
Khuyến khích sản phẩm media từ học sinh
Khai giảng online là một hình thức rất mới mẻ với nhiều nhà trường. Nhưng bằng cách này, cách khác ở một số nơi, việc khai giảng đã ý nghĩa hơn khi nhà trường để học sinh được tham gia sáng tạo những clip về ngày khai giảng.
Cô Trịnh Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Buổi lễ khai giảng của Trường THCS Chu Văn An có sự chung tay của đội ngũ nhà trường, học sinh cũng như cha mẹ các em. Những clip do chính tay học sinh thực hiện sẽ được trình chiếu trong buổi lễ khai giảng ngày mai. Buổi lễ khai giảng sẽ được tiếp sóng trực tiếp của Đài Truyền hình Hà Nội; Diễn văn khai giảng và đánh trống khai giảng của thầy Hiệu trưởng. Và một phần rất đặc biệt là clip giới thiệu về lễ khai giảng xưa và nay cùng clip chia sẻ tâm sự của giáo viên, cha mẹ học sinh và trường về lễ khai giảng online đặc biệt này".
Clip về chuẩn bị buổi lễ khai giảng của Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội):
Tại Trường Nguyễn Siêu (Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phát động một phong trào thiết kế background (phông nền) cho lễ khai giảng sắp tới. Phong trào đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh cũng như giáo viên nhà trường. Nhiều lớp học đã lên những thiết kế rất độc đáo mang "màu cờ sắc áo" của lớp mình.
Song song với việc chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng, một số trường cũng chia sẻ những khó khăn với những học sinh không có điều kiện mua phương tiện (máy tính, điện thoại thông minh) phục vụ việc học trực tuyến.
Cô Trịnh Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng THCS Chu Văn An cũng cho biết, để chuẩn bị cho việc học online, Trường THCS Chu Văn An đã rà soát được những học sinh gặp khó khăn không có máy để tặng 15 máy cho những học sinh đó. Nhà trường sẽ chuyển đến tận chốt kiểm soát gần nơi ở của các em vào ngày khai giảng này.
Còn ngành giáo dục các địa phương như Ba Vì, Mỹ Đức (Hà Nội) cũng đã phát động phong trào ủng hộ trong phụ huynh học sinh và huy động từ nguồn xã hội hoá để trang bị cho học sinh có thiết bị để học trực tuyến.
Hà Nam triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch Ngày 31/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam yêu cầu các đơn vị, trường học trong tỉnh điều chỉnh kế hoạch tổ chức khai giảng và thời gian tựu trường năm học 2021-2022. (Ảnh minh họa) Tại Hội nghị, Giám đốc Sở...