‘Hơi khác’ trong chọn sách giáo khoa lớp 1: Hai địa phương báo cáo gì?
Sau khi rà soát kết quả báo cáo chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho năm học mới 2020 – 2021, Bộ GD&ĐT nhận thấy có 2 tỉnh “hơi khác” với mặt bằng chung của cả nước là Long An, Khánh Hòa.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT đã nhận được kết quả chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của 63 tỉnh thành. Qua kiểm tra, rà soát, Bộ đánh giá tất cả cơ sở giáo dục tiểu học trên cả nước đều thực hiện theo tinh thần của thông tư 01 (Thông tư hướng dẫn chọn SGK).
Quy trình thực hiện các trường phối hợp với các nhà xuất bản giới thiệu về các bộ SGK lớp 1 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt; cung cấp đầy đủ các văn bản, thông tin, tài liệu có liên quan đến việc lựa chọn SGK, các bản mẫu của các bộ sách cho các cơ sở giáo dục nghiên cứu, tìm hiểu; tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi, đánh giá sự phù hợp của các bộ sách với đặc điểm kinh tế – xã hội và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương… thành lập hội đồng bộ môn nghiên cứu đánh giá SGK dựa trên tiêu chí của địa phương cũng như thông tin trên SGK như ngữ liệu đưa vào, nội dung phương ngữ…
Như vậy SGK khi đưa đến nhà trường để tổ chức nghiên cứu đã có đầy đủ thông tin. Trong đó có thông tin tiên quyết của Bộ GD&ĐT là chỉ được chọn SGK trong danh mục những sách đã được Bộ phê duyệt.
Thứ hai được địa phương quy định tiêu chí lựa chọn phù hợp trên địa bàn của mình. Các NXB có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan như giá sách cũng như các dữ liệu, học liệu bổ trợ cho người học. Theo ông Thái Văn Tài, dựa trên những thông tin này, các trường sẽ sinh hoạt tổ chuyên môn để lựa chọn SGK.
Người đứng đầu các cơ sở giáo dục có trách nhiệm công bố kết quả lựa chọn SGK sau khi hội đồng kết thúc công việc lựa chọn; chịu trách nhiệm giải trình nếu có ý kiến. Các cơ quan quản lý địa phương chịu trách nhiệm tổng hợp các kết quả lựa chọn từ các trường, báo cáo với UBND tỉnh, thành phố và báo cáo về Bộ GD&ĐT đúng theo quy định.
Ông Thái Văn Tài thông tin, qua kiểm tra rà soát, các sở GD&ĐT đều đã thực hiện theo đúng thông tư 01 của Bộ. Tổng hợp trên chung toàn quốc cho thấy đa số các tỉnh lựa chọn đầy đủ các môn học trong 5 bộ sách. Có 35 tỉnh có lựa chọn SGK từ 5 bộ, số tỉnh còn lại chọn từ 2 bộ trở lên. Số tỉnh chọn 2 bộ rất ít, chỉ có 3 địa phương là Tiền Giang, Phú Thọ và Lâm Đồng. Nếu tính thêm môn tự chọn là tiếng Anh thì những tỉnh này thực chất là lựa chọn từ 3 bộ trở lên. Vì vậy, Bộ vẫn khẳng định các tỉnh đều chọn từ 3 bộ trở lên bao gồm cả môn tự chọn là tiếng Anh.
Đặc biệt, ông Tài cho hay có 2 tỉnh “hơi khác” với mặt bằng chung so với các địa phương còn lại là Long An, Khánh Hòa khi 100% các trường chỉ 1 bộ. Trong đó, Long An chọn bộ sách Cánh diều của NXB Sư phạm Hà Nội và NXB ĐH Sư phạm TPHCM; Khánh Hòa chọn bộ Kết nối tri thức của NXB Giáo dục Việt Nam. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu hai địa phương gửi toàn bộ quy trình thực hiện chọn sách và các hồ sơ liên quan.
Tại Long An, theo báo cáo của Sở GD&ĐT, tỷ lệ các trường chọn bộ SGK Cánh diều là khoảng hơn 70%. Nhưng sau đó Sở đã làm tờ trình UBND tỉnh xin ý kiến chọn 1 bộ SGK được các trường lựa chọn tỷ lệ cao nhất để dùng chung cho tỉnh.
Như vậy, quá trình triển khai, thực hiện chọn SGK thì các trường của tỉnh Long An đều làm đúng theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội và thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, đến khâu cuối tổng hợp kết quả và báo cáo UBND tỉnh, báo cáo Bộ GD&ĐT thì Sở GD&ĐT Long An làm không đúng với tinh thần của Thông tư 01. Bộ đã có ý kiến và Sở Long An đã cam kết là thực hiện đúng tôn trọng kết quả các trường gửi về.
