Hội chứng mệt mỏi mạn tính ở người trẻ tuổi- Nguy cơ đến từ COVID-19
Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, ngay cả khi bị mắc COVID-19 nhẹ, những bệnh nhân trẻ tuổi cũng có thể gặp hội chứng mệt mỏi mạn tính.
Mặc dù người lớn tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do nhiễm COVID-19, nhưng kết quả nghiên cứu mới đây được đăng trên Tạp chí Frontiers in Medicine cho thấy những bệnh nhân trẻ tuổi cũng có thể gặp các vấn đề về mệt mỏi kéo dài và giảm khả năng tập trung, ngay cả khi họ bị mắc COVID-19 nhẹ.
Đó là kết quả đáng lo ngại từ 3 trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 có độ tuổi từ 19 đến 30. Theo nhóm nghiên cứu, tất cả bệnh nhân đều xuất hiện các triệu chứng điển hình của hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS).
Ảnh hưởng của CFS sau nhiễm COVID-19
Tiến sĩ Peter Rowe, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết thêm khi bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, cả 3 người đều biểu hiện bệnh lý hô hấp tương đối nhẹ và không cần thở oxy hay nhập viện. Tuy nhiên, tất cả đều xuất hiện tình trạng mệt mỏi và choáng váng, cũng như khó tập trung. Cả 3 người đều không thể hoàn thành các công việc mà họ thường thực hiện một cách dễ dàng khi chưa nhiễm bệnh, chẳng hạn như ngồi thẳng lưng trước máy tính, nấu ăn và tập thể dục.
Nhóm nghiên cứu xác định rằng tất cả bệnh nhân đều có các triệu chứng điển hình của CFS, tình trạng mà hiện nay được gọi là ME/CFS (viêm não tủy đau cơ/ hội chứng mệt mỏi mạn tính). Và ở cả 3 bệnh nhân, các triệu chứng này vẫn tồn tại kéo dài trên 1 năm.
Hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể kéo dài vĩnh viễn khiến người mắc trở thành tàn phế
Rowe cho biết chẳng hạn như một trong số bệnh nhân trẻ tuổi, là người chạy việt dã, thường xuyên chạy khoảng 95-110km mỗi tuần. Nhưng sau khi nhiễm COVID-19 và xuất hiện triệu chứng CFS, bệnh nhân chỉ có thể đi bộ 15 phút, 2 lần mỗi ngày. Một bệnh nhân khác đã không thể làm việc trong suốt năm vừa qua vì mức độ mệt mỏi và suy nhược thần kinh, mặc dù cô ấy là một nhà nghiên cứu khoa học.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy cả 3 bệnh nhân đều mắc chứng “không dung nạp tư thế đứng” nghiêm trọng, là tình trạng khiến bệnh nhân choáng váng hoặc cảm thấy mệt lả và tim đập nhanh khi đứng yên trong vài phút. Tất cả đều xuất hiện tình trạng “không dung nạp tập thể dục” – biểu hiện là tình trạng khó chịu nghiêm trọng sau khi gắng sức, cũng như tình trạng viêm liên quan đến dị ứng, bao gồm các đợt phát ban tái diễn và không dung nạp một số loại thực phẩm. Đồng thời, tất cả bệnh nhân đều khổ sở vì các triệu chứng chính khác của CFS như ngủ kém, khó tư duy và tập trung.
Tiến sĩ Colin Franz, Phó giáo sư về phục hồi chức năng và thần kinh học thuộc Đại học Northwestern, cho biết các triệu chứng CFS đã xuất hiện ở nhiều bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục sau nhiễm COVID-19. Dữ liệu gần đây cũng cho thấy phần lớn bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành xuất hiện tình trạng sương mù não, đau đầu, tê và ngứa, đau nhức cơ.
Video đang HOT
Nguyên nhân gây CFS sau COVID-19 và biện pháp đối phó
Rowe nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa rõ căn nguyên gây ra tình trạng bất thường này. Khả năng có thể là do tác động trực tiếp của virut đến hệ thần kinh thực vật của bệnh nhân hoặc đó có thể do tác động gián tiếp từ đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân với virut. Tuy nhiên, trong khi các phương pháp điều trị có hiệu quả trong kiểm soát tình trạng viêm và nhịp tim nhanh, thì các bệnh nhân vẫn bị tình trạng suy nhược hàng ngày mặc dù đã nỗ lực điều trị tích cực. Tình trạng này tiếp tục gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ từ 11 đến 14 tháng.
