Hội thảo quốc tế về Nâng cao chất lượng thực tiễn giáo dục đại học
Nằm trong khuôn khổ Quỹ Hỗ trợ Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh – Việt Nam do Hội đồng Anh tài trợ, vừa qua, tại TP.HCM Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã phối hợp với Đại học Birmingham City ( Anh Quốc) tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng thực tiễn giáo dục đại học: Kinh nghiệm sử dụng nghiên cứu định tính, sáng tạo trong các bối cảnh quốc tế”.
PGS.TS Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát biểu tại hội thảo
Hội thảo có 18 bài tham luận được các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục trình bày xoay quanh các vấn đề về các phương pháp sáng tạo trọng nghiên cứu sư phạm, giúp hỗ trợ giảng viên, giáo viên và người học trong các bối cảnh quốc tế hóa, từ đó đề xuất phương hướng triển khai tại các tổ chức giáo dục ở Việt Nam.
Sau hội thảo, các chuyên gia sẽ xây dựng một diễn đàn nhằm giúp các nhà làm giáo dục có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như áp dụng những phương pháp sáng tạo trong nghiên cứu nhằm phát triển chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu.
Hội thảo còn là dịp tổng kết lại những thành quả đạt được từ dự án “Kết hợp giảng dạy và học tập: tái quan sát các đối tác giáo dục xuyên quốc gia, từ đó hình thành cộng đồng hợp tác trong thực hành và giảng dạy” được ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Birmingham City, ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM cùng thực hiện trong năm 2018 và 2019.
Hội thảo có 18 bài tham luận được các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục trình bày
PGS.TS Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: “Chủ đề năm học của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là Chất lượng cao – Việc làm tốt. Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo mang tính thực tế ứng dụng, đổi mới trong giáo dục đại học với mô hình Giáo dục 4.0 là ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả cho việc đào tạo, giúp hoạt động dạy và học diễn ra ở mọi nơi. Việc đổi mới phương pháp dạy nhằm giúp sinh viên sau khi ra trường đáp ứng ngay các yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng.
Video đang HOT
Với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh, nhà trường đã phối hợp với ĐH Birmingham City, ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm TP. HCM tổ chức hội thảo này còn để tìm hiểu các phương pháp nghiên cứu sáng tạo hỗ trợ học tập chuyên môn trong bối cảnh quốc tế, từ đó đề xuất phương hướng triển khai tại Việt Nam.”
Dự án hỗ trợ giáo dục đại học bắt đầu từ 2016 với chủ đề “Hỗ trợ nâng cao khả năng có việc làm cho sinh viên thông qua phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm” được thực hiện bởi ĐH Nguyễn Tất Thành và Đại học Birmingham City dưới sự tài trợ của Hội đồng Anh (British Council) đã đạt được nhiều kết quả to lớn.
Đến năm 2017 Hội đồng Anh quyết định tài trợ để mở rộng dự án “Số hóa và tái ngữ cảnh các phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trọng tâm nhằm nâng cao chuẩn đầu ra theo định hướng nghề nghiệp trong bối cảnh Việt Nam”, với sự tham gia của ĐH Birmingham City (Anh Quốc), ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Giáo dục Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM.
Năm 2018 – 2019, các trường tiếp tục được phê duyệt để thực hiện dự án “Kết hợp giảng dạy và học tập: tái quan sát các đối tác giáo dục xuyên quốc gia, từ đó hình thành cộng đồng hợp tác trong thực hành và giảng dạy”.
Tham gia hội thảo lần này, các khách mời còn có dịp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về tầm nhìn, định hướng và kinh nghiệm của các chuyên gia giúp cho những người làm công tác giáo dục, nghiên cứu khoa học, công tác giảng dạy tích lũy kinh nghiệm, tiếp thu cái nhìn mới mẻ, phát triển chuyên môn và có góc nhìn đa chiều về bức tranh giáo dục trong nước và thế giới.
Anh Tú
Theo GDTĐ
Xếp loại bằng đại học: Xu hướng phải đi cùng thực tế
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học.
Điểm đáng lưu ý, nội dung thi trên văn bằng không còn có các thông tin xếp loại hình thức đào tạo của người học. Điều này nhận được nhiều ý kiến góp ý của những nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục, nhà tuyển dụng.
Thông lệ quốc tế
Theo quy chế đào tạo hiện hành, thông tin xếp loại học lực của người học được ghi trên bằng như: Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá hoặc trung bình; Các hình thức đào tạo được ghi trên bằng như: "Chính quy", "Vừa làm vừa học", "Học từ xa", "Tự học có hướng dẫn".
Việc không ghi hình thức đào tạo, xếp loại bằng đại học không phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Lý giải của Bộ GD&ĐT, dự thảo thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác đã quy định phải ghi trên Phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học. Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới (trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư này, ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia). Do vậy, quy định như trong dự thảo "Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học" là phù hợp với nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước.
Lãnh đạo một số trường đại học cũng xác nhận việc không ghi loại hình đào tạo trên văn bằng là có ở một số nước tiên tiến trên thế giới.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Hiệu phó ĐH Bách Khoa Hà Nội nhận xét: Đảm bảo chất lượng của các hình thức đào tạo như nhau thì sẽ tiệm cận được với các nước.
PGS.TS Hoàng Văn Cường, Hiệu phó ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Về nguyên tắc đào tạo, sẽ có tiêu chuẩn chung chuẩn đầu ra. Nhưng thực tế thì không đạt được như vậy. Nếu bỏ không ghi loại hình đào tạo trên bằng thì về mặt cảm giác dễ cho rằng đánh đồng và xóa nhòa ranh giới giữa học giỏi và trung bình. "Nhưng nhìn nhận ở góc độ khác, nếu như chỉ đơn thuần xếp loại để đánh giá người này tốt hơn người khác thì chưa chính xác" - PGS TS Hoàng Văn Cường nói thêm.
Bất cập với thực tế
Thời gian qua Bộ GD&ĐT đã chỉ ra nhiều bất cập trong vấn đề đào tạo văn bằng hai, hệ tại chức, liên kết. Bộ GD&ĐT đã phải liên tục ra các văn bản nhằm siết chặt tình trạng vi phạm quy chế tuyển sinh của các trường, thậm chí không ít trường bị xử phạt, dừng tuyển sinh. Gần đây có thể kể đến vụ việc đào tạo chui văn bằng 2 của ĐH Đông Đô hay nâng điểm thi đầu vào của ĐH Điện lực...
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng, với thực tế đào tạo của Việt Nam thì cần cân nhắc khi đưa ra tiêu chuẩn chung. Ví dụ, ĐH Bách khoa Hà Nội cấp bằng chính quy và tại chức, văn bằng hai có giá trị như nhau nhưng khi kiểm tra thì rất ít người học hệ tại chức, văn bằng hai đạt được trình độ chính quy.
"Nếu bỏ hình thức đào tạo, thì khi ghi phân loại cần phải có quy định cụ thể về quá trình và kết quả quá trình đào tạo. Các nước rất quan trọng việc người học đạt được mức xếp loại nào trong số những người cùng học, đứng số bao nhiêu trong tổng thể", PGS.TS Hoàng Văn Cường cho biết.
PGS TS Hoàng Văn Cường lý giải: Đặt ra một quy định chuẩn là quan trọng nhưng không có nghĩa chuẩn phải như nhau. Vì thế cần phải có xếp loại. Hai yếu tố này phải đi cùng nhau và phải thực hiện song song. Nếu Bộ GD&ĐT bỏ thông tin ghi trên bằng thì phải quy định rõ thông tin trong hồ sơ, bảng điểm và hồ sơ trong quá trình đào tạo. Tóm lại, nếu có bằng thì nên kèm theo bảng điểm, có những cơ sở thậm chí ghi rõ điểm đạt bao nhiêu so với điểm trung bình lớp đó, đứng thứ mấy. Nếu quy định chi tiết thì hồ sơ đó là thông tin bổ ích, giúp cho người tuyển dụng lao động.
Từ phía nhà tuyển dụng, bà Vũ Thùy Dương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Amoris cho biết: "Bằng đại học là cầu nối giúp chúng tôi cân nhắc tuyển dụng. Các yếu tố như: Chuyên ngành đào tạo, phẩm chất tinh thần học hỏi, chuyên môn và kỹ năng sẽ được đưa ra xem xét. Về chuyên môn, kỹ năng, trong trường hợp đồng đều thì mới dựa vào xếp loại và bằng cấp".
"Bằng tại chức hay chính quy cũng chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng nhất khi xem xét tuyển dụng chính là thái độ và năng lực làm việc. Thực tế không phải 100% người đi làm tốt nghiệp chính quy tốt hơn tại chức nhưng đa phần vẫn có chất lượng tốt hơn", bà Vũ Thùy Dương cho hay.
Trước các luồng ý kiến, PGS TS Mai Văn Trinh, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Dự thảo thông tư đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến phù hợp để hoàn thiện thông tư có chất lượng và tính khả thi cao để đưa Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học vào thực tiễn, góp phần đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo Lê Vân/ Báo Tin tức
Trường ngoài công lập muốn bình đẳng với trường công lập Giáo dục ngoài công lập góp phần cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực chất lượng cao, thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng vai trò và vị thế của các trường ngoài công lập hiện nay vẫn chưa được nhìn nhận đánh giá đúng mực, vẫn còn sự bất bình đẳng giữa các trường ngoài công lập và trường công...