Video đang HOT
Riêng với Khánh Hòa, ông Tài cho hay Bộ đã có ý kiến với UBND tỉnh. Sở GD&ĐT báo cáo cho thấy, các hồ sơ cung cấp về Bộ GD&ĐT liên quan đến đơn vị cấp huyện (phòng giáo dục) cho thấy các đơn vị cấp này gửi về sở vẫn lựa chọn duy nhất 1 bộ sách. “Chiếu theo thông tư 01 thì thấy Sở GD&ĐT Khánh Hòa rất tôn trọng sự lựa chọn của các cơ sở giáo dục, báo cáo của Sở cũng trung thực với Bộ và với UBND tỉnh”, ông Tài nói.
Vì vậy, Bộ đã yêu cầu Khánh Hòa tiến hành rà soát toàn bộ quy trình. Sở GD&ĐT Khánh Hòa đang thực hiện theo đúng chức năng của mình, tiến hành các bước rà soát lại toàn bộ quy trình.
Nhưng cũng phải nói rõ thêm, đó là đối với 8 môn bắt buộc. Còn riêng đối với môn tự chọn là tiếng Anh, Khánh Hòa đã chọn 1 NXB khác. Nếu tính cả 9 môn thì Khánh hòa chọn 2 bộ SGK.
“Nếu thực chất công tác lựa chọn SGK tại Khánh Hòa diễn ra theo đúng quy trình, quy định của thông tư 01 thì đây cũng là một phương án lựa chọn của các trường. Và không có những chỉ đạo trái quy định, những yêu cầu trái với quy định thì phải tôn trọng sự lựa chọn của các trường. Tuy nhiên, Bộ đã yêu cầu phải rà soát lại tất cả các công đoạn”, ông Tài cho hay.
Phụ huynh lớp 1 có thực sự được chọn sách giáo khoa?
Theo quy định trong hội đồng chọn sách giáo khoa phải có phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, điều này không thực hiện được vì thời điểm chọn sách, không trường nào biết phụ huynh lớp 1 năm học tới là ai để mời vào hội đồng.
Giáo viên tiểu học ở Hà Nội nghiên cứu chọn SGK lớp 1 - Đ.T.Đ
Không biết ai là phụ huynh lớp 1 năm học tới để mời
Một tác giả viết sách giáo khoa (SGK) toán lớp 1 trong chương trình mới tâm sự, ông mới đi tập huấn dạy SGK lớp 1 và được nghe những chuyện hậu trường chọn SGK và cảm thấy buồn, lo.
"Nghĩ đến tiểu học là nghĩ đến tuổi thơ, là nghĩ đến 5 năm đầu đời cắp sách đến trường của trẻ, mà sao khi chọn sách thì chính các con cùng cha mẹ là khách hàng, là thượng đế lại là người đứng ngoài cuộc. Khách hàng ở khu vực thành thị không lo thiếu tiền mua SGK mà chỉ lo chất lượng và sự minh bạch", tác giả này chia sẻ.
Thông tư hướng dẫn chọn SGK của Bộ GD-ĐT cũng quy định thành viên trong hội đồng chọn sách của mỗi trường phải có đại diện cha mẹ học sinh (HS). Trước thời điểm chọn SGK, nhiều nhà trường rất băn khoăn về quy định này, đặc biệt với việc chọn SGK lớp 1. Lãnh đạo Trường tiểu học - THCS Newton (H.Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: Khi chọn SGK, HS lớp 1 đang học mẫu giáo 5 tuổi. Như vậy, việc mời phụ huynh nào để chọn sách là rất khó.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, Hà Nội, cũng cho biết tất cả các trường trong Q.Tây Hồ đều mời đại diện cha mẹ HS vào hội đồng chọn SGK. Tuy nhiên, thực tế thì các đại diện cha mẹ HS đều là phụ huynh cũ ở trường chứ chưa thể biết ai có con sắp vào lớp 1 để mời. Do vậy chủ yếu họ đóng vai trò giám sát xem các trường chọn SGK có theo đúng quy trình và khách quan hay không chứ không phải họ chọn như một chuyên gia.
Phải đảm bảo quyền được biết của phụ huynh
Bộ GD-ĐT đã quy định rất rõ các cơ sở giáo dục phải công khai bộ SGK được chọn trước ít nhất 4 tháng trước năm học mới. Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, đến thời điểm này, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến ngày khai giảng năm học mới nhưng hầu hết phụ huynh HS ở Hà Nội vẫn chưa biết trường con mình định gửi vào hoặc trường đúng tuyến trên địa bàn tuyển sinh đã chọn SGK gì, của nhà xuất bản nào, giá bán bao nhiêu... Phụ huynh nào quan tâm lại phải tự đi tìm hiểu hoặc "hỏi dò" thông tin trường con mình sắp học sẽ chọn bộ SGK nào.
Chị Đàm Thu Thảo, ở khu Mỹ Đình, Hà Nội có con gái sắp vào lớp 1, cho biết: "Nhà trường thì căn cứ vào chương trình hay văn bản gì đó chỉ đạo của Bộ GD-ĐT chứ phụ huynh HS chỉ có thể đọc SGK thì mới hình dung con mình học gì. Hồi chị gái của cháu vào lớp 1 tôi đã đi mua từ rất sớm để mẹ con cùng xem, nhưng năm nay thì khá sốt ruột".
Anh Lê Hữu Hiệp, ở phố Nguyễn Huy Tưởng, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết đã định cho con dự tuyển vào trường tiểu học ngoài công lập trên địa bàn quận nhưng trường này đã chọn một bộ SGK lại có vẻ rất thiếu tính hiện đại nên anh đang rất băn khoăn cho việc học của con.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, cho rằng các trường phải sớm thực hiện "quyền được biết" của phụ huynh về bộ SGK mà trường đã quyết định lựa chọn để họ biết bộ sách tên gọi là gì, hình thức ra sao, giá cả thế nào... "Đó là những nhu cầu tối thiểu nhất mà phụ huynh có quyền được biết ngay sau khi nhà trường có kết quả bỏ phiếu chọn SGK", ông Lâm nói.
Dù cho rằng tất cả phụ huynh không cần thiết phải được lấy ý kiến nhận xét về SGK để làm căn cứ lựa chọn nhưng ông Lâm cho hay kể cả SGK đó được lựa chọn rồi nếu phụ huynh chỉ ra những vấn đề bất cập rõ ràng, xác đáng thì nhà trường cũng cần phải tiếp thu và xem xét. Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng phải xem lại quy định như thế nào để đảm bảo tính khả thi, tránh việc quy định "cho có".
GS-TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định phụ huynh rất cần biết SGK của trường con mình ra sao để hướng dẫn con học vì HS tiểu học, nhất là lớp 1 rất cần sự kèm cặp của gia đình.
GS Đinh Quang Báo nêu quan điểm: Hội đồng lựa chọn SGK cũng có trách nhiệm giải thích, tập huấn, thảo luận... để phụ huynh HS tham gia lựa chọn sách có được hướng tiếp cận, định hướng khoa học, đúng hướng để đồng hành với nhà trường trong giáo dục con.
Ý kiến
Chỉ mang tính hình thức
Việc đưa ban đại diện cha mẹ HS vào thành phần hội đồng lựa chọn SGK chỉ mang tính hình thức chứ thực sự không thể hiện vai trò. Bởi tiếng nói và ý kiến đóng góp của ban lúc này không đại diện cho những phụ huynh có con em sắp vào học lớp 1 - người sử dụng bộ SGK mới. Nếu quả thực có sự trọng thị muốn có những ý kiến đóng góp khách quan thì vẫn có thể mời phụ huynh có quan tâm, có năng lực cùng tham gia.
Cao Huy Thảo (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc TP.HCM)
Một quy trình phi giáo dục
Quy trình thực hiện việc lựa chọn sách như hiện nay thể hiện sự phi giáo dục. Thực tế thì giáo viên chỉ là người đưa ra ý kiến nhận định, còn thụ động, theo chỉ đạo, nhìn cấp quản lý, lo ngại việc kiểm tra đánh giá nếu không theo "cái chung". Việc đưa phụ huynh HS vào hội đồng lựa chọn sách cũng mang tính hình thức. Chưa kể để những phụ huynh đại diện cho đợt chọn sách này không phải là những phụ huynh có con em học lớp 1 sắp tới, sao có thể đại diện, sao có thể hiểu họ cần gì ở chương trình giáo dục sắp tới?
Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD- ĐT TP.HCM)
Không biết phải tham gia thế nào ?
Có nghe qua thông tin năm tới HS lớp 1 sẽ học theo chương trình SGK mới do trường lựa chọn nhưng tôi chưa từng xem qua các bộ sách hay được trường tiểu học nào giới thiệu. Nếu được lựa chọn sách cho con, tôi sẽ sẵn sàng tham gia, nhưng con mình chưa vào lớp 1, cũng chưa xác định được là sẽ học trường nào nên mình biết phải tham gia thế nào?
H.H (Phụ huynh có con học lớp lá tại Trường mầm non Hoa Anh Đào, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Chúng tôi không hay biết gì !
Trường cũng như phụ huynh của trường không hề biết đến việc chọn SGK cho HS lớp 1 năm tới. Không ai thông báo hay yêu cầu phụ huynh của trường tham gia vào việc này. Chúng tôi không hay biết gì.
T.H - (Hiệu trưởng một trường mầm non công lập tại TP.HCM)
Bích Thanh - Nguyễn Loan (ghi)
TPHCM: Dự báo trước tình huống khi triển khai SGK lớp 1 mới Ngày 22-5, Văn phòng UBND TPHCM thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 năm học 2020-2021. SGK lớp 1 theo chương trình mới sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm học 2020-2021 Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM...