Học viện Công nghệ BCVT mở ngành đào tạo mới
Từ năm học 2011, Học viện Công nghệ BCVT (PTIT), đơn vị thành viên VNPT sẽ chính thức mở ngành đào tạo Công nghệ đa phương tiện. PTTT là cơ sở đào tạo Đại học đầu tiên của Việt Nam phát triển ngành đào tạo này.
Đào tạo trên cơ sở tương tác, hội tụ
Theo học ngành Công nghệ đa phương tiện, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức toàn diện về các nguyên tắc thiết kế và sáng tạo, cùng với các kỹ thuật và công cụ thiết kế để tạo ra các ứng dụng đa phương tiện tương tác trên hạ tầng hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình và Internet.
Sự khác biệt của ngành đào tạo này với các ngành khác đó chính là khả năng kết hợp kiến thức đa ngành để tạo ra một sản phẩm theo yêu cầu của xã hội.
Hiện nay mô hình đào tạo đang theo hướng chuyên sâu, thiếu liên kết ngang nên chưa phát huy hết khả năng sáng tạo của sinh viên, tận dụng lợi thế ứng dụng đa ngành, do vậy mới có tình trạng một Kỹ sư tin học thì không có khái niệm về mỹ thuật, còn kỹ sư đồ họa yếu về kỹ thuật vi tính và ngoại ngữ….
Do đó khi theo học ngành thiết kế sáng tạo đa phương tiện, một sản phẩm được làm ra sẽ hội tụ nhiều tính năng của nhiều chuyên ngành khác nhau. Ví dụ, một sinh viên thiết kế đồ họa sẽ được trang bị cả kiến thức về viễn thông, công nghệ thông tin, điện điện tử, đạo diễn hình ảnh, âm thanh… từ đó một sản phẩm đồ họa được làm ra sẽ tích hợp nhiều ứng dụng. Hơn thế nữa đó là khả năng sáng tạo và năng động của người lao động được phát huy tối đa ở nhiều môi trường làm việc khác nhau.
Đem lại lực lượng lao động “tinh hoa”
Tại các nước phát triển trên thế giới, ngành đào tạo công nghệ đa phương tiện đã được hình thành và phát triển từ khá lâu và đây là một ngành học tạo ra một lực lượng lao động “tinh hoa” đem lại nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, hội tụ được những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất. Tại Việt Nam, Ngành học này vẫn chưa được phát triển ở mô hình đạo tạo cấp Đại học mà mới hình thành ở một vài trung tâm nghề. Do đó tính liên kết đa ngành giữa các trường đại học chưa thực hiện được.
Theo chương trình đào tạo đã được Bộ giáo dục thẩm định, dự kiến kết cấu của ngành đào tạo đa phương tiện của PTIT sẽ được chia thành 3 phần cơ bản.
Thứ nhất là Kiến thức giáo dục đại cương gồm các kiến thức giáo dục phổ cập về lý luận, Khoa học xã hội, kiến thức về Mỹ thuật…
Video đang HOT
Phần thứ hai là khối Kiến thức cơ sở ngành trang bị cho sinh viên kiến thức cơ sở cốt lõi và cần thiết về âm thanh, hình ảnh và video, truyền thông đa phương tiện, Internet, Web, đa phương tiện tương tác, …
Cuối cùng là khối kiến thức ngành: trang bị cho sinh viên kiến thức toàn diện và hiện đại về đa phương tiện, tập trung vào thiết kế và sáng tạo các ứng dụng đa phương tiện tương tác như Web, Games, đồ họa 2D/3D, hoat hinh, phim điên anh và truyền hình, âm thanh…
Sau khi tốt nghiệp sinh viên có năng lực đảm nhận công việc các vị trí cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo đa phương tiện.
Vị trí và vai trò cụ thể của sinh viên tốt nghiệp dự kiến sẽ bao gồm: Thiết kế đồ họa 2D/3D, Thiết kế hoạt hình, Thiết kế Games, Thiết kế/phát triển Web, Thiết kế sản phẩm R&D, Thiết kế giao diện, Tư vấn và thiết kế quảng cáo, nội dung đa phương tiện, Giám đốc kỹ thuật, Sản xuất phim điện ảnh và truyền hình kỹ thuật số…
250.000 lao động cho CNTT và truyền thông
Tiến sỹ Lê Nhật Thăng, người chủ trì xây dựng chương trình đào tạo ngành học công nghệ đa phương tiện của PTIT cho biết: Việc tiên phong triển khai ngành đào tạo mới này sẽ góp phần đảm bảo yêu cầu đào tạo 250.000 lao động cung cấp cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông, hướng tới hiện thực hóa đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.
Chuyên ngành này cũng sẽ tạo ra mô hình, cơ chế liên kết đào tạo giữa các khoa, bộ môn trong một trường và giữa các trường với nhau. Dự kiến trong năm đào tạo đầu tiên Học viện sẽ liên kết với hơn 10 trường đại học các chuyên ngành khác nhau trên toàn quốc để đào tạo ngành học này.
Là một trong các trường đại học, có uy tín về đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trong hệ thống các trường đại học của cả nước, từ năm 2009, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã được Bộ TT&TT bình chọn và trao giải là Cơ sở đào tạo nhân lực CNTT hiệu quả nhất. Mục tiêu phát triển của Học viện trong giai đoạn 2011 – 2015 theo hướng trở thành trường Đại học nghiên cứu với tầm nhìn trở thành tổ chức nghiên cứu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với chất lượng và trình độ quốc tế.
Theo VNN
Thí sinh dự thi vào trường "tốp trên" giảm mạnh
Thông tin bất ngờ trong mùa tuyển sinh năm nay, số thí sinh làm thủ tục dự thi vào các trường đại học "tốp trên" như ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Học viện Công nghệ BCVT, Kinh tế quốc dân... giảm mạnh, chỉ đạt trên 50%.
Thông tin từ nhiều trường đại học cho biết, năm nay rất ít thí sinh phải chỉnh sửa sai sót trong hồ sơ. Buổi làm thủ tục dự thi diễn ra khá nhanh chóng chỉ trong buổi sáng.
Tuy nhiên, tại nhiều trường đại học, số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi giảm khá nhiều so với lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), đặc biệt là các trường đại học "tốp trên" chỉ đạt trên 50%, ngược lại các trường "tốp giữa" lại tăng đạt trên 70%.
Một phòng thi vắng vẻ của Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Trao đổi với Dân trí, bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại Thương cho biết: "Số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng nay đạt 53,5%. Cụ thể, có 4.350 hồ sơ ĐKDT nhưng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 2.328. Tại cơ sở II trong TPHCM số thí sinh đến dự thi cao hơn một chút. Trong số 1.255 hồ sơ ĐKDT có 739 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, đạt 59%. Như vậy, toàn trường ĐH Ngoại thương năm nay số thí sinh đến dự thi đạt 54,7% là 3.067 thí sinh đến dự thi trên tổng số 5.605 hồ sơ".
Trường ĐH Kinh tế quốc dân, số lượng hồ sơ ĐKDT vào khối A năm nay là 19.227, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 9.886, đạt 52%. Theo GS Dong, trưởng phòng đào tạo cho hay, số lượng thí sinh dự thi năm nay giảm hơn so với năm trước một chút.
Tương tự, tại Học viện Ngân hàng, trao đổi với Dân trí, ông Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo của trường cũng khá bất ngờ về số lượng thí sinh dự thi vào trường. Số lượng thí sinh ĐKDT năm nay là 12.200 nhưng số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi chỉ đạt 53,28%.
Theo ông Dũng, do thí sinh dự thi năm nay "khôn ngoan" hơn đã chọn trường vừa sức với mình. Ví dụ: mọi năm số thí sinh tập trung đăng ký vào ngành Tài chính ngân hàng (ngành có điểm chuẩn cao) đông nhất trường thì năm nay số lượng này đã giảm.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, số lượng thí sinh đến dự thi năm nay giảm đáng kể. Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện, cho biết: "Năm 2011, cả trường có 6.955 hồ sơ ĐKDT. Phía Bắc số thí sinh đến dự thi đạt 58%, trong Nam cao hơn 72,6%. Tổng số thí sinh dự thi vào trường năm nay đạt 61,4%".
Ông Lập ước tính, mỗi phòng thi có khoảng 40% thí sinh bỏ thi so với số lượng ĐKDT
Trường ĐH Xây dựng, số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi giảm khá nhiều. Theo thầy Lê Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường, số lượng hồ sơ ĐKDT là 13.657, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 8.874, đạt 64,98%.
Thông tin từ trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, theo ông Triệu Nam Hải, phòng đào tạo nhà trường, năm nay trường có 21.478 hồ sơ ĐKDT, có 14.300 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, đạt gần 68%. Trường năm nay có 21 nghìn đăng ký dự thi giảm một chút so với năm 2010. Trường tổ chức thi ở 5 cụm gồm: Hà Nội, Vinh, TPHCM, Quy Nhơn và Cần Thơ.
Ngược lại các trường "tốp giữa" năm nay số thí sinh đến dự thi cao hơn năm trước. Cụ thể, trường ĐH Điện lực, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi đạt 70% là 8.367 trên tổng số 12.106 hồ sơ ĐKDT.
Trường ĐH Mỏ - Địa chất, theo ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo cho biết, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi năm nay cao hơn năm trước đạt 72,5% trên tổng số 14.739 hồ sơ ĐKDT. Tương tự, Trường ĐH Lâm nghiệp năm nay có tới 78% thí sinh đến làm thủ tục dự thi trên tổng số 11.000 hồ sơ ĐKDT.
Theo thống kê, số hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2011 là 15.682 bộ, trong đó 15.397 hồ sơ ĐKDT hệ đại học và 285 hồ sơ chỉ ĐKDT để xét tuyển hệ cao đẳng. Tỉ lệ thí sinh đến làm thủ tục tại tất cả các địa điểm thi trong sáng nay đạt 63%.
Chiều tối nay, Bộ GD-ĐT sẽ công bố số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi của cả nước. Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật.
Theo Dân Trí