Hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn
Sáng nay 11.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lần đầu tiên sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Là Bộ trưởng lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ trả lời các vấn đề liên quan đến việc bảo đảm chất lượng dạy và học, đổi mới căn bản GD-ĐT, công tác dạy và học trực tuyến, giảm tải chương trình, bảo đảm công bằng trong dạy học, an toàn y tế trường học, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia…
Tuy nhiên, chưa chờ đến phiên trả lời chính thức của người đứng đầu ngành GD-ĐT, trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế – xã hội trong những ngày qua, một số vấn đề liên quan đến GD-ĐT đã được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận và đề nghị Bộ GD-ĐT phải có giải pháp quyết liệt, kịp thời hơn.
Nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học sinh nếu dạy học trực tuyến kéo dài – PHHS
Quản lý giáo dục có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng dù giáo viên và học sinh cả nước đã và đang vượt mọi khó khăn, tích cực thực hiện kế hoạch năm học trong hoàn cảnh đại dịch nhưng về phía các nhà quản lý giáo dục có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng.
Theo bà Thúy, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gần 2 năm nay, nhưng Bộ GD-ĐT dường như chưa có những động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch. Cụ thể, khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 của Bộ vẫn hệt như mọi năm, không có một dòng nào đề cập đến các biện pháp ứng phó với dịch để bảo đảm triển khai thực hiện được linh hoạt, hiệu quả và an toàn. Mãi gần đây, việc tinh giản nội dung dạy học mới được tiến hành.
Trong gần 2 năm qua, Bộ cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện dạy học trực tuyến ở các địa phương, chưa có biện pháp vận động, hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng và những đối tượng gặp khó khăn. “Đây là những hạn chế cần được rút kinh nghiệm ngay và khắc phục sớm”, bà Thúy đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cũng cho rằng hệ quả của đại dịch Covid để lại rất nặng nề, trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần cho giáo viên và học sinh và có một bộ phận học sinh là con em của các gia đình nghèo, những gia đình di cư có thể bị thất học. Đây là vấn đề cần phải được quan tâm trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) thì dù khẳng định việc dạy học trực tuyến là giải pháp bắt buộc phải thực hiện khi học sinh không thể tới trường dù không thể thay thế hình thức dạy học trực tiếp, nhưng cũng bày tỏ lo ngại việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy và người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài, học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè, giáo viên nảy sinh áp lực tâm lý khi một tiết dạy trăm mắt nhìn, khán, thính giả của giáo viên trong giờ học trực tuyến giờ đây không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh học sinh, dư luận và cả mạng xã hội.
“Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, tổ chức nhiều chương trình đối thoại, trao đổi giữa cấp quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh để chia sẻ và cởi bỏ áp lực tâm lý của các bên khi học trực tuyến kéo dài”, đại biểu Hà đề nghị.
Video đang HOT
Thí sinh đạt điểm gần tuyệt đối vẫn trượt ĐH là vấn đề cần xem xét về cách thức thi THPT tuyển sinh ĐH – ĐẬU TIẾN ĐẠT
Điểm gần tuyệt đối vẫn trượt ĐH: cần xem lại kỳ thi quốc gia
Việc tổ chức kỳ thi quốc gia cũng là một trong những nội dung mà nhiều đại biểu quan tâm khi thảo luận về vấn đề liên quan tới giáo dục.
Trước đó, như Báo Thanh Niên đãphản ánh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH từ năm học này; tổ chức kỳ thi theo phương án của giai đoạn 2022 – 2025. Tuy nhiên, sau đó Bộ GD-ĐT lại rút lại việc thay đổi kỳ thi từ năm 2022 và giữ phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 theo hướng ổn định phương thức tổ chức thi/tuyển sinh như các năm 2020, 2021.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cho rằng: “Trong kỳ tuyển sinh ĐH vừa qua, điểm chuẩn đầu vào của nhiều trường ĐH tăng mạnh và việc nhiều thí sinh điểm gần như tuyệt đối vẫn trượt ĐH là vấn đề cần được xem xét”.
“Câu chuyện điểm cao, điểm gần như tuyệt đối vẫn không đỗ nguyện vọng 1 hoặc trượt Đại học không phải là câu chuyện mới nhưng nếu tiếp tục phát triển thì liệu các trường ĐH có “bỏ sót” tài năng thực sự, và liệu học sinh còn thực sự tin tưởng vào năng lực bản thân?”, bà Hà nêu vấn đề, và đề Bộ GD-ĐT nghiên cứu lại phương thức xét tuyển ĐH, tìm giải pháp mở cánh cửa cho những học sinh điểm cao có thể vào được đúng trường ĐH mơ ước cũng như giải bài toán hướng nghiệp để đặt mục tiêu khuyến học và lựa chọn nhân tài lên cao nhất.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn tham khảo ý kiến rộng rãi các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, giáo viên và học sinh để xây dựng Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2023 – 2025 phù hợp với tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều năm, đảm bảo thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Đối với công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, báo cáo của người đứng đầu ngành GD-ĐT nêu: “Tinh thần là cơ sở giáo dục ĐH tự chủ và chịu trách nhiệm về tuyển sinh theo quy định của luật Giáo dục đại học, bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh, có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến; bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục khẳng định thực hiện truyền thông sâu rộng và xúc tiến chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và các phần mềm chuyên dụng, để thực hiện tốt công tác thi/tuyển sinh năm 2022 và giai đoạn 2023 – 2025.
Lo ngại về biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa mới
Liên quan đến việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu chia sẻ với ngành giáo dục về những khó khăn lớn mà đại dịch gây ra khi vừa bắt đầu thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, bà Thúy nhận xét: “Bộ GD-ĐT, lãnh đạo chính quyền và ngành giáo dục ở không ít địa phương chưa quán triệt đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội và luật Giáo dục về sách giáo khoa.