Tiêm vắc xin COVID-19 là một biện pháp phòng bệnh hữu hiệu
Các nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên cho những người trẻ tuổi, đó là: Hãy tiêm phòng vắc xin. “ME/CFS là chứng bệnh quái ác cướp đi cơ hội được sống một cuộc sống bình thường, như được tư duy, vận động theo ý muốn và nâng cao trình độ học vấn hoặc sự nghiệp của một người. Nó có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí là vĩnh viễn, điều này khiến nhiều người trở thành tàn phế. Chúng ta cần cố gắng áp dụng mọi biện pháp để tránh bị ME/CFS sau nhiễm COVID-19 và biện pháp đơn giản nhất để ngăn ngừa nguy cơ này là tiêm vắc xin phòng Covid-19″, Rowe nói.
Ông cho biết thêm: “Vợ tôi và tôi đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Và khi có thể, tôi cũng sẽ tiêm vắc xin cho những đứa con còn rất nhỏ của mình”.
Chăm sóc sức khỏe người mắc các bệnh không lây nhiễm trước nguy cơ của dịch bệnh Covid-19
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những người mắc các bệnh không lây nhiễm (KLN) có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn những người khác và cần được bác sỹ theo dõi sức khỏe, thăm khám thường xuyên tại cơ sở y tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều người mắc các bệnh KLN ngại đến cơ sở y tế hoặc khó tiếp cận cơ sở y tế do giãn cách xã hội, cơ sở y tế bị cách ly, phong tỏa nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị, phục hồi sức khỏe.
Vậy làm thế nào để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho những người mắc các bệnh KLN, nhất là trong những đợt cao điểm của dịch bệnh Covid-19 là sự quan tâm của nhiều người. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh KLN và cách chăm sóc sức khỏe phù hợp, phóng viên Báo Quảng Bình đã có buổi trò chuyện với chuyên gia y tế Cuba về lĩnh vực tim mạch can thiệp Piter Martínez Benítez, đang công tác tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
Chuyên gia Piter Martínez Benítez thăm khám cho người bệnh tại Khoa Nội Tim mạch Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
PV: Bệnh KLN là những bệnh gì, thưa bác sĩ?
Chuyên gia Piter Martínez Benítez: Bệnh KLN là bệnh không lây trực tiếp từ người này sang người khác. Bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm, bao gồm bệnh lý về tim mạch, ung thư, hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn), tiểu đường, bệnh thận mãn tính, viêm xương khớp, loãng xương, bệnh Alzheimer và những bệnh khác. Mỗi năm, có khoảng 41 triệu người tử vong vì bệnh KLN, tương đương 71% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Đây là những bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và thường phải chăm sóc, điều trị lâu dài. Những người mắc các bệnh KLN cần xét nghiệm máu để biết tình trạng bệnh tật và tái khám định kỳ để ngăn ngừa các biến chứng. Mặt khác, những người mắc các bệnh như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, bệnh thận mãn tính, ung thư... có nguy cơ bị biến chứng và tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời và chăm sóc sức khỏe thường xuyên.
PV: Vậy theo bác sĩ, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đối với những người măc các bênh KLN?
Chuyên gia Piter Martínez Benítez: Covid-19 đang gây ra tác động đáng kể đến các dịch vụ y tế đối với bệnh KLN. Theo tôi, đại dịch này đã ảnh hưởng đến những người bệnh này theo hai hướng:
Thứ nhất, những người đang sống chung với bệnh KLN có nguy cơ cao mắc Covid-19 cao hơn người bình thường do sức đề kháng kém. Và khi mắc Covid-19, người vốn đã mắc bệnh mạn tính sẽ bị nặng hơn rất nhiều so với người bình thường. Thực tế cho thấy, phần lớn các trường hợp tử vong hoặc có biến chứng nặng do Covid-19 đều có tiền sử huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh tim mạch và ung thư.
Thứ hai, các dịch vụ phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng cho người mắc các bệnh KLN bị gián đoạn nghiêm trọng kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Từ thực tiễn công việc ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tôi thấy rằng, trong các đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch, huyết áp... nhập viện điều trị nội trú và ngoại trú giảm đáng kể.
Một số bệnh nhân đã tham gia điều trị trong thời gian dài, sức khỏe đang có tiến triển tốt nhưng vì ngại đến bệnh viện nên chương trình điều trị bị gián đoạn. Không ít bệnh nhân đến bệnh viện muộn dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, nguy cơ tử vong cao. Theo tôi, những người mắc bệnh mạn tính cần phải được chăm sóc, điều trị, theo dõi sức khỏe thường xuyên tại các cơ sở y tế có chuyên khoa.
PV: Làm gì để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, nhất là những người mắc bệnh mạn tính trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, thưa bác sĩ?
Chuyên gia Piter Martínez Benítez: Chúng ta vẫn chưa biết thế giới sẽ mất bao lâu để kiểm soát đại dịch này, vì vậy, chúng ta phải tìm cách sống chung với dịch bệnh an toàn; đồng thời không để gián đoạn các dịch vụ y tế trong chăm sóc sức khỏe nhất là đối với những người mắc bệnh KLN.
Để giữ gìn sức khỏe, tránh các nguy cơ dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn hoặc tử vong, những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, ung thư, tiểu đường... không bao giờ được tự ý ngừng điều trị. Nếu tạm thời không thể đến cơ sở y tế hãy thường xuyên giữ liên lạc với bác sỹ điều trị để trao đổi thông tin, hỗ trợ điều trị khi cần thiết.
Người bệnh nên duy trì thành quả điều trị bằng việc đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị phù hợp và nên nhớ thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, người bệnh cần tập trung vào chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần, tránh các thói quen độc hại như sử dụng rượu và khói thuốc lá; đồng thời phải đo huyết áp thường xuyên. Đối với người mắc bệnh tiểu đường phải kiểm tra định kỳ đường huyết. Người mắc các bệnh KLN cần duy trì các biện pháp phòng ngừa để tránh bị nhiễm Covid-19 vì nếu bị nhiễm tình trạng sức khỏe sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Điều quan trọng nữa là các cơ sở y tế cần tạo môi trường an toàn cho người dân đến tái khám, điều trị và phải thúc đẩy các sáng kiến tư vấn qua internet, bảo đảm các biện pháp bảo vệ cho nhân viên y tế khi triển khai công việc, nhất là tại các bệnh viện.
Tôi nghĩ, nếu không tuân thủ quá trình điều trị, sẽ có không ít người không chết vì Covid-19 mà chết vì không được cấp cứu, điều trị kịp thời do mắc các bệnh KLN. Vì vậy, người bệnh cần được cung cấp thông tin rõ ràng và chính xác về tình hình bệnh tật để có hướng chăm sóc, điều trị phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe trước các nguy cơ của dịch bệnh Covid-19.
Hướng dẫn của Bộ Y tế về bệnh không lây nhiễm trước đại dịch
Covid-19
1.Hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời vẫn phải duy trì đều, ổn định chế độ điều trị hiện tại kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, tránh căng thẳng.
2.Không tự ý ngừng/bỏ thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác. Nên có đủ thuốc trong thời gian dài, ít nhất là 1 tháng.
3.Khuyến khích tự theo dõi tình trạng bệnh tại nhà nhưng không do dự việc đi khám nếu đã có các biêu hiên bất thường để tránh biến chứng nặng.
4.Nếu có bất thường trong quá trình tự theo dõi bệnh tại nhà hoặc lịch khám định kỳ bị hoãn do dịch bệnh, nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế theo đúng hẹn.
5.Khi bắt buộc phải đi khám chữa bệnh, nên đến tuyến y tế cơ sở và phải đặt lịch hẹn trước và thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm đồng thời giảm tải cho cơ sở y tế.
6.Khi đến cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt khi nhiễm Covid-19, cần cung cấp đầy đủ thông tin về phác đồ điều trị bệnh hiện tại hoặc các bệnh lý khác để tránh các tương tác thuốc bất lợi và để hiệu chỉnh liều hợp lý các thuốc điều trị khi phải dùng các thuốc điều trị Covid-19 hoặc các bệnh khác.
7.Tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về dự phòng lây nhiễm Covid-19 để phòng lây nhiễm.
Phát triển vắc xin COVID-19 cho trẻ nhỏ Các chuyên gia cho biết, điều quan trọng là phải tiêm phòng cho trẻ em ở mọi lứa tuổi để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để kiểm tra vắc xin ở trẻ nhỏ hơn. Dự kiến vắc xin COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi sẽ có vào tháng 9 hoặc...