Đại biểu Quốc hội nói có nhiều bất cập trong việc lựa chọn sách giáo khoa mới – NGỌC THẮNG
Bà Thúy chỉ ra nhiều bất cập trong việc lựa chọn sách giáo khoa, nhiều cơ sở giáo dục đã phải lên tiếng phàn nàn về hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm đến ý kiến của cơ sở. Nếu việc lựa chọn sử dụng sách tiếp tục diễn ra như vậy thì chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa sẽ khó được triển khai, dẫn tới nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền mặt hàng này như trước kia.
“Trước kỳ họp, tôi cũng nhận được đơn kiến nghị tố cáo kèm theo tài liệu có liên quan. Tôi sẽ chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền”, bà Thúy cho hay.
'Sóng và máy tính cho em': Tiền đã có nhưng chưa mua được máy
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc mua sắm máy tính tặng học sinh từ nguồn huy động ở địa phương gặp khó khăn vì công tác tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian, nguồn hàng hạn chế.
Gần 2 triệu học sinh cần hỗ trợ thiết bị học trực tuyến
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi Quốc hội cho biết, đến nay Bộ đã nhận được đề xuất nhu cầu hỗ trợ máy tính của 56/63 tỉnh, thành phố; số học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ là hơn 2,16 triệu em, gồm: hộ nghèo 553.531 học sinh; cận nghèo 457.108 học sinh; đối tượng khó khăn khác hơn 1,151 triệu học sinh.
Nhiều trường ở Hà Nội đã chủ động huy động các nguồn hỗ trợ khác nhau để mua máy tính tặng học sinh khó khăn từ đầu năm học - TRƯỜNG THCS CHU VĂN AN (HÀ NỘI)
Trong đó, tại các tỉnh, thành phố đang triển khai dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid -19, số học sinh cần được hỗ trợ là hơn 1,8 triệu học sinh (bao gồm 298.343 học sinh thuộc hộ nghèo, 276.401 học sinh thuộc hộ cận nghèo, 1.500 học sinh có cha, mẹ tử vong vì Covid-19 và 1.248.408 học sinh thuộc đối tượng khó khăn khác).
Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và học qua truyền hình, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ TT-TT triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tính đến ngày 30.10, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ hơn 1 triệu máy tính.
Dự kiến đầu tháng 11, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ chính thức bàn giao 10.000 máy tính đầu tiên trong tổng số 37.000 máy VNPT cam kết tài trợ. Số máy này đã được Bộ GD-ĐT lên phương án phân bổ cho 4 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cụ thể: Sóc Trăng 2.637 máy, Hậu Giang 2.187 máy, Vĩnh Long 2.489 máy, Long An 2.687 máy. Các nhà tài trợ khác cam kết sẽ bàn giao máy tính cho Bộ GD-ĐT vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Ngoài ra, tính đến ngày 25.10, ngành giáo dục đã huy động được 142,43 tỉ đồng, 28.477 máy tính bảng, 28.545 điện thoại thông minh và 79.425 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác.
Ngành giáo dục vẫn đang tiếp tục huy động thiết bị học trực tuyến để hỗ trợ cho các địa phương.
Mua sắm máy tính từ nguồn kinh phí huy động đang gặp khó
Theo Bộ GD-ĐT, số lượng máy tính đã huy động được mới chỉ đáp ứng 46,1% tổng nhu cầu cần hỗ trợ của học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Học sinh nghèo ở H.Ba Vì (Hà Nội) được Trường THCS Giảng Võ (Q.Ba Đình) tặng máy tính trong ngày khai giảng năm học mới - PGD BA VÌ
Dù việc dạy học đã qua hơn nửa học kỳ đầu của năm học nhưng thời điểm này, Bộ GD-ĐT mới đang xây dựng hướng dẫn các địa phương tổ chức mua sắm bằng nguồn kinh phí huy động được tại địa phương, bàn giao cho các cơ sở giáo dục để trao cho học sinh; đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị đã cam kết tài trợ để tổ chức tiếp nhận, bàn giao máy tính cho học sinh trong thời gian sớm nhất.
Bộ GD-ĐT lý giải: "Việc mua sắm máy tính từ nguồn huy động ở địa phương gặp khó khăn vì công tác tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian, nguồn hàng hạn chế. Do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng linh kiện điện tử và nhu cầu số lượng lớn máy tính cùng một thời điểm nên năng lực sản xuất của các hãng không thể đáp ứng ngay cùng một lúc, do đó, cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp".
Bộ GD-ĐT đề nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để khắc phục khó khăn về hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật dạy học trực tuyến, tạo điều kiện để học sinh cấp tiểu học, học sinh vùng nông thôn, miền núi, hải đảo được tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ phối hợp với Bộ TT-TT tiếp tục kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia ủng hộ Chương trình "Sóng và máy tính cho em", phấn đấu tất cả các học sinh, sinh viên không có điều kiện mua sắm máy tính sẽ được hỗ trợ trang thiết bị để học tập trực tuyến.
Tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ đẩy nhanh việc làm thủ tục tiếp nhận, lên phương án điều phối máy tính cho các địa phương còn thiếu, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức xây dựng các bài giảng trực tuyến, bài giảng trên truyền hình, nhất là các bài giảng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, để cung cấp cho các nhà trường tổ chức dạy học cho học sinh.
Bộ GD-ĐT: Trẻ mầm non có nguy cơ chậm phát triển do không được đến trường Bộ GD-ĐT bày tỏ lo ngại trẻ em giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển do không được đến trường; một bộ phận không nhỏ giáo viên mầm non tư thục bỏ việc khi không có lương. Nhiều giáo viên mầm non ngoài công lập không có lương Báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